Tin Việt Nam – 11/01/2017
Nên hay không nên bỏ Tết ta?
Sau khi Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân lặp lại ý kiến của 11 năm trước cho rằng Việt Nam không nên ăn Tết cổ truyền nữa mà nên theo Nhật Bản, chỉ tổ chức mừng Tết dương lịch, một số trí thức trong nước đã lên tiếng tán thành, ủng hộ đề nghị này của ông, nhưng cũng có người cho đây là bản sắc của Việt Nam, không thể bỏ được.
Trả lời VTC News, GS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ nói việc tổ chức Tết Nguyên Đán dài ngày sẽ khiến cho Việt Nam mất nhiều cơ hội làm ăn, giao thương với các đối tác nước ngoài, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn là một nước nghèo. Ủng hộ quan điểm của GS. Xuân, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cũng cho rằng ăn Tết cổ truyền gây ra nhiều lãng phí, giảm hiệu quả kinh tế vì bỏ lỡ các giao dịch, hội nghị, giao ước quốc tế… Kinh tế gia Phạm Chi Lan cũng đồng ý quan điểm trên. Theo bà, nếu gộp Tết tây và Tết ta với nhau, con cháu những người Việt ở nước ngoài sẽ thuận tiện về thăm gia đình, họ hàng tại Việt Nam.
Là một trong những người ủng hộ bỏ Tết ta, nhà giáo Phạm Toàn từ Hà Nội, người đứng đầu nhóm biên soạn bộ sách giáo khoa mới cho học sinh Việt Nam, nói với VOA rằng việc bỏ Tết ta còn giúp hạn chế nhiều điều tiêu cực trong xã hội như nạn biếu xén, rượu chè, cờ bạc, tai nạn giao thông… Ông nói:
“Từ lâu mình vẫn nghĩ Việt Nam chỉ nên làm một cái Tết dương lịch thôi. Là vì thế này, cái Tết ta chỉ phù hợp với một nước nông nghiệp, nên có cái bài ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’. Ngày xưa thì được, bây giờ thì không được. Bây giờ là phải làm việc có kỷ luật, tính đến chuyện làm, chuyện học, chuyện con người. Con người Việt Nam bây giờ năng suất thì kém. Tết ra thì cơ quan, học sinh, sinh viên, giáo viên lè phè lè phè. Dư âm của Tết Việt Nam tệ lắm. Trước Tết thì chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia…”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, hiện đang có 3 luồng ý kiến xung quanh chuyện tổ chức Tết âm lịch. Một luồng ý kiến cho rằng nên bỏ hẳn Tết âm lịch và chỉ mừng Tết dương lịch như các nước phương Tây hay Nhật Bản. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng vẫn nên tổ chức cả hai dịp Tết dương và âm lịch như lâu nay. Ý kiến thứ ba cho rằng nên gộp hai dịp Tết làm một. TS. Nguyễn Xuân Diện giải thích nguyên nhân của vấn đề gây tranh luận này.
“Sở dĩ có cái tâm lý như thế này là bởi vì cái Tết bây giờ nó không như ngày xưa nữa. Ngày xưa, người ta chờ đợi một cái Tết để được ăn uống, chơi bời, ăn mặc đẹp, thăm thú… Nhưng bây giờ tất cả những nhu cầu đấy không còn như xưa nữa. Ngay cả Tết cổ truyền, người ta thay vì về quê quán, thì cũng có những người thích đi du lịch v.v… Tâm lý của người Việt Nam trước cái Tết cổ truyền cũng không còn như ngày xưa”.
Nhà giáo Phạm Toàn và nhiều trí thức khác cho rằng Việt Nam chỉ nên giữ lại những tập tục đẹp của dịp Tết âm lịch và gộp chung vào dịp Tết dương lịch cho phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Ông nói:
“Nếu cần thì cho Tết dương lịch nghỉ hẳn từ Giáng sinh đến Tết dương lịch. Hoặc có thể Tết dương lịch cho nghỉ hẳn 3 ngày, 4 ngày, tùy. Cái đó là cái quyền của mình. Nhưng ngày Tết chỉ nên nghỉ một lần thôi”.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Xuân Diện lại cho rằng Tết âm lịch là một dịp tết cổ truyền của Việt Nam, có liên quan đến những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như mùa vụ, lễ hội, cúng tế… hay tâm lý hướng về cội nguồn của người Việt. Vì vậy cho dù có đang trên đường hiện đại hóa, Việt Nam vẫn nên giữ cái hồn này.
“Xã hội hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là không Tết cổ truyền nữa thì đó là một ý kiến sai lầm và nó sẽ làm cho xã hội Việt Nam mất cân bằng về mặt văn hóa và tâm linh. Bởi điều đó sẽ biến con người thành những con rôbốt, chỉ biết kiếm tiền và làm việc như một cái máy”.
Với quá trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, TS. Diện ủng hộ ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn nên giữ cả hai dịp Tết. Ông cho biết thêm:
“Việt Nam hiện đang chuẩn bị một hồ sơ để trình lên UNESCO để công nhận Tết cổ truyền âm lịch là một di sản văn hóa phi vật thể. Là một người nghiên cứu về cổ truyền đã lâu, tôi vẫn tán thành việc vẫn tiến hành song song cả hai cái Tết âm lịch và dương lịch để giữ lại những nét văn hóa đặc sắc về phong tục và mọi mặt của đời sống văn hóa và tâm lịch của Việt Nam”.
Nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm cho rằng để hạn chế những điều tiêu cực của việc tổ chức Tết Nguyên đán dài ngày, Việt Nam nên tiến hành các nghiên cứu, điều tra khoa học để đưa ra quyết định phù hợp với xã hội hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc Việt.
Ngày mùng 1 Tết Đinh Dậu năm nay rơi vào ngày 28/1. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam đã ra thông báo chính thức nghỉ Tết liên tục 7 ngày, từ 26/1 – 1/2/2017.
Việt Nam hướng tới
thị trường thanh toán không dùng tiền mặt
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước với một kế hoạch phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2016-2020 vừa được thông qua.
Theo một đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Đề án được thông báo trên trang web Chinhphu.vn cho biết, mục tiêu trong 5 năm nữa sẽ có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối có thiết bị nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Kế hoạch này cũng nhắm mục tiêu đến năm 2020, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, và 50% cá nhân và các hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đề án này không khả thi.
“Bởi vì đối tượng thanh toán qua các siêu thị rất là khác mà chủ yếu là người tiêu dùng. Hai nữa là nó tùy thuộc vào sự phân phối sản phẩm ở Việt Nam, ví dụ bao nhiêu phần trăm buôn bán qua siêu thị và bao nhiêu phần trăm là những thị trường bán lẻ – những người bán lẻ và những shop nhỏ. Tôi không nghĩ (đề án) là khả thi lắm.”
Theo giải thích của tiến sỹ kinh tế này, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người Việt là một “rào cản lớn nhất” cho đề án mới được phê duyệt của chính phủ. Chuyên gia của CIEM nói sự tiện dụng trong sử dụng tiền mặt ở Việt Nam luôn là lý do để người mua không thích dùng thẻ khi thanh toán.
“Thói quen là một cái rất là khó. Trong thời gian tới thì tôi nghĩa là nó dần dần, chứ nếu đặt ngay một mục đích là từ giờ đến 2020 thì nó tương đối là hơi quá tham vọng.”
Để thực hiện đề án mới, Việt Nam sẽ lắm đặt hơn 300.000 máy nhận thẻ tại các điểm bán hàng trên toàn quốc cho tới cuối năm 2020 với dự tính thực hiện 200 triệu giao dịch thanh toán một năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ từ số liệu của Sở Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đã có 106 triệu thẻ ngân hàng đang được sử dụng ở Việt Nam tính đến giữa năm 2016, tăng 3,5 lần so với con số này của năm 2010. Cũng theo thống kê này, đã có hơn 17.330 máy rút tiền tự động ATM và hơn 240.660 thiết bị nhận thanh toán bằng thẻ tại các điểm bán hàng.
Để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ đã đưa ra các mức phí thấp cho người trả thuế và các dịch vụ hành chính qua mạng và giảm thiểu các mức phí cho các giao dịch liên ngân hàng trong khi mức phí này sẽ bị đánh cao hơn cho người giao dịch bằng tiền mặt.
Tuy nhiên các điều lệ ngân hàng phức tạp và tình trạng gian lận trên mạng tăng cao làm cho nhiều người không mặn mà với phương thức thanh toán bằng thẻ, theo chủ tịch công ty ngân hàng và công nghệ thanh toán Komtek Nguyễn Hoàng Ly được báo Nikkei trích lời.
Tiến sỹ Thắng nói người Việt Nam có “lo ngại về sự an toàn của hệ thống ngân hàng – không biết lúc nào nó đổ chẳng hạn,” nhưng cho rằng “đại thể dân chúng thì tôi nghĩ niềm tin vào ngân hàng vẫn là lớn.”
Cũng theo ghi nhận của Nikkei, ngoài việc hệ thống ngân hàng địa phương còn yếu kém, việc đồng tiền Việt luôn mất giá là một trong những yếu tố khiến người dân không muốn giữ tiền nhiều mà chuyển thành vàng và ngoại tệ cho an toàn.
Một trong những hình ảnh rất phổ biến ở Việt Nam trên truyền thông trong nước là những công nhân ở các khu công nghiệp xếp hàng rút tiền từ máy ATM sau mỗi kỳ trả lương để tiêu và thanh toán.
Theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Ken về các xu thế trong thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam đưa ra vào tháng 9/2016, hơn 90% các giao dịch thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.
Chuyên gia của CIEM nói để thực hiện việc thanh toán bằng thẻ phải mất thời gian và “phải cải cách từ hệ thống bán lẻ.”
“Kênh phân phối nhỏ lẻ ở Việt Nam hiện nay – cái gọi là facilities (phương tiện) để phục vụ cho việc thanh toán bằng thẻ chưa sẵng sàng. Và cải thiện cái đó cần rất nhiều thời gian.”
Một trong những nỗ lực của chính phủ để thực hiện mục tiêu của đề án đến năm 2020 là nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70%.
Tranh cãi về việc trùng tu hai di tích ở Hà Nội và Huế
Hiện đang có những tranh cãi xoay quanh việc trùng tu hai di tích lịch sử ở Hà Nội và Huế cùng thời điểm.
Trên mạng xã hội đang lan truyền ảnh Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (còn được gọi là Bia Quốc Học) tại Huế được phủ màu vàng chóe và các ảnh chụp cận cảnh còn cho thấy hầu hết hoa văn cũ trên bia đã bị cạo đi.
Trong khi đó, truyền thông Việt Nam cho hay nhiều hạng mục công trình tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, vừa được phủ lớp vôi mới cũng gây tranh cãi trong dư luận.
Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong toạ lạc sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học.
Công trình được xây vào đầu thế kỷ 20 để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp Pháp đánh Đức trong Thế chiến thứ nhất.
Hôm 11/1, trả lời BBC từ Huế, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói: “Vấn đề ở đây là sự khác biệt quan niệm về việc trùng tu di tích.”
“Một tấm bia đã trải qua nhiều thời kỳ thì trước khi tiến hành trùng tu phải xác định chọn thời kỳ nào để tìm đúng vật liệu, màu sắc và kỹ thuật được dùng ở thời điểm ấy để việc trùng tu đảm bảo giống như nguyên bản.”
‘Hệ lụy’
“Theo những gì tôi thấy ở Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong bây giờ thì người ta làm mới trong khả năng của họ.”
“Và làm như thế thì sai từ A đến Z.”
“Lẽ ra đối với những di tích hơn 100 năm tuổi như thế này, người ta phải thông qua hội đồng để các chuyên gia cho ý kiến.”
“Hệ lụy của việc trùng tu không ổn là làm mất đi một di tích mà 100 năm nữa, chính quyền không đỡ nổi sự phê phán của hậu thế.”
Về việc trùng tu di tích Văn Miếu, báo Dân Trí dẫn lời ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám: “Đây là việc làm hết sức bình thường của nghiệp vụ bảo tồn di tích.” “Lớp vôi tôi có màu trắng được phủ lên nhằm mục đích để triệt tiêu nấm mốc và bảo vệ lớp vữa trát ở bề mặt tường.”
“Sau khi lớp vôi tôi này khô, đơn vị thi công sẽ phủ một màu xám trắng để giống với màu di tích trước đó.”
Hôm 11/1, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi đang ốm nên không quan tâm đến việc họ trùng tu Văn Miếu thế nào.”
“Nhưng tôi có thể nói là việc trùng tu di tích ở Việt Nam lâu nay hết sức không ổn.”
“Tuy vậy, tôi vẫn thấy có những vấn đề xã hội lớn lao đáng bận tâm hơn là bàn về những cái mang tính sơ đẳng đó.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 10/1 trích lời Phó giáo sư Tiến sĩ Đặng Văn Bài, phó chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam: “Nếu quan niệm việc quét vôi ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm mất đi nét cổ kính của di tích này thì đó là quan điểm sai lầm về mặt khoa học”.
Nguyên lãnh đạo ngân hàng Đại Tín bị bắt
Bảy bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Đại Tín (Trustbank), bị khởi tố và bắt tạm giam.
Tin tức ghi nhận được cho biết Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về kinh tế và Tham nhũng (C46), Bộ Công An vào sáng nay tiến hành tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng, xét nơi ở và nơi làm việc của 7 người, trong đó có ông Hoàng Văn Toàn, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản Trị và ông Trần Sơn Nam, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín.
Tất cả bị di lý ra Hà Nội để điều tra.
Tội danh bị khởi tố là ‘cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.
Cũng trong ngày hôm nay, Thanh tra Chính phủ Việt Nam tổ chức Hội nghị Trực tuyến từ Hà Nội tổng kết công tác năm 2016 và triển khai phương hướng cho năm 2017.
Thông tin từ hội nghị cho biết trong năm qua, Thanh tra Chính phủ và ngành này đã xử lý 20 người đứng đầu và chuyển vị trí hơn 10 ngàn cán bộ vì có liên quan đến tham nhũng.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hạnh, phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam, thừa nhận tình hình tham nhũng trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Việc xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản án về tham nhũng và phát hiện hành vi tham nhũng còn hạn chế.
Công tác chống tham nhũng tại Việt Nam được nhiều lãnh đạo Hà Nội nói đến trong nhiều năm qua; thế nhưng qua nhận định của giới quan sát thì tình trạng không giảm đi mà ngày càng tăng.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-arrest-7-bankers-f-21-million-graft-01112017082849.html
Blogger Nguyễn Ngọc Già bị chuyển trại
Tù nhân chính trị, blogger Nguyễn Ngọc Già, tên thật Nguyễn Đình Ngọc, bị chuyển trại từ Bố Lá, Bến Cát, tỉnh Bình Dương đến trại giam Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho ông Nguyễn Đình Ngọc tại phiên xử trước đây, cho biết tin vừa nêu:
“Tin chuyển trại do chị gái anh Nguyễn Ngọc Già báo cho tôi biết và tôi báo lại cho mọi người biết nếu ai muốn thăm hỏi anh ấy để biết. Anh ấy bị chuyển trại từ Bố Lá huyện Bến Cát Bình Dương về trại Xuân Lộc, Đồng Nai.”
Ông Nguyễn Đình Ngọc, được nhiều người biết đến qua những bài viết ký tên blogger Nguyễn Ngọc Già đăng trên những trang mạng không thuộc Nhà nước quản lý. Những bài viết của ông về tình hình xã hội Việt Nam được cho là sâu sát và thuyết phục người đọc.
Ông bị bắt ngày 27 tháng 12 năm 2014 với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam và bị tòa sơ thẩm ở Sài Gòn tuyên án 4 năm tù; tuy nhiên được giảm 1 năm tại phiên phúc thẩm.
Cũng liên quan vấn đề tù nhân lương tâm tại Việt Nam, tin mới nhận cho biết thân nhân tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu được đại diện Nhà nước Việt Nam gặp thông báo Hà Nội chính thức chấp nhận đề nghị của một số cơ quan ngoại giao quốc tế trong việc bỏ việc giam giữ đối với anh Đặng Xuân Diệu kể từ ngày mai 12 tháng giêng.
Tin nói thêm tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu sẽ lên đường đi Pháp vào tối ngày 13 tháng giêng tới đây.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thăm Việt Nam tuần tới
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm lần thứ ba đến Việt Nam vào ngày 16 và 17 tháng giêng tới đây.
Mục đích của chuyến thăm được cho biết nhằm tăng cường mối quan hệ song phương Việt- Nhật. Tin tức cho biết tại Việt Nam, thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Hà Nội và trong dịp này nhiều thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết.
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tham dự và phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt- Nhật được tổ chức ở Hà Nội.
Từ năm 2016 đến nay, thủ tướng Shinzo Abe đã có 4 lần tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, gồm cả ông chủ tịch nước Trần Đại Quang và ông thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bên lề một số hội nghị quốc tế.
Lần đầu tiên thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt Nam là vào năm 2006. Năm 2014 hai phía ký Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt- Nhật thành Đối tác chiến lược sâu rộng.
Hiện Hà Nội và Tokyo đang phối hợp chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko dự kiến vào đầu tháng ba tới đây.
Hiến kế cứu đồng bằng Cửu Long
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Việt Nam đang tìm lối thoát cho tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp tích cực nhất là phải bỏ lúa vụ ba, giảm dần diện tích đê bao khép kín sẽ khó thực hiện. Nếu không có những giải pháp đồng bộ, giải quyết được sinh kế của nông dân, nhà cửa ruộng đất bên trong hệ thống đê bao khép kín dày dặc ở đồng bằng sông Cửu Long.
Cái khó bó cái khôn
Tìm giải pháp giữ nước cho đồng bằng sông Cửu Long là tên cuộc Hội thảo do Bộ Tài nguyên Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tổ chức hai ngày 10-11/01/2017 tại Cần Thơ.
Nhà nước Việt Nam luôn đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu, nên đã phát triển diện tích làm lúa vụ ba từ mức dưới 70.000 héc-ta lên 800.000 héc-ta trong gần hai thập niên vừa qua. Cùng với đó là hệ thống đê bao khép kín để có thể canh tác vụ lúa thứ ba trong mùa lũ. Cái được trước mắt là sản lượng lúa gạo tăng đến mức dư thừa, đủ xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm. Hơn nữa chính quyền quan niệm lũ là thiên tai và đê bao khép kín giúp giảm tổn thất tài sản, nhân mạng của nhân dân trong mùa lũ mênh mông nước.
Cái khó ở chỗ là nếu bỏ những đê bao như vậy nó sẽ làm đảo lộn những sắp đặt trước đây, ví dụ như nhà cửa, mồ mả, vườn tược người dân đã làm trong những vùng thấp rồi.
- Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là hậu quả lâu dài từng được cảnh báo nay đã hiển hiện. Đê bao khép kín ngày càng nhiều thêm đã làm mất đi các vùng trữ lũ tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo các số liệu được chuyên gia nước ngoài công bố, trong những năm qua chỉ riêng các đê bao khép kín để trồng lúa ba vụ một năm ở khu vực Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, đã làm giảm khả năng trữ khoảng trên 16 tỷ mét khối nước trong mùa lũ.
Mùa lũ người dân vẫn canh tác vụ thứ ba bên trong đê bao, còn nước lũ bị đẩy nhanh ra biển, ruộng đồng trong đê bao khép kín không được phù sa bồi đắp, đất càng ngày càng bạc màu, phải sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học nhiều hơn, gây ra những tác hại môi trường.
Nông dân khó tránh hậu quả
Trả lời chúng tôi tối ngày 10/1/2017 sau ngày đầu tham gia Hội thảo, Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ nhận định:
“Cái khó ở chỗ là nếu bỏ những đê bao như vậy nó sẽ làm đảo lộn những sắp đặt trước đây, ví dụ như nhà cửa, mồ mả, vườn tược người dân đã làm trong những vùng thấp rồi. Bây giờ phá đê bao như vậy sẽ ảnh hưởng cuộc sống rất nhiều. Thứ hai là một số nông dân trồng lúa trong mùa đó thì bây giờ không biết làm gì…dần dần chúng tôi sẽ tìm ra dạng mô hình canh tác phù hợp trong những vùng đó…”
Nhưng điều quan trọng trước tiên là yêu cầu các địa phương không nên mở rộng các khu đê bao nữa để chừa lại không gian giữ nước. Sau đó nghĩ tới những giải pháp giúp cho họ chuyển đổi trong những điều kiện khác nhau tùy theo vùng sinh thái. Tiếp theo là biện pháp công trình giúp giữ nước lại như thế nào để ít bị thất thoát, đó là những bước về lâu về dài mới thực hiện.”
Báo Tài nguyên Môi trường dẫn lời bà Nienke Trooster, Đại sứ Hà Lan cho rằng, có mối liên hệ giữa những thay đổi về cảnh quan và tính dễ bị tổn thương của vùng đồng bằng sông Cửu Long vì không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mà còn do những thay đổi của thời tiết, hay sự phát triển trên thượng nguồn.
Đặc biệt bà Đại sứ Hà Lan nhấn mạnh tới vấn đề quan trọng là sự thay đổi về khả năng giữ nước và biến động lũ lụt ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long. Đó chính là hậu quả của việc phát triển sản xuất 3 vụ lúa mỗi năm ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bà Đại sứ Nienke Trooster, có nhiều lý do để ủng hộ đề xuất trở về với hệ thống canh tác phù hợp với điều kiện thủy văn tự nhiên. Nhưng không dễ để thực hiện thay đổi như vậy, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân, nhà cửa và đồng ruộng của họ.
Thức tỉnh giới lãnh đạo
Được biết ở Việt Nam mọi chủ trương lớn, đều phải được Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua rồi chính phủ là người thực hiện. Phát triển đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long để làm lúa vụ ba đã được thực hiện qua nhiều nhiệm kỳ. 20 năm xây dựng đê bao khép kín và làm lúa ba vụ một năm, thì chắc hẳn 10 năm sắp tới cũng chưa đủ thời gian để thay đổi một cách triệt để. Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn nhận định:
Bây giờ phải là giải pháp trên toàn cục, chứ không phải những giải pháp từng nhiệm kỳ hay từng địa phương khác nhau nữa.
- Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn
“Năm vừa rồi và năm trước nữa chính phủ Việt Nam đã nhờ chính phủ Hà Lan giúp làm Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 100 năm. Dù là thay đổi nhiệm kỳ của những người lãnh đạo ở các địa phương khác nhau, nếu mà cái “master plan” đó được thực hiện thì cũng theo đà đó, chỉ có những điều chỉnh nhỏ do biến động ở bên ngoài, bên trong chưa lường được hết, thì mình có thể điều chỉnh lại, nhưng mà đường đi thì vẫn phải đi theo như vậy. Thật ra cuộc hội thảo này do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ thì cũng đã thấy được vấn đề đó rồi. Bây giờ phải là giải pháp trên toàn cục, chứ không phải những giải pháp từng nhiệm kỳ hay từng địa phương khác nhau nữa.”
Câu chuyện biến đổi khí hậu, thủy điện bậc thang trên thượng nguồn sông Mê Kông làm giảm lưu lượng nước từ con sông mẹ này vào Việt Nam, rồi hạn hán xâm nhập mặn với hậu qủa nghiêm trọng năm 2016 đã làm thức tỉnh những nhà làm chính sách ở Việt Nam. Để giảm cây lúa vốn cần nhiều nước, Việt Nam có vẻ chưa chuẩn bị kịp để có những thay đổi triệt để.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nhà nông học nổi tiếng, hiện là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, Việt Nam cần thay đổi tư duy, nên bảo đảm đầu ra thị trường cho các loại cây trồng hay tôm cá, trước khi thay thế cây lúa ở những nơi buộc phải chuyển đổi.
“Không có đâm đầu vô cây lúa ‘hoảng’ như trước nữa, phải trồng theo đúng sự thích nghi của đất đai. Nhiệm vụ của các nhà doanh nghiệp bây giờ là phải đi tìm thị trường cho những cây trồng gì mà nó sẽ thay thế cây lúa, khi đó mới dám bỏ cây lúa thì người dân không bị ảnh hưởng gì cả…không trồng lúa nữa người ta lên liếp trồng xoài, lên liếp trồng măng cụt, hoặc là có mương tưới, mương tiêu, đem nước mặn vô, đưa nước thải ra, chứa nước mưa lại để nuôi tôm ..v..v..”
Bỏ vụ lúa thứ ba trong năm, giảm dần hệ thống đê bao khép kín, phục hồi hai túi trữ nước lớn ở đồng bằng sông Cửu Long là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười là câu chuyện đường dài của Việt Nam. Hiện nay tái cấu cấu trúc nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long, là kế hoạch buộc phải tiến hành. Nhưng các nhà khoa học là người đề xuất giải pháp, còn việc chính phủ nhìn nhận vấn đề như thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.
Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp -
Nhiệm vụ bất khả thi?
Kính Hòa, phóng viên RFA
Trong nhiều năm qua, các tuyên bố, nghị quyết của đảng cộng sản và nhà nước Việt nam hay nhắc đến mục tiêu đưa Việt Nam thành quốc gia công nghiệp vào năm 2020.
Trong một bài trả lời phỏng vấn dành cho Thông tấn xã nhà nước Việt Nam mừng xuân Đinh Dậu, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng lặp lại rất nhiều điểm trong bài phát biểu tổng kết hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam lần thứ tư của khóa 12 hồi tháng 10 năm 2016. Trong đó ông dành khoảng một phần ba thời lượng nói về công tác chống tham nhũng và chỉnh đốn đảng. Ông cũng có nói đến chuyện cơ cấu lại nền kinh tế để quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phấn đấu đưa Việt Nam thành một quốc gia công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh hiện sống ở Hà Nội nhận định:
“Tôi không thấy có cái ý gì cải cách mạnh mẽ ở đây cả. Điều ông ấy tập trung nói ở đây là chống tham nhũng và xây dựng đảng. Có lẽ đấy là trọng điểm, còn tình hình khinh tế thì ông ấy nói có mặt tiến bộ, có mặt khó khăn, thậm chí ông ấy dùng cả chữ nghiêm trọng. Nhưng tôi không thấy có một điều gì đó gọi là cải cách mạnh mẽ.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc cần phải làm hiện nay là tái cơ cấu lại nền kinh tế, giảm bới gánh nặng chi phí.
Cổ phần hóa và tư nhân hóa
Trong vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội, bao gồm việc tìm kiếm các loại công nghệ hiện đại, chuyển nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, và một điều quan trọng nữa là chú trọng phát triển kinh tế tư nhân.
Vấn đề của Việt Nam mình là mình bị kẹt trong học thuyết xã hội chủ nghĩa.
-Ông Bùi Kiến Thành
-Ông Bùi Kiến Thành
Trong các diễn từ của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có đề cập đến việc phát triển kinh tế tư nhân. Người đứng đầu chính phủ là Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói đến lĩnh vực tư nhân trong bài phát biểu của ông tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tháng 12 năm 2016.
Tuy nhiên theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi trọng nền kinh tế nhà nước, và điều này đã được ghi trong cương lĩnh của đảng ở đại hội 12 đầu năm 2016. Do vậy thay vì tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước để phát triển thành phần kinh tế tư doanh, từ nhiều năm nay nhà nước của đảng cộng sản Việt Nam lại đề ra việc cổ phần hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước mua các cổ phần qua lại với nhau, giữ thế thượng phong của nền kinh tế quốc doanh. Chuyên gia kinh tế quá cố người Việt ở nước ngoài là ông Phạm Văn Thuyết cho rằng sở dĩ Việt Nam làm như vậy là do ý thức hệ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành làm rõ hơn điều này:
“Vấn đề của Việt Nam mình là mình bị kẹt trong học thuyết xã hội chủ nghĩa. Cho nên không dùng chữ tư nhân hóa, mà dùng chữ cổ phần hóa là về từ ngữ. Nhưng không chỉ thế mà thôi. Chữ cổ phần hóa hàm ý nhà nước không tư nhân hóa các doanh nghiệp, tức là nhà nước còn giữ cổ phần chi phối các doanh nghiệp đấy, chỉ bán ra thành phần nào thôi của doanh nghiệp, không quá 49% để giữ thành phần chi phối trong doanh nghiệp. Đó là một phương án nhiều năm qua không có hiệu quả.”
Ông Bùi Kiến Thành nói thêm rằng không nên quan niệm nền kinh tế là của nhà nước, mà là của nhân dân, do những cá thể nhân dân và doanh nghiệp tư nhân thực hiện, nhà nước chỉ làm những công việc mà lĩnh vực tư nhân không làm mà thôi.
Cải cách ngân hàng
Trong bài phát biểu với báo chí của ông Nguyễn Phú Trọng dài gần ba trang báo chỉ có một lần duy nhất nhắc đến việc cải tổ thị trường tài chính, nhưng đây là là điều quan tâm số một của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, khi ông cho rằng Việt Nam cần có một chính sách tiền tệ rõ ràng hơn để cải tổ nền kinh tế. Ông nói với chúng tôi:
“Vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng là việc cấp bách cần phải làm. Việc này đã đặt ra hồi năm 2012, tới giờ đã năm năm rồi mà chúng ta chưa có một bước tiến nào thật sự. Vì vậy vấn đề chỉnh đốn lại ngành ngân hàng là việc cấp bách cần phải làm. Hiện nay chúng ta chưa thực sự thấy một chính sách khả thi và quyết liệt đối với vấn đề chỉnh đốn hệ thống ngân hàng.”
Liên tục trong mấy năm qua, Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều vụ bê bối trong ngành ngân hàng. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một doanh nhân thành đạt có hiểu biết nhiều về lĩnh vực ngân hàng cho biết là hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là kết quả của một quyết định sai lầm về chính sách của chính phủ Việt Nam từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:
“Tất cả những qui định của nghị định 41 của ông Tấn Dũng ký làm nảy sinh chuyện sở hữu chéo ngân hàng, nảy sinh chuyện cho vay lòng vòng, những doanh nghiệp nhà nước đầu tư lung tung. Tất cả những chuyện đấy đẩy lên một cơn khát ngân hàng, làm cho rất nhiều ngân hàng bé tí như con ễnh ương được thổi lên như con voi. Và nó thu hút một lượng vốn rất là khổng lồ, thu hút một lượng người làm khổng lồ. Và như vậy các ông ấy trở thành các đại gia, nhưng thực sự các ông ấy là những con nợ đầm đìa, và chuyện ấy dẫn đến rủi ro rất là lớn.”
Đất đai và nông nghiệp
Tất cả những qui định của nghị định 41 của ông Tấn Dũng ký làm nảy sinh chuyện sở hữu chéo ngân hàng, nảy sinh chuyện cho vay lòng vòng, những doanh nghiệp nhà nước đầu tư lung tung.
-Ông Nguyễn Quang A
-Ông Nguyễn Quang A
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vào ngày 8 tháng giêng năm 2017, tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn cho đăng bài viết so sánh sự thành công của ngành nông nghiệp hàng hóa ở Cam Phu Chia và sự thất bại của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tác giả của bài báo là Công Minh ghi nhận nguyên nhân quan trọng nhất cản trở nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chính là qui định nhà nước nắm quyền sở hữu đất đai. Ông Bùi Kiến Thành bình luận về việc này:
“Đất đai của Việt Nam bây giờ là đất đai của toàn dân do nhà nước quản lý. Việc này là việc lỗi thời. Tự nhiên chính phủ quản lý hết đất đai của nhân dân là như thế nào? Đó là cái cách để nhà nước làm chủ đất của toàn dân, và không hợp lý. Vì vậy đến lúc nào đó cần cải tổ luật đất đai. Đất là của nhân dân, thì quyền sở hữu cũng là của nhân dân, quyền quản lý là của nhân dân, chứ không thể nào đất là của toàn dân mà nhà nước quản lý được. Việc này là một việc lớn mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Trong thời gian tới phải thực hiện việc trả đất cho người dân, nhà nước không thể tiếp tục quản lý nó mãi. Việc nhà nước quản lý đất đai biến ra thành rất nhiều tệ nạn.”
Tuy nhiên việc sửa đổi này theo chuyên gia quá cố Phạm Văn Thuyết, rất khó thực hiện ở Việt Nam trong tương lai gần vì những rào cản về ý thức hệ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A lại cho rằng đằng sau cái vỏ bọc ý thức hệ đó lại là các nhóm lợi ích khác nhau muốn duy trì tình trạng hiện nay để trục lợi.
Đến năm 2020
Trở lại quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam đưa đất nước sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nhận định về mục tiêu này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cho biết:
“Nhà nước đặt mục tiêu đến 2020, bây giờ đã là 2017 rồi, chúng ta đi rất chậm, rất trễ. Công nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa thực sự là hiện đại hóa. Chúng ta còn sử dụng nhiều phương thức sản xuất cũ kỹ. Công nghệ của Việt Nam rất là chậm tiến. Cho nên trong những năm sắp tới làm sao phải đi nhanh hơn nữa.”
Không biết có phải vì lý do đã quá trễ như vậy cho nên trong bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng không thấy đề cập đến mốc thời gian 2020 nữa. Chuyên gia Bùi Kiến Thành thì nói rằng Việt Nam bắt đầu đổi mới cách đây đã hơn 30 năm, cần phải đi nhiều bước từ một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang một nền kinh tế tự do, và các bước đi ấy là quá chậm chạp.
Nhận xét
Đăng nhận xét