Thế giới phải «sống chung » với tên lửa Bắc Triều Tiên ?
Truyền hình Hàn Quốc loan tin về vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngày 29/11/2017.Reuters
Bình Nhưỡng dường như gần đạt được mục tiêu tối hậu. Với thử nghiệm thành công lần thứ ba tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày thứ ba 28/11/2017, Bắc Triều Tiên chứng tỏ « muốn đánh ai cũng được kể cả Mỹ » bằng vũ khí hạt nhân. Một thách thức mới, không riêng gì đối với tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã từng đe dọa « hủy diệt » Bắc Triều Tiên, mà còn đối với cả thế giới .
Hỏa lực đạt được
Theo David Wright, một chuyên gia Mỹ về vũ khí chiến lược, được AFP trích dẫn, tên lửa đạn đạo mà Bắc Triều Tiên gọi là Hwasong-15 (Hỏa tinh-15) « có khả năng mang đầu đạn hạt nhân »có tầm bắn 13.000 km. Một tên lửa như thế « có thể bay đến Washington».
Tuy còn phải khắc phục kỹ năng đưa tên lửa từ thượng tầng khí quyển theo quỹ đạo hình chuông trở lại bầu khí quyển an toàn, trước khi bay đến mục tiêu, nhưng rõ ràng là Bắc Triều Tiên sắp đạt được mục tiêu tấn công bất cứ nơi nào ở châu Mỹ.
Hoa Kỳ và các đồng minh châu Á lo ngại nhất là một ngày nào đó Bắc Triều Tiên sẽ kiện toàn được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Cộng đồng quốc tế phải đối phó ra sao ?
Hoa Kỳ đã tốn hàng trăm tỷ đôla để nghiên cứu và triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa, đón chận từ trên cao ở giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối, trên bộ cũng như trên tàu chiến, nhưng tất cả đều không hiệu quả 100%.
Khi đài truyền hình Bình Nhưỡng rộn rả báo tin « thành công lịch sử », tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng một cách mập mờ với tuyên bố « tôi sẽ lo chuyện đó ». Washington sẽ đề nghị Hội Đồng Bảo An « cấm hết mọi đường xuất nhập hàng hóa » của Bình Nhưỡng.
Giải pháp quân sự bất toàn, mà cấm vận thương mại, hay nhử mồi kinh tế, cũng không lay chuyển được Bắc Triều Tiên.
« Bảo hiểm nhân thọ »
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân, vì đó là « bảo hiểm nhân thọ » của chế độ khép kín này.
Dựa vào lời xác quyết của hãng thông tấn nhà nước KCNA « Bắc Triều Tiên không bao giờ ra tay trước nếu không bị đe dọa », bà Melissa Hanham, chuyên gia Mỹ thuộc viện nghiên cứu Middlebury về kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân, đề nghị chính phủ Mỹ « nên chụp lấy cơ hội này để thương lượng một giải pháp ngoại giao với Bắc Triều Tiên. Tuy có rủi ro thất bại, nhưng nếu không đàm phán thì chẳng khác nào tiếp tục cho đối phương thời giờ để cải tiến vũ khí ».
Nhận định này không khác gì lập trường truyền thống của Trung Quốc. Sáng nay, Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi Mỹ và Bắc Triều Tiên « đối thoại ».
Sống chung với bom
Tuy nhiên, theo AFP, ngồi vào bàn đàm phán với một chế độ luôn luôn vi phạm một cách có hệ thống mọi nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để đạt mục tiêu trang bị vũ khí hạt nhân, thay vì chăm lo cải thiện đời sống người dân, đó là một bước lùi không thể chấp nhận được. Một bước lùi khủng khiếp cho Mỹ lẫn cộng đồng quốc tế.
Đã thế, trong những cuộc đàm phán từ trước đến nay, chế độ Bình Nhưỡng, từ đời cha đến đời con, không bao giờ nhượng bộ một ly hoặc có chấp thuận thì cũng tìm cớ lật lọng, sau khi nhận được viện trợ. Tổng thống Bill Clinton, tổng thống George W. Bush ở Washington, cùng tổng thống Kim Dae Jung ở Seoul đã học được bài học này.
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Jeffrey Lewis, một chuyên gia khác của viện Middlebury, hiến kế : "Không ai thích, cũng không ai muốn dàn tên lửa hạt nhân liên lục địa của Bắc Triều Tiên chỉa mũi vào nhà. Nhưng phải tập sống chung cho quen."
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171129-the-gioi-phai-«song-chung-»-voi-ten-lua-bac-trieu-tien
Nhận xét
Đăng nhận xét