Tin thế giới

Posted on 28/04/2016

Tin thế giới
Image copyright AFP Tên lửa lớp Musudan mới của Bắc Hàn
Bắc Hàn thử hỏa tiễn đạn đạo ‘thất bại’
 Bắc Hàn đã cho thử tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng bị rơi chỉ vài giây sau khi được phóng, theo các quan chức quân đội Nam Hàn.
Đây được cho là đợt thử nghiệm hỏa tiễn lớp Musudan thứ hai của Bắc Triều Tiên. Lần thử trước vào đầu tháng này cũng đã thất bại.
Loạt thử nghiệm được thực hiện trong lúc Bắc Hàn tăng cường các hoạt động vũ trang để chuẩn bị cho Đại hội Đảng hiếm khi diễn ra.
Thông tin cho thấy Bắc Hàn cũng đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ năm, dù đợt thử hồi tháng Một bị lên án mạnh mẽ.
Các quan chức Nam Hàn cho rằng vụ thử hỏa tiễn tầm trung được thực hiện vào sáng sớm thứ Năm 28/4 (giờ địa phương), ở gần thành phố Wonsan ven biển, nhưng hỏa tiễn “bị rơi chỉ vài giây sau đó” ở khu vực bờ biển, hãng tin Yonhap viết.
Vụ việc do vệ tinh quan sát của Hoa Kỳ ghi lại.
36_bh2
Đại hội Đảng vào tháng Năm là kỳ đại hội đầu tiên dưới sự dẫn dắt của ông Kim Jong-un
Tên lửa Musudan được cho là có thể di chuyển tới 4.000 cây số, trong tầm lãnh thổ của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương.
Cấm vận quốc tế được tăng cường đối với Bắc Hàn sau khi quốc gia này thử nghiệm điều mà họ gọi là bom khinh khí và phóng hỏa tiễn tầm xa.
Tuần trước, Bắc Hàn tuyên bố đã cho phóng hỏa tiễn đạn đạo từ tàu ngầm.
Các nhà quan sát cho rằng Bình Nhưỡng đẩy mạnh phát triển các chương trình vũ khí trước cuộc họp chính trị nhằm củng cố quyền lực của lãnh đạo Kim Jong-un.
Bắc Hàn thông báo hồi tuần này rằng Đại hội Đảng, sẽ diễn ra vào ngày 6/5 – lần gần đây nhất đại hội này diễn ra là năm 1980.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/04/160428_nkorea_missile

LHQ kêu gọi Nga, Mỹ ‘cứu’ hòa đàm Syria
 37_syrie1
Image copyright AFP Cuộc nội chiến Syria đã làm hơn 270.000 thiệt mạng
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại Syria kêu gọi Hoa Kỳ và Nga khẩn trương can thiệp “ở mức độ cao nhất” để cứu cuộc hòa đàm.
Phát biểu sau cuộc họp ở Hội đồng Bảo an về tiến trình hòa bình đang bị lung lay, ông Staffan de Mistura nói cuộc đình chiến được các bên đồng ý hồi tháng Hai chỉ còn “thoi thóp”.
Bạo lực ở Syria gia tăng trở lại trong những ngày gần đây, dù đã có ngừng bắn.
Ít nhất 20 thường dân thiệt mạng hôm thứ Tư 28/4 trong cuộc không kích của phe chính phủ vào một bệnh viện và các khu nhà của cư dân gần đó tại phía đông Aleppo.
Các tình nguyện viên bảo vệ thường dân từ tổ chức White Helmets nói với hãng tin AFP những người thiệt mạng gồm có trẻ em và một bác sĩ nhi khoa còn lại trong khu vực quân nổi dậy chiếm đóng.
Kêu gọi Hoa Kỳ và Nga hợp tác, ông de Mistura nói di sản của tổng thống Hoa Kỳ Barrack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến sự thành công của tiến trình hòa bình ở Syria.
Ông de Mistura nói cuộc đình chiến “chấm dứt thù địch” được thiết lập tháng 2/2016 đã được “ngăn cản để không sụp đổ hoàn toàn” nhưng có thể “sụp đổ bất cứ lúc nào”.
Ông nói trong 48 giờ qua, cứ 25 phút lại có một người Syria thiệt mạng, và cứ 13 phút có một người bị thương.
Để hòa đàm thành công, ông de Mistura nói, tình trạng thù địch cần được giảm xuống như thời điểm ngay sau thỏa thuận đình chiến tháng 2/2016.
Không kích
Cuộc họp báo của ông diễn ra sau phiên đàm phán thứ ba trong năm nay giữa các bên tham chiến.
Phái đoàn của phe đối lập tên gọi Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC), tuần rồi đã đình chỉ vai trò của họ trong cuộc đàm phán để phản đối phe chính phủ với cáo buộc vi phạm ngừng bắn và giảm việc đưa cứu trợ đến các khu vực bị chiếm đóng.
Khi được hỏi vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong quá trình chuyển giao chính phủ có được thảo luận trong các vòng đàm phán gần đây không, ông de Mistura nói các bên tham dự “không nêu tên người nào, ai đang làm việc đó, nhưng có bàn về cách thay đổi chính phủ hiện tại”.
Sẽ còn thêm một hoặc hai vòng đàm phán nữa trước tháng Bảy, ông de Mistura nói.
 37_syrie2
Image copyrightReutersImage captionÍt nhất 20 người thiệt mạng trong cuộc không kích hôm 27/4 ở miền Đông Aleppo
 37_syrie3
Image copyright AFP Dù đã có thỏa thuận đình chiến để hòa đàm, người dân vẫn thiệt mạng vì vi phạm ngừng bắn
Ông nói: “Vẫn còn nhiều khác biệt ở những vấn đề chính, nhưng đã có sự thay đổi ở một số khu vực mà trước đây chưa có.”
Ông de Mistura cũng nói quyền bình đẳng và sự hiện diện bình đẳng của phụ nữ trong các tổ chức cần thiết cho quá trình chuyển giao để hình thành một nước Syria mới.
Nhóm Đài Quan sát Nhân quyền Syria xác nhận hôm thứ Tư 27/4 có xảy ra các đợt không kích vào một bệnh viện và các tòa nhà xung quanh ở Aleppo do “không quân chính phủ” tiến hành.
Các tình nguyện viên cứu hộ nói với AFP một nha sĩ và năm thành viên trong một gia đình, trong đó có hai trẻ em, thiệt mạng vì cuộc không kích vào khu vực al-Sukkari.
Ngoài ra, có 11 người cũng đã thiệt mạng ở phía tây Aleppo sáng thứ Tư 27/4, Đài quan sát Nhân quyền nói.
Hơn 270.000 người đã chết và hàng triệu người phải chạy khỏi đất nước từ khi nội chiến xảy ra ở Syria năm 2011.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/04/160428_syria_us_russia_save_talks

Lượng ‘công dân toàn cầu’ tăng
 38_danso1
Xu hướng ‘Công dân toàn cầu’ đặc biệt thể hiện trong các nền kinh tế mới nổi
Người ta đang có xu hướng tự xem mình là công dân toàn cầu hơn là công dân của một quốc gia, theo một cuộc thăm dò của BBC World Service.
Xu hướng này đặc biệt thể hiện trong các nền kinh tế mới nổi, nơi mà mọi người thấy mình có tư duy hướng ngoại và quốc tế.
Tuy nhiên, ở Đức hiện ít người nói rằng họ cảm thấy mình là công dân toàn cầu hơn so với năm 2001.
Tổ chức GlobeScan tiến hành thăm dò hơn 20.000 người ở 18 quốc gia.
Hơn một nửa số người được hỏi (56%) trong các nền kinh tế mới nổi tự xem mình là những công dân toàn cầu chứ hơn là công dân của một quốc gia.
Tại Nigeria (73%), Trung Quốc (71%), Peru (70%) và Ấn Độ (67%), dữ liệu cho hay.
 38_danso2
 ‘Công dân toàn cầu’ là gì?
Đây là một khái niệm khó định nghĩa và các cuộc thăm dò để mở khái niệm cho những người tham gia diễn giải.
Với một số người, đó có thể là sự kỳ vọng về sức mạnh kinh tế trên toàn thế giới. Với những người khác, đó có thể là sự thúc đẩy tính vị tha để giải quyết các vấn đề của thế giới trong tinh thần liên kết với nhau – dù đó là tình trạng biến đổi khí hậu hay bất bình đẳng tại các nước đang phát triển.
 38_danso3
Hơn một nửa số người được hỏi (56%) trong các nền kinh tế mới nổi tự xem mình là những công dân toàn cầu
Công dân toàn cầu cũng có thể là nỗ lực giao tiếp trong thời đại kết nối toàn cầu và mọi người đều có thể có tiếng nói trên mạng xã hội.
Và với nhiều người, đó là vấn đề di cư và chuyển dịch. Chúng ta đang chứng kiến biến chuyển lớn nhất của loài người kể từ Thế chiến II.
Điều này không chỉ do chiến tranh và xung đột. Thế giới đang trở nên thịnh vượng hơn và du lịch hàng không có chi phí hợp lý hơn với tầng lớp trung lưu.
Tại những quốc gia phát triển, khái niệm công dân toàn cầu dường như đã bị ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ví dụ, tại Đức, chỉ 30% số người được hỏi xem mình là công dân toàn cầu.
Theo Lionel Bellier từ GlobeScan, đây là tỷ lệ thấp nhất thấy ở Đức từ khi cuộc thăm dò tiến hành cách đây 15 năm.
 38_danso4
Trước câu hỏi về vấn đề hôn nhân giữa những người thuộc chủng tộc, sắc dân, hoặc nhóm tôn giáo khác nhau, 46% số dân Đức phân vân, hoặc tìm cách né tránh bằng cách trả lời còn tùy từng trường hợp cụ thể.
Tỷ lệ này tương phản mạnh so với tâm lý của người dân ở một số nước Âu châu khác. Chẳng hạn như ở Pháp, người ta ủng hộ mạnh mẽ những mối quan hệ hôn nhân đan xem giữa các nhóm sắc dân, tôn giáo khác nhau.
Nga là nước phản đối mạnh mẽ nhất vấn đề này, với 43% dân Nga thẳng thừng nói KHÔNG. Tỷ lệ này ở Tây Ban Nha chỉ là 5%.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/04/160428_global_citizenship_rising

Bùng nổ tình trạng béo phì tại TQ
 39_trungcongmap1
Image copyright AFP Getty Images Béo phì phổ biến ở các em trai hơn
Tình trạng béo phì đang tăng nhanh ở thanh thiếu niên nông thôn Trung Quốc do những thay đổi kinh tế xã hội, một nghiên cứu vừa cảnh báo.
Các nhà nghiên cứu phát hiện 17% con trai và 9% con gái dưới 19 tuổi bị béo phì trong năm 2014, tăng từ mức 1% ở mỗi giới so với năm 1985.
Nghiên cứu kéo dài 29 năm, được đăng trên Tạp chí châu Âu về ngăn ngừa bệnh tim, có sự tham gia của 28.000 học sinh sinh viên ở tỉnh Sơn Đông.
Nghiên cứu này dùng chỉ số Body Mass Index (BMI) chặt chẽ hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.
“Đây là tình trạng béo phì bùng nổ tồi tệ nhất ở trẻ em và thanh niên mà tôi từng chứng kiến,” ông Joep Perk thuộc Tổ chức Tim mạch Châu Âu nói với hãng tin AFP.
Nghiên cứu nói rằng giai đoạn chuyển đổi kinh tế xã hội và dinh dưỡng nhanh chóng tại Trung Quốc đã dẫn tới tình trạng mức năng lượng nạp vào tăng lên và các hoạt dộng thể lực giảm đi.
Chế độ ăn uống theo kiểu truyền thống của Trung Quốc đã chuyển sang một chế độ ăn uống “có lượng mỡ cao, nhiều năng lượng và ít chất xơ”.
‘Ưa chuộng con trai’
39_trungcongmap2
Image copyright AFP Getty Images
Những dữ liệu được trích từ sáu khảo sát của chính phủ với học sinh ở vùng nông thôn tại tỉnh Sơn Đông, từ 7 đến 18 tuổi.
Tỉ lệ phần trăm trẻ em béo phì cũng tăng từ 0,7% lên 16,4% ở con trai và từ 1,5% lên gần 14% ở con gái, nghiên cứu này cho biết.
Về lý do của tình trạng quá cân và béo phì lan rộng ở con trai, nghiên cứu này viết: “Việc thích con trai theo truyền thống và ảnh hưởng của xã hội, đặc biệt tại vùng nông thôn, có thể cũng có nghĩa là trẻ em trai được hưởng nhiều nguồn lực của gia đình hơn.”
Tổ chức Y tế Thế giới phân loại chỉ số BMI – tỉ lệ giữa trọng lượng cơ thể và chiều cao – ở mức 25-29,9 là quá cân và từ 30 trở lên là béo phì.
Nghiên cứu này dùng tiêu chuẩn ở mức thấp hơn, từ 24-27,9 là quá cân và 28 trở lên là béo phì.
Các nhà nghiên cứu kiến nghị “những chiến lược can thiệp toàn diện cần bao gồm giám sát, giáo dục về chế độ dinh dưỡng, tập thể dục và có thói quen ăn uống lành mạnh”.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/04/160428_china_obesity

Brazil chính thức nhận ngọn lửa Olympic
Ngọn đuốc Olympic được trao cho Brazil từ thủ đô Athens của Hy Lạp, đánh dấu 100 ngày trước khi Thế vận Hội khai mạc ở thành phố Rio de Janeiro.
Ngọn đuốc sẽ đến Brazil vào tuần tới và được đưa đi khắp cả nước trước khi Thế vận Hội diễn ra vào tháng Tám.
Thị trưởng thành phố Rio, ông Eduardo Paes nói công viên Olympic đã gần như sẵn sàng, tuy nhiên, vẫn có lo ngại về sự đình trệ của một số dự án.
Một phóng viên của BBC cho biết hiện người dân Brazil tỏ ra không mấy hứng thú trong bối cảnh Tổng thống nước này phải đối mặt với luận tội.
Thủ tục tố tụng chống lại bà Dilma Rousseff đang được tiến hành, nghĩa là vẫn chưa rõ ai sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo Brazil khi Thế vận hội diễn ra.
40_olympic
Image copyright EPA Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội của Rio, ông Carlos Nuzman (người cầm đuốc) cho rằng thành phố đã ‘sẵn sàng làm nên lịch sử’
Tỷ lệ thất nghiệp tại Brazil tăng khoảng 10% trong lúc nền kinh tế vẫn suy giảm sang năm thứ hai liên tiếp.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng chỉ trích về số người bị cảnh sát giết hại ở các khu ổ chuột của thành phố, nơi người dân “sống trong sợ hãi”.
Tính từ đầu tháng Tư tới nay, cảnh sát đã khiến 11 người ở các khu ổ chuột thiệt mạng, và đứng sau 307 trường hợp tử vong hồi năm ngoái, Tổ chức này cho hay.
Tuy nhiên, ông Carlos Nuzman, người đứng đầu Ủy ban Thế vận hội Rio cho biết thành phố đã “sẵn sàng làm nên lịch sử” khi ngọn đuốc được chuyển giao cho Brazil.
Ngọn đuốc sẽ đến thủ đô Brasilia ngày 03/05 sau khi dừng chân ở Thụy Sĩ.
Nguồn : http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/04/160428_olympic_torch_handed_over_brazil

Iran đả kích Mỹ chỉ bỏ cấm vận trên lý thuyết
 41_khomeni
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh chụp ngày 20/03/2016.REUTERS/leader.ir/Handout via Reuters ATTENTION EDITORS
Giáo chủ tối cao Ali Khamenei và tổng thống Iran Hassan Rohani nổi giận, lên án Tư Pháp Hoa Kỳ tịch biên 2 tỷ đô la của Iran, đang bị phong tỏa ở Mỹ, để bồi thường cho công dân Mỹ nạn nhân của các vụ khủng bố ở Liban và Ả Rập Xê Út cách nay 30 năm.
Trong số nạn nhân có 241 thủy quân lục chiến Mỹ bị thiệt mạng trong hai vụ khủng bố tự sát ở Beyrouth nhắm vào lực lượng Mỹ và Pháp ngày 23/10/1983.
Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi tường thuật :
“Một tuần sau khi Toà Án Tối Cao của Mỹ quyết định tịch biên 2 tỷ đô la của Iran, giáo chủ tối cao Khamenei và tổng thống Rohani cùng lên tiếng phản đối : « Trên giấy tờ thì Mỹ nói là các ngân hàng quốc tế có thể giao dịch với Iran nhưng trên thực tế họ làm cách nghi kị Iran để chận lại ».
Tổng thống Iran cũng xem quyết định tịch biên là một « vụ cướp trắng trợn » và « sỉ nhục danh dự » nền Tư Pháp Hoa Kỳ. Ông nói đây là « một hành động bất hợp pháp và đi ngược lại luật lệ quốc tế. Đây là một hành động vi phạm và thù nghịch của Mỹ đối với nhân dân Iran ».
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện được đưa ra ba tháng sau ngày thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực và một phần lệnh trừng phạt đã được bãi bỏ.
Tuy vậy, Teheran luôn luôn chỉ trích Mỹ không tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng nước ngoài trao đổi với Iran. Giới ngân hàng châu Âu và châu Á vẫn ngần ngại buôn bán với Iran vì sợ các biện pháp trả đũa của Washington”.
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160428-teheran-da-kich-my-chi-bo-cam-van-tren-ly-thuyet

Trung Quốc tức giận vì bị ASEAN lên án dùng thủ đoạn chia để trị
 42_ngoaitruongtaiasean
Các nhà lãnh đạo ngoại giao ASEAN và thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tại hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore, ngày 27/04/2016.REUTERS/Edgar Su
Phải chăng đòn phép của Bắc Kinh mua chuộc thành viên ASEAN đã hết hiệu nghiệm? Hội nghị về việc thực thi Tuyên bố ứng xử tại Biển Đông (DOC) tại Singapore ngày 27 và 28/04/2016 diễn ra trong căng thẳng. Trưởng đoàn Trung Quốc tuyên bố « bị sốc » sau khi nhiều nhà ngoại giao kỳ cựu của ASEAN lên án Bắc Kinh gây chia rẽ nội bộ các quốc gia Đông Nam Á.
Báo mạng Straites Times ngày 28/05/2016 cho biết, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố bị « choáng váng » và yêu cầu Singapore giải thích về tuyên bố của cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Kong (Vương Cảnh Vinh) tại Jakarta hôm đầu tuần.
Trong một cuộc họp tại thủ đô Indonesia, từ tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh đến các nhà ngoại giao khác của ASAEN đều tỏ ý lo ngại Trung Quốc gây mất tình đoàn kết trong nội bộ hiệp hội để thủ lợi trên hồ sơ Biển Đông.
Trong số các nhân vật này có nhà ngoại giao Singapore Ong Keng Kong đặt thẳng vấn đề : Phải chăng Trung Quốc can thiệp vào nội bộ ASEAN, qua chuyến công du của ngoại trưởng Vương Nghị tại ba nước Lào, Cam Bốt và Brunei hồi tuần qua?
Quan hệ Bắc Kinh và ASEAN căng thẳng lên vì ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố ba nước thành viên ASEAN nói trên đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp biển Đông.
Thế nhưng ngay sau đó, phát ngôn viên chính phủ Phnom Penh, Phay Siphan, cải chính tin này và cho là Cam Bốt « không thảo luận, không thỏa thuận » với Vương Nghị.
Chuyên gia Singapore, Bilahari Kausikan, cố vấn của bộ ngoại giao Singapore, cũng lên án điều mà Bắc Kinh gọi là « đồng thuận » với ba thành viên ASEAN, thực chất là « chiến thuật chia rẽ ASEAN » trước khi Toà Án Quốc Tế La Haye ra phán quyết về vụ kiện Trung Quốc lấn chiếm chủ quyền tại biển Đông do Philippines đứng đơn.
Trước những lời đã kích, ngày 27/04, tại Singapore, thứ trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân biện minh là Trung Quốc « không bao giờ có ý định chia rẽ ASEAN » và luôn « ủng hộ ASEAN phát triển ».
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160428-trung-quoc-tuc-gian-vi-bi-asean-len-an-dung-thu-doan-chia-de-tri

Thái Lan : Biểu tình phản đối dự thảo Hiến pháp, hàng loạt người bị bắt
 43_thailan
Cảnh sát Thái Lan bắt giữ những sinh viên biểu tình “im lặng” phản đối dự thảo Hiến Pháp mới do chính quyền quân sự soạn thảo, Bangkok, ngày 27/04/2016.REUTERS/Jorge Silva
Bốn tháng trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý mang tính quyết định liên quan đến dự thảo Hiến Pháp của giới quân sự, chính phủ Thái Lan tăng cường đàn áp.
Ngày 27/04/2016, có ít nhất 8 người, chỉ trích chế độ quân sự và bản dự thảo này, đã bị quân đội bắt. Họ bị giam giữ ở nơi bí mật. Chiều tối cùng ngày, một cuộc biểu tình ủng hộ 8 người này đã diễn ra ngay tại thủ đô Bangkok.
Thông tín viên Arnaud Dubus từ Bangkok cho biết thêm tình hình :
“Chín nhà đối lập với chính quyền quân sự mặc áo với dòng chữ « Chúng tôi là công dân chứ không phải quân nhân ». Họ đứng thẳng, không nói một lời nào. Những người biểu tình này có mặt tại quảng trường Chiến Thắng, phía bắc thủ đô Bangkok. Hàng chục cảnh sát đứng bao quanh họ.
Cảnh sát áp giải ngay lập tức những người biểu tình lên những chiếc xe tải cỡ nhỏ. Một nhà đối lập khác, bà Natacha Pongsamboon, giải thích lý do của cuộc biểu tình : « Tám người trong số các bạn bè của chúng tôi đã bị quân đội bắt đi và chúng tôi không hề biết họ đã bị dẫn đi đâu. Chúng tôi biểu tình ôn hòa để yêu cầu được biết xem họ đã bị dẫn giải đi đâu. Những cuộc bắt giữ này đều có liên quan đến cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp, dự kiến diễn ra vào mùa hè này. Nhiều người trong số những người bạn của chúng tôi ở đông bắc đất nước, đang bị giam giữ vì họ đã bí mật đã tạo một trang Facbook và chỉ trích nội dung của bản Hiến Pháp ».
Ngay sau cuộc phỏng vấn, bản thân bà Natacha Pongsamboon cũng bị cảnh sát giải đi. Tổng cộng, có khoảng 20 vụ bắt giữ đã diễn ra. Các nhà cầm quyền đang căng thẳng. Họ e rằng trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào 07/08 tới đây, người dân Thái Lan sẽ phản đối dự thảo Hiến Pháp. Dự thảo này nhằm thiết lập một chế độ dân chủ có định hướng mà theo đó Quốc Hội và chính phủ sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát của quân đội. Việc người dân bác bỏ dự thảo này sẽ khiến chính quyền quân sự bị mất lòng tin nghiêm trọng”.
Phương Nga
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160428-thai-lan-bieu-tinh-phan-doi-du-thao-hien-phap-hang-loat-nguoi-bi-bat

Chính sách “Nước Mỹ trước đã” của Donald Trump
28_baumy2
 Ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump vận động tranh cử tại Indianapolis, bang Indiana, Mỹ, ngày 27/04/2016.REUTERS/Jim Young
Sau khi chiến thắng toàn bộ tại năm tiểu bang trong vòng sơ bộ ngày 26/05/2016, nhà tỷ phú Donald Trump tìm cách chứng minh ông là người duy nhất có chính sách đối ngoại xuyên suốt. Lập luận của ứng cử viên nhiều triển vọng nhất của đảng Cộng Hoà đôi khi mâu thuẫn nhau, ít chi tiết, ngoài khẩu hiệu « Ưu tiên cho nước Mỹ ».
Không co cụm nhưng bớt can thiệp vào những chuyện không liên can trực tiếp đến quyền lợi nước Mỹ, đó là nội dung bài diễn văn 40 phút của Donald Trump ngày thứ Tư 27/04/2016 tại Washington trước một cử tọa chọn lọc gồm phóng viên và chuyên gia chính sách đối ngoại.
Tự tin sẽ vào vòng chung kết, bất chấp mọi cản lực trong đảng, nhà tỷ phú nhắc lại những chủ đề « ruột » đã giúp cho ông chinh phục được lá phiếu của một thành phần cử tri cảm thấy vị thế siêu cường bị đe dọa. Khẩu hiệu của Donald Trump là ưu tiên cho quyền lợi của người dân Mỹ, bảo hộ thương mại và tái lập uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế và làm cho nước ngoài phải kiêng nể.
Bắt đầu bài phát biểu, Donald Trump cảnh cáo các nước đồng minh trong khối NATO ở châu Âu và Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á. Những đồng minh được Mỹ bảo vệ phải chi trả tốn kém quốc phòng nếu không thì để họ tự lo thân. Ông chỉ trích chính sách của các chính quyền trước ở Irak, Libya và Ai Cập. Ám chỉ chiến dịch quân sự tại Irak năm 2003 lật đổ Saddam Husein, Donald Trump lên án cựu tổng thống George Bush « ngạo mạn » tưởng lầm là có thể giúp các quốc gia không có kinh nghiệm dân chủ trở thành một nền dân chủ theo mô hình tây phương.
Tuy vậy, luận điểm « co cụm » trên đây đã bị chính tác giả phủ nhận ngay sau đó. Donald Trump không dấu hoài niệm thời huy hoàng của Hoa Kỳ trong Thế Chiến Thứ Hai và thời chiến tranh lạnh với Liên Xô. Ông chỉ trích tổng thống Obama bỏ rơi một số đồng minh như Israel hay để cho tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập bị lật đổ vào năm 2011. Với Donald Trump, « các nước bạn của Mỹ có thể tin tưởng vào các thỏa thuận ký kết với nước Mỹ ».
Làm cách nào để « tái lập » uy tín của Hoa Kỳ trên trường quốc tế ? Nhà tỷ phú vừa “đá giò lái” tổng thống sắp mãn nhiệm vừa cảnh báo : « Các nước bạn lẫn kẻ thù phải biết rằng khi tôi vạch ra làn ranh đỏ thì tôi sẽ tôn trọng nó ».
Theo ông Donald Trump, chính sách ngoại giao của Barack Obama và Hillary Clinton là một« thảm họa ». Với ông, Mỹ phải sẵn sàng sử dụng vũ lực. Thế nhưng, ông lại nhấn mạnh : thận trọng và chừng mực là dấu hiệu thực sự của sức mạnh.
Để chứng minh là Mỹ bị xem thường, Donald Trump « phiền trách » chủ tịch Cuba và quốc vương Ả Rập Xê Út không đích thân ra tận phi trường đón tổng thống Obama. Một thí dụ khác là Trung Quốc lợi dụng thời cơ lấn chiếm Biển Đông nhưng ông cho rằng, khi đắc cử tổng thống, với tài thương thuyết, ông sẽ nối lại quan hệ tốt với Trung Quốc và Nga.
Về đe dọa khủng bố, Donald Trump khẳng định « là Daech sẽ bị tiêu diệt một cách nhanh chóng » khi ông vào Nhà Trắng nhưng ông cũng không nói bằng cách nào.
Diễn văn « chính sách đối ngoại » của Donald Trump, theo AFP, mang nhiều mâu thuẫn. Chuyên gia Michael Pregent, nguyên là cố vấn của đại tướng David Petraeus lúc làm tư lệnh chiến trường Irak nhận định, Donald Trump « thiếu mạch lạc » : vừa cam kết bảo vệ đồng minh vừa bắt họ trả tiền.
Còn nhà phân tích David Pollock, thuộc viện nghiên cứu Washington Institut, thì cho là « Trump trình bày các chủ đề một cách mềm mỏng và thông minh nhưng có nhiều câu hỏi chưa có câu trả lời ».
Tú Anh
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160428-chinh-sach-%C2%AB-nuoc-my-truoc-da-%C2%BB-cua-donald-trump

Trung Quốc : Dự luật mới hạn chế hoạt động của tổ chức phi chính phủ nước ngoài
 44_trungcong
Trung Quốc thông qua một dự luật mới nhằm tăng cường các kiểm soát đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.FRED DUFOUR / AFP
Ngày 28/04/2016, Tân Hoa Xã thông báo về việc Bắc Kinh đã thông qua một dự thảo luật đang gây nhiều tranh cãi, liên quan đến việc tăng cường các kiểm soát đối với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
Thông tín viên RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh cho biết thêm chi tiết :
“Bắc Kinh coi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài như một mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia. Vì vậy, đạo luật mới này sẽ cho phép giám sát kĩ hơn các tổ chức đó.
Những tổ chức nào kêu gọi lật đổ nhà nước và ủng hộ ly khai sẽ bị dẹp bỏ. Còn những tổ chức nào không công khai nguồn gốc tài sản và cách thức chi tiêu ngân sách của mình sẽ bị xếp vào danh sách đen. Tất cả các tổ chức phi chính phủ sẽ phải chấp thuận mọi cuộc thẩm vấn thường xuyên của công an.
Tuy nhiên, một vài hạn chế từng khiến các cơ quan ngoại giao phương Tây bức xúc không còn được nêu trong dự luật này. Các hiệp hội có thể sẽ tiếp tục được quyền duy trì nhiều văn phòng đại diện hay sẽ không phải triển hạn đăng ký, cứ 5 năm một lần.
Quyết định mới này một lần nữa xác nhận thực tế đã tồn tại khá phổ biến tại Trung Quốc. Vào tháng 01/2016, cảnh sát đã bắt giữ và trục xuất công dân Thụy Điển Peter Sahlin, người phụ trách của một tổ chức phi chính phủ ủng hộ các luật sư bảo vệ nhân quyền. Người phụ trách này bị tố cáo đã có các hoạt động lật đổ chính quyền. Vào tháng Hai, một trung tâm hỗ trợ phụ nữ cũng đã phải đóng cửa vì đã nhận tài trợ từ nước ngoài”.
Phương Nga
Nguồn : http://vi.rfi.fr/chau-a/20160428-trung-quoc-ap-dat-nhung-han-che-moi-doi-voi-cac-to-chuc-phi-chinh-phu-nuoc-ngoai

Hải quân Úc chọn tàu ngầm Pháp : nhất cử “đa” tiện
 45_FHollande
 Tổng thống Pháp François Hollande (T) xem một mô hình tầu ngầm của tập đoàn DCNS cùng với chủ tịch tập đoàn Herve Guillou, bộ trưởng Quốc Phòng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng Nội Vụ Bernard Cazeneuve, ngày 26/04/2016.REUTERS/Christophe Petit-Tesson
Trong đêm 25/04/2016, thủ tướng Úc Malcolm Turbull gọi điện cho tổng thống Pháp François Hollande thông báo quyết định chọn công ty đóng chiến hạm của Pháp DCNS đóng 12 chiếc tàu ngầm tấn công hiện đại loại « Barracuda » tàng hình cho hải quân Úc. Với trị giá 34 tỷ euro, ngành công nghiệp vũ khí của Pháp vừa giành được hợp đồng xuất khẩu quan trọng nhất kể từ năm 1945, cùng lúc loại hai đối thủ cạnh tranh Đức và Nhật.
Câu hỏi đặt ra là vì những lý do sâu xa nào mà Úc, đồng minh của Mỹ, đối tác chiến lược của Nhật Bản chọn Pháp để canh tân hải quân trong bối cảnh Trung Quốc hung hăng trong khu vực ?
Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích :
Trong cuộc chay đua trang bị 12 tàu ngầm tấn công cho Úc, tập đoàn DCNS và Thales của Pháp đứng hàng thứ ba sau tổ hợp Mitsubishi-Kawasaki của Nhật và TKMS ThyssenKrupp Marine Systems của Đức.
Tuy nhiên, cuối cùng Pháp đã giành được hợp đồng thế kỷ với tổng trị giá 50 tỷ đôla Úc, tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm tại hai nước trong thời gian « hôn nhân nửa thế kỷ », theo nhận định của bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian. Mười hai chiếc tầu ngầm sẽ được đóng tại Úc và bắt đầu hoạt động vào năm 2030.
Tàu ngầm tấn công mà Úc đặt mua của Pháp thuộc loại Barracuda đang ở trong giai đoạn trắc nghiệm trước khi giao cho hải quân Pháp vào năm 2017. Điểm khác biệt là Úc đặt mua loại động cơ hỗn hợp “Diesel và điện” trong khi hải quân Pháp sử dụng tầu ngầm nguyên tử.
Tuy không sử dụng năng lượng hạt nhân như Barracuda nguyên thủy, nhưng tàu ngầm chế tạo cho Úc cũng có nhiều ưu thế quân sự. Ngoài tầm hoạt động xa phù hợp với vị trí địa lý của Úc, Barracuda còn có ưu điểm có một không hai : im lặng và vô hình. Pháp đã chấp thuận đòi hỏi của Úc chuyển giao công nghệ “tàng hình” gần như là độc nhất vô nhị trên thế giới.
Thủ tướng Úc khẳng định Barracuda, với trọng tải 5.000 tấn, là tàu ngầm tối tân nhất thế giới, đáp ứng “các nhu cầu” của Úc.
Giới phân tích cho rằng Đức bị loại vì chưa bao giờ chế tạo tầu ngầm trên 4.000 tấn và không có kinh nghiệm hoạt động xa. Còn Nhật Bản thì chưa bao giờ chế tạo vũ khí ngoài lãnh thổ của mình. Thêm vào đó, hợp tác đóng tàu ngầm với Tokyo có thể gây xích mích với Bắc Kinh, đối tác thương mại hàng đầu của Canberra.
Đúng là Trung Quốc rất hài lòng vì « Úc không mua tàu của Nhật ». Nhưng Hoàn Cầu Thời Báo, phản ánh xu hướng hiếu chiến ở Trung Quốc, trong bài xã luận hôm 27/04/2016 cảnh cáo Canberra coi chừng hậu quả khi sử dụng hạm đội tầu ngầm vào cuộc tranh chấp địa chính trị, hợp lực với Mỹ « xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc ».
Đối với Canberra, thận trọng với Trung Quốc là một chuyện, nhưng Úc có nhiều lý do để canh tân quân đội .
Từ Sydney, nhà báo Lưu Tường Quang phân tích các nhu cầu của Úc qua bài phỏng vấn sau đây :
Nhà báo Lưu Tường Quang : « Trước hết là nhu cầu địa lý và kỹ thuật. Nhu cầu địa lý vì nước Úc là một đảo ở nam Thái Bình dương, phía đông là Thái Bình dương, phía tây là Ấn Độ dương và phía bắc là Biển Đông. Vì những lý do đó, tầu ngầm của Úc phải họat động trên một diện tích biển khơi rất rộng rộng lớn, lặn sâu, lặn xa mà phải giữ được mức độ hành quân tối đa… »
PV. Nhà bao Luu Tuong Quang
Nguồn : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160428-hai-quan-uc-chon-tau-ngam-phap-nhat-cu-da-tien

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù