Triều Tiên có thể thắng Mỹ trong một cuộc chiến tranh hạt nhân?
Các chuyên gia quân sự Mỹ trao đổi với tờ National Interest xung quanh vấn đề liệu Triều Tiên có thể thắng Mỹ trong cuộc chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật “bom xung điện từ” hay không.
Bom xung điện từ (Ảnh: Getty) |
Trước sự phát triển các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và những nỗ lực phát triển vũ khí nhiệt hạch của Bình Nhưỡng, nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, hậu quả sẽ rất thảm khốc, thậm chí ngay cả với vũ khí thông thường. Hậu quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, khi nó cuối cùng có thể leo thang thành một trận chiến đấu quyết liệt cuối cùng trong ngày tận thế.
Trong khi sự hủy diệt và tàn phá mà các vũ khí hạt nhân có thể gây ra đối với các thành phố và các khu đông dân khác là quá rõ ràng, thì việc sử dụng ‘những vũ khí hạt nhân chiến thuật’ như bom xung điện từ thường bị coi nhẹ.
Trong trường hợp Bình Nhưỡng sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật để đánh bại một cuộc can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu, các lực lượng Mỹ và đồng minh có thể bị tổn thất nhiều hơn những gì mà nhiều người dự đoán, đặc biệt do những ảnh hưởng của các xung điện từ (EMPs) những vũ khí này gây ra.
EMPs có thể làm thiệt hại nghiêm trọng cho các hệ thống lưới điện mà không được ‘gia cố’ riêng biệt, để chịu đựng được những tác động như vậy. Thực vậy, nhất là khi các lực lượng Mỹ có điểm yếu là phụ thuộc vào các mạng lưới và hệ thống cảm biến tiên tiến, trong số đó có nhiều thiết bị được phát triển sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Do tính bảo mật, các nhà phân tích quốc phòng và các quan chức quân đội Mỹ không muốn bình luận công khai về mức độ nghiêm trọng của vấn đề, nhưng họ biết rằng chỉ có một số thiết bị phần cứng của Mỹ và của các đồng minh là được bảo vệ trước tác động của một vụ nổ bom EMPs.
Ông David Deptula, Trung tướng Không lực Mỹ đã nghỉ hưu, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hàng không vũ trụ Mitchell, và là cựu lãnh đạo cơ quan tình báo không quân Mỹ, cho biết: “Một số thiết bị là được bảo vệ, và một số không được bảo vệ. Đó sẽ là một thách thức nữa để vượt qua. Việc ‘gia cố’ các thiết bị để hạn chế ảnh hưởng của EMPs là rất tốn kém. Việc này trên thế giới không được ưu tiên nhiều trong suốt 25 năm khi mà việc cắt giảm chi phí được ưu tiên nhiều hơn so với việc phát triển năng lực tác chiến tổng thể”.
Ông Bryan Clark, một học giả cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, lại thẳng thắn chia sẻ: “Hầu hết các hệ thống của chúng ta không được ‘gia cố’ để chống lại EMPs. Một số hệ thống là thuộc thời kỳ Chiến tranh lạnh, sử dụng hệ Analog lạc hậu. Người ta không rõ liệu một vụ nổ hạt nhân ở tầng khí quyển trên cao có gây ra hiệu quả EMPs đáng kể ở độ cao thấp hơn hay không, và liệu Triều Tiên có thể thực hiện vụ tấn công như vậy mà không ảnh hưởng đến năng lực của mình”.
Ông Mark Gunzinger, một nhà phân tích năng lượng không khí, thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách, cho rằng Lầu Năm Góc đã liệu trước những đe dọa của ‘chiến tranh phi đối xứng’, nhưng cần nguồn tài chính để giải quyết thách thức.
Chiến tranh phi đối xứng là một cuộc chiến nơi một bên sử dụng các trang bị, vũ khí, và các phương pháp quân sự một cách có hiệu quả để chống lại và làm giảm tác dụng các trang bị, vũ khí, phương tiện, kỹ thuật vượt trội hơn rất nhiều của đối phương.
Ông Gunzinger cũng cho biết: “Trong 10 năm qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ngày càng quan tâm hơn trước ‘các mối đe dọa phức hợp’ do những kẻ xâm lược tiềm tàng gây ra, với những vũ khí truyền thống, phi truyền thống và phi đối xứng, bao gồm vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD). Điều này sẽ đòi hỏi kinh phí để nâng cấp những hệ thống vũ khí và lực lượng của Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm cả khả năng có thể hoạt động trong môi trường WMD”.
Ông Gunzinger cho rằng một vụ nổ EMPs do Triều Tiên gây ra cũng sẽ ảnh hưởng đến lực lượng của của Bình Nhưỡng. Ông nói: “Rất có thể việc Triều Tiên sử dụng một vũ khí EMPs không tương đối tinh vi trên bán đảo Triều Tiên sẽ ảnh hưởng đến các lực lượng của chính họ. Đó có thể là cơ sở hạ tầng, hệ thống kiểm soát và điều khiển không gian chiến đấu của họ”.
Khi được hỏi liệu các lực lượng của Mỹ, vốn dựa nhiều vào các mạng lưới và thiết bị cảm biến tiên tiến, sẽ bị tổn thất nhiều hơn hay không, ông Gunzinger trả lời: “Vâng, hoàn toàn có thể. Nó có thể có tác động làm tê liệt các hệ thống và mạng lưới quân sự không được “gia cố” một cách thích hợp”.
Tuy nhiên, ngay cả khi Triều Tiên không sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm mục tiêu vào các thành phố và trung tâm dân cư, mà chỉ nhắm mục tiêu vào các lực lượng quân đội Mỹ và đồng minh, hoặc Triều Tiên sử dụng một vụ nổ EMPs để tấn công, vẫn có khả năng Mỹ sẽ sử dụng một cuộc phản công hạt nhân. Đó là quan điểm của ông Joshua H. Pollack, biên tập viên của tờ “The Nonproliferation Review” và là một cộng sự nghiên cứu cấp cao của Trung tâm James Martin, chuyên nghiên cứu hạn chế vũ khí hủy diệt.
Tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: theo DefenceTalk) |
Ông Pollack nói: “Nếu ai đó có một vũ khí EMPs siêu mạnh, để thiêu hủy mạng lưới điện của Bắc Mỹ, liệu các bạn có tưởng tượng rằng tổng thống [Mỹ] chỉ nhún vai và nói: “Chúng ta không thể làm gì được?”. Ông Pollack khẳng định: “Nếu ai đó tấn công bạn bằng vũ khí hạt nhân và gây ra những hậu quả thảm khốc, thì việc đáp trả một cách hủy diệt là điều rất tự nhiên”. Trong bất kỳ trường hợp nào, Triều Tiên sẽ không thể ngăn chặn nếu Mỹ can thiệp để lật đổ chế độ ở Bình Nhưỡng.
Ông Joseph Cirincione, chuyên gia kiểm soát vũ khí và là Chủ tịch của Quỹ Plowshares, lại nghi ngờ về việc Triều Tiên sẽ sử dụng bom EMPs để tấn công Mỹ và các đồng minh. Ông nói: “Tôi không thể hiểu được tại sao chúng ta lại nghĩ rằng kẻ thù sẽ lãng phí một vũ khí hạt nhân hoàn toàn tốt để thử nghiệm với một quả bom EMPs giả định, khi chúng có thể phá hủy một thành phố thực sự”.
Cũng theo ông Cirincione: “EMPs là một ý tưởng điên rồ và sai lầm. Một khi kẻ thù sử dụng vũ khí hạt nhân, vì bất cứ lý do nào, nó vượt qua ngưỡng hạt nhân, nên sẽ dẫn đến một sự đáp trả hạt nhân; Các tư lệnh Mỹ sẽ không nói: ‘Ồ, đó chỉ là một vụ nổ ở trên không, chúng ta chỉ đáp trả tương tự’. Họ sẽ đáp trả bằng một cuộc tấn công hạt nhân hủy diệt, không thể chống lại được. Vũ khí hạt nhân của chúng ta, việc điều khiển và kiểm soát, là được thiết kế để hoạt động trong một môi trường chiến tranh hạt nhân, chứ không chỉ là một vụ nổ EMPs yếu ớt”.
Phạm Duy
(Đại Kỷ Nguyên)
http://www.tintuchangngayonline.com/2017/11/trieu-tien-co-thang-my-trong-mot-cuoc.html
Nhận xét
Đăng nhận xét