Tháng Tư Ôn Lại Vấn Đề Nhân Quyền Và Tội Ác Của Cộng Sản


* NGUYỂN CAO QUYỀN


   


Hai lần Cộng Sản "giải phóng": cả dân tộc di tản

   Tháng Tư là tháng để chúng ta ôn lại những điều cần thiết cho công cuộc đấu tranh chống Cộng Sản mà toàn dân từng thực hiện thấm thoắt đã hơn 40 năm mà chưa đạt kết quả mong muốn. Trong những đoạn viết tiếp theo chúng tôi xin cùng độc giả nhìn lại một số vấn đề liên quan đến Nhân Quyền và Tội Ác của Cộng Sản.
Ý niệm Nhân Quyền
   Nhân quyền là một ý niệm tương đối mới. Người ta đã tốn công rà soát để tìm kiếm trong các xã hội cổ xưa nhưng không thấy một dấu vết nào tương tự. Nhân quyền hay những quyền tự nhiên của con người chỉ xuất hiện trên chính trường các nước Tây Phương từ thế kỷ 17.
   John Locke với tác phẩm Second Treatise of Government (1688) được coi như người đầu tiên đã triển khai một lý thuyết khá đầy đủ về các quyền tự nhiên của con người mà sau này được coi là nhân quyền. Locke quan niệm nhà nước chỉ có chính danh khi nào tạo được đầy đủ điều kiện cho nhân dân hưởng thụ những quyền tự nhiên của họ.
   Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ của thế kỷ 17 phảt sinh hiện tượng tập trung tư bản và tạo nên một giai cấp trung lưu giàu mạnh. Giai cấp này cảm thấy lý thuyết nhân quyền có thể xử dụng để phá bỏ các đặc quyền đặc lợi của giới quý tộc.
   Từ đó cuộc đấu tranh bắt đầu sôi động. Tất cả những cuộc đấu tranh này đều đặt căn bản trên nhân quyền, một căn bản đã mang tính phổ quát. Tuy nhiên trong lãnh vực ngoại giao giữa các nước thì nhân quyền xuất hiện hơi chậm trễ.
   Trước và trong thế chiến II, vấn đề nhân quyền ít khi xuất hiện trên bàn cờ chính trị thế giới vì nhân quyền vẫn được coi như vấn đề nội bộ của mỗi quốc gia. Sở dĩ có tình trạng khó hiểu và vô lý này là vì quan hệ ngoại giao giữa các nước vẫn còn dựa trên một nguyên tắc đã bị hiểu lầm và lạm dụng. Đó là nguyên tắc “chủ quyền quốc gia” của Hiệp Ước Hoà Bình Westphalia ký kết cách đây đã hơn ba thế kỷ. 
   Khi áp dụng nguyên tắc nói trên, những hành động dã man của một chính quyền đối với người dân của chính quốc gia họ chỉ là một việc riêng tư không liên quan gì đến lương tâm của nhân loại. Thậm chí vào những năm trước khi thế chiến II bùng nổ, vấn đề nhân quyền vẫn còn bị thế giới lơ là. Chỉ sau khi thắng trận các lãnh tụ đồng minh mới thấm thía hồi tưởng lại những cảnh  tượng giết chóc kinh hồn đó và ý thức đúng mức tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ nhân quyền.
Bước tiến lịch sử đầu tiên của nhhân quyền
   Việc đầu tiên trong tiến trình nâng cao giá trị của nhân quyền là phiên xử các tội phạm chiến tranh vào thời điểm 1945-1946 bởi tòa án Nuremberg trong đó các lãnh tụ Nazis thua trận phải trả lời trước pháp luật về tội danh chống nhân loại.
   Nuremberg là tên một thành phố lớn trong vùng Baravia của nước Đức. Tại thành phố này những phiên xử của Toà Án Quốc Tế về tội phạm chiến tranh sau thế chiến II đã được tổ chức từ 8/1945 đến 10/1946. Hai mươi mốt tội phạm chiến tranh của Đức Quốc Xã đã bị đem ra xét xử. Trong số những tội phạm này người ta ghi nhận Goering và Ribbentrop bị kết án tử hình còn Hess thì bị tù chung thân. 
   Nuremberg được xem như bước khởi đầu của cộng đồng nhân loại trong quyết tâm hướng về một nền văn minh mới. Mùa xuân năm 1945, 50 quốc gia đã họp hội nghị tại San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc. Ba năm sau khi Hiến Chương LHQ được ký kết thì vào ngày 10/12/1948 Đại Hội Đồng LHQ đã đồng thanh chấp nhận Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và văn kiện luật pháp lịch sử này đã lập tức được công bố trước toàn thể nhân loại.
  Sự phát triển rầm rộ của phong trào quốc tế nhân quyền sau đó bị Chiến Tranh Lạnh làm khựng lai. Tuy bị khựng lại nhưng một phong trào khác vẫn không bị khung cảnh của Chiến Tranh Lạnh chi phối. Đó là Phong Trào Phi Thực Dân Hóa. Vì mới thoát khỏi ách thực dân nên các quốc gia này hết sức ủng hộ các vấn đề liên quan đến nhân quyền.
Do đó LHQ đã phải đặt vấn đề nhân quyền lên ưu tiên cao nhất. Hai công ước quốc tế về nhân quyền đã được hoàn tất năm 1966 là Công Ước về Các Quyền Dân Sự, Chính Trị và Công Ước về các quyền Kinh Tế, Xã Hội, Văn Hóa. Hai công ước này họp với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thành bộ luật quốc tế về quyền con người của nhân loại.
Những tội ác của Cộng Sản
   Chế độ cộng sản đã phạm quá nhiều tội ác không những đối với cá nhân con người mà còn đối với nền văn minh thế giới và nền văn hóa của nhiều dân tộc. Lượng định mức độ tàn ác của chủ nghĩa Cộng Sản có thể bắt đầu bằng những con số ước lượng những người chết như sau: Liên  Sô 20 triệu, Trung Quốc 65  triệu, Việt Nam 1 triệu, Cam Bốt  2 triệu, Bắc Hàn 2 triệu,  Châu Mỹ La Tinh 15.000, Phi Châu 700.000, Afghanistan 1.500.000. Tổng cộng lên đến gần 100 triệu người.
   Những yếu tố pháp lý cấu thành tội ác mà một nước phạm phải được đưa ra lần đầu tiên năm 1945  tại Tòa Án Nuremberg là toà án xét xử các hành vi tàn ác của Đức Quốc Xã.  Bản chất của những tội ác đó được xác định bởi Điều Khoản Số 6 của văn kiện thành lập Tòa Án Quân Sự Quốc Tế trong đó đề ra ba tội chính: tội ác chống hòa bình, tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại. Nhìn vào thế giới Cộng Sản nói chung người ta thấy những tội ác mà họ đã phạm đều thuộc vào ba loại tội phạm đề ra trong văn kiện số 6 nói trên.
Tội ác chống hòa bình
   Theo mục a của Điều 6 thì “tội ác chống hoà bình” là những hành vi hoạch định, chuẩn bị, phát khởi để tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lấn, hoặc một cuộc chiến tranh vi phạm các hiệp ước, hiệp định quốc tế, hoặc tham gia một kế hoạch chung, một âm mưu chung để thực hiện các hành vi nói trên.
   Những hành vi mà các đảng cộng sản được Moscow giúp đỡ để lật đổ chính quyền các nước được xếp vào loại những tội ác chống hòa bình vì những hành vi đó gây ra chiến tranh. Điều này có thể thấy được qua trường hợp của Afghanistan và rõ rệt hơn cả là trường hợp của Việt Nam.
Tội ác chiến tranh
   Theo định nghĩa trong mục b của Điều Khoản 6 thì tội ác chiến tranh là những hành vi vi phạm luật lệ hay tập quán của chiến tranh.
   Những hành vi này bao gồm việc sát hại, đối xử tàn tệ, hoặc trục xuất thường dân của một vùng bị chiếm đóng đến các trại lao động khổ sai, hoặc vì những lý do nào khác, sát hại và đối xử tàn tệ với tù binh hoặc những người trên biển cả, giết chết con tin, cướp phá tài sản công hoặc tư, phá hủy bừa bãi thành phố, làng mạc, và bất cữ hành vi phá hoại nào xét ra không cần thiết về mặt quân sự.
   Luật lệ và tập quán chiến tranh được ghi rõ trong một số công ước, đặc biệt là Công Ước La Haye năm 1907 trong đó ghi rõ rằng: “Trong thời gian chiến tranh cư dân và các phe lâm chiến tiếp tục được bảo vệ bởi các quy tắc của quốc tế công pháp, xuất phát từ những tập tục đã thành hình trong các dân tộc văn minh, từ luật lệ của nhân loại và những đòi hỏi của lương tri”.
   Nhìn lại lịch sử ta thấy Stalin đã ra lệnh thực hiện nhiều tội ác chiến tranh. Chẳng hạn như thủ tiêu toàn bộ sĩ quan Ba Lan bi bắt làm tù binh, trong đó có 4500 người bị giết ở Katyn. Trong một quy mô lớn hơn có hàng vạn tù binh Đức bị bắt từ 1943 đến 1945 bị giết chết hay ngược đãi cho đến chết ở các trại tù của Nga thường được gọi là Gulag.
   Cũng không nên quên việc hồng quân Nga đã hãm hiếp một số phụ nữ Đức ở vùng bị chiếm đóng. Ngoài ra cũng phải kể cả việc Liên Sô đã giết hại và trục xuất sau khi bị bắt làm tù binh các chiến sĩ trong lực lượng kháng chiến chống cộng sản như tổ chức dân quân ở Ukraine và vùng Baltique.
Tội ác chống nhân loại
   Từ ngữ “Tội ác chống nhân loại” xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 19/5/1915 trong một tuyên cáo Pháp, Anh và Nga lên án việc Thổ Nhĩ kỳ tàn sát người Armenia và gọi đó là một tội ác mới chống nhân loại.
   Tòa án Nuremberg tái xác định tội ác chống nhân loại và ghi rõ trong mục c của Điều Khoản số 6 như sau: “sát hại, hủy diệt, bắt làm nô lệ, trục xuất và những hành vi vô nhân đạo khác thực hiện trước hoặc trong thời gian chiến tranh nhắm vào thường dân”.
   Tất cả những phát biểu trước Tòa Án Nuremberg đều nhấn mạnh đến một trong số những đặc tính chủ yếu của các tội ác chống nhân loại là: quyền lực của nhà nước được huy động để phục vụ cho những chính sách và hành vi tội phạm.
   Khái niệm về tội ác chống nhân loại là một khái niệm phức tạp và có liên hệ trực tiếp với những tội ác mà chúng ta đang cứu xét. Một trong những tội ác được xác định rõ ràng nhất là tôi diệt chủng. Ở Nga, chính sách “phi Cossach hóa” là một hành động diệt chủng. Chính sách “phi Kulak hóa” thực hiện từ 1930 đến 1932 cũng là một hành động diệt chủng trên quy mô lớn hơn. Có thể nói rằng tội diệt chủng nhắm vào một giai cấp chính là để nhắm vào một chủng tộc.
   Nghiên cứu về tội diệt chủng của Lenin và Stalin còn cần phải thêm vào công trình này các tội ác của Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Pol Pot, Hồ Chí Minh là những lãnh tụ nối tiếng vì giết hại nhiều người ở vùng Châu Á.
Thế nào là: Giải Phóng
   Đối với người Việt Nam hải ngoại thuật ngữ “giải phóng” đã để lại nhiều kỷ niệm đau thương cần thuật lại. Có thể nói rằng trong suốt cuộc chiến kéo dài ba mươi năm CSVN đã gian xảo gieo rắc vào đầu óc nhân dân ta tới ba lần thuật ngữ này để lừa bịp.
   Lần thứ nhất tại Hà Nội tháng 8/1945, sau khi sang đoạt công lao khởi nghĩa của một vài phần tử Việt Minh không cộng sản, Hồ Chí Minh đem từ Thái Nguyên về một đội quân rách rưới nghèo nàn để ra oai với quần chúng và được gọi là quân “giải phóng”. Thật ra đây chỉ là một sự nhận vơ vì mấy anh lính gầy gò ốm yếu này chưa có công trạng gì với nhân dân và tổ quốc, chẳng đánh Pháp mà cũng không đuổi Nhật. Tuy nhiên vì được gọi là quân “giải phóng” nên được nhân dân yêu quý. Những ai muốn hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện này ra sao xin mở sách Đèn Cù cuốn II của Trần Đĩnh và đọc từ trang 536 đến trang 551.
   Lần thứ hai xảy ra vào năm 1954 khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định Geneve. Cộng sản được cho phép chiếm miền Bắc đến dòng sông Bến Hải. Họ rầm rập kéo nhau từ an toàn khu miền cao nguyên sông Hồng về thủ dô Hà Nội và các đô thị lớn miền đồng bằng để chiếm nhà cướp của.  Cư dân Hà Nội và các đô thị lớn, những gia đình có nhiều kinh nghiệm với sự “giải phóng”dã man tàn bạo của cộng sản phải bỏ nhà bỏ của kéo nhau lên tàu há mồm chạy vào Nam. Hơn một triệu người đã bỏ quân giải phóng ra đi gần như với hai bàn tay trắng.
   Lần thứ ba xảy ra vào sau tháng Tư Đen 1975. Khi được tin người Mỹ bỏ Việt Nam và quân CS ồ ạt mang xe tăng vào tiếp quản hết tỉnh này sang tỉnh khác, người miền Nam thi nhau bỏ chạy như chạy giặc. Họ ùa nhau ra biển để tìm tự do trên những chiếc thuyền nhỏ bé, số phận phú cho Trời định đoạt. Họ sợ hãi quân “giải phóng” ăn cướp giết người nên đã ra đi không màng gì đến tính mạng. Một nửa con số thuyền nhân cảm tử ấy đã nằm trong bụng cá. Đây là cuộc di cư vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại. Đây là một sư ly khai với huyền thoai “giải phóng”của cộng sản rứt khoát nhất và thương tâm nhất như chưa bao giờ xẩy ra trong nền văn minh của loài người.
   Cho nên giải phóng phải được hiểu theo hai cách. Hiểu theo cách của người dân chủ thì giải phóng đưa đến sự phục hồi của chế độ dân chủ còn nếu hiểu theo cách của người cộng sản thì giải phóng là sự lót đường cho chế độ độc tài.
Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ
   Phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2015 cho biết Việt Nam vẫn vi phạm quyền làm người của công dân một cách nghiêm trọng. Ngoại trưởng John Kerry khẳng định bản phúc trình nhân quyền 2015 là một công trình nghiêm túc rõ ràng chứ không phải một ý kiến tùy tiện quyết đoán.
   Nước CHXHCNVN bước sang năm  2016 vẫn là một quốc gia toàn trị. Dù đã có dấu hiệu cố gắng nhưng Viêt Nam vẫn chưa được đánh  giá là đã có tự do và công bằng. Những điều lệ về bắt giữ, tạm giam, xét xử tuy đã được chú tâm nhưng vẫn chưa đúng mức. Vẫn còn nhiều định nghĩa mơ hồ trong bộ Luật Hình Sự như xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích nhà nước mà chính phủ dựa vào đó để chặn đứng hoạt động chính trị của người dân và của các tổ chức XHDS.
   Việt Nam vi phạm nhân quyền vì những vi phạm bắt giữ công dân một cách tùy tiện, tra tấn, đánh đập người bị bắt đôi khi đưa đến tình trạng tử vong. Người bị buộc tội không đươc xét xử công bằng, hệ thống tư pháp thiếu công minh, không độc lập mà còn bị lũng đoạn.
   Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam còn bị giới hạn, nhà nước sử dụng mọi biện pháp kiểm duyệt, ngăn chặn, và cấm đoán internet. Những điều cấm kỵ này được áp dụng luôn cho các tôn giáo ở trong nước.
   Tóm lại tất cả những điều nói trên đều là những hành vi chà đạp quyền con người của chính phủ Việt Nam. Ngoài những thiếu sót này, Việt Nam còn phải cải thiện vấn đề lương hướng của công nhân, đẩy mạnh việc thành lập công đoàn độc lập, chấm dứt việc cấm đoán các NGO muốn hỗ trợ công nhân lao động trong nước.
   Nhiều người trong nước nghĩ rằng nhân quuyền tại Việt Nam càng ngày càng tệ hơn chứ không có gì sáng sủa, nhất là khi phe bảo thủ của Nguyễn Phú Trọng đang nắm thế hiện nay. Hàng loạt vụ bắt bớ và đàn áp vẫn tiếp tục xảy ra. Cho đến nay vấn đề nhân quyền không được cải thiện. Sự vi phạm nhân quyền càng ngày càng rõ nét và trầm trọng.
   Đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ lần thứ 20 sẽ diễn ra tại Washington DC ngày 25/4/2016. Sau 19  lần đối thoại, nhân quyền từ phía Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.   Bước vào đối thoại lần này, Mỹ có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất, vấn đề TPP vẫn còn nằm trong tay Quốc Hội Hoa Kỳ. Thứ hai, TT Obama sắp sang thăm Việt Nam. Thứ ba, Mỹ đã nắm bắt thực trạng nhân quyền tại Việt Nam qua việc đặc sứ về tự do tôn giáo mới tới thăm nước này.
   Thực tế là như vậy, nhưng chúng ta vẫn còn phải chờ đợi xem Hà Nội dối trá ra sao.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù