Cuba-Mỹ: Từ đối đầu đến hợp tác thận trọng

Cuba-Mỹ: Từ đối đầu đến hợp tác thận trọng    
Fidel Castro phát biểu trước các ủng hộ viên hồi cuối thập niên 1950
 
Hiện ở độ tuổi 70, Elio Garcia nhớ chính xác địa điểm nơi ông có mặt vào ngày 16/4/1961.
“Ở góc phố giao nhau giữa hai đại lộ số 23 và số 12,” ông nói, và bắt đầu đi từ cổng nhà mình đến quận Vedado của thành phố Havana.
“Tôi đứng phía cuối của đám đông nhưng vẫn nhớ rất rõ những gì diễn ra”.
Chỉ hai năm sau khi Fidel Castro và những người ủng hộ lật đổ chế độ độc tài quân sự của Fulgencio Batista, cuộc Cách mạng Cuba non trẻ đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất lúc bấy giờ: cuộc xâm nhập vào Vịnh Con lợn của những người Cuba lưu vong được CIA huấn luyện.
Dự đám tang những người hy sinh trong trận không kích đầu tiên của chiến dịch xâm lược này, ông Castro đã có một trong những bài phát biểu quan trọng nhất của mình.
‘Con đường khó khăn’
Elio trích lại một câu quan trọng trong bài phát biểu: “Họ không thể tha thứ cho chúng ta vì chúng ta đã làm một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ngay sát nách nước Mỹ!”
Đây là bài phát biểu công khai đầu tiên của Castro, theo đó khẳng định bản chất Cách mạng Cuba là theo đường lối chủ nghĩa xã hội chứ không phải chủ nghĩa dân tộc.
“Tôi đã ở đó, tôi đã nhìn thấy,” Elio nói với nụ cười trên môi khi nhớ lại buổi chiều hôm đó, khi ông đang là một thợ cơ khí tập sự mới 20 tuổi.
Lúc đó, ông đã bỏ hết đồ nghề xuống để theo dõi bài phát biểu của vị lãnh tụ cộng sản.
“Bài phát biểu đó đã hướng đất nước chúng tôi đi theo một con đường khó khăn,” ông nói, con đường nhất quán cách mạng đến tận ngày nay.
Đối với Washington, hòn đảo Cuba lúc này chính thức trở thành một phần của Khối Liên bang Xã hội chủ nghĩa Xô Viết.
Vài tháng trước đó, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba và áp đặt một số trừng phạt bước đầu, cấm vận kinh tế.
Mà đó mới chỉ là sự khởi đầu.
Trong vòng 55 năm tiếp theo, Cuba trở là một quốc gia hàng xóm thù địch, một mối đe dọa chỉ cách bờ biển Florida nước của Mỹ có 150 km.
Sự thù địch lên đến đỉnh điểm trong thời kỳ gọi là “khủng hoảng tên lửa Cuba” diễn ra trong suốt 13 ngày căng thẳng vào tháng 10/1962, khi Liên Xô đưa tên lửa đến hòn đảo này, đẩy thế giới đến mấp mé bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Giống như những người Cuba cùng thế hệ, Elio nhớ từng chi tiết về sự đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Cuba trong cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh đầy kịch tính đó.
Một kỷ nguyên mới bắt đầu
Đối với Elio, nhiều thứ đã không thay đổi kể từ thời kỳ Tổng thống Eisenhower tới nay.
Ông vẫn sống tại căn hộ cũ, vẫn làm công việc đó. Sự cấm vận kinh tế của Hoa Kỳ đối với Cuba vẫn nguyên trạng.
Tuy nhiên đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là 12 tháng vừa qua.
Vào tháng 12/2014, Chủ tịch Raul Castro và Tổng thống Barack Obama tuyên bố ý định nối lại quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Cuba. Đây có lẽ là sự kiện quan trọng nhất trong mối quan hệ hai nước từ khi bức tường Berlin sụp đổ.
Ở một khía cạnh nào đó, nó mở ra một kỷ nguyên mới, ít nhất về mặt ngoại giao giữa hai quốc gia. Người Cuba và người Mỹ đã không còn nhìn nhau với con mắt nghi kỵ.
Dĩ nhiên là không hề có sự thay đổi nào về hệ thống chính trị, cũng như không có sự chuyển hướng chính sách nào được kỳ vọng.
Ngay sau tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Raul Castro nhấn mạnh việc tan băng với Washington không hề ảnh hưởng đến ý tưởng chủ nghĩa xã hội, “mà dân tộc ta đã đổ bao xương máu và vượt qua nhiều thách thức lớn để bảo vệ”.
Điều quan trọng là không nên nhìn nhận việc tan băng quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ và Cuba như một nỗ lực riêng lẻ.
Năm 2008, Fidel Castro, người lãnh đạo mọi khía cạnh cuộc sống ở Cuba, sau một thời gian sức khỏe đi xuống, đã trao quyền lại cho người em trai của mình là Raul Castro.
Chỉ trong vài tháng, Raul đã bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với nền kinh tế quốc doanh.
Quyết định này bắt nguồn từ những tất yếu cần thiết về kinh tế, cũng như chủ nghĩa chính trị thực dụng.
Kể từ đó, các cơ sở kinh tế tư nhân nhỏ mọc lên như nấm tại Cuba, đặc biệt trong ngành du lịch. Hàng ngàn nhân công đã chuyển sang làm nghề kinh doanh tự do.
Các mối quan hệ ngoại giao mới với Hoa Kỳ đồng nghĩa với việc Cuba bắt đầu mở cửa về kinh tế.
32_mytoicuba
Lượng du khách từ Hoa Kỳ tới Cuba tăng nhanh kể từ khi quan hệ hai nước tan băng
Hoa Kỳ chuyển hướng?
Dĩ nhiên sự tan băng quan hệ với Cuba không hoàn toàn được ủng hộ tại nước Mỹ.
Ứng viên đang hy vọng giành được vị trí đề cử đại diện đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng, Ted Cruz, cam kết sẽ đảo ngược toàn bộ chính sách của Obama với chính quyền Havana và áp dụng trở lại các chính sách cũ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng theo đuổi chính sách tương tự trước khi chiến dịch tranh cử của ông này kết thúc vào tháng Ba tại Florida.
Trong lĩnh vực truyền thông, quá trình tan băng quan hệ Mỹ-Cuba cũng vấp phải nhiều chỉ trích.
Tờ Washington Post gần đây lên tiếng một cách kiên quyết về tình trạng căng thẳng giữa hai nước.
“Có rất ít bằng chứng cho thấy có sự thay đổi đáng kể tại Cuba – điều này có lẽ là do ông Obama tiếp tục nhượng bộ đơn phương với chính quyền Castro mà không đòi hỏi bất cứ điều gì,” bài xã luận của báo này viết.
“Do Hoa Kỳ ngay từ đầu không đưa ra điều kiện về nhân quyền trong việc nối lại quan hệ, chính quyền Castro tiếp tục bỏ tù một cách có hệ thống những người bất đồng chính kiến hoặc những ai lên tiếng về vấn đề dân chủ.”
Tuy nhiên những tờ báo khác, đặc biệt là tờ New York Times, đã ủng hộ việc tan băng quan hệ ngay từ đầu.
Phần lớn ban biên tập của tờ báo này là người gốc Cuba. Họ đơn giản là đã quá mệt mỏi về sự thù địch đối với Hoa Kỳ, nên tỏ ra chào đón mối quan hệ mới.
Quyết định Tổng thống Obama và Chủ tịch Castro thể hiện sự thay đổi, mặc dù sự thay đổi đó có thể cần nhiều thời gian mới đến được với người dân. Sau gần sáu thập kỷ trì trệ, bất cứ sự thay đổi cũng được chào đón.
Hơn nữa, sự tan băng quan hệ hai nước đã vượt qua phạm trù chính trị và kinh tế.
Khả năng sẵn sàng đối phó với thảm họa thiên nhiên cũng như cuộc chiến chống lại nạn nuôn người và buôn ma túy, rõ ràng là những mối quan tâm chung.
Hai quốc gia từng là hàng xóm ghẻ lạnh, nay bắt đầu tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực khoa học, công nghệ, bảo tồn biển, âm nhạc và nghệ thuật.
Năm ngoái, đã có bước tăng đột biến lượng khách du lịch đến Cuba, với 54% là du khách người Mỹ, sau khi chính quyền Obama gỡ bỏ một số hạn chế đi lại đối với công dân Mỹ.
Tổng thống Obama là một trong nhiều người Mỹ vừa đến thăm Cuba. Đây cũng là chuyến thăm Cuba đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm sau gần 90 năm.
Hình ảnh ông Obama tại Quảng Trường Cách mạng ở Havana đã trở thành bức hình mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất từng được chụp tại hòn đảo này. Chuyến thăm nhìn chung là một bước đột phá tích cực thúc đẩy tan băng quan hệ Mỹ-Cuba.
“Quá tuyệt vời,” Elio Garcia nói về chuyến thăm của tổng thống Obama.
Ông cũng thẳng thắn thừa nhận chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sống và chứng kiến khoảng khắc lịch sử này tại mảnh đất quê hương.
“Đây là một tiến trình chậm chạp và nó cần nhiều thời gian,” ông cười nói. “Do đó đây mới chỉ là sự bắt đầu.”
Will GrantBBC News, thường trú tại Cuba
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160329_cuba_us_from_confrontation_to_cooperation

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Thời sự Trong nước - https://www.moitruongvadothi.vn