Điểm tin 2
Chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp Spiros Kapralos ( thứ 2, trái) tiếp đuốc Olympic cho đại diện người tị nạn Syria Ibrahim al-Hussein( thứ 2, phải) ngày 26/03/2016.REUTERS/Alkis Konstantinidis
Hôm nay 27/04/2016, tại Athens đã diễn ra nghi lễ chính thức trao ngọn đuốc thiêng Olympic 2016 cho đại diện Brazil nước chủ nhà Thế vận hội mùa hè năm nay, nhưng trước đó ngọn lửa thiêng Olympic được chuyển tiếp cho một đại diện tị nạn Syria trong trại nằm gần thủ đô Hy Lạp .
Tối qua, tại trại tị nạn Eoleonas ở ngoại ông Athens, Ibrahim al – Husein, 27 tuổi, một người tị nạn Syria bị tàn tật trong chiến tranh, đã vinh dự được chọn để tiếp lửa từ ngọn đuốc của chủ tịch Ủy ban Olympic Hy Lạp, trước sự chứng kiến của hơn một nghìn người tị nạn.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach khi đến thăm trại hồi cuối tháng Giêng năm nay đã hứa một trong những chặng rước đuốc sẽ qua trại tị nạn này và một người tị nạn sẽ được giao tiếp đuốc.
Ông Thomas Bach khi đó cũng thông báo sẽ có một đoàn vận động viên tị nạn được tham dự Thế vận hội mùa hè 2016 diễn ra từ ngày 5 đến 21/8 tới đây tại Brazil. Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế giải thích quyết định đó nhằm « gửi một thông điệp hy vọng và niềm tin cho những người tị nạn và để thế giới chú ý về số phận của 60 triệu người tị nạn trên thế giới ».
Ibrahim al-Hussein là một thợ điện trong vùng chiến sự Deir Ezzor của Syria. Anh đã bị mất một chân trong một vụ oanh tạc. Anh đã quyết định để lại gia đình gồm 13 anh chị em, tìm đường sang châu Âu lánh nạn. Là một tay bơi từng tham gia thi đấu giải ở Syria và còn là một vận động viên Judo, Ibrahim hiện chơi bóng rổ trên xe lăn hầu như hàng ngày.
Ngọn lửa thiêng Olymopic đã được châm lên hôm 21/4 vừa rồi tại núi Olympic theo một nghi thức truyền thống. Sau đó, đuốc được rước về thủ đô Athens. Sau chặng rước ở trại tị nạn Eleonas, đuốc Olympic được chuyển qua bảo tàng Acrople tối nay, sau đó ngọn lửa được trao tiếp cho một đoàn đại biểu Brazil trong sân vận động Athens, nơi từng diễn ra Thế vận hội mùa hè đầu tiên năm 1896, mở ra kỷ nguyên hiện đại của phong trào Olympic.
Ngày 3/5 tới, đuốc sẽ về tới Brazil. 12 nghìn đại diện tiêu biểu của nước chủ nhà sẽ tiếp tục rước đuốc dọc đất nước cho tới ngày 5/8, ngày khai mạc Olympic 2016, ngọn lửa thiêng sẽ về đến sân vận động Maracana de Rio để châm lên đài lửa cháy trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội.
Tàu ngầm tàng hình Barracuda của Pháp sẽ bán cho Úc khiến Bắc Kinh lo ngại.Ảnh : DCNS cung cấp cho Reuters
Qua báo chí chính thức, Bắc Kinh đe dọa sẽ « tăng cường khả năng phản công», nếu quyền lợi của Trung Quốc bị Úc sử dụng hạm đội tàu ngầm tàng hình mua của Pháp xâm hại. Quyết định của Úc trang bị tầu ngầm của Pháp được loan báo trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động lấn chiếm biển đảo, gây căng thẳng với nhiều nước trong khu vực và với Hoa Kỳ.
Một ngày sau khi tập đoàn chế tạo vũ khí DCNS của Pháp giành được hợp đồng cung cấp cho hải quân Úc 12 tầu ngầm tối tân loại Barracuda trị giá 34 tỷ euro, báo chí của đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng đe dọa.
Trong bài xã luận ngày 27/05/2016, Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích thẳng « Canberra phải biết rõ chương trình trang bị tầu ngầm của Úc nằm trong ván cờ địa chính trị tại châu Á Thái Bình dương và sẽ được sử dụng trong cuộc phân tranh chiến lược trong khu vực ». Đối với Trung Quốc, hầu như toàn bộ Biển Đông, mà Bắc Kinh gọi là biển Hoa Nam, là của Trung Quốc.
Washington tố cáo Bắc Kinh « quân sự hóa » khu vực này và để phản ứng lại, đã đưa tầu tuần tra áp sát một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng sau khi lấn chiếm của Việt Nam và của Philippines.
Lo ngại Úc sẽ hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ đối đầu với tham vọng khống chế biển đảo, Hoàn Cầu Thời Báo đe dọa « Nếu (tầu ngầm mới của Úc) tham gia gây sức ép quân sự, thì Trung Quốc bắt buộc phải trả đũa, triển khai sức mạnh phản công và cuối cùng sẽ gây thiệt hại cho quyền lợi của Úc ».
Tờ báo tuyên truyền cho xu hướng diều hâu cũng không quên nhắc khéo Canberra đừng quên Trung Quốc là bạn hàng số một. Điểm hài lòng duy nhất của Hoàn Cầu Thời Báo là « Nhật Bản bị loại » trong cuộc đấu thầu chế tạo tầu ngầm cho Úc .
Tú Anh
Nhà sư Nyi Nyi Lwin, còn được biết đến với tên U Gambira, tại Rangun ngày 19/01/2012.REUTERS/Soe Zeya Tun/ảnh tư liệu
Trong phiên xử ngày 26/04/2016, một toà án ở Mandalay đã tuyên phạt nhà sư hoàn tục U Gambira 6 tháng tù giam với tội danh « phạm luật di trú ». Tên thế tục là Nyi Nyi Lwin, nhà hoạt động này là một trong những cán bộ nòng cốt của phong trào cách mạng năm 2007 khi hành ngàn sư sãi xuống đường ủng hộ dân chúng Miến Điện chống giá xăng leo thang. Khi đó, quân đội đã đàn áp, giết chết hàng chục người biểu tình.
U Gambira bị bắt hồi đầu năm 2016 khi ông từ Thái Lan hồi hương. Chính phủ dân sự tại Miến Điện vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng tù nhân chính trị.
Từ Rangun, thông tín viên Rémy Favre giải thích :
“Đây là một bản án chính trị, theo nhận định của tổ chức nhân quyền Mỹ Human Rights Watch. Một bản án chính trị tại quốc gia do chính phủ dân chủ điều hành.
Sau phiên xử, U Gambira- tên thật là Nyi Nyi Lwin- tố cáo một nền tư pháp bị « tê liệt » tại Miến Điện. Ông cho biết sẽ không chống án vì không tin tưởng vào tư pháp nước mình. Như vậy, sẽ không có phiên toà thứ hai, cho dù các chứng cớ đều được « ngụy tạo » theo các hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị.
Bản án cho thấy những khó khăn mà chính phủ dân sự tại Miến Điện đang gặp phải trong hồ sơ tù chính trị, ưu tiên số một của bà Aung San Suu Kyi và ban lãnh đạo mới. Tiếp thu chính quyền cách nay hai tháng, chế độ mới đã trả tự do cho hơn 200 tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm. Tuy nhiên một số tương tự vẫn còn nằm trong nhà giam.
Hai tổ chức phi chính phủ chuyên trách về các vấn đề tư pháp cho biết thẩm phán Miến Điện không được đào tạo đúng mức. Họ cũng không được độc lập và thường xuyên diễn giải luật pháp theo hướng kết tội nặng nề. Human Rights Watch kêu gọi tân tổng thống Miến Điện ân xá cho U Gambira.”
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160427-mien-dien-mot-nha-su-lanh-dao-cach-mang-ao-ca-sa-bi-6-thang-tu
Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng, 07/07/2015.REUTERS/Jonathan Ernst
Theo những nguồn tin riêng của báo Nhật The Diplomat, Hoa Kỳ có thể đưa ra một quyết định lịch sử là dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam nhân chuyến công du của tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng tới.
Quan hệ giữa hai cựu thù Mỹ-Việt đã cất cánh trong nhiệm kỳ của ông Obama, được nâng lên hàng đối tác toàn diện vào tháng 7/2013. Nhưng mặc dù việc hợp tác quốc phòng đã có những bước tiến đáng kể, trong đó có việc nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương vào tháng 10/2014 và ký kết một hiệp định khung mới về quan hệ quốc phòng năm 2015, việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cho đến nay vẫn không được Washington đả động đến mặc cho Hà Nội nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Vào thời điểm tổng thống Obama chuẩn bị đến thăm Việt Nam trong khuôn khổ vòng công du châu Á tháng tới, vấn đề bỏ cấm vận vũ khí đang được cả hai bên thảo luận – theo một nguồn tin ngoại giao Việt Nam.
Về mặt công khai, các viên chức quốc phòng Mỹ vẫn giữ im lặng, một phần vì cần có quyết định của bộ Ngoại Giao, sau khi thảo luận với các cơ quan hữu quan và có sự tham vấn của Quốc Hội. Quyết định này dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có những tiến triển về nhân quyền tại Việt Nam.
Ông David McKeeby, một phát ngôn viên của vụ Chính sách Quân sự thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với The Diplomat : « Chúng tôi đã nói rõ rằng những tiến bộ về nhân quyền là quan trọng đối với phía Mỹ, trong việc cân nhắc dỡ bỏ toàn bộ cấm vận về vũ khí sát thương ».
Hiện giờ việc chuẩn bị cho chuyến công du của đôi bên đang bước vào giai đoạn cuối. Chuyến thăm này của ông Obama đã được loan báo sau cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Mỹ với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – ASEAN tại Sunnylands.
Tuần trước, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Anthony Blinken đã đến Hà Nội, tiếp xúc với các quan chức Việt Nam trong đó có ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Hôm 21/4 khi nói chuyện tại một trường đại học ở Hà Nội, ông Blinken ghi nhận « một số tiến bộ » về nhân quyền. Có thể kể việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn, Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật. Hay việc Việt Nam lần đầu tiên chấp nhận cho thành lập công đoàn độc lập, và nỗ lực tham khảo ý kiến giới tôn giáo và xã hội dân sự liên quan trong khi soạn thảo dự luật tôn giáo mới.
Nhưng ông Blinken cũng khuyến khích chính phủ Việt Nam nên trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm, chấm dứt sách nhiễu, bắt giam, khởi tố người bất đồng chính kiến, và điều tra khách quan những vụ lạm dụng quyền lực của công an. Ông nói : « Không ai có thể bị vào tù vì đã phát biểu các quan điểm chính trị một cách ôn hòa ».
Hôm thứ Hai 25/4, đã diễn ra cuộc Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ thường niên. ¨Ông John Kirby trong cuộc họp báo ở bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chỉ cho biết một ít chi tiết về kết quả của cuộc Đối thoại, nói rằng đã thảo luận về « một loạt các vấn đề liên quan đến nhân quyền, kể cả một số trường hợp cá nhân đáng quan ngại ».
Tuy không nói công khai, nhưng khi trò chuyện riêng, các quan chức thổ lộ rằng Việt Nam, nằm sát cạnh Trung Quốc, tiếp tục thúc đẩy quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ – một phần không nhỏ là do thái độ hung hăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Mới đây khi được tờ The Diplomat hỏi về tiềm năng quan hệ quốc phòng trong tương lai, kể cả việc bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí, một quan chức Mỹ nói : « Các nước Đông Nam Á đều hướng về phía chúng tôi, cổ vũ Hoa Kỳ nên duy trì sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong khu vực, và đặc biệt nên gắn bó hơn với họ. Điều này là đúng đối với trường hợp Việt Nam, việc này tạo nên sức bật cho Hà Nội trước Bắc Kinh ».
Các viên chức Mỹ-Việt thông thạo hồ sơ quốc phòng nhận định, cho dù cấm vận có được dỡ bỏ hay không, các hợp đồng quốc phòng lớn và việc chuyển giao mất không ít thời gian. Đó là do còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, như Việt Nam đang phải làm quen với các thủ tục Mỹ, so với các đối tác quốc phòng truyền thống như Nga.
Cho dù nhờ bỏ cấm vận từng phần, Hoa Kỳ có thể cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam để tăng cường giám sát an ninh trên biển, theo The Diplomat, những lãnh vực khác hãy còn chậm chạp, chẳng hạn « Sáng kiến mới về an ninh hàng hải » của Washington. Và tất nhiên, theo luật kiểm soát viện trợ nước ngoài và xuất khẩu vũ khí, bộ Ngoại Giao cũng phải báo cáo cho Quốc Hội Mỹ.
Việc bỏ toàn bộ cấm vận vũ khí sẽ là một sự kiện lịch sử, trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt, và nói rộng hơn là quan hệ đối tác toàn diện. Phía Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng sự chấm dứt cấm vận sẽ là dấu hiệu rõ ràng của việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ.
Thời điểm của quyết định này còn có ý nghĩa hơn, nếu được loan báo trong chuyến viếng thăm của tổng thống Obama. Như một viên chức Việt đã chia sẻ với The Diplomat, đây là một năm chuyển tiếp đối với cả hai quốc gia, với Đại hội Đảng Việt Nam được tổ chức vào đầu năm và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Động thái này còn có thể diễn ra ngay giữa một mùa hè đầy biến động ở Biển Đông – đặc biệt là phán quyết sắp tới trong vụ Philippines kiện Trung Quốc có thể được tuyên vào tháng Năm hay tháng Sáu, hay các hội nghị khu vực như Đối thoại Shangri- La ở Singapore vào đầu tháng Sáu.
Ông Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam, trong lúc chỉ còn gần một năm là chấm dứt nhiệm kỳ. Theo The Diplomat, cả hai phía đều tìm kiếm những tiến triển trong các vấn đề khác trong chuyến viếng thăm này, từ những tồn tại từ thời kỳ chiến tranh cho đến Hiệp định TPP. « Vào tháng Năm, khi chiếc Air Force One hạ cánh trên đất Việt Nam, và tổng thống Obama vẫy chào người dân Việt, một lần nữa ông sẽ chứng tỏ rằng, những kẻ thù cũ có thể trở thành những người bạn thân thiết nhất ». Ông Blinken trong bài phát biểu tuần trước đã nói như vậy.
Thụy My
Nhận xét
Đăng nhận xét