Ông Mã thăm đảo ‘xâm phạm chủ quyền VN'
Theo BBC
29 tháng 1 2016
Thông cáo phát đi từ Hà Nội hôm 28/1 của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc lãnh đạo Đài Loan, bất chấp quan ngại của Việt Nam và của cộng đồng quốc tế, vẫn tiến hành chuyến đi đến đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại những phát biểu gần đây của phía Đài Loan mong muốn đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Chúng tôi kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Đài Loan chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự, làm leo thang căng thẳng, phức tạp tình hình ở Biển Đông”.
Trước đó, Reuters dẫn lời ông Trần Duy Hải – Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc: "Chuyến thăm của ông Mã chỉ làm tăng căng thẳng trong khu vực".
Hãng tin này cũng cho hay: “Hoa Kỳ, một đồng minh lớn của Đài Loan, nhận định chuyến đi 'cực kỳ vô ích' và không có tác động gì trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải”.
'Di sản'
Việt Nam, Philippines và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này, là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.
Ông Mã và đoàn tùy tùng khoảng 30 người đã rời Đài Bắc từ sáng sớm để tới đảo Ba Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, trên chiếc phi cơ vận tải C-130 của không quân Đài Loan.
Tại đây, Đài Loan đã xây dựng cơ sở hạ tầng với hải đăng, cầu cảng và đường băng.
Nước này có khoảng 200 binh lính, khoa học gia và nhân viên y tế sống và làm việc ở Ba Bình.
Ngoài đảo này Đài Loan cũng kiểm soát một số đảo nhỏ khác ở Biển Đông.
Sau khi hạ cánh xuống Ba Bình, ông Mã đã có phát biểu trước một tượng đài trên đảo và kêu gọi phát triển tài nguyên biển một cách hòa bình.
Ông cũng ca ngợi việc xây dựng trạm xá 10 giường bệnh và hải đăng ở nơi đây, cho rằng các cơ sở này củng cố chủ quyền của Đài Loan và cho phép tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế xung quanh đảo.
Hôm 27/1 người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Đài Loan nói Việt Nam cực lực phản đối chuyến thăm.
Philippines cũng đã bày tỏ quan ngại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nói tại Manila rằng các nước không nên có các hành động làm phức tạp thêm tình hình.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Mark Toner nói tại Washington rằng Hoa Kỳ "thất vọng" về chuyến đi của ông Mã và cho rằng nó có thể làm tăng căng thẳng trong khu vực.
Lý do Tổng thống Mã Anh Cửu hô hào chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông được giới học giả cho là vì ông Mã muốn đây là một trong những di sản mà ông để lại sau khi mãn nhiệm tháng 5/2016.
Ông đã mời tổng thống đắc cử Thái Anh Văn tham gia chuyến đi nhưng bà Thái khước từ.
Nhận xét
Đăng nhận xét