Thẩm Phán Brett Kavanaugh và sự vận hành của nền dân chủ Hoa Kỳ
LS Đào Tăng Dực (Danlambao) – Trong mấy tuần gần đây, chính trường Hoa Kỳ dậy sóng vì những biến chuyển liên hệ đến tiến trình bổ nhiệm vị thẩm phán thứ 9 vào Tối Cao Pháp Viện Liêng Bang tại Hoa Kỳ (US Supreme Court).
Theo Hiến Pháp Hoa Kỳ và quan điểm Tam Quyền Phân Lập của triết gia chính trị Pháp Montesquieu thì trong một chế độ dân chủ chân chính quyền lực chính trị không thể gồm thâu vào một mối, mà phải phân chia làm 3 ngành và hoàn toàn độc lập với nhau. Hành pháp thuộc tổng thống, Lập Pháp thuộc quốc hội và Tư Pháp thuộc Tối Cao Pháp Viện đại diện.
Hiến pháp Hoa Kỳ cũng quy định các thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện Liên Bang do tổng thống đề cử nhưng chỉ được nhậm chức nếu Thượng Viện phê chuẩn thông qua.
Cũng như nhiều quốc gia dân chủ khác trên thế giới, chính trị Hoa Kỳ tuy đa nguyên và đa đảng trên nguyên tắc, nhưng trên thực tế được lưỡng đảng đại diện cho 2 khuynh hướng chính trị: đảng Cộng Hòa khuynh hữu, bảo thủ và thiên về tư bản. Đảng dân chủ khuynh tả, cấp tiến và có khuynh hướng xã hội. Tại Anh Quốc có các chính đảng Bảo Thủ và Lao Động, tại Úc Đại Lợi có các đảng Tự Do và Lao Động, cũng trong truyền thống tương tự.
Hầu bảo vệ tính độc lập và chí công vô tư của Tư Pháp, các thẩm phán, nhất là thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện, các quốc gia dân chủ thông thường chủ trương bổ nhiêm các vị này không giới hạn nhiệm kỳ và chỉ có thể bị cách chức nếu vi phạm hình luật và quốc hội hoặc thượng viện truất phế. Dĩ nhiên chính đảng nào cũng muốn bổ nhiệm những vị thẩm phán theo quan điểm chính trị của mình, hầu các chính sách quốc gia thể hiện chúng. Tuy nhiên vì các đảng phái thay phiên nhau nắm quyền nên không có khuynh hướng nào độc tôn cả, và trên đường dài, sự quân bình được bảo đảm.
Sự kiện trở nên nghiêm trọng vì dưới thời điểm Ông Donald Trump làm tổng thống, một thẩm phán có khuynh hướng cấp tiến về hưu. Đó là thẩm phán Anthony Kennedy. Tuy ông được cựu Tổng Thống Cộng Hòa Ronald Reagan bổ nhiệm và khởi đầu có tính bảo thủ, nhưng càng về sau lại chủ trương cấp tiến.
Nên nhớ hiến pháp Hoa Kỳ quy định số thẩm phán TCPV là 9 người. Khi TP Anthony Kennedy còn tại vị thì cán cân 5-4 thiên về khuynh hướng cấp tiến. Với sự rút lui của Ông thì Tổng Thống Trump có một cơ hội lịch sử xoay ngược bàn cờ nếu Ông Bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ vào TCPV. Lý do là vì một khi được bổ nhiệm vị thẩm phán đó sẽ tại chức cả đời và hầu như không một thế lực chính trị nào khuynh loát họ được.
TT Trump đã đề cử TP Brett Kavanaugh một thẩm phán đương nhiệm của Tòa Phá Án Hoa Kỳ (US Court of Appeals) của đơn vị District of Columbia Circuit, với khuynh hướng bảo thủ và sóng gió bắt đầu từ đây.
Lý do là vì sự bổ nhiệm này sẽ có những hậu quả trọng đại cho chính trị và xã hội Hoa Kỳ. Cả Hoa Kỳ lẫn các nước dân chủ luôn ổn định về chính trị vì họ là những chế độ pháp trị chân chính. Tối Cao Pháp Viện của họ thật sự tối cao, không phải giả dối như tòa án tối cao tại Việt Nam hay Trung Quốc bị các đảng CS giật dây và bang hoại.
Một quyết định, trong một phiên xử của TCPV tại Hoa Kỳ hay Úc Đại Lợi đôi khi ảnh hưởng đến toàn thể cấu trúc xã hội, nhiều hơn là những sắc luật của Quốc Hội nữa.
Thât vậy, tại Úc Đại Lợi, chúng ta thường nhắc tới quyết định của TCPV (High Court of Australia) trong phiên xử Mabo (Mabo and others vs Queensland- 1992) như là một phiên tòa lịch sử. Trước đó, luật pháp và hiến pháp của Úc vận hành trong một truyền thống luật dân gian (Common Law) theo đó, trên phương diện pháp lý, khi người da trắng đầu tiên đặt chân lên lục địa Úc, thì không biết họ có đui hay không, nhưng họ không thấy có con người nào cả và luật pháp tuyên phán rằng họ có quyền chiếm giữ đất này theo chủ thuyết Terra Nullius (Đất hoang vu). Người thổ dân coi như không hiện hữu và không có chủ quyền đất đai trên lãnh thổ mênh mông này. Chủ thuyết Terra Nullius này được công nhận từ lúc người da trắng đầu tiên đến Úc cho tới thời điểm Mabo và TCPV Úc, trong phiên xử Mabo này làm nên lịch sử vì Mabo tuyên phán rằng chủ thuyết Terra Nullius là sai lầm và người thổ dân Úc đã hiện diện ngay từ thủa ban sơ.
Vì Úc Đại Lợi là một nền dân chủ pháp trị, sự hủy diệt chủ thuyết Terra Nullius đem lại nhiều hệ lụy về pháp lý, nhất là chủ quyền đất đai của chính phủ và nhân dân trong tương quan với thổ dân. Một trong những hậu quả hiển nhiên là chính phủ phải thương thuyết với thổ dân về quyền sử dụng đất đai trên mọi lãnh vực vì hậu quả pháp lý của Mabo là công nhận chủ quyền nguyên thủy của thổ dân.
Tại Hoa Kỳ cũng có một hiện tượng sâu rộng tương tự trong phiên xử Roe Vs Wade (1973). Lý do là vì Hoa Kỳ nguyên thủy là một quốc gia mang nặng tinh thần tôn giáo. Hoa Kỳ khởi thủy là những thuộc địa của Anh Quốc như những vùng đất hứa của những người theo Tin Lành (Protestantism) , kể cả Anh Giáo (Anglican Church) vì họ bất đồng chính kiến với Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 17 tại Âu Châu. Lúc đó họ là những thành phần tương đối cấp tiến so với Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, sau cuộc cách Mạng Pháp tại Âu Châu (1789) thì từ từ những giáo hội Tin Lành khác nhau tại Hoa Kỳ lại trở thành những lực lượng bảo thủ trên chính trường khi so với Công Giáo.
Cho đến các thập niên trước thế kỷ 21, thì các phe nhóm Tin Lành có khuynh hướng ủng hộ đảng Cộng Hòa và Công Giáo ủng hộ đảng Dân Chủ. Tiêu biểu nhất là Gia Đình Cựu Tổng Thống Kennedy như một triều đại chính trị Công Giáo. Dưới ảnh hưởng của các nhóm Tin Lành và sau này liên kết với Công Giáo, vấn đề quyền tự do phá thai của phụ nữ là một vấn đề không chấp nhận được. Ảnh hưởng của các phe nhóm tôn giáo mạnh đến mức độ các chính trị gia dân cử cảm thấy khó xử. Tuy nhiên TCPV không lệ thuộc vào cử tri và trong phiên xử Roe vs Wade đã làm một việc mà các chính trị gia không dám làm. Đó là cho phép người phụ nữ phá thai trong giới hạn của luật pháp.
Mabo tại Úc với sự bác bỏ chủ thuyết Terra Nullius và Roe vs Wade với sự hủy bỏ cấm đoán phá thai có tính cách mạng là như thế.
Dĩ nhiên cố gắng tái cấu trúc TCPV Hoa Kỳ của TT Trump không dừng ở nơi đây. Nhiều người ủng hộ Ông còn muốn TCPV, qua TP Brett Kavanaugh sẽ lật đổ chủ thuyết Roe vs Wade và trở lại cấm tuyệt đối vấn đê phá thai. Điều này nằm trong thẩm quyền của TCPV và hoàn toàn đồng thuận với truyền thống Common Law của Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Tân Tây Lan… vì chủ thuyết horizontal stare decisis (thuyết chiếu theo tiền án hang ngang) không hoàn toàn tuyệt đối. Một quyết định sau của TCPV hoàn toàn có khả năng bác bỏ một quyết định trước, nhất là khi hoàn cảnh xã hội thay đổi.
Những vấn đề khác như di dân, tự do tôn giáo, quyền tự do cầm súng etc… cũng sẽ bị ảnh hưởng vì TCPV có quyền phán xét tính hợp hiến hay vi hiến của mọi sắc luật của Lập Pháp và mọi tác động của Hành Pháp. Đây là một canh bạc rất cao giá và mọi phe nhóm đấu tranh quyết liệt.
Sự kiện những người chống đối sự phê chuẩn TP Kavanaugh là những phụ nữ tranh đấu cho phụ nữ quyền không phải ngẫu nhiên mà có.
Trong hiện trạng chính trị bây giờ tại Thượng Viện Đảng Cộng Hòa huy động được 51 phiếu và đảng Dân Chủ 49 phiếu. Tại sao Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện (Senate Judiciary Committee) và TT Trump không xúc tiến nhanh chóng tiến trình phê chuẩn và thông qua vì họ đã có đa số, thay vì yêu cầu FBI điều tra về những lời cáo buộc của TS Christine Blasey Ford và sai trái tình dục (alleged sexual misconduct) trong vòng một tuần?
Lý do là vì Hoa Kỳ là một nền dân chủ chân chính. Mỗi người dân có một lá phiếu thật sự. Họ sẽ hành xử quyền bầu phiếu của họ vào tháng 11 này, khi cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ Quốc Hội diễn ra. Thật vậy đầu tháng 11 toàn bộ 435 ghế dân biểu hạ viện và 35 ghế thượng viện sẽ được bầu lại.
Trước hết, TT Trump gặp khó khăn vì một TNS Cộng Hòa là Jeff Flake tuyên bố rằng, ông sẽ không đồng ý phê chuẩn cho TP Kavanaugh nếu FBI không tiến hành điều tra trước.
Sau đó, chúng ta phải nhớ rằng, tuy dưới sự lãnh đạo của TT Trump, nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển, thất nghiệp giảm… nhưng những bê bối và tuyên bố về phụ nữ của ông làm mất lòng cử tri phụ nữ rất nhiều. Trước khi biến cố Kavanaugh xảy ra, các bình luận gia chính trị cho rằng, có xác suất đảng Dân Chủ sẽ dành được đa số tại hạ viên nhưng sẽ không dành được đa số tại thượng viện. Tuy nhiên với biến cố này và sự tố cáo của 3 người phụ nữ thì dù đúng hay sai, nếu không cho FBI tiến hành một cuộc điều tra khách quan, thì sẽ rất mất lòng giới phụ nữ. Nếu phụ nữ quyết tâm đi bầu thì đảng Cộng Hòa có thể mất đa số cả 2 viện và điều này vô cùng nguy hiểm cho TT Trump.
Nếu cuộc điều tra của Ủy Viên Đặc Nhiêm Robert Mueller tìm được đủ chứng cớ impeach TT Trump, thì hiến pháp quy định rằng Hạ Viện sẽ truy tố và Thượng Viện sẽ kết án với đa số 2/3.
Trong hiện trạng chính trường Hoa Kỳ, việc này khó xảy ra vì đảng Cộng Hòa đang kiểm soát cả 2 viện.
Trong tương lai nếu đảng Dân Chủ kiểm soát hạ viện nhưng đảng Cộng Hòa kiểm soát Thượng Viện thì impeach cũng không đi đến đâu vì các TNS Dân Chủ tại thượng viện sẽ không đủ đa số 2/3 để kết án.
Tuy nhiên, nếu làm mất lòng quá nhiều phụ nữ thì trong cuộc bầu cử tháng 11 này, đảng Cộng Hòa có thế mất đa số trong cả 2 viện. Tuy đảng Dân Chủ khó chiếm đa số 2/3 tại Thượng viện vì chỉ có 35 ghế bầu lại, nhưng nếu họ chỉ có đa số quá bán là đủ gây trở ngại cho việc thông qua các sắc luật điều hành quốc gia rồi.
Trong cuốn sách “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên Quan Điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên” tôi cho rằng impeach một Tổng Thống là một quyền hạn không cần thiết và đây là một trong nhiều khuyết điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ. Impeach một nguyên thủ quốc gia như thế gây nhiều xáo trộn chính trị không cần thiết và cũng không nằm ngoài những tranh chấp chính trị bình thường.
Dù có nhiều khuyết điểm, nhưng Hoa Kỳ vẫn là một nền dân chủ chân chính, rường cột của thế giới tự do và những biến động chính trị tại Hoa Kỳ đáng cho chúng ta học hỏi hầu rút nhiều bài học cho tương lai hậu cộng sản.
30.09.2018
Nhận xét
Đăng nhận xét