Lào tăng cường việc quản lý lao động Việt tại nước này

NgonHanoi.jpg  

Tiệm ăn người Việt tên Ngon Hà Nội ở thủ đô Viêng Chăn.
RFA PHOTO
 
Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016-04-24              



Gần đây, dư luận trong cộng đồng người lao động Việt tại Lào cho rằng chính quyền Lào sẽ siết chặt quản lý đối với các cơ sở kinh doanh và các lao động là người Việt Nam. Nội dung của chính sách này là gì và nguyên nhân do đâu?
Theo thống kê chưa đầy đủ, số người Việt sang làm việc tại Lào có ước chừng 40.000 người, ngoài số khoảng 13.500 lao động kỹ thuật đi theo các dự án hợp tác đầu tư, thì hầu hết là lao động bất hợp pháp. Những người này thường làm các nghề thợ xây dựng, thợ mộc, bán hàng rong, làm thuê… Còn những người có điều kiện hơn thì là chủ các cửa hàng, tiệm may, gara sửa xe…
... khi người Việt mình làm thẻ lao động, giấy phép kinh doanh, đăng ký tạm trú và nộp thuế cho nhà nước thì có lẽ họ sẽ không đuổi nữa.
- Anh Đức
Đến nước Lào bây giờ, bất kỳ ở đâu chúng ta có thể dễ dàng thấy dấu ấn của người Việt. Đó không chỉ là việc tiếng Việt được sử dụng phổ biến ở mọi nơi, mà bất kể ở đâu cũng có thể thấy các tấm biển hiệu viết bằng tiếng Việt hiện diện.
Anh Tư, một người kinh doanh ở thủ đô Viêng Chăn nói với chúng tôi, thời gian gần đây, trong cộng đồng người lao động VN tại Lào đã có dư luận cho rằng, chính quyền Lào sẽ siết chặt quản lý đối với các cơ sở kinh doanh và các lao động là người Việt Nam. Anh cho biết:
“Hôm trước tôi thấy trên facebook, có người hỏi rằng, nghe nói người Việt muốn mở cửa hàng bên đây phải có 2 tỷ tiền Việt có đúng hay không? Nhưng không thấy ai trả lời hết. Ở Viêng Chăn tôi đã nghe thấy gì đâu? Ở đây, mình cứ đóng thuế mỗi tháng mấy chục ngàn là được thôi mà.”
Trong một tâm trạng lo lắng, anh Phúc quê ở Huế, chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ ở thành phố Pakse cho biết, anh và gia đình đã thuê đất và thiết lập cơ sở kinh doanh dịch vụ trên đất Lào từ nhiều năm nay. Anh khẳng định:
“Cái đó đã được chính quyền thông báo rộng rãi, với nội dung đến ngày đó thì những người VN phải trở về nước. Vừa rồi họp xong, công an của Lào nói rằng đến hết tết té nước sẽ thực hiện. Nhưng cũng có người bảo, có thể họ cho ở nhưng phải có điều kiện, chi phí làm giấy tờ cư trú sẽ tăng lên gấp mấy lần. Các loại quán xá, dịch vụ như gara sửa xe, rửa xe, hớt tóc… thì để cho người Lào làm. Còn ai muốn kinh doanh thì phải bỏ tiền đầu tư cỡ tiền tỷ, đóng cho nhà nước để họ đánh giá thuế. Họ đang xiết chặt lại để quản mình.”
Anh Đức, một người làm công cho một quán ăn ở Huoi Kong, tỉnh Atapu thấy rằng, vấn đề này tùy thuộc vào từng khu vực. Theo anh, ví dụ như ở tỉnh Atapu này thì họ chỉ yêu cầu làm thẻ lao động, giấy phép kinh doanh, đăng ký tạm trú. Anh nói:
Bây giờ ở bên này người ta cũng đang nói như thế, nhưng chuyện này họ đã nói mấy năm rồi, rằng công an sẽ lùa người Việt về. Song khi người Việt mình làm thẻ lao động, giấy phép kinh doanh, đăng ký tạm trú và nộp thuế cho nhà nước thì có lẽ họ sẽ không đuổi nữa.”
Nhận xét về những người lao động VN đang làm việc tại Lào, bà Monethong Charoensad, một nhà kinh doanh ở thủ đô Viêng Chăn nói với chúng tôi, đại ý bà thấy rằng:
VietLao.jpg
Một hãng xe khách Việt - Lào ở Pakse. RFA PHOTO.

“Người Việt Nam sang Lào làm việc là những người chịu khó, siêng năng nên người Lào thích thuê họ, cho dù họ cũng còn có một số nhược điểm như thích uống rượu rồi đánh cãi nhau. Nhưng điều đó không làm người Lào ghét họ, mà vẫn luôn đề cao và coi họ là người bạn tốt. Vì họ đã làm những việc mà người Lào không làm được hoặc không muốn làm.”
Theo báo Vientianetimes tháng 11/2015 cho biết, theo quy định người lao động nước ngoài ở Lào sẽ có 3 tháng để đăng ký với cơ quan chức năng của Lào, trên cơ sở đó cơ quan này sẽ xem xét liệu họ có tiếp tục được ở lại Lào hay không và những ai không tuân thủ sẽ bị trục xuất về nước. Tuy nhiên, theo bản báo thì họ không cho biết chính xác thời gian đăng ký bắt đầu từ khi nào.
Anh Phúc cho biết, trước đây anh không biết gì về thông tin này. Gần đây, bà con người Việt qua làm ăn sinh sống ở Lào hết sức lo lắng trước các quy định mới, khá khắt khe của chính quyền Lào. Theo anh những đòi hỏi đó quá cao so với khả năng của bản thân mình. Anh bày tỏ:
“Ai cũng nghĩ lụt thì lụt cả làng, chết thì chết chung thôi còn người nọ người kia. Như tôi cũng nghĩ nếu như thế thì về VN luôn thôi, chứ tiền đâu? Vài ba chục triệu kíp cũng là 6-7 trăm triệu đồng VN rồi, có chừng đó thì về VN làm và sống với con mình cho khỏe chứ. Phụ thuộc họ làm chi cho mệt?”
Trả lời câu hỏi về nguyên nhân của chính sách mới này. Một cán bộ lão thành của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào gốc Việt, yêu cầu giấu danh tính thấy rằng, mấy năm trở lại đây, một số lượng lớn người Trung Quốc cũng đổ đến Lào để sinh cơ lập nghiệp. Song sự tồn tại của cộng đồng người Việt trên đất Lào có phần lấn át cộng đồng người Trung Quốc, theo ông đó là nguyên nhân. Ông nói với chúng tôi:
“Vấn đề là, bây giờ ở Lào ai lên nắm quyền đều phải dựa vào Trung Quốc, Trung Quốc đã mua chính quyền của Lào, nhưng chỉ mua một người thôi và người đó đã đi theo Trung Quốc. Trong nhiều cuộc họp tôi đã nói rằng, các ông không giữ lới hứa, tại sao lại săn bắt người Việt? Trung Quốc sang đây có dám bắt nó không? Không! Vậy mà bây giờ họ cứ nhè người Việt mà bắt, thậm chí người nghèo Việt Nam sang làm cái móng tay mà họ cũng lùa bắt.”
Ông này cho biết thêm, kết quả của Đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lần thứ 10 vừa qua, dù rằng đã thay thế lãnh đạo cao cấp nhất, song chính sách của chính quyền Lào đối với lao động VN cũng khó mà thay đổi. Ông khẳng định:
Người Việt Nam sang Lào làm việc là những người chịu khó, siêng năng nên người Lào thích thuê họ...
- bà Monethong Charoensad
“Cấp dưới đang chờ sự thay đổi ở cấp trên, việc này chưa ban bố, sự thay đổi ở cấp trên hiện nay cấp dưới chưa nắm trong khi ông ấy vẫn giữ chức vụ mà chưa giao lại. Cái này thì mình chưa nắm được. Nhưng vấn đề là không sớm thì muộn, Trung Quốc vẫn đưa người vô, cho nên không chắc chắn gì được.”
Trước tình hình như vậy, song những người lao động ở Lào vẫn tin tưởng vào sự giúp đỡ của Đại sứ quán VN tại đây. Anh Phúc hy vọng:
“Cách đây 5 năm, cũng có đợt Tổng lãnh sự VN cũng gọi người Việt lên thông báo như vậy, nhưng lần này Tổng lãnh sự chưa thông báo. Nhưng tôi tin rằng Sứ quán VN ở đây sẽ can thiệp được.”
Chúng tôi đã liên lạc tới bà Nguyễn Thị Hà, Tham tán Công sứ, Trưởng phòng Chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Viêng Chăn để tìm hiểu về việc này thì được từ chối trả lời và có yêu cầu gửi câu hỏi tới ĐSQ để xem xét và có ý kiến.
Theo ước tính của Bộ Lao động và phúc lợi Lào, hiện Lào đang thiếu rất nhiều lao động có tay nghề để phát triển kinh tế xã hội. Đi cùng với đó là lương người lao động nước ngoài đến Lào làm việc cũng tăng lên. Ngoài ra còn có nhiều lao động nước ngoài không có giấy phép, khiến chính quyền phải siết chặt các biện pháp quản lý, nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo đúng quy định của luật pháp Lào.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù