Ai dựng nên nhà tù này!?
Vũ Đông Hà (danlambao) – Nhiều người thường nói: đất nước ta là một nhà tù. Khi bạn ta trở về từ chốn ngục tù, ta chào đón bạn từ nhà tù nhỏ trở lại nhà tù lớn. Tất cả chỉ để diễn tả hình ảnh: Việt Nam là một nhà tù cộng sản.
Vậy thì ai, thế lực nào có thể xây dựng một nhà tù với diện tích 331.212 km2 và đem nhốt 90 triệu tù nhân vào trong đó?
Nếu không có sự tuân phục và chấp nhận làm kiếp tù nhân, cái lồng nào đủ lớn và kiên cố để có thể giam giữ chừng đó con chim nếu những con chim tù đày xem khát vọng tự do là lẽ sống và sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để dành lại được?
Phải chăng…
Như những con chim quen sống trong lồng từ thuở mới lọt lòng, nghĩ đến chuyện bay ra khỏi lồng và tự do trên bầu trời bao la là lo sợ sẽ chết ngay lập tức; phải chăng không gian tù ngục và một vài hạt thóc được ban phát mỗi ngày đã làm chúng quen và không thể sống khác? Nếu vậy, có đúng không, theo thời gian chúng đã thuần với cuộc sống nô lệ để rồi mặc dù biết rằng đôi cánh này đang dư thừa, bản chất ngày càng biến dạng, nhưng vẫn sợ hãi để rồi tiếp tục nô lệ với những biện minh: chúng tôi đang ở trong lồng, chúng tôi có những khó khăn của chúng tôi…
Phải chăng Việt Nam là một nhà tù, nhưng là nhà tù không những chỉ là cánh cửa khoá lại bởi cai tù cộng sản mà còn là những biện hộ cho chính mình và cho nhau, nhà tù do chính chúng ta gom song góp sắt dựng nên quanh mình?
Cũng như những nhà trí thức chẳng cần biết gì đến người nông dân bị cướp đất, về một công dân Hà Nội bị công an đánh chết, về những công dân bị bắt giam không cần xét xử, bị tùy tiện hốt vào trại cải tạo hoặc đến chuyện đại trà và đại họa như Vinashin, Vinalines, Formosa, Boxit Tây Nguyên đổ nợ và quan chức phủi tay mọi trách nhiệm… Họ sẽ lý giải rằng: Đó không phải là lãnh vực chuyên môn; không biết rõ thì không phản biện; phải tỉnh táo, ý thức về ảnh hưởng của mình khi mở miệng… Họ tự bịt miệng bằng sự cẩn thận khôn ngoan, nhiều tính toán. Họ ngồi yên trên chiếu bình an, ấm áp trong cái chăn trí ngủ, biến nó thành nhà tù an toàn và tự giam mình vào trong đó, ngồi thức cùng nắm nhang trí tuệ bốc khói và bí số tù nhân mang tên “trí thức”.
Có một nhà “cách mạng lão thành” lên tiếng về vấn nạn ngày hôm nay mà không thấy chân dung của mình trong bộ máy tàn độc mà mình đã từng góp phần tạo dựng nên nó, không nhìn ra bóng dáng của mình trong những tội ác đã từng xảy ra. Một người khác với suy nghĩ để hướng về tương tai thì các “lão thành” đồng hành với tội ác quá khứ ngày nay lên tiếng là may rồi, đừng đụng chạm, thêm bạn bớt thù vẫn tốt hơn cho công cuộc chung. Vô hình chung cả hai đã dựng lên một nhà tù mà trong đó người ta không dám nói lên sự thật đúng bản chất của nó. Và cứ thế dối trá thông đồng nhau tiếp diễn để những kẻ thủ ác hôm nay, ngày sau vẫn sẽ được hân hoan đón nhận là những người dám lên tiếng, dù rằng chỉ với những phản biện trong sự trung thành. Cứ thế sự thật và dối trá quấn quít nhau.
Có những nhà tù mang tên nhân danh. Nhân danh hào quang quá khứ, nhân danh ra đi với tấm lòng trong sáng để phủi tay với tất cả những hệ lụy tang thương và để bỏ tù lương tâm của mình. Nhân danh sự tha thứ và cảm thông để chấp nhận sống chung với dối trá và bỏ tù lòng chân thật, thái độ thẳng ngay. Nhân danh điều khôn ngoan và ca tụng sự khéo léo, mềm dẻo để không làm tổn hại đến sự tồn tại mong manh của mình và cứ thế mà bỏ tù niềm tin vào công lý. Nhân danh tranh đấu cho sự thật và lẽ nhưng lại lách, lái, rón rén đi quanh cái lề có giấy phép và cứ thế mà bỏ tù khí phách quân tử.
Con người trở thành những anh hùng núp lão luyện trong sự khôn ngoan rất an toàn của chính mình.
Trong khoảnh tối khôn và ngoan ấy, con người vùng lên khi bị ai đó phê phán và vỗ tay hoan hô những lời phê bình về người khác. Chúng ta tung hô sự can đảm nhưng sợ làm người can đảm. Chúng ta thừa hơi lên án kẻ hèn nhát và dư trí tuệ để biện minh cho sự nhút nhát rất riêng tư. Chúng ta kêu gọi cách mạng và đỏ mắt tìm minh chúa nhưng lại là những tín đồ trung thành nhất của lời dạy tu thân tề gia rồi mới đến… cái gì kế tiếp hãy tính sau cho chính bản thân mình. Chúng ta lên án những vi phạm về quyền làm người đối với kẻ khác nhưng biết đặt sự yên ổn bản thân và gia đình lên trên quyền làm người của chính chúng ta. Chúng ta đấu tranh cho khái niệm tự do nhưng nhếch mép cười mai mỉa khi nghe tiếng những con chim đang ở ngoài lồng – là cái đinh gì, tư cách gì, biết gì để hót với chúng ta rằng thế nào là tự do.
Những vòng tự trói buộc ấy có khác gì một nhà tù. Một nhà tù mà mỗi người chúng ta tự tuyên án, tự viết bản án không có ngày tháng mãn hạn tù. Và chúng ta ngồi khoanh tay đợi, kỳ vọng ở mọi người – trừ mình – ra tay phá ngục. Chúng ta ngồi đó, như con chim say đắm mây trời và nghĩ rằng tự do là khát vọng, dân chủ là đích đến dù biết rằng chính mình sẽ không chịu rời ra khỏi lồng tù để bay theo khát vọng, tìm về đích đến. Con chim nào đó sẽ thử, sẽ cố, sẽ bay, sẽ đối diện với giông bão cho những thứ đó chứ không phải mình.
Tự do, dân chủ là đích đến nhưng chưa hẳn là động lực cho bước chân đầu tiên làm nên một cuộc xuống đường phá lồng vĩ đại. Cứ giương cao khẩu hiệu Tự Do. Không ai phản đối vì không có Tự Do con người chỉ là nô lệ. Cứ hô to lời kêu gọi Dân Chủ. Cũng sẽ được đồng tình vì đó là luật chơi sòng phẳng phải có của thời đại. Nhưng hãy đi ngang từng ngỏ hẻm, xóm nghèo, ruộng đồng để thử hỏi từng người về khái niệm Tự Do và Dân Chủ xem liệu có câu trả lời.
Câu trả lời đến từ những điều giản dị. Đất tôi sao anh cướp. Ruộng tôi sao không được cày. Nhà tôi sao anh cưỡng chế. Có một con chim đang cúi đầu rủ cánh trong cái lồng vĩ đại ấy đã bị cướp lấy miếng ăn mà tự nó phải đổ mồ hôi, máu và nước mắt để làm nên. Đối với nó, chưa phải tự do, chưa phải những khái niệm to lớn như quyền làm… chim, hoặc cái lồng chim này là gia sản của cha ông nó bị đem thuê, cầm cố, bán buôn để nó vùng lên và mổ vào mắt tên cai tù cướp cơm chim. Nó chỉ là một con chim bị mất đi những gì giản dị nhưng là lẽ sống mỗi ngày.
Đối với những tên cai tù, cái bánh vẽ tự do dân chủ gấp vạn lần kẻ khác chúng có thừa họa nô để vẽ vời. Lòng yêu nước chúng có nhiều bút nô để đưa những câu truyện cổ tích được dựng lên từ quá khứ du dương và ru chim ngủ. Nhưng những thứ cướp đoạt thì chúng không thể vẽ vời. Chúng không thể ngừng cướp và không thể trao trả hết những gì đã cướp. Làm vậy thì chúng không có và không còn lý do để tồn tại, để tiếp tục sự nghiệp độc quyền cai tù.
Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Bài hát ngày xưa, từng được động viên bởi những tên sau này trở thành cai tù, hôm nay lại tái diễn. Hơn ai hết chính những tên giữ ngục này hiểu rõ lý do tại sao những con chim hiền lành, tưởng đã thuần chất nô lệ đã vùng lên.
Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình
Đấu tranh này là trận cuối cùng
Những tên cai tù phải lo sợ. Chúng biết rõ, bản chất chung của con người, dù đó là một nông dân hay một trí thức, sự khác biệt giữa cúi đầu im lặng hoặc vùng lên tranh đấu đều xuất phát ở những cái còn, cái mất của từng cá nhân. Đích đến của hành trình tự do là Dân chủ, nhưng bước khởi đầu cho chuyến đi lại là một cuộc đấu tranh dân sinh, sĩ diện và công lý. Bám chặt vào những khẩu hiệu của giờ khắc sau cùng để cố tạo những bước đi cho một khởi đầu đôi khi lại làm cho sự hiện hữu của cái lồng càng kéo dài thêm ra. Tình trạng băng hoại, thối nát từ trên xuống dưới của tập đoàn cai trị dẫn đến những bất công tràn lan khắp xã hội trước sau gì cũng sẽ dẫn đến sự đứng lên của nhân dân Việt Nam.
Sự đồng lòng đứng lên đó cần được khởi xướng bởi một thiểu số người có lý tưởng và biết đâu là khát vọng thực tế, gần gũi nhất của đại số người dân để vận động mỗi người sẵn sàng tự dẹp bỏ cái nhà tù tự gom song góp sắt dựng quanh mình và cùng nhau bước xuống đường.
Lúc đó, dĩ nhiên không còn chần chờ suy nghĩ nữa, khẩu hiệu Tự Do và Dân Chủ sẽ được giương lên ở đích đến sau cùng và những người đã tháo gỡ ngục tù nô lệ của chính mình để đi phá ngục tù cai trị của chế độ, lúc đó mới thực sự là những công dân tự do làm chủ vận mạng của mình và vận mạng của đất nước.
28.09.2018
Nhận xét
Đăng nhận xét