Thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn về hạt nhân Bắc Triều Tiên
Nhà Trắng ngày 28/03/2016 thông báo tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo châu Á bên lề Thượng Đỉnh về An Toàn Hạt Nhân được tổ chức vào ngày 31/03 và 01/04/2016 tại Washington. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nằm trong chương trình của các buổi gặp gỡ này.
Thứ Năm ngày 31/03, tổng thống Obama sẽ tiếp tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bản thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh : « Buổi họp sẽ là cơ hội để ba nhà lãnh đạo thảo luận về các phản ứng chung trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và thúc đẩy sự hợp tác giữa ba bên về vấn đề an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới ».
Tổng thống Obama muốn đạt được tiếng nói đồng thuận với hai đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á về các biện pháp trừng phạt trước các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, cũng như đối phó với một nước Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Từng giữ thái độ lạnh nhạt trong quá khứ, tổng thống Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đang cùng phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ tư vào tháng Giêng và vụ bắn tên lửa tầm xa vào tháng Hai năm 2016.
Cuộc họp ba bên Mỹ-Hàn-Nhật gần đây nhất diễn ra vào năm 2014 tại La Haye (Hà Lan), cũng được tổ chức bên lề Thượng Đỉnh về An Toàn Hạt Nhân.
Biển Đông trên bàn thảo luận Mỹ – Trung
Hãng tin AP, trích thông cáo của Nhà Trắng, cho biết cũng trong ngày thứ Năm 31/03, tổng thống Mỹ sẽ làm việc riêng với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng thống Obama sẽ hối thúc Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên. Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Hoa Kỳ nối lại đàm phán với chính quyền Kim Jong Un.
Tuy nhiên, tại thượng đỉnh song phương Hoa Kỳ và Trung Quốc, chủ đề căng thẳng nhất và gây chia rẽ nhất giữa hai nước sẽ là chiến lược biển đảo của Bắc Kinh tại Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng bồi đắp đảo và mở rộng chủ quyền tại khu vực này.
Trong vòng hai năm gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền đối với hơn hơn 1.200 ha lãnh hải giáp với tuyến đường giao thương quan trọng của thế giới. Trên các đảo nhân tạo, Bắc Kinh đã xây dựng đường băng và nhiều cơ sở quân sự khác. Tình báo Hoa Kỳ đánh giá những căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh quân sự tấn công trong khu vực vào đầu năm tới.
Hiện đang có tranh chấp lãnh hải với năm quốc gia châu Á khác, Trung Quốc luôn khẳng định có chủ quyền lịch sử lâu đời đối với hầu hết khu vực Biển Đông. Bắc Kinh phản đối mọi hành động can thiệp của Hoa Kỳ và cáo buộc Washington gây thêm căng thẳng bằng cách điều tàu quân sự và máy bay đến khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Thu Hằng
Nhận xét
Đăng nhận xét