Đọc Báp Pháp - 30/11/2017


Nan giải hồ sơ Bắc Triều Tiên

RFI


mediaLãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được các nhà khoa học giới thiệu các nghiên cứu vũ khí hạt nhân tại Bình Nhưỡng. Ảnh do KCNA phát hành ngày 03/09/2017.KCNA/via REUTERS
Qua hàng tựa « Hồ sơ nan giải Bắc Triều Tiên »,báo Le Figaro muốn nhấn mạnh đến sự bất lực của cộng đồng quốc tế truớc mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và coi đó là bài học trong việc xử lý hồ sơ Iran.
Bình Nhưỡng tiến hành nhiều vụ thử tên lửa tầm xa, nhưng mối đe dọa của Bắc Triều Tiên lại không tuân thủ các quy luật về đạn đạo, sau khi lên đến đỉnh cao nhất thì bắt đầu đi xuống. 
Trình độ công nghệ của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa đạn đạo không ngừng được cải thiện và hôm qua 29/11/2017, sau khi thực hiện vụ thử tên lửa lần thứ 20 trong năm nay, Bình Nhưỡng chính thức « gõ cửa » câu lạc bộ các quốc gia có vũ khí nguyên tử.
Tất cả các đối sách của Hoa Kỳ, kể cả lời đe dọa của Donald Trump nghiền nát Bắc Triều Tiên, không ngăn cản được Bình Nhưỡng tiếp tục thực hiện chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử.
Trước tình thế này, có hai xu hướng. Những người lạc quan thì cho rằng sau khi Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân thì tình hình sẽ yên ổn hơn, như trường hợp Ấn Độ, Pakistan. Sau khi có vũ khí bảo đảm sự tồn vong của chế độ và tránh phải hứng chịu số phận như Kadhafi, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ điềm tĩnh hơn. Trong khi đó, những người bi quan thì lo ngại là một khi có vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên có thể có những hành động phiêu lưu mạo hiểm khác.
Theo Le Figaro, cho đến lúc này, Kim Jong Un luôn luôn tỏ ra có lý trí, biết tính toán, làm chủ được mức độ và thời điểm khiêu khích. Tuy nhiên có một ẩn số là phản ứng của Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ đã nhiều lần hứa hẹn là những gì đang xẩy ra sẽ không bao giờ tái diễn. Và không thể loại trừ khả năng tổng thống Mỹ cũng như lãnh đạo Bắc Triều Tiên « hiểu lầm » nhau.
Le Figaro kết luận, sự bất lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề Bắc Triều Tiên phải là một bài học trong việc xử lý hồ sơ Iran. Donald Trump đang nôn nóng muốn xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Thế nhưng, trường hợp Bắc Triều Tiên cho thấy là trong việc chống phổ biến vũ khí hạt nhân, thì thà có một hiệp định chưa hoàn hảo còn hơn là không có thỏa thuận gì.
Trung Quốc : Cơ sở hạt nhân 816 - sự lãng phí « mồ hôi và xương máu »
Bên cạnh bài xã luận, Le Figaro dành nhiều trang bài bên trong cho hồ sơ hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, đồng thời giới thiệu bài viết về một « cơ sở hạt nhân tuyệt mật của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông ».
Cơ sở hạt nhân 816, nằm dưới lòng đất ở Phù Lăng, cách Trùng Khánh, miền tây nam Trung Quốc 2 giờ chạy xe, là một trong những dự án quân sự tham vọng nhất của Mao Trạch Đông, một bí mật mà chính phủ Trung Quốc giữ kín trong nhiều thập kỷ. 
Năm 1966, Mao Trạch Đông lo sợ Trung Quốc bị Liên Xô và Mỹ tấn công quân sự nên đã quyết định cho xây dựng một cơ sở hạt nhân ngầm để sản xuất chất plutonium 239 phục vụ việc chế tạo bom nguyên tử. Theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, đường hầm phải chống đỡ được hàng chục ngàn tấn chất nổ và các trận động đất mạnh 8 độ trên thang Richter. Với diện tích 100.000m2, tương đương diện tích của 14 sân bóng, dài hơn 2 km, 816 là đường hầm nhân tạo dài nhất thế giới. Nhiều khu vực hầm cao tới 80m. Việc thi công được giữ tuyệt mật. 
816 được thi công trong suốt 18 năm, với số nhân công lên tới 60.000 người, trong đó có 20.000 quân nhân và giới tinh hoa khoa học của Trung Quốc. Le Figaro cho biết theo số liệu chính thức, 76 người đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng cơ sở 816, nhưng nhiều nhân chứng kể lại rằng điều kiện lao động vô cùng kham khổ nguy hiểm và con số nạn nhân phải lên tới hàng ngàn. 
Tuy nhiên, theo Le Figaro, sự hy sinh của các nạn nhân là vô ích vì công trình chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Vào năm 1984, Bắc Kinh cảm thấy nguy cơ bị tấn công quân sự giảm nên đã quyết định từ bỏ dự án 816, khi đó đã được hoàn thành 85% với chi phí tương đương 10 tỉ euro. Dưới thời Đặng Tiểu Bình, tăng trưởng kinh tế được coi là ưu tiên. Nhiều cơ sở quân sự được cải tạo thành nhà máy dân sự. Vào năm 2010, 816 chính thức trở thành một địa điểm du lịch. 
Le Figaro dẫn lời một cựu quan chức Trung Quốc gọi cơ sở hạt nhân 816 là một sự lãng phí « cả mồ hôi và xương máu » của người dân nước này.
Bangladesh« cái bẫy » cho người Rohingya
Hồ sơ về cuộc khủng hoảng người Rohingya vẫn là một trong những chủ đề nóng trên các báo Pháp số ra ngày hôm nay, đặc biệt là báo Libération. Đáng chú ý là phóng sự của đặc phái viên Laurence Defranoux từ Bangladesh trong bài viết « Người Rohingya ở Bangladesh và cái bẫy ».
Trốn chạy sang Bangladesh từ vài chục năm trước, nhưng hàng chục ngàn người Rohingya Miến Điện đến nay lại bị cả người dân bản địa và người tị nạn Rohingya mới cáo buộc là « lạm dụng » sự hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo. Trong khi đó, chính phủ Bangladesh vẫn làm mọi chuyện để ngăn không cho họ hòa nhập vào cuộc sống tại nước này.
Bangladesh, một quốc gia nghèo và đông dân, không ký Công ước quốc tế về người tị nạn năm 1951. Chính quyền nước này coi người Rohingya là những người Miến Điện sống lưu vong và không muốn họ hòa nhập vào xã hội hay hòa đồng với người bản địa. 
30.000 người người Rohingya đã đăng ký tị nạn ở Bangladesh sinh sống trong hai trại Kutupalong và Nayapara nhưng không có quyền làm việc, không được phép tự do đi lại trong vùng. Họ sống nhờ vào trợ cấp của các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan quốc tế. Nhiều người phải bỏ đi xa, giả mạo giấy tờ để được làm việc, học hành. Điều kiện sống của họ rất khó khăn, quan hệ của họ với người bản địa cũng không tốt đẹp. Họ còn bị người dân Bangladesh kỳ thị là « đểu giả », « muốn có mọi thứ mà không mất tiền ».
Nhưng một cuộc sống như vậy vẫn là mơ ước của 200.000 người Rohingya chưa được đăng ký xin tị nạn và 620.000 người mới chạy sang Bangladesh trong ba tháng gần đây. Nhiều người tị nạn mới còn còn chỉ trích những người cũ là quá « lão luyện » trong việc xin đồ cứu trợ và tranh hết phần của họ, thậm chí là để bán lại. 
Trung Quốc và « âm mưu chia rẽ châu Âu »
Cũng giống như nước Mỹ của tổng thống Georges Bush cách đây 15 năm, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã hiểu rằng có « hai Châu Âu » vào đầu thế kỷ XXI : một « Châu Âu cũ », già nua và một « Châu Âu mới »« Châu Âu cũ » có vẻ cứng rắn, đầy định kiến, muốn bảo vệ quá khứ vẻ vang từng có. Còn « Châu Âu mới » được hình thành từ nền tảng « Châu Âu cũ », nhưng khao khát tiến bộ hơn và ít so đo, tính toán hơn « Châu Âu cũ », đồng thời cũng có nhu cầu tìm kiếm các đối tác mới. 
Trên báo Le Monde, phóng viên Sylvie Kauffmann nhận định « Trung Quốc thích châu Âu mới » nên đã chọn « Châu Âu mới » làm đối tác ưu tiên, coi đó một đầu cầu để với tới « Châu Âu cũ » hiện vẫn « ra vẻ rất quý tộc »  « giữ khoảng cách ».
Công cuộc « xích lại gần châu Âu » bắt đầu từ năm 2011, tại một diễn đàn kinh tế ở Budapest, thủ đô Hungary, diễn ra theo đề xuất của Bắc Kinh, với các nước Trung Âu và Đông Âu. Từ năm 2012, diễn đàn trở thành Thượng đỉnh 16+1 và được tổ chức thường niên. Năm nay, thượng đỉnh 16+1 vừa kết thúc tại Budapest. 
Bà Nadège Rolland, chuyên gia về Trung Quốc thuộc tổ chức tư vấn Mỹ National Bureau of Asian Research nhận định mục tiêu của Bắc Kinh là tập hợp các nước hậu chế độ Cộng Sản để thiết lập lại khối Đông Âu và đặt dưới sự bảo trợ của Trung Quốc. 
Trung Quốc thời Tập Cận Bình tin rằng thượng đỉnh 16+1 và dự án « Một vành đai, một con đường » có lợi cho cả đôi bên. Phần nổi của con đường tơ lụa mới đương nhiên là các con đường, nhưng không chỉ có vậy, mà còn có rất nhiều tuyến tàu, hải cảng, trung tâm năng lượng, nói tóm lại là hạ tầng cơ sở. Và tín dụng. Vì thế, con đường tơ lụa mới rất thu hút các nước, từ Trung Quốc tới châu Âu, từ Trung Á sang Đông Âu. 
Các nước Trung Âu là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hàng năm đều được nhận kinh phí phát triển do Liên Hiệp cấp : chẳng hạn riêng Ba Lan được cấp 15 tỉ euro/năm. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn cho rằng nguồn tài chính của Trung Quốc vẫn được các quốc gia Trung Âu chào đón. Còn chuyên gia Nadège Rolland cảnh báo : « Mục tiêu của Trung Quốc chủ yếu là về địa chính trị : củng cố ảnh hưởng ở vùng đệm giữa châu Á và châu Âu. »
Liệu Trung Quốc có thể đạt muc tiêu đó không ? Phóng viên Sylvie Kauffmann nhận định việc mở các tuyến đường sắt và phát triển hạ tầng cơ sở là không đủ cho giấc mơ của Trung Quốc, nhất là khi các dự án trên bị chậm trễ trong thi công. Khoản tiền đầu tư 3 tỉ euro mà thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hứa với Budapest vẫn còn rất mơ hồ, thiếu minh bạch. 
Đúng là Trung Quốc không áp đặt các nước này đón nhận người tị nạn, không áp đạt họ phải tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Nhưng Bắc Kinh lại trông chờ là các đối tác tôn trọng các lợi ích trung tâm của Trung Quốc, thậm chí bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế. Trong hồ sơ về biển Đông, Hungary, Hy Lạp, Croitia và Slovenia đã gây áp lực để Liên Hiệp dịu giọng khi tuyên bố về phán quyết của tòa Trọng Tài Quốc Tế La Haye vào năm 2016.
Thủ tướng Hungary Victor Orban, vốn bị Liên Hiệp Châu Âu coi là một « người con tồi tệ » của « Châu Âu mới », tán dương Trung Quốc : « Con đường tơ lụa mới là một thể thức toàn cầu hóa mới mà không gây chia rẽ thế giới và được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi ». Liên Hiệp Châu Âu lại có quan điểm ngược lại. 
Lãnh đạo của các nước « Châu Âu cũ » và Liên Hiệp đều có cái nhìn ngờ vực về thượng đỉnh 16+1, thậm chí một số còn tỏ ra bực tức về « sự buông lỏng » của các nước trong khu vực này. Ngoại trưởng Đức Gabriel Sigmar gọi đó là « một âm mưu nhằm chia rẽ Châu Âu ».
Tác giả bài viết nhấn mạnh là chính các lãnh đạo này đã từng « mở rộng vòng tay » tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc vào khu vực giàu có nhất của Liên Hiệp. Chính vì thế, thời gian gần đây, Châu Âu phải tìm cách bảo vệ trước hết là các lĩnh vực chiến lược của Liên Hiệp khỏi sự đầu tư quá mạnh tay của Bắc Kinh. Tuy nhiên, đã là quá muộn để Châu Âu bảo vệ được một số lĩnh vực như truyền thông, năng lượng !
Trang nhất các báo Pháp
Trang nhất các báo Pháp hôm nay dàn trải trên nhiều chủ đề, từ thời sự trong nước tới thời sự quốc tế. Nhật báo Le Monde chạy tít : « Sức khỏe: mức vượt giá khám chữa bệnh đạt kỷ lục » và cho biết người dân Pháp ngày càng khó tìm được một bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, khám bệnh với mức giá theo quy định của « bảo hiểm y tế ».
Về thời sự quốc tế, Le Figaro cho biết « Bắc Triều Tiên tiếp tục leo thang về hạt nhân », còn báo kinh tế Les Echos quan tâm tới Liên Hiệp Châu Âu qua hàng tựa «Brexit : một thỏa thuận đã được Luân Đôn và Bruxelles phác ra ». Trong khi đó báo Libération dành trang nhất cho « Bitcoin, đồng tiền khiến người ta phát điên ». Chỉ trong vài tháng, giá trị đồng Bitcoin đã tăng gấp 10 lần và cán mốc 10.000 đô la vào ngày hôm qua.

-----------


TIN ĐỌC NHANH

(AFP) -Bitcoin lên đến hơn 11.000 đô la. Giá trị của đồng tiền ảo bitcoin từ hôm qua 29/11/2017 đã tăng lên ở mức trên 11.000 đô la, gấp 10 lần so với cách đây một năm. Việc giá bitcoin tăng vọt khiến các nhà đầu tư hào hứng, nhưng bên cạnh đó là nguy cơ bị vỡ bong bóng. Theo trang coinmarketcap.com, tổng số bitcoin trên thế giới có giá trị khoảng 180 tỉ đô la. Hồi mới được tung ra năm 2009, đồng tiền ảo này chỉ đáng giá có vài xu.
(AFP) –Kênh truyền hình Nga RT không được phép đưa tin về Quốc Hội Mỹ. Kênh truyền hình Nga Russia Today (RT) do Matxcơva kiểm soát và bị buộc phải đăng ký là « cơ quan nước ngoài » ở Mỹ, hôm qua 29/11/2017 đã bị từ chối tham gia đưa tin về Quốc Hội Hoa Kỳ. Trước đó hôm thứ Bảy 18/11, tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành một đạo luật giúp liệt VOA, RFA là « cơ quan nước ngoài ». Cả hai đài này đều do Quốc Hội Mỹ tài trợ. Về phía Hội đồng giám sát các cơ quan truyền thông Pháp (CSA) cho biết sẽ thường xuyên theo dõi các chương trình của RT France, và nhanh chóng có phản ứng đối với những trường hợp « bất thường ».
(AFP) – Philippines : hai nhà đấu tranh nhân quyền bị sát hại.
Vụ việc xảy ra vào lúc hai người này đang điều tra về những cáo buộc thị trưởng đảo Negros (miền trung Philippines) tước đoạt đất đai của nông dân. Các tổ chức phi chính phủ ngày hôm qua lên án vụ việc này làm trầm trọng thêm « tình trạng không bị trừng phạt » tại Philippines. 
(AFP) – Philippines : 15 du kích cộng sản bị giết chết.
Theo quân đội Philippines ngày 29/11/2017, khoảng 15 người tình nghi là các du kích quân cộng sản, trong đó có 6 phụ nữ đã bị giết chết trong vụ giao tranh với quân đội. Vụ nổ súng này diễn ra vài ngày sau khi tổng thống Rodrigo Duterte thông báo ngưng các cuộc đàm phán hòa bình với phe nổi dậy cộng sản. 
(AFP) – Núi lửa tại Bali : Indonesia tăng thêm chuyến bay.
Nhờ trời gió, Indonesia ngày 30/11/2017, đã có thể tăng cường thêm một số chuyến bay, cho phép một phần du khách được phép rời Bali. Hàng ngàn du khách đã không được phép rời Bali do sân bay đóng cửa. Nguyên nhân là do núi lửa Agung nằm trên đảo Bali đã hoạt động trở lại, phun những cột khói tro lên cao hơn 2 000 m.
(REUTERS) – Nga ủng hộ việc chia sẻ căn cứ quân sự với Ai Cập.
Thông tin này đã được Nga tiết lộ ngày 30/11/2017, khẳng định sự tồn tại của dự thảo thỏa thuận với Ai Cập, cho phép hai nước sử dụng chung một số căn cứ không quân. Một sắc lệnh ký ngày 28/11 giao bộ Quốc Phòng Nga trọng trách đến thương thuyết với Cairo về dự thảo này. 
(AFP) – Macron sẽ có buổi gặp Barack Obama.
Thông cáo của điện Elysée ngày 30/11/2017 cho biết tổng thống Pháp sẽ dùng bữa trưa « thân mật » với Barack Obama nhân chuyến thăm nước Pháp vào thứ Bảy 02/12. Cựu tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu trước nhóm « Les Napoleons », một mạng lưới quy tụ hơn 3 000 tác nhân trong ngành công nghiệp truyền thông. 
(AFP) – Tây Ban Nha : Du lịch trì trệ vì Catalunya.
Khủng hoảng chính trị tại Catalunya trong tháng 10 đã làm tụt giảm thê thảm dòng du khách nước ngoài đến vùng đất tự trị này của Tây Ban Nha. Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 30/11/2017 cho thấy lượng du khách đến đây giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính trên toàn quốc, khủng hoảng Catalunya đã làm cho tăng trưởng cả ngành du lịch chững lại chỉ tăng có 1,8%, trong khi mà tính trong 9 tháng đầu năm, mức tăng cả nước là hơn 9%. 
(RFI) – Donald Trump lại retweet, Anh quốc chỉ trích.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lại làm dấy lên những tranh luận vì những dòng Tweet của mình. Lần này, nguyên thủ Mỹ đã cho phát tán lại những đoạn video đáng ngờ. Ba trong số ngày là do lãnh đạo một nhóm cánh hữu cực đoan Anh quốc truyền tải. Nhóm này được biết đến việc ủng hộ sử dụng cả vũ lực. Hành động này của nguyên thủ Mỹ đã bị chính phủ Anh chỉ trích mạnh mẽ. 
(AFP) – Nước dâng cao đe dọa hàng ngàn điểm di tích lịch sử.
Cụ thể là hơn 13 000 điểm khảo cổ và di tích lịch sử tại Mỹ từ đây đến cuối thế kỷ có thể bị đe dọa do mực nước biển dâng cao dưới tác động của hiện tượng khí hậu ấm dần. Nghiên cứu khoa học này, được công bố hôm qua 29/11/2017 trên tạp chí PIOS ONE còn khẳng định vùng duyên hải Florida sẽ bị tác động nhiều nhất nếu mực nước biển dâng cao một mét, tiếp đến là bang Louisiana và Virginia.
(AFP) – Phụ nữ thời tiền sử “vạm vỡ” hơn cả các nữ vô địch chèo xuồng.
Đây là kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Cambridge, công bố trên tạp chí Science Advance ngày 29/11/2017. Đối chiếu với xương cánh tay và chân của các nữ vô địch môn chèo xuồng và điền kinh, các nhà khoa học nhận thấy xương tay và chân của phụ nữ châu Âu cách đây hơn 7 000 năm to và chắc hơn từ 13-30%. Nghiên cứu này cho thấy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các hoạt động nông nghiệp thời tiền sử.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?