Viêng chăn đi và thấy
Thứ Tư, 11/29/2017 - 05:34 — Kami
Ngày xưa, những người đã từng đến thủ đô Viêng chăn, có lẽ đều có ấn tượng với một thành phố Viêng chăn yên bình, với những người dân Lào hiền lành dễ mến. Đây có lẽ là lý do đã thôi thúc những người thích khám phá tìm đến với đất nước và con người ở xứ sở Triệu Voi. Viêng chăn độ ấy cũng giống như cố đô Huế ngày xưa, với những căn biệt thự nhỏ khuất sau những rặng cây trồng làm hàng rào. Nhưng thời gian và cuộc sống thời hiện đại đã làm mai một và những cái đó bây giờ chỉ còn là sự nuối tiếc.
Cái đặc trưng của nước Lào bây giờ có lẽ là bụi đường, con đường từ cửa khẩu về thủ đô Viêng chăn tứ bề là bụi. Bụi mù mịt khi có xe ô tô chạy qua, con đường trải nhựa vậy mà hai bên lề đường thấy toàn cát bụi và những đám cây cỏ mọc lên từ trong đó. Bụi đường cũng hiện hữu tại mọi con đường của Viêng chăn, cho dù thủ đô của nước Lào đã khá hơn rất nhiều so với cách đây 5-6 năm, lúc mà người ta đang cải tạo lại đường xá trong thủ đô Viêng chăn. Chỉ duy nhất ở mấy con đường khu trung tâm cũ thì vấn đề bụi bậm có phần đỡ hơn, ở những chỗ đó xe cộ ít chủ yếu là khách du lịch đi tản bộ. Những lúc ấy, ký ức về một Viêng chăn cổ kính, hiền hòa xưa kia bỗng ùa trở lại. Tiếc rằng thay vào đó là một Viêng chăn năng động và phát triển.
Thủ đô Viêng chăn bây giờ đã được mở mang khá rộng, đường xá rộng rãi và các cửa hàng cửa hiệu có vẻ khang trang hơn, với hệ thống các biển quảng cáo, các màn hình lớn được trưng lên ở các nơi đông đúc. Thành phố được mở rộng theo dọc quốc lộ 13 chạy xuyên Lào với những công trình xây cất mọc lên như nấm sau mưa. Chủ yếu là của các nhà đầu tư đến từ Trung quốc và Việt Nam.
Vào giờ cao điểm tình trạng ùn tắc giao thông ở Viêng chăn là phổ biến. Số lượng ô tô ở đây bây giờ quá nhiều, với đủ loại xe mới, nhiều hơn xe gắn máy hay các phương tiện giao thông khác như xe túc túc, xe 3 bánh. Với đủ các nhãn hiệu do các nước sản xuất, song cái dễ thấy nhất là người Lào bây giờ đã thích sử dụng các loại ô tô nhẫn hiệu Nhật bản, điều mà cách đây 5-6 năm khi đó họ thường dùng các xe hơi của Hàn quốc. Các công sở nhà nước hay các văn phòng, cửa hàng ở Viêng chăn bây giờ cũng thay đổi không chỉ ở cách bài trí hay cung cách phục vụ. Dù ở đó họ chưa có đầy đủ phong cách phục vụ một cách chuyên nghiệp, tận tụy khách hàng như ở Thái Lan nhưng chắc chắn không có thái độ thờ ơ như người ta thường thấy ở Việt Nam.
Những cái đó là bộ mặt bên ngoài mà bạn dễ dàng nhận thấy ở thủ đô Viêng chăn, nhất là những người không giao tiếp được bằng tiếng Lào. Nhưng có lẽ bạn không cần phải lo về vấn đề ngôn ngữ giao tiếp ở đây, bởi tại Lào thì không khó các bạn có thể gặp rất nhiều những người Việt bỏ quê hương xứ sở sang đây để kiếm ăn.
Nhiều người viện dẫn câu "Đất lành chim đậu", để biện minh cho hiện tượng người Việt nam di cư đi khắp bốn phương trời để kiếm sống, theo họ câu đó không chỉ để nói về loài chim mà để nhắc nhở con cháu của mình muốn sống tốt thì hãy cố kiếm một mảnh đất yên lành để sinh sống.
Người Việt ở Viêng chăn nhiều vô kể, họ làm đủ thứ nghề, buôn bán nhỏ, lao động làm thuê trong các ngành xây dựng, hay bán hàng thuê... miễn là có tiền. Khó có thể biết rằng người Việt nam hiện ở Viêng Chăn có bao nhiêu người, chỉ biết là nhiều lắm, đi đâu cũng thấy, cũng gặp người Việt Nam qua giọng nói hay các biển hiệu ở các quán cũng như cửa hàng. Ở Viêng chăn có các tụ điểm của riêng người Việt như Cà Phê Đồng Xanh, Quán Ngon..., những nơi đó hầu như vắng bóng người Lào. Các quán ăn, nhà hàng đặc sản Việt Nam thì đầy ắp người Lào, chủ yếu là các viên chức nhà nước. Họ là những người được đào tạo nhiều năm ở Việt Nam trở về, nói sõi tiếng Việt và thích ăn món ăn Việt Nam. Xem đôi bàn tay họ sử dụng bát đũa thì không ai dám nói họ là những người Lào. Tuy vậy nói không ngoa, ở thủ đô Viêng Chăn bây giờ người Lào là thiểu số, dẫu rằng họ vẫn là chủ nhân của quốc gia này.
Gần đây người ta bảo, có một nghề hình như là độc quyền và trở nên rất nổi tiếng của các cô gái Việt nam thời bây giờ. Đó là nghề bán dâm hay còn gọi là nghề làm đĩ. Đau lòng hơn là chuyện đó xảy ra cả ở Viêng chăn hay Phnompenh là những quốc gia lâu nay kém phát triển hơn Việt nam.
Chuyện phụ nữ Việt nam bây giờ đã trở thành là nhân lực chủ yếu cho kỹ nghệ tình dục ở khu vực Đông Nam Á thì chẳng có gì phải bàn. Bạn có thể dễ dàng gặp họ trong các quán bar, pub... hay các tiệm massage, kể cả trong các quán ăn. Đó là các cô gái Việt Nam ở độ tuổi 18-22, thậm chí chỉ là 15-16 tuổi trong các quán massage mang những tên Hà Nội hay Sài Gòn. Qua trò chuyện những cô gái trẻ và đẹp ấy, được biết họ là sinh ra và lớn lên ở những miền quê khác nhau ở Việt nam và đến đây để làm một cái nghề bán thân. Mỗi người với mỗi hoàn cảnh khác nhau, song họ có mục đích chung là kiếm tiền để nuôi bản thân và gia đình. Đằng sau sự cười đùa vui vẻ, qua ánh mắt của những của các cô gái ấy là sự lo âu, khắc khoải và trông đợi. Họ nói với chúng tôi rằng "Là con người, ai mà không muốn ở nhà với cha mẹ, anh em và bạn bè. Nhưng nếu ở Việt nam những người như chúng em biết làm gì để sống?". Nghĩa là họ đã không còn sự lựa chọn khác.
Còn nhớ, ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên thệ nhậm chức và phát biểu trước Quốc hội, trong đó có đoạn khẳng định rằng "Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới.".
Ngày xưa, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1897-1902) và sau này Tổng thống Pháp từ 1931-1932 trong cuốn sách mang tựa đề "Xứ Đông Dương" có nhận xét rằng: "Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc chung quanh. Người Cao Miên, Ai Lao và Xiêm La đều không thể chống lại được họ. Không một dân tộc nào trong đế quốc các xứ Ấn Độ có những phẩm chất như họ. Phải tới tận Nhật Bản mới có tộc người có phẩm chất của người An Nam và giống như người An Nam. Cả hai đều thông minh, cần cù và dũng cảm. Người lính An Nam là một người lính giỏi, có kỷ luật và dũng cảm. Họ cũng là người lao động mẫu mực, những nông phu giỏi việc đồng áng, những người thợ lành nghề, những nghệ nhân khéo léo và thông minh. So với các dân tộc khác ở châu Á, trên tư cách người thợ và người lính, người An Nam vẫn xếp cao hơn một bậc".
Dẫu biết vậy nhưng tôi vẫn tự hỏi, tại sao những người lãnh đạo nhà nước Việt nam trong nhiều chục năm qua vẫn không làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một nhà nước tử tế, để biến Việt nam - một đất nước biển bạc, rừng vàng để trở thành một miền đất lành cho tất cả những con dân nước Việt được trú ngụ yên ổn để làm ăn sinh sống? Để họ không phải bỏ nước ra đi để làm những nghề bị người ta coi rẻ, thậm chí là bán thân như hiện nay.
Ngày 29 tháng 11 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Nhận xét
Đăng nhận xét