Tin Biển Đông – 27/09/2018
Máy bay ném bom B-52 Mỹ
vẫn tiếp tục bay qua Biển Đông
Quân đội Mỹ tiếp tục cho máy bay ném bom B-52 bay trong khu vực bầu trời Biển Đông, các quan chức Mỹ nói với Reuters biết.
Đây là động thái có thể khiến Bắc Kinh nổi giận trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nước.
Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc, nói rằng máy bay ném bom B-52 đã bay ngang qua Biển Đông như một phần của “hoạt động thường xuyên theo lịch trình để nâng cao khả năng tương tác của chúng tôi với các đối tác và đồng minh trong khu vực.”
Các đợt bay như thế này thường xảy ra và cũng luôn làm Bắc Kinh khó chịu.
Vào tháng Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng không có tàu quân sự hay máy bay nào có thể khiến Trung Quốc từ bỏ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình sau khi các máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
“Nếu đây là 20 năm trước và (Trung Quốc) chưa quân sự hóa các hòn đảo này, thì đây sẽ chỉ là một máy bay ném bom trên đường đến Diego Garcia hoặc nơi nào đó thôi,” Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói.
Trung tá Eastburn cũng xác nhận việc Hoa Kỳ bay máy bay ném bom B-52 như một phần trong một “hoạt động thường xuyên theo lịch trình”.
Gần đây, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu đưa tàu chiến Mỹ đến thăm Hồng Kông Washington.
Và Trung Quốc cũng triệu tập đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, cũng như trì hoãn các cuộc đàm phán quân sự chung, để phản đối quyết định của Mỹ về việc trừng phạt một cơ quan quân sự Trung Quốc, và giám đốc cơ quan này, vì đã mua máy bay chiến đấu và hệ thống tên lửa đất đối không của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis, trong khi đó, nói ông không nghĩ rằng có một sự thay đổi cơ bản nào trong quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ.
Ông Mattis nói: “Chúng tôi chắc chắn sẽ duy trì mối quan hệ quân sự và mức độ tham gia và hợp tác có thể tăng lên và giảm dần, nhưng một mối quan hệ chiến lược là điều mà tôi nghĩ cả hai bên đều nhận ra là cần thiết.”
Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện cũng đang đối đầu trong một cuộc chiến thương mại, gây ra bởi lời cáo buộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Trung Quốc từ lâu đã tìm cách ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ, hạn chế doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp cận thị trường của Trung Quốc và tình trạng trợ cấp thiên vị các công ty nhà nước.
Ông Trump cũng vừa cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội Hoa Kỳ dự kiến diễn ra vào 6/11, nói rằng Bắc Kinh không muốn Đảng Cộng hòa của ông Trump thắng lợi vì lập trường của ông Trump về thương mại.
Trung Quốc phản ứng
việc B-52 của Mỹ bay qua Biển Đông
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng Mỹ nên chấm dứt những hành động bị cho là phá hoại mối quan hệ quân sự giữa hai bên, chấm dứt những hành động khiêu khích Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuyên bố vừa nêu được đưa ra vào ngày thứ năm 27/9/2018, hai ngày sau khi các máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ tham gia một cuộc tập trận với Nhật Bản tại Biển Đông, trên không phận quốc tế.
Đáp lại phản ứng giận dữ vừa nêu của Bắc Kinh, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông James Mattis, nói rằng chuyện B-52 bay ngang qua Biển Đông không có gì thay đổi trong mấy chục năm qua, đó là đường bay của các máy bay chiến lược này giữa Nhật Bản và căn cứ Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương.
Ông Mattis nói thêm là trước đây khi Bắc Kinh không quân sự hóa các đảo mà họ chiếm đóng ở Biển Đông thì chuyện B-52 bay qua Biển Đông là lịch trình bình thường.
Trung Quốc đã bồi đắp nhiều bãi cạn và đảo đá họ chiếm đóng trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và một số quốc gia Đông Nam Á.
Từ thời Tổng thống Obama, Mỹ đã bắt đầu cho máy bay và tàu chiến đi vào khu vực hải và không phận Biển Đông nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên 90% diện tích vùng biển này.
Chuyện lời qua tiếng lại về việc chiến đấu cơ B-52 bay qua Biển Đông là một trong những biểu hiện mới nhất cho tình hình căng thẳng giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc, tiếp theo việc Tổng thống Trump quyết định đánh thuế trên hàng nhập cảng từ Trung Quốc trị giá 200 tỉ đô la. Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tố giác Trung Quốc là đang can thiệp vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới đây tại Mỹ nhằm giúp Đảng Dân Chủ Mỹ chống lại ông Trump.
Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế lên 60 tỉ đô la hàng hóa Mỹ nhập vào Trung Quốc, và phủ nhận việc Bắc Kinh can dự vào công việc nội bộ của Mỹ.
Mỹ-TQ: Nổ Ở Biển Đông?
Trần Khải
Có vẻ như căng thẳng lớn… Trung Quốc sẽ lùi ở Biển Đông, hay sẽ vẫn gây sự nữa?
Bản tin Reuters hôm Thứ Tư ghi rằng hàng không trực thăng Nhật Bản Kaga sẽ liên thủ với tàu chiến Anh quốc HMS Argyll để tập trận ở Ấn Độ Dương hôm Thứ Tư trong khi tàu chiến này hướng về Biển Đông (của VN, tên quốc tế là South China Sea) và Biển Đông Á.
Anh quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ liên tục xuất hiện ở Biển Đông để cho Trung Quốc thấy rằng đó không phải là ao nhà sân sau của Hoa Lục.
Trong khi đó, báo quốc phòng Hoa Kỳ cho biết vừa bắt 1 gián điệp TQ giả dạng làm du học sinh để sang Mỹ tuyển mộ, gài bẫy để tuyển gián điệp trên lãnh thổ Mỹ (nghe giống Việt nam nhỉ)…
Ji Chaoqun, 27 tuổi, tới Hoa Kỳ năm 2013 bằng visa du học, hiện là chiến binh trừ bị Hoa Kỳ, đã bị bắt ở Chicago và ra tòa hôm Thứ Ba.
Ji có bằng Cao học (Thạc sĩ Điện lực) từ Illinois Institute of Technology tại Chicago, bị cáo buộc tìm mua dữ kiện cá nhân về 8 công dân Mỹ nhằm tuyển mộ họ làm mật báo viên cho mạng gián điệp của Ji tại Mỹ.
Và Biển Đông gầm rú nhiều hơn bao giờ hết: bản tin VOA ghi rằng Quân đội Mỹ đã điều các máy bay ném bom B-52 tới gần Biển Đông trong tuần này, các quan chức Mỹ nói với Reuters, một hành động có thể khiến Bắc Kinh tức giận trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Trung tá Dave Eastburn, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, nói rằng các máy bay ném bom B-52 đã bay ngang Biển Đông như một phần trong “các hoạt động được lên lịch thường xuyên được thiết kế để nâng cao khả năng vận hành qua lại với các đối tác và đồng minh của chúng tôi trong khu vực.”
Các chuyến bay này phổ biến, nhưng thường làm Bắc Kinh khó chịu. Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết không có tàu quân sự hay máy bay chiến đấu nào khiến Trung Quốc chùn bước trong quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình sau khi các máy bay ném bom B-52 của Mỹ bay gần các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ và Trung Quốc thường xuyên tranh cãi về việc quân sự hóa Biển Đông, nơi Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh.
VOA cũng ghi rằng trong một phát biểu riêng rẽ, ông Eastburn nói Mỹ cũng đã điều các máy bay ném bom B-52 bay qua Biển Hoa Đông hôm thứ Ba như một phần trong một “hoạt động hỗn hợp, được lên lịch thường xuyên.” Biển Hoa Đông là nơi Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản.
Gần đây Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cho tàu chiến Mỹ cập cảng Hong Kong trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Washington.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh và trì hoãn các cuộc đàm phán quân sự chung để phản đối quyết định của Mỹ về việc chế tài một cơ quan quân sự Trung Quốc và giám đốc cơ quan này về việc mua máy bay chiến đấu của Nga và hệ thống phi đạn đất đối không.
Trong khi đó, bản tin RFI từ Paris cho biết rằng Mỹ đang răn đe Trung Quốc với cuộc tập trận trên biển phối hợp 4 binh chủng.
Vào lúc quan hệ với Trung Quốc có dấu hiệu căng thẳng trên cả bình diện thương mại lẫn quốc phòng, ngày 23/09/2018, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vừa kết thúc một cuộc tập trận hợp đồng binh chủng với quy mô lớn hiếm thấy ở vùng đảo Marianas (Marianas Island Range Complex) ở miền Tây Thái Bình Dương và đảo Guam. Mở ra từ ngày 16/09, cuộc diễn tập mang tên Valiant Shield 2018 được giới phân tích quân sự đánh giá là mang một tính chất răn đe rõ rệt đối với Trung Quốc khi cho thấy sự vô hiệu của “tên lửa diệt hàng không mẫu hạm” mà Bắc Kinh thường phô trương gần đây.
Trong một bản thông cáo công bố ngày 15/09, Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là cuộc tập trận Valiant Shield 2018 huy động một lực lượng gồm khoảng 15.000 người, đến từ toàn bộ 4 binh chủng của Quân Đội Mỹ: Hải Quân, Không Quân, Lục Quân và Thủy Quân Lục Chiến.
Trên bình diện các phương tiện được tung vào cuộc tập trận của riêng Mỹ, diễn ra hai năm một lần ngay sau cuộc diễn tập đa phương RIMPAC, có hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan, 15 chiến hạm và quân hạm đủ loại, cùng với 160 máy bay trong đó có loại oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Valiant Shield là một cuộc tập trận hợp đồng binh chủng được thiết kế từ năm 2006 nhằm mục tiêu rèn luyện năng lực phối hợp tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của cả 4 binh chủng tạo thành lực lượng võ trang Hoa Kỳ.
Đặc biệt năm nay, trong khuôn khổ một sự chuyển hướng chiến lược nhằm đối phó với hai đối thủ cạnh tranh được chỉ định rõ là Trung Quốc và Nga, cuộc tập trận Valiant Shield 2018 bao hàm nhiều bài tập liên quan đến các kỹ năng bảo đảm an ninh trên biển, đổ bộ, chống tàu ngầm và phòng không.
Đối với tờ Business Insider, ấn bản Pháp, đối tượng nhắm tới của cuộc tập trận Valiant Shield 2018 chính là Trung Quốc dù không một quan chức Mỹ nào nói ra.
Bài viết công bố hôm 19/09, vào lúc cuộc tập trận Valiant 2018 đang diễn ra mang một tựa đề rất rõ ràng: Bên trên các bức ảnh về cuộc tập trận trên biển Philippines, tờ báo ghi nhận: “Một bức ảnh cho thấy rõ vì sao “tên lửa diệt hạm” của Bắc Kinh sẽ không thắng được ở Biển Đông trong một trận đánh”.
Phân tích chung của Business Insider ghi nhận:
“Quân Đội Mỹ đã tiến hành một cuộc tập trận trên Thái Bình Dương kết hợp oanh tạc cơ chiến lược hạt nhân, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ kế tiếp, một tàu sân bay và hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo.
Đó là những trang thiết bị mà Mỹ phải cần đến trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến thật sự với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng Hải Quân to lớn hơn Mỹ và chế tạo ra loại hỏa tiễn chuyên dùng để công phá tàu sân bay, nhưng cho đến giờ này, chưa có dấu hiệu gì là lực lượng đó có thể thật sự hoạt động như mong đợi trong môi trường chiến tranh.”
Trong khi đó, Báo Đất Việt ghi nhận từ Hà Nội: Mỹ quyết chặn Trung Quốc đặt ‘sự đã rồi’ trên Biển Đông.
Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton cảnh báo sự gây hấn của Trung Quốc, khẳng định Mỹ quyết tâm chặn âm mưu áp đặt ‘sự đã rồi’ trên Biển Đông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 26/9 đã cảnh báo những hành động “rất nguy hiểm” của Trung Quốc trên Biển Đông, giữa lúc Bắc Kinh chỉ trích các cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh trong vùng biển này.
Do vậy, căng thẳng là tất nhiên… Sóng gió sẽ khởi dậy ra sao? Cũng là điểm cần quan sát.
Chính quyền Trump thắng TQ
về quyền lưu thông trên Biển Đông
Hoa Kỳ với sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã đạt được một trong những mục tiêu chính là đảm bảo các tuyến đường lưu thông tự do trên Biển Đông.
Theo Business Insider, quân đội Mỹ gần đây đã tăng cường thách thức sự thống trị của Trung Quốc ở Biển Đông với sự hiện diện của các máy bay B-52, và điều đó góp phần vào việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực.
Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã tuyên bố đơn phương và bất hợp pháp đối với khoảng 90% Biển Đông, một vùng biển với tài nguyên dầu mỏ, cùng những tuyến đường vận tại quan trọng với hàng tỷ tỷ đô la giá trị hàng hóa lưu chuyển qua mỗi năm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đứng cạnh cựu Tổng thống Barack Obama trong Vườn Hồng của Nhà Trắng và hứa hẹn sẽ không quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, theo Business Insider. Nhưng Trung Quốc đã đưa các máy bay ném bom hạt nhân, máy bay tiêm kích chiến đấu, tên lửa và các khí tài quân sự khác đến các tiền đồn mà họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Ông Obama bị chỉ trích vì đã không cho phép hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, trong khoảng thời gian khác các hoạt động của hải quân được tiến hành nhưng phải xin phép ông từng lượt, từng lượt. Trong thời gian đó, Trung Quốc ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự, theo tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ.
Trái ngược với người tiền nhiệm, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, vào tháng 7/2017, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh phê duyệt quân đội tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông theo kế hoạch một năm mà không cần xin phép.
Tính riêng tháng 8/2018, Hoa Kỳ đã cử các máy bay B-52 đến Biển Đông bốn lần, theo Business Insider.
“Có phải Hoa Kỳ đang cố gắng gây áp lực nhiều hơn đối với hoạt động thương mại của Trung Quốc bằng cách cử máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông?”, tờ Global Times (Hoàn Cầu) thuộc kiểm soát của chính quyền Trung Quốc đặt ra nghi vấn vào thời điểm đó.
Tuy nhiên hôm thứ Hai (24/9), Hoa Kỳ đã cử bốn chiếc B-52 bay qua Biển Đông mà không có động thái đưa tin nào từ giới truyền thông Mỹ hay Trung Quốc.
Trung tá Dave Eastburn, một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, nói với Business Insider rằng các chuyến bay B-52 tới Biển Đông là điều tất nhiên.
“Sự di chuyển của những chiếc máy bay này yêu cầu chúng bay nhiều tuyến, kể cả trong vùng lân cận của Biển Đông, đây là một phần của các hoạt động thường xuyên theo lịch trình được thiết kế nhằm nâng cao khả năng tương tác của chúng tôi với các đối tác và đồng minh trong khu vực. Quân đội Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cử máy bay và tàu biển tới bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép vào những thời điểm và vị trí mà chúng tôi lựa chọn”, ông Eastburn cho biết trong một email.
Chiến lược của chính quyền Trump là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông thường xuyên đến mức điều đó không còn là tin tức đáng kể gì đối với giới truyền thông. Thông qua điều này, Hoa Kỳ đã phản bác thành công các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Business Insider.
Đây là một chiến thắng đối với chính quyền Trump. Business Insider bình luận: “Hoa Kỳ đã chọn việc đi thuyền và lái máy bay qua khu vực này với tần suất cao đến mức khiến điều đó không còn là việc gì bất thường nữa, như vậy có nghĩa là họ đã chiến thắng trong một trận chiến giành quyền lưu thông trên Biển Đông mà không cần một viên đạn nào”.
Nhận xét
Đăng nhận xét