Cao ủy Tị nạn LHQ tìm nơi tái định cư cho 5 triệu người Syria

   
Các nước láng giềng của Syria đang cung cấp nơi tạm trú cho khoảng 4,8 triệu người tị nạn. Cao ủy Tị nạn LHQ nói rằng các nước khác phải gánh vác một phần gánh nặng này.
Các nước láng giềng của Syria đang cung cấp nơi tạm trú cho khoảng 4,8 triệu người tị nạn. Cao ủy Tị nạn LHQ nói rằng các nước khác phải gánh vác một phần gánh nặng này.

 
Theo VOA
Lisa Schlein
 
Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc bắt đầu chiến dịch vận động để các nước trên thế giới tái định cư cho gần 5 triệu người Syria tị nạn thuộc diện dễ bị tổn thương nhất. Theo tường thuật của thông tín viên Lisa Schlein của đài chúng tôi tại Geneve, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc hối thúc các đại diện của hơn 90 nước tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng dành nơi tị nạn cho người Syria thông qua chương trình tái định cư và các chương trình nhân đạo khác.
Các nước láng giềng của Syria đang gánh vác phần lớn gánh nặng của vụ khủng hoảng người Syria tị nạn. Các nước này đang cung cấp nơi tạm trú cho khoảng 4,8 triệu người tị nạn. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc nói rằng các nước khác phải gánh vác một phần gánh nặng này.
Cao ủy trưởng Cao ủy Tị nạn, ông Filippo Grandi, nói cơ quan ông đặt ra mục tiêu là tái định cư 10%, tức khoảng 480.000 người tị nạn, trong vòng 3 năm tới. Ông thừa nhận đây là một việc khó khăn, nhất là trong bối cảnh có sự kháng cự ngày càng nhiều của những nước ở Âu châu và các nước khác đối với những người chạy trốn chiến tranh và đàn áp.
Ông cho biết một số lượng lớn những người Syria trong tình cảnh tuyệt vọng đang thực hiện những chuyến vượt biển đầy nguy hiểm qua Địa Trung Hải để tới Âu châu xin tị nạn. Ông cho rằng thoả thuận tái định cư giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ hồi gần đây có phần chắc sẽ không giải quyết được vụ khủng hoảng người Syria tị nạn.
Ông Grandi nói: "Quan điểm mà chúng tôi nêu ra với cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Liên hiệp Âu châu -- và trên thực tế là với cả cộng đồng quốc tế, là những con đường hợp pháp để thu nhận là một biện pháp rất hữu hiệu để thay thế cho những chuyến đi nguy hiểm, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương. Do đó, những cách thức hợp pháp được thực hiện sớm chừng nào thì số người phải dùng tới tàu bè hoặc những phương tiện di chuyển khác để vượt biên sẽ giảm đi nhiều chừng đó."
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên tiếng ủng hộ những đề nghị của Cao ủy Tị nạn.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên tiếng ủng hộ những đề nghị của Cao ủy Tị nạn.

Bên cạnh các chương trình tái định cư, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đề nghị những cách thức hợp pháp khác để các nước xem xét. Những cách thức này gồm có cung cấp học bổng cho sinh viên, cấp thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo, tăng tốc các chương trình đoàn tụ gia đình và nới lỏng những hạn chế của các chương trình này, và cấp thị thực cho những người cần chữa bệnh.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lên tiếng ủng hộ những đề nghị của Cao ủy Tị nạn. Ông nói các nước trên thế giới được hưởng lợi từ những người tị nạn, vì họ mang lại những kỹ năng mới rất quí giá và có nhiều đóng góp tích cực về kinh tế cho xã hội của các nước này.
Ông Ban cho biết: "Những mưu toan làm xấu đi hình ảnh của những người chạy trốn xung đột và đàn áp chẳng những là đê tiện, có tính chất xúc phạm và phản tác dụng, mà còn là không đúng với sự thật. Và những biện pháp để kiểm soát sự nhập cảnh của người tị nạn phải bảo đảm các quyền con người và phẩm giá của tất cả mọi người."
Vụ khủng hoảng tị nạn Syria là vụ khủng hoảng người tị nạn lớn nhất của thế giới kể từ Thế chiến Thứ hai. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết các nước đã đồng ý tái định cư hơn 179.000 người Syria tị nạn kể từ năm 2013. Họ nói rằng họ hy vọng các nước sẽ cam kết nhận thêm người tị nạn tại hội nghị ở Geneve. Họ nói thêm rằng đây là một vụ khủng hoảng toàn cầu, cần có một sự ứng phó toàn cầu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?