Tin Việt Nam – 28/09/2018

Tin Việt Nam – 28/09/2018

VN bị tố

bí mật bắt giam 9 người bất đồng chính kiến

Gia đình những người này cho biết đến nay vẫn chưa được chính quyền thông báo về việc bắt giam, lý do bắt, và nơi giam giữ họ.
Một trong số những người bất đồng chính kiến ‘mất tích’ từ hồi đâu tháng Chín là blogger Ngô Văn Dũng sống tại Đắk Lắk.
Ông Dũng thường đăng các bài viết bày tỏ chính kiến và livestream về các vấn đề nhức nhối trong xã hội trên Facebook cá nhân.
Theo tin từ Vietnam Human Rights Defenders, blogger Ngô Văn Dũng nằm trong số chín thành viên của nhóm tên gọi ‘Hiến pháp’ bị bắt hồi đầu tháng Chín trong nỗ lực ngăn chặn biểu tình của chính quyền.
Vợ ông Dũng nói với BBC là vừa ‘tìm thấy’ ông bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn sau 25 ngày bặt vô âm tín. Nhưng chỉ được cán bộ ‘thông báo miệng’ chứ chưa được gặp và đến nay vẫn không có thông tin gì thêm.
“Cơ quan điều tra vi phạm tố tụng”
“Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị bắt, giữ, cơ quan điều tra cần thông báo cho gia đình, chính quyền nơi người đó cư trú, làm việc, sinh sống, ” luật sư Phùng Thanh Sơn nói với BBC hôm 27/9.
“Trong trường hợp xét thấy việc thông báo đó cản trở việc truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì có thể thực hiện sau khi cản trở đó không còn.”
“Tuy nhiên, như thế nào là cản trở thì luật không quy định cụ thể nên cơ quan điều tra có thể lạm dụng lý do này để trì hoãn việc thông báo.”
“Thời hạn tạm giữ có thể kéo dài tối đa đến chín ngày, kể từ ngày cơ quan điều tra nhận người tạm giữ. Do đó, nếu những người bất đồng chính kiến bị tạm giữ trên 10 ngày thì chứng tỏ họ không còn tạm giữ nữa mà đang bị tạm giam.”
“Cũng theo bộ luật này, cơ quan điều tra phải thông báo ngay cho gia đình và chính quyền địa phương, hoặc tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.”
“Đối với trường hợp chín người bất đồng chính kiến nói trên, cơ quan điều tra nếu đang giam giữ họ thì cũng cần thông báo cho gia đình, địa phương của họ. Không có ngoại lệ.”
“Nếu không, cơ quan điều tra đã vi phạm tố tụng và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người này.”
Theo luật sư Sơn, đây không phải lần đầu tiên gia đình của những người bất đồng chính kiến lên tiếng về tình trạng ‘bị chính quyền bắt giữ mà không thông báo’.
“Việc này chỉ có thể làm xấu hình ảnh của chính quyền chứ không tạo được sự tôn trọng từ gia đình cũng như xã hội khi xử lý những người bất đồng chính kiến.”
“Theo tôi, để cải thiện điều này, cơ quan điều tra cần tuân thủ luật pháp, thông báo kịp thời cho gia đình khi tạm giữ, tạm giam họ.”
“Thông báo miệng”
Bà Kim Nga, vợ blogger Ngô Văn Dũng, người được cho là ‘mất tích’ tại Sài Gòn từ đầu tháng Chín, nói với BBC hôm 27/9 rằng bà đã ‘tìm thấy chồng’.
“Tôi tìm thấy chồng tôi rồi. Bị giam ở số 4 Phan Đăng Lưu, Sài Gòn.”
“Một cô tiếp dân ở đó bảo tôi trình hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn. Rồi cô gọi điện vào trong hỏi có tên chồng tôi không thì thấy bảo có.”
“Nhưng cô cũng chỉ nói miệng vậy chứ không có thông báo chính thức nào. Tôi không có thêm thông tin nào từ đó đến nay. Cũng chưa hề được gặp mặt chồng,” bà Ngân nói với BBC từ Đắk Lắk.
RSF kêu gọi VN thả blogger Ngô Văn Dũng
Chính khách khắp nơi kêu gọi VN cải thiện nhân quyền
15 người biểu tình ở Bình Thuận bị 52 năm tù
Bà nói cán bộ ở đó hỏi ‘có muốn gửi gì vào không’ nên bà đã gửi cho chồng một ít tiền. “Nhưng ‘họ cầm tiền rồi đi chứ cũng không có giấy tờ biên nhận gì,” bà Nga nói.
Bà Nga cũng nói trong suốt 25 ngày ông Dũng ‘mất tích’, bà đã bốn lần lặn lội vượt 400km từ Đăk Lắk lên Sài Gòn, tìm kiếm khắp nơi, “cả gia đình không còn làm ăn được gì”.
Hiện bà Nga cho hay “chưa biết phải làm gì tiếp theo”, nhưng cán bộ số Trại giam số 4 Phan Đăng Lưu nói ngày 4/10 tới đây là lịch người nhà được gửi đồ ăn vào cho người đang bị giam giữ, nên bà sẽ đi Sài Gòn để tiếp tế cho chồng.
Điều bà Nga phân vân là không biết chồng bà bị bắt vì tội gì, sẽ bị giam bao lâu, có bị xét xử hay không. Và có chắc ông đang bị giam ở đó hay không.
“Chính quyền không thông báo gì cho gia đình tôi. Họ làm ăn kiểu gì thật kỳ quặc.”
Bà Nga cũng nói bà không thấy chồng làm gì sai.
“Là nhà báo tự do, trong suốt hai năm qua anh ấy đã viết hàng trăm bài báo. Nội dung anh viết đều là sự thật chứ không hề nói xấu lãnh đạo hay vu khống ai.”
“Ví dụ gần đây có vụ hàng trăm giáo viên ở Đăk Lắk bị mất việc trong khi đã đóng hàng chục triệu đồng cho hiệu trưởng để có một chỗ làm, anh ấy có đi viết bài và bị công an giữ, tịch thu điện thoại.”
Ông Dũng cũng đã từng nhận được nhiều ‘thư mời’, lệnh triệu tập từ công an Đắk Lắk, “cỡ phải tới 7 cái”, bà Nga nói.
“Chồng tôi lên công an làm việc vài lần. Anh ấy luôn nói với họ là anh thượng tôn pháp luật, không làm gì sai. Nếu không thì công an Đắk Lắk đã bắt anh ấy từ lâu rồi.”
Bà Nga cũng nói theo bà được biết thì hồi đầu tháng Chín, ông Dũng lên Sài Gòn để tham gia biểu tình phản đối sử dụng chữ tiếng Việt của Giáo sư Bùi Hiền.
‘Tổ chức nhân quyền sẽ vào cuộc’
Gia đình của hầu hết chín thành viên nhóm Hiến pháp không hề được chính quyền báo tin, trừ trường hợp Huỳnh Trương Ca đã bị khởi tố, theo Vietnam Human Rights Defenders.
Blogger Nguyễn Uyên Thùy, một thành viên của nhóm Hiến pháp nói với Vietnam Human Rights Defenders rằng việc bắt giữ này nhằm trong nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn chặn biểu tình nổ ra hôm 2/9.
Bị cắt điện vì than phiền trên Facebook
Hà Nội ‘nước lụt tận giường, chèo thuyền trong phố’
Vietnam Human Rights Defenders cũng cho biết nhóm này đã tham gia vào cuộc biểu tình hôm 10/6 và dự định biểu tình ôn hòa hôm 4/9 nhưng đã bị đàn áp trước đó.
Theo thông tin về nhóm Hiến Pháp đăng tải trên Vietnam Human Rights Defenders, đây là một nhóm “cổ suý nhà nước pháp trị”, ủng hộ quyền dân sự có trong Hiến pháp Việt Nam 2013.
Cũng theo trang tin của tổ chức này, Liên Hiệp Quốc đã được thông báo về vụ việc và Cao uỷ về Nhân quyền sẽ có trao đổi với Chính phủ VIệt Nam về việc bắt giữ mà không thông báo cho gia đình.
Sau các cuộc biểu tình phản đối Luật An ninh mạng và Dự luật Đặc khu hôm 6/10 nổ ra tại nhiều tỉnh thành, chính quyền Việt Nam dường như mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn người dân xuống đường dịp Quốc Khánh 2/9.
Một số nhà hoạt động nói với BBC rằng nhà họ bị một nhóm an ninh canh cửa 24/24. Một số khác được công an địa phương ‘mời’ cà phê và đề nghị ‘không xuống đường’ hôm 2/9.
Cùng lúc là các vụ xét xử người bất đồng chính kiến tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên truyền thông chính thống của nhà nước không hề đưa tin về những người được cho là bị ‘bắt nguội’, như vụ chín người của nhóm Hiến pháp.
Báo Việt Nam thời điểm đó đăng các bài viết kêu gọi người dân tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, chống lại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45662140

9 người thuộc nhóm Hiến Pháp

bị an ninh bắt vào đầu tháng 9

An ninh Việt Nam bắt giữ 9 thành viên của 1 nhóm có tên ‘Hiến Pháp’ vào đầu tháng 9 vừa qua. Mục tiêu nhằm ngăn chặn các cuộc biểu tình tự phát xảy ra khi mà tình trạng bất mãn đang ngày càng tăng trong xã hội.
Nhóm Vietnam Human Rights Defenders hôm 24 tháng 9 dẫn lời bà Nguyễn Uyên Thuỳ, một trong 18 thành viên của nhóm Hiến Pháp, như vừa nêu.
Theo lời bà Nguyễn Uyên Thuỳ nói với Vietnam Human Rights Defenders, biện pháp bắt giữ được tiến hành tại Thành phố Hồ Chí Minh trước khi nhóm Hiến Pháp có kế hoạch tập trung vào ngày 4 tháng 9 nhân dịp lễ Quốc khánh 2 tháng 9. Nhóm muốn kêu gọi tiến hành biểu tình ôn hoà để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, cũng như quản trị tồi của chính phủ Hà Nội dẫn đến thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng trên cả nước.
Cũng theo bà Nguyễn Uyên Thùy thì lực lượng an ninh đã bắt 8 thành viên của nhóm mà không thông báo cho gia đình họ về vụ bắt giữ. Chỉ riêng trường hợp ông Huỳnh Trương Ca là được thông báo trên truyền thông nhà nước.
Một số thành viên khác của nhóm Hiến Pháp bị bắt được bà Thuỳ nêu tên là ông Đỗ Thế Hòa (Facebooker Bang Lĩnh) bị bắt vào tối ngày 1 tháng 9, cô Đoàn Thị Hồng (Facebooker Xuân Hồng) bị bắt ngày 2 tháng 9, ông Ngô Văn Dũng (Facebooker Ngô Văn Dũng) bị bắt giam sau khi tiến hành phát livestream trực tiếp tại TP HCM vào sáng ngày 4 tháng 9.
Bà Kim Nga, vợ ông Ngô Văn Dũng, hôm 28/9 phủ nhận thông tin chồng bà là thành viên của nhóm Hiến Pháp: “Ông ấy là một nhà báo độc lập, không thuộc nhóm Hiến Pháp. Có điều là liên lạc với nhau trên Facebook thì có nói chuyện kết bạn trên Facebook thôi“.
Theo thông tin từ bà Kim Nga, cho đến lúc này gia đình bà vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc bắt giữ chồng mình dù bà đã làm đơn gửi Công an tỉnh Dak Lak, và Thủ tướng chính phủ. Đích thân bà Nga cùng con đã đến công an tỉnh Dak Lak để hỏi về tung tích của chồng mình nhưng được phía công an tỉnh cho biết họ không bắt giữ ông Dũng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Nine-members-of-the-so-called-constitution-group-detained-since-early-september-09282018091230.html

Những giòng nước ô nhiễm

quanh khu công nghiệp Tân Bình

Nhóm phóng viên từ VN
Khoảng tháng 8 năm ngoái, chúng tôi có gửi đến quý vị phóng sự về vấn đề ô nhiễm con sông Vàm Thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau hơn 1 năm chúng tôi quay trở và nhận thấy thực tế không có gì cải thiện. Các kênh rạch khác xung quanh khu công nghiệp Tân Bình cũng chung một số phận.
Thực tế sau một năm khi chúng tôi thực hiện phóng sự về tình trạng ô nhiễm tại khu vực Sông Vàm Thuật được dân nêu rõ:
Nạo vét gì. Vẫn ô nhiễm vẫn hôi thối vậy. Vừa rồi chính quyền có nạo vét nhưng chỉ bớt cái lớp sình đi thôi, nước của nó ô nhiễm. Nước ở trên kia nó chảy xuống đây hôi thối dân chịu không được.
Lập luận cho kết luận Khu Công nghiệp Tân Bình gây xả nước thải khiến ô nhiễm nặng các con kênh, các dòng sông xung quanh được người dân nêu ra:
Khi nào mà khu công nghiệp nó hoạt động lại thì nước nó đen. Còn nó không hoạt động thì nước trong veo. Cái này đâu phải là do mình xài nước xài sinh hoạt xả ra. Nước sinh hoạt xả ra đâu có bị.
Những người dân được tiếp xúc đều khẳng định như thế. Một người dân sống cạnh con kênh 19/5 – thuộc khu công nghiệp Tân Bình khẳng định:
Do khu công nghiệp xả ra, chứ độc có người dân làm gì đến mức độ này.
Người dân sống dọc sông Vàm Thuật cũng đồng tình với kết luận ô nhiễm nơi đây là do khu công nghiệp Tân Bình xả thải.
Cách đây cũng mười mấy năm rồi. Cái này là do mấy xí nghiệp trên Tân Bình nó xả nước ra nó mới làm dơ. Chứ trước tui ở hồi đó giờ đâu có bị.
Khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm kéo dài mười mấy năm nhưng tình trạng này vẫn kéo dài mà không được chính quyền giải quyết.
Mười mấy năm nay rồi. Nhà nước phải có quy hoạch làm sao để cải tạo được cái đường nước này chứ cứ để nó ô nhiễm thế này hoài mạch nước ngầm nó cũng bị ảnh hưởng. Cái thứ hai là mùi hôi ở sông nó bốc lên làm cho con người bệnh hoạn. Cũng yêu cầu nhà nước quyết tâm dẹp bỏ được càng sớm càng tốt.
Cũng phản ảnh mà đâu có ăn thua gì. Xí nghiệp nó đóng thuế này kia cho, giờ mình phải chịu thôi chứ giờ sao. Chứ hồi xưa sông này cá tôm nhiều lắm, tôm càng xanh nhiều lắm. Nước cạn cứ đi bắt, còn đi đãi trùn, giờ không có con gì sống.
Muốn cải tạo thì di dời hết ba cái như là dệt Thắng Lợi, nhà máy hóa chất Tân Bình…may ra nó còn trong sạch được. Mấy ngày Tết xí nghiệp nó nghỉ thì con kênh này trong. Cứ mùng 1,2,3 con kênh này nước trong lắm.
Ngoài tác động đến sức khỏe của người dân trong khu vực, nhiều vật dụng của người dân cũng bị hư hại mà theo người dân là do các chất  trong không khí gây nên.
Ô nhiễm ở riết thì nó quen cái hơi, cái mùi. Người khác tới đây thì chịu không nổi. Với lại máy móc tivi, ổ điện máy móc là hư hết tại vì cái hơi nước này nè nó dơ lắm. Vừa rồi tui lội xuống nó ám vào người mình rửa chà không đi được.
Tivi hay máy móc mà xài là một thời gian tự nhiên ở trong là ốc với mấy cái mạch đổi thành màu đen, nó hư hết. Tôn (tole) vừa lợp xong cỡ 6 tháng sau là nó mục hết. Mục ở trong nhà nó mục ra đó nha. Chứ còn mục ở ngoài trời mục vô thì gọi là nước mưa. Tôn nó còn mục sắt thép còn hư thì người làm sao mà sống nổi. Tại mình khổ quá mình cứ đeo ở đây mà sống thôi chứ…
Một giải pháp được nêu ra trong trường hợp không di dời khu công nghiệp gây ô nhiễm thì phải đền bù cho dân để họ tìm nơi ở mới. Tuy nhiên giải pháp này cũng bế tắc và người dân phải bỏ tiền ra để góp phần giảm thiểu ô nhiễm mà họ phải gánh chịu
Nếu không ấy thì phải giải tỏa nó đi, giải tỏa thì nó bắt phải đền bù. Đền bù thì tiền đâu mà đền bù cho nó. Cho nên nếu mà anh còn ở đây thì anh phải đầu tư vào với nhà nước để làm cái cống hộp.
Tình trạng các khu công nghiệp không thực tâm đầu tư công trình xử lý và rồi lực lượng chức năng không kiên quyết vẫn bị người dân chỉ ra. Họ mong muốn chính quyền xử lý nghiêm ngặt vấn đề xả thải, hoặc là di dời khu công nghiệp. Tuy nhiên những mong muốn đó vẫn chưa được đáp ứng và cư dân địa phương là những người phải trực tiếp gánh chịu mọi hậu họa của nạn xả thải của các nhà máy công nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/pollution-around-tan-binh-industry-area-ttvn-09282018081850.html

Đảng CS Việt Nam còn bàn về nhân sự Chủ tịch nước

Một người phát ngôn của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chưa rõ liệu Hội nghị Trung ương 8 có quyết định nhân sự cho vị trí Chủ tịch nước hay không.
Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ 2 đến 6/10, trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức quốc tang vì Chủ tịch nước Trần Đại Quang tạ thế.
Tại cuộc họp báo về chương trình hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Quang Vĩnh nói “không đặt vấn đề” bầu bổ sung ủy viên Bộ Chính trị tại hội nghị 8.
Chính trường Việt Nam sau cái chết của Chủ tịch Quang
Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nói về Sấm Trạng Trình
PGS. TS. Phạm Quý Thọ nói về ‘đất đai và lăng mộ’ Chủ tịch Quang
TT Donald Trump ‘tấn công trực diện’ CNXH
Ông Vĩnh nói thêm:
“Còn việc Trung ương có xem xét quyết định giới thiệu nhân sự để bầu Chủ tịch nước mới tại hội nghị lần thứ 8 này hay không còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của các cơ quan.”
“Việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước là việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, cẩn trọng. Chắc chắn vấn đề này sẽ do Trung ương Đảng xem xét nhưng cụ thể có xem xét tại hội nghị này hay không, Trung ương sẽ thông báo sau.”
Theo tìm hiểu của BBC, cho đến ngày 28/9, Bộ Chính trị chưa có cuộc họp để bàn việc chuẩn bị nhân sự chức Chủ tịch nước.
Một số cái tên ủy viên Bộ Chính trị được giới quan sát nêu ra như ứng viên cho chức chủ tịch nước, gồm các ông Trần Quốc Vượng, Nguyễn Thiện Nhân hay Ngô Xuân Lịch.
Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hiện được xem là một trong các ứng viên hàng đầu vào chức Chủ tịch nước
Có ý kiến nói ông Phạm Minh Chính, cựu trung tướng công an, nguyên Bí thư Quảng Ninh và hiện là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, cũng là một nhân vật sáng giá khi Đảng CS sắp xếp lại các chức vụ cao nhất.
Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời và di sản
Cố Chủ tịch Trần Đại Quang – Hậu sự và nhân sự thay thế
VN có nhất thể hóa TBT và Chủ tịch nước?
Quốc tang ở các nước trên thế giới
Quyền Chủ tịch nước đứng thấp trong Ban tang lễ
Ngoài ra, có câu hỏi trong giới quan sát rằng liệu quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có được Đảng xem xét đưa vào Bộ Chính trị để chính thức giữ chức vụ Chủ tịch nước hay không.
Thời gian qua, dư luận Việt Nam cũng bắt đầu chú ý đến nhu cầu có thêm một nhân vật nữ ở vị trí cao thuộc hàng cao nhất trong bộ máy để cải thiện hình ảnh đất nước.
Lễ quốc tang của Chủ tịch nước Quang được quốc tế rất trọng thị làm lộ ra sự khác biệt trong cách nhìn nội bộ của Đảng CSVN, coi chức vụ này không cao lắm, với hình ảnh, vị thế của nguyên thủ quốc gia trong con mắt dư luận trên thế giới.
Phát biểu với báo chí hôm 28/09, ông Lê Quang Vĩnh nói về quyền Chủ tịch nước:
“Chúng ta vừa qua hai ngày Quốc tang, theo quy định của Hiến pháp và quy định trong Đảng, cấp có thẩm quyền đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh là quyền Chủ tịch nước. Với sự phân công này, các quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch nước được thực hiện bình thường, đầy đủ.”
Điều này có thể hiểu là người ta không vội vàng để bà Ngọc Thịnh rời vị trí tạm quyền như hiện nay, dù trong danh sách Ban tang lễ ông Quang, tên bà bị đặt dưới các ủy viên Bộ Chính trị.
Cũng trong mấy ngày qua, có ý kiến của TS Vũ Cao Phan từ Hà Nội cho rằng đây là dịp “có thể nhất thể hóa cái chức danh tổng bí thư và chủ tịch nước là một.”
Trả lời Bàn tròn Thứ Năm 27/09 của BBC Tiếng Việt, ông giải thích vì sao:
“Thứ nhất, Việt Nam là nước XHCN duy nhất cho đến nay chưa kết hợp hai chức vụ ấy làm một. Trung Quốc, Cuba và ngay bên cạnh là Lào, tất cả đều làm thế rồi, chỉ còn Việt Nam thôi.
Thứ hai, trên thực tế, Việt Nam đã có ý định thực hiện từ hơn 20 năm trước, từ thời ông Lê Khả Phiêu còn làm Tổng Bí thư.
Thứ ba, có thể nói là sự ra đi của ông Trần Đại Quang là ngẫu nhiên thôi nhưng trở thành tất nhiên – nghĩa là một sự chín muồi cho sự nhất thể hóa.
Nhưng theo tôi điều quan trọng nhất là sự kết hợp đó là hợp lý và có lợi.”
Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu kỳ họp từ 22/10 đến 20/11.
Theo luật, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, nhưng trong bối cảnh chính trị một đảng ở Việt Nam, Ban chấp hành trung ương Đảng trước đó quyết định nhân sự.
Bộ Chính trị đang ‘thiếu người’
Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ quan lãnh đạo cao nhất trong Đảng Cộng sản.
Đại hội Đảng năm 2016 đã bầu ra 19 ủy viên Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Những người từng làm Chủ tịch nước Việt Nam
Tôn Đức Thắng 1976-80
Nguyễn Hữu Thọ 1980-81
Trường Chinh 1981-87
Võ Chí Công 1987-1992
Lê Đức Anh 1992-97
Trần Đức Lương 1997-2000
Nguyễn Minh Triết 2006-11
Trương Tấn Sang 2011-16
Trần Đại Quang 2016-18
Đặng Thị Ngọc Thịnh 21/9/2018
Nhưng chỉ một năm sau, ông Đinh La Thăng bị kỷ luật, thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy TPHCM. Ông Thăng sau đó bị hai án tù – 13 năm và 18 năm tù – và tổng cộng lại sẽ phải thi hành mức án 30 năm tù giam.
Ông Đinh Thế Huynh phải nghỉ điều trị bệnh, thôi chức Thường trực Ban Bí thư từ đầu năm 2018 tuy vẫn ngồi trong Bộ Chính trị.
‘Quỹ nhân sự cao cấp’ hiện bị hẹp lại sau cái chết của Chủ tịch Quang, và sự vắng mặt lâu của ông Đinh Thế Huynh, cùng việc bỏ tù ông Đinh La Thăng.
Ông Trần Quốc Vượng, vốn là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chính thức giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 3/2018.
Trong danh sách Ban lễ tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban lễ tang.
Danh sách này xếp thứ tự Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thứ ba và ông Trần Quốc Vượng thứ tư.
Việc bổ sung bất cứ ai vào Bộ Chính trị cũng có thể tạo ra “phản ứng dây chuyền” vì chức vụ của người đó sẽ cần phải có người khác thay thế.
Quy định của Hiến pháp Việt Nam 2013
Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội.
Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.
Trong trường hợp khuyết Chủ tịch nước thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.
Chân dung quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh
Sinh năm 1959 ở tỉnh Quảng Nam, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh vào Đảng Cộng sản năm 1979.
Bà có bằng Thạc sỹ xây dựng Đảng, Cử nhân khoa học Sử, Cử nhân Luật.
Bà có thời gian dài làm việc tại TPHCM, qua các chức vụ như Bí thư Đảng ủy phường Bến Thành (Quận 1, TPHCM); Viện trưởng Viện KSND Quận 1 (TPHCM), Phó Chủ tịch UBND Quận 1; Chủ tịch Hội Phụ nữ TPHCM.
Sau khi được điều động ra Hà Nội, bà Ngọc Thịnh trở thành ủy viên dự khuyết BCH Trung ương khóa X năm 2006.
Năm 2009, bà về giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long rồi trở thành Bí thư Tỉnh ủy một năm sau đó.
Đầu năm 2015, bà lại được điều ra Hà Nội giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đại hội Đảng năm 2016 bầu bà vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Sau đó, bà được Quốc hội bầu vào chức Phó Chủ tịch nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45666482

Trump nói về CNXH:

giới bất đồng chính kiến ‘hả hê’

Tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích xã hội chủ nghĩa.
Ông đặc biệt dẫn chứng Venezuela, và rằng “chủ nghĩa xã hội đã làm phá sản một quốc gia giàu dầu mỏ và đẩy người dân nước này vào cảnh nghèo đói cơ cực”.
“Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp.”
Bàn tròn thứ Năm: TT Donald Trump ‘tấn công trực diện’ CNXH
TT Donald Trump: ‘Các nước cần chống lại CNXH’
Máy bay ném bom B-52 Mỹ vẫn bay qua Biển Đông
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
“Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người.”
Nội dung này trong bài phát biểu không được báo chí Việt Nam đưa tin, tuy nhiên, được giới bất đồng chính kiến liên tục chia sẻ trên mạng xã hội.
Giới bất đồng chính kiến ‘hả hê’
“[Giới bất đồng chính kiến] phát điên về ông ấy khi ông ấy nói về chủ nghĩa xã hội,” nhà văn Đoàn Bảo Châu nói với BBC 27/9 về bài phát biểu của ông Trump.
“Tôi rất tâm đắc, bởi điều ấy là một sự thật mà cả thế giới đều biết. “
Ông Châu cho rằng giới đối lập chính quyền ở Việt Nam bắt đầu quan tâm đến ông Trump kể khi vị tổng thống Hoa Kỳ phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
“Điều khiến tôi thích Trump là ông ấy có cách tư duy mạch lạc về thương mại, ông ấy nhìn ra được bản chất của [Trung Quốc] và việc đòi lại sự công bằng thương mại cho Mỹ rất tốt.”
“Người Việt thích ông Trump bởi ông ấy thể hiện một sự thẳng thắn, mạnh mẽ và thái độ ấy sẽ thay đổi được thế giới tốt hơn. Nếu Mỹ mạnh lên thì sự nguy hiểm của Trung Quốc với thế giới cũng được giảm đi,” ông Châu nói.
“Là công dân Việt Nam tôi trân trọng và có phần quý mến ông Trump,” Trịnh Bá Phương nói với BBC hôm 27/9.
“Tôi đã đọc toàn văn phát biểu của ông Trump tại LHQ, tôi đánh giá cao bài phát biểu này,” vì bài phát biểu “lột tả bản chất của chế độ XHCN, việc ông nêu minh chứng về Venezuela đã cho nhiều người không còn nghi ngờ gì về sự thối nát, tham nhũng, độc tài của những chế độ XHCN.”
Và anh “hoan nghênh” việc ông Trump đang thực hiện những đòn trừng phạt Trung Quốc.
“Trung Quốc là nhà nước độc tài luôn muốn làm bá chủ Biển Đông, và xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam! Sự can thiệp mạnh mẽ của Mỹ tại Biển Đông khiến tôi hi vọng sẽ ổn định lại tình hình, ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.”
Anh Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động cho khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), cũng cho rằng:
“Bài phát biểu của ông Trump khiến rất nhiều người trong giới bất đồng chính kiến hả hê, họ sử dụng bài phát biểu của ông ấy để chế nhạo và thách thức chính quyền việt Nam hiện tại.”
“Dễ hiểu thôi vì người thường hiếm khi được nghe ý kiến chỉ trích CNXH, vốn được Đảng Cộng sản chọn để xây dựng mô hình chính trị. Rất ít khi các chỉ trích xuất hiện trong các bản tin và hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
“Mà đặc biệt đây lại là một tổng thống Mỹ, chỉ trích rất công khai trước Liên Hiệp Quốc. Đó là tin sốt dẻo khiến người bình thường cũng phải quan tâm, dù ít hay nhiều.”
Ý đồ chính trị
Tuy nhiên, theo anh Sơn, bài phát biểu của ông Trump có mục đích chính trị, và muốn nhắm vào người dân Mỹ hơn người Việt Nam hay các quốc gia CNXH.
“Thứ nhất, ông ấy dùng từ administration thay vì nước Mỹ, ông ấy muốn nói đến nội các của ông ấy. Thứ hai, ông ấy chỉ trích CNXH, vì ông cho rằng Đảng Dân chủ, đối lập đảng ông ủng hộ CNXH.”
“Cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ sắp diễn ra, đây là thời điểm rất gay go để chiếm lấy tình cảm của cử tri Mỹ cho nên tôi nghĩ rằng bài phát biểu của ông ấy là thông điệp gửi đến người dân Mỹ và hạ bệ Đảng Dân chủ.”
Thêm vào đó, “không khí hả hê” chỉ xảy ra trong nhóm bất đồng chính kiến, chứ không chắc chắn phản ánh được quan điểm cả phần lớn người Việt Nam, anh Sơn nói.
“Vì phần đông dân số Việt Nam, sự quan tâm đến học thuyết chính trị về XHCN là khá mờ nhạt, vì từ CNXH nó đi sâu vào tiềm thức người Việt Nam từ mấy đời nay rồi, nhất là với những người sinh sau 1975.”
Nhưng dù sao thì “tình cảm của người Việt Nam dành cho Donald Trump rất tích cực” vì sự cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc.
“Đại đa số người Việt Nam không có thiện cảm với Trung Quốc vì lịch sử phức tạp giữa hai quốc gia cũng như tranh chấp chủ quyền biển đảo đang diễn ra. Nên theo phản xạ tự nhiên, nếu có ai đó thay mặt mình ‘trừng trị’ một đối thủ trước giờ vẫn hay bắt nạt mình thì mình luôn vui vẻ ủng hộ người đó,” anh Sơn nói.
Chính vì vậy, nhiều nhà hoạt động dân sự tại Việt Nam ủng hộ ông Trump bất chấp việc ông luôn bị các nhóm hoạt động dân sự tại Hoa Kỳ chỉ trích mạnh mẽ về các vấn đề như nữ quyền, quyền lợi của LGBT, nạn phân biệt chủng tộc hay vấn đề về môi trường.
Ông Sơn cho rằng giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam ủng hộ ông Trump hầu hết vì thái độ của ông ấy với Trung Quốc và cuộc chiến thương mại do ông phát động, vì “coi trọng yếu tố chống Trung Quốc hơn các vấn đề khác.”
Về điều này, chính nhà văn Đoàn Bảo Châu cũng thừa nhận rằng:
“Mọi người ghét Trump về những vấn đề ấy nhưng tôi quan tâm nhất tới việc làm sao để nước Mỹ mạnh lên, bởi nước Mỹ là nước tôn trọng dân chủ, nhân quyền. Nước Mỹ cần phải thật mạnh để giúp thế giới này chống lại Trung Quốc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45662301

Slovakia vẫn đang ‘điều tra’ vụ Trịnh Xuân Thanh

Ngoại trưởng Miroslav Lajcak trước khi sang New York dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc có cuộc trả lời phỏng vấn với Pravda, tờ báo tư nhân của Slovakia, và kênh truyền hình TabletTV, về vấn đề Trịnh Xuân Thanh và quan hệ của Bratislava với Hà Nội xoay quanh vụ này.
Trong cuộc trò chuyện không được nêu rõ thời gian và địa điểm thực hiện, được Pravda công bố hôm 20/9, ông Lajcak nói rằng ông sẽ gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh bên lề kỳ họp Đại hội đồng để nói về vụ “bắt cóc Berlin” và nói rằng cuộc gặp đó “sẽ không thân thiện, cũng không dễ chịu gì”.
Slovakia: ‘VN phải giải thích rõ vụ Trịnh Xuân Thanh’
Vụ Trịnh Xuân Thanh: Slovakia ‘triệu tập đại sứ VN’
‘Slovakia đang ở thế khá kẹt với Đức’
Trong cuộc phỏng vấn, nhà ngoại giao Slovakia, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 72, nói vụ công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh “bị bắt cóc” là một “câu chuyện kỳ quặc” mà giới chức Slovakia được biết từ phía Đức.
Đức tin rằng ông Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã tại Việt Nam và chạy sang Đức từ giữa năm 2016 đã bị một số người có mang vũ khí bắt cóc tại Berlin hôm 23/7/2017.
Ông được cho là đã bị lôi lên xe hơi rồi đưa tới Bratislava.
Tại đây, giới chức Đức nghi ngờ rằng ông đã bị đưa lên chiếc phi cơ mà chính phủ Slovakia cho phái đoàn quan chức cao cấp của Việt Nam mượn, và được đưa về Việt Nam qua ngả Moscow.
“Các đối tác của chúng tôi thậm chí còn không tin là chuyện như thế lại có thể xảy ra,” ông nói.
“Bộ [Ngoại giao Slovakia] biết tin là do Đức thông báo. Vụ việc đang được điều tra ở Đức và ở cả nước chúng tôi.”
“Chúng tôi đã có ý là sẽ làm gì tiếp theo, nhưng chúng tôi sẽ chờ tới khi có kết luận điều tra.”
“Dù chúng tôi đang nói về những bằng chứng vững chắc nhưng đó cũng vẫn mới chỉ là chứng cứ gián tiếp.”
“Tôi sẽ sớm gặp Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh. Tôi biết rằng cuộc gặp sẽ không thân thiện, không dễ chịu gì, nhưng là cần thiết.”
‘Việt Nam đã trả lời hai lần nhưng vẫn chưa thỏa đáng’
Ông Lajcak cho biết phía Việt Nam đã hai lần chính thức trả lời với Slovakia rằng ông Trịnh Xuân Thanh “chưa bao giờ tới Slovakia”.
Ông nói ông cũng đã yêu cầu Hà Nội phải cung cấp bằng chứng vững chắc để chứng minh cách thức ông Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về được tới Hà Nội.
“Chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin đó,” ông nói trong cuộc phỏng vấn. “Tuy nhiên, chúng tôi đang điều tra.”
Không chỉ Bộ Ngoại giao mà Bộ Nội vụ của Slovakia cũng đang đóng vai trò tích cực trong việc tìm hiểu vụ việc.
Hôm thứ Hai 24/09, Bộ trưởng Nội vụ sau cuộc gặp với người tương nhiệm phía Đức tại Berlin tuyên bố cuộc điều tra vụ ‘bắt cóc ở Berlin’ sẽ tiếp tục, trang tin Smer của Slovakia nói.
Slovakia nay cho phép một điều tra viên của Đức tham dự toàn bộ các cuộc thẩm vấn mà Slovakia thực hiện.
Tiếp đến, trong buổi gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại New York hôm 25/09, ông Lajcak nói rằng Việt Nam cần phải khẩn trương giải thích rõ những điểm nghi vấn để có thể vãn hồi niềm tin trong quan hệ song phương.
Czech ngừng hồ sơ visa Việt Nam ‘vì lo tội phạm’
Nội dung lời khai của vợ Trịnh Xuân Thanh tại tòa Đức
Tòa Đức ‘nêu tướng Hưng và nhiều người VN’
Hãng tin Slovakia TASR nói ông Phạm Bình Minh hứa sẽ chuyển lập trường này của Slovakia cho lãnh đạo Việt Nam biết.
Vụ việc từng được đưa lên bàn thảo ở cấp lãnh đạo cao nhất của Slovakia và Đức.
Hôm 2/05/2018, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini đã có chuyến công du một ngày tới Đức để thảo luận với Thủ tướng Angela Merkel về vụ ‘bắt cóc ở Berlin’, bên cạnh một số vấn đề khác.
Việc Slovakia cho phái đoàn quan chức cao cấp của Bộ Công an Việt Nam mượn phi cơ diễn ra dưới thời Thủ tướng Robert Fico.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45653887

Kiên định CNXH: Chỉ còn là chiếc áo khoác

cho quyền lực của 1 chế độ

Cụm từ “Kiên định Chủ nghĩa xã hội (CNXH)” hoặc tương tự, “trung thành với đường lối Cách Mạng” vài ngày gần đây được nhắc đến khác nhiều từ những người lãnh đạo cấp cao của các nước XHCN còn lại trên thế giới, trong đó, lẽ đương nhiên, có Việt Nam.
Những lời khẳng định này thể hiện điều gì trong tư tưởng lãnh đạo quốc gia và chính sách phát triển quốc gia trong giai đoạn toàn cầu hoá hiện tại?
Chứng tỏ sự bảo thủ
Một lần nữa, chính ông TBT Nguyễn Phú Trọng nhắc đến cụm từ “Kiên định Chủ nghĩa xã hội (CNXH)”  trong bài điếu văn cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang hôm thứ Năm, 27 tháng 9.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, nguyên Trưởng khoa Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội khẳng định cùng RFA:
“Ông Trọng từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là người bảo thủ, là người kiên định CNXH, kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin. Có cái dịp nào nói được là ông ấy cứ nói ra thôi, để khẳng định với toàn dân đấy là con đường kiên định ông ấy đi như thế, nhân dân đừng hy vọng vào việc đổi mới gì cả.”
Ông Trọng từ trước đến nay vẫn nổi tiếng là người bảo thủ, là người kiên định CNXH, kiên định Chủ nghĩa Mác – Lênin. Có cái dịp nào nói được là ông ấy cứ nói ra thôi, để khẳng định với toàn dân đấy là con đường kiên định ông ấy đi như thế, nhân dân đừng hy vọng vào việc đổi mới gì cả. – GS Nguyễn Đình Cống
Lần này, tại đám tang của cố Chủ tịch Trần Đại Quang cũng thế, theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cũng chính là 1 dịp để toàn dân thấy rõ sự bảo thủ của ông TBT.
Không chỉ riêng Giáo sư Nguyễn Đình Cống có ghi nhận về việc rất nhiều lần cụm từ “kiên định XHCN” được ông TBT sử dụng, mà nhà văn, blogger Nguyễn Tường Thuỵ cũng có cùng quan điểm. Đặc biệt, ông nhấn mạnh cột mốc thời gian là từ lúc ông Nguyễn Phú Trọng làm TBT cho đến giờ.
“Ổng nói là theo thói quen chứ còn phân tích rằng tại sao phải kiên định theo CNXH thì ông ấy cũng không phân tích được. Tôi nghĩ như vậy.”
Nhớ lại cách đây 2 năm, ngay từ ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 12, hãng tin AFP từng đưa tin cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, được xem là một người thân Bắc Kinh đã phát biểu rằng, con đường Xã hội Chủ nghĩa vẫn phù hợp cho thực tế ở Việt Nam.

Đó là chuyện nước nhà. Về chuyện của thế giới thì cũng vô tình, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba ông Miguel Diaz-Canel  khẳng định tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 73 rằng sự thay đổi thế hệ trong Chính phủ Cuba “chỉ là sự tiếp nối, không phải là cắt đứt.”
Báo trong nước còn trích dẫn thêm lời nhấn mạnh của ông: “bất chấp sự bao vây phong toả của Mỹ, cách mạng Cuba vẫn sống động và mạnh mẽ, trung thành với đường lối cách mạng.”
Cũng xin nhắc thêm, vào cuối tháng 7 vừa qua, Quốc hội Cuba đã thảo luận dự thảo Hiến pháp mới trong đó không có Chủ nghĩa Cộng sản mà chỉ khẳng định “tập trung vào chủ nghĩa xã hội.”
Ổng nói là theo thói quen chứ còn phân tích rằng tại sao phải kiên định theo CNXH thì ông ấy cũng không phân tích được. Tôi nghĩ như vậy. – Blogger Nguyễn Tường Thuỵ
Chỉ còn ý nghĩa ở “Quyền lực”
Câu hỏi được đặt ra những lời phát biểu “như đinh đóng cột” của ông TBT Việt Nam cũng như lời khẳng định của ông Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba có thật sự phù hợp đúng với thực tế phát triển trong quốc gia của họ hay không?
Theo ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đình Cống dành cho RFA thì lời nói đó chỉ đúng 1 phần, thể hiện chiếc áo khoác bên ngoài của một chế độ.
“Theo như ông Trọng nói và cũng như đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, người ta kiên định CNXH thì người ta chỉ kiên định phần chính trị thôi, kiên định cái phần bảo vệ quyền lợi của Đảng thôi, kiên định đường lối đấu tranh giai cấp, kiên định đường lối chuyên chính vô sản thôi. Còn về những mặt khác thì không có nữa đâu.”
Một ví dụ cho những mặt khác đó được Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhắc đến đó là vấn đề kinh tế. Ông nhấn mạnh “làm gì có CNXH nữa”
“CNXH nói rằng không phát triển kinh tế tư nhân nhưng bây giờ thì phát triển kinh tế tư nhân. Như thế còn gì là ‘xã hội’ nữa? Thành ra CNXH mà ông Trọng nói là phải hiểu rằng, đấy là ổng muốn duy trì quyền lực của Đảng. Thế thôi! Chứ còn nói rằng CNXH mà theo những vấn đề của Marx thì không thấy nữa.”
CNXH nói rằng không phát triển kinh tế tư nhân nhưng bây giờ thì phát triển kinh tế tư nhân. Như thế còn gì là ‘xã hội’ nữa? Thành ra CNXH mà ông Trọng nói là phải hiểu rằng, đấy là ổng muốn duy trì quyền lực của Đảng. Thế thôi! Chứ còn nói rằng CNXH mà theo những vấn đề của Marx thì không thấy nữa. – GS Nguyễn Đình Cống
Với quan sát và nhận định của Giáo sư Nguyễn Đình Cống, Việt Nam bây giờ chỉ là Công sản hình thức. Và sự tồn tại của Cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi và độc quyền của những người trong Đảng. Thực tế, cái gọi là CNXH hoàn toàn không tồn tại.
Đây cũng chính là ý kiến của nhà văn/blogger Nguyễn Tường Thuỵ chia sẻ với RFA.
“Chủ nghĩa Cộng sản ở VN, xây dựng CNXH ở Việt Nam đâu có còn theo nguyên lý của chủ nghĩa Marx nữa đâu. Có những cái nguyên lý người ta đã bỏ hết cả rồi. Bây giờ người ta chỉ còn giữ lại cái của chủ nghĩa Marx là 1 chế độ chuyên chính vô sản, 1 chế độ độc trị độc quyền, độc đảng của chủ nghĩa Marx mà thôi chứ không phải là họ giữ chủ nghĩa Marx.
Còn về mặt kinh tế xã hội người ta bỏ qua hết rồi.”
Nhấn mạnh thêm, ông kết luận “kiên định CNXH” chỉ còn ý nghĩa đối với họ chỉ còn ở chỗ là “Quyền lực”.
Như thế, nói 1 cách đơn giản, phải chăng cụm từ “kiên định CNXH” là thể hiện một sự cố chấp bảo vệ quyền lực của một chế độ độc đảng hay không?  Nhà văn/blogger Nguyễn Tường Thuỵ đồng tình, thậm chí bày tỏ thêm quan điểm của ông là:
“Không có 1 ông đảng viên nào, đặc biệt là ở Bộ Chính trị, Ban chấp hành TW, Ban lãnh đạo, chắc kể cả ông Trọng cũng không tin vào CNXH, nhưng cứ rao như vậy để cũng cố vị trí quyền lực của các ông ấy. Chứ bây giờ không bám vào CNXH thì bám vào cái gì?”
‘Nơi nào còn CNXH, nơi đó nghèo nàn lạc hậu’
Một sự vô tình rất thú vị, khi tại Việt Nam, TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam là quốc gia kiên định CNXH, thì ngay tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 25/9, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có 1 bài diễn văn làm “bùng nổ” cộng đồng mạng Việt Nam, khi ông kêu gọi các nước trên thế giới “chống lại chủ nghĩa xã hội và những đau khổ mà nó đã gây ra cho mọi người”.
Như thế, liệu lời phát biểu của Tổng thống Donald Trump gây “phấn khích” cho dư luận những ngày qua có phải là 1 quan ngại cho Việt Nam trong bước đường hội nhập toàn cầu hoá hay không?
Để trả lời câu hỏi này, blogger Nguyễn Tường Thuỵ nói về hệ quả của sự tồn tại của CNXH:
“Nơi nào có CNXH là ở nơi đấy nghèo nàn, lạc hậu. Ngay cả bây giờ, khi mà CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu bây giờ đã thay đổi sang thể chế dân chủ rồi, thì người ta nghĩ về thời kỳ xây dựng CNXH ở các quốc gia này người ta vẫn còn kinh hoàng.”
Trong 1 bài bình luận của ông, ông có viết rằng: “Sự sụp đổ của hệ thống XHCN vào thập niên cuối của thế kỷ trước là quá ngoạn mục. Sự phá sản của chủ nghĩa Mác là một thực tế trông thấy.”
Nhà Triết học người Úc Peter Singer, cũng là Giáo sư khoa Đạo Đức Học ở Đại học Princeton, Melbourne nêu rõ về tư tưởng Marx, do nhà biên dịch Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ: “Những thất bại của chủ nghĩa cộng sản chỉ ra một lỗ hổng sâu sắc hơn: Cái nhìn sai lầm của Marx về bản chất con người.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Stable-socialism-just-a-jacket-for-the-power-of-a-regime-09272018125018.html

Việt Nam nằm trong top 20 nước

bị lây nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới

Các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng mạnh cả về quy mô và tính chất phức tạp.
Đó là nhận định của Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT), ông Nguyễn Thanh Hải, nêu ra tại hội nghị ‘Nâng cao nhận thức – Yếu tố quyết định đảm bảo an toàn thông tin trong chuyển đổi số quốc gia’ do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tổ chức tại Lào Cai hôm 28/9.
Trong vòng 8 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia bị lây nhiễm mã độc nhiều nhất thế giới, đồng thời dẫn đầu Đông Nam Á với hơn 86 triệu email có nội dung đe dọa tấn công được phát hiện, theo hãng bảo mật Trend Micro.
Tỷ lệ máy tính và thiết bị di động bị tấn công là hơn 71% nhưng chỉ có 11% người dân biết.
Tổng số các cuộc tấn công lừa đảo được ghi nhận là gần 5.500 vụ, các trang bị gài mã độc là gần 1.000, tổng số trang thu thập thông tin cá nhân người Việt Nam lên đến 1.020 website.
Bộ TT&TT ghi nhận các cuộc tấn công mạng nhắm vào người dùng để lừa đảo thẻ cào, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, thu thập dữ liệu của người dùng. Đặc biệt xuất hiện nhiều nhóm tội phạm trong nước sử dụng công nghệ thông tin để chiếm đoạt tiền của các cá nhân và tổ chức, gây thiệt hại về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết lý do xảy ra tình trạng trên là vì nhận thức về an toàn thông tin của số đông người Việt Nam còn chưa cao. Tình trạng sử dụng phần mềm không có bản quyền và các phần mềm phòng chống mã độc của người dân không đúng cách.
Ngoài ra, Cục trưởng Cục ATTT cũng cho biết sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và nhận thức của nhiều cá nhân, tổ chức chưa đầy đủ khiến công tác bảo đảm an toàn thông tin ở Việt Nam còn nhiều thách thức.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-is-among-the-top-20-most-injection-attacked-countries-09282018102016.html

Hội nghị TƯ 8 xem xét vấn đề nhân sự

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào thứ Ba 2/10, trong đó sẽ xem xét vấn đề nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII vào năm 2020.
Tại cuộc họp báo hôm 28/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết Hội nghị TƯ 8 kéo dài 5 ngày có những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị Đại hội Đảng 13.
Trong bài báo có tựa ‘Trung ương sẽ xem xét nhân sự Chủ tịch nước,’ trang VietnamNet trích lời ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng cho biết chắc chắn Trung ương sẽ xem xét việc giới thiệu nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu “nhưng có xem xét tại kỳ họp TƯ 8 hay không sẽ thông báo sau.”
Ông Vĩnh nói Bộ Chính trị đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, đảm nhiệm Quyền Chủ tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vì bệnh hiểm nghèo hôm 21/9. Bà Thịnh “là người đại diện cho nhà nước cả về đối nội và đối ngoại,” ông Vĩnh nói.
Ông Vĩnh nhấn mạnh: “Việc giới thiệu nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu là 1 việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.”
Hôm 26/9, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho VOA biết rằng “hiện có các đồn đoán về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ trở thành chủ tịch nước vào cuối năm nay.”
Giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng, “hai ứng viên tiềm năng khác” là ông Nguyễn Thiện Nhân, 65 tuổi, Bí thư Thành ủy TP. HCM và bà Tòng Thị Phóng, 64 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác nhận định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, có “nhiều khả năng sẽ kiêm nhiệm cả chức chủ tịch nước.”
Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Trần Đại Quang từ trần cũng là thời điểm thích hợp để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể “hiện thực hóa” chủ trương của một số người trong đảng về việc “nhất thể hóa” hai chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, nói với VOA rằng ông không nghĩ việc nhất thể hóa sẽ sớm diễn ra.
Tiến sĩ Hiệp phân tích rằng cản trở đầu tiên là tuổi tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì nếu ông Trọng nắm cả hai chức vụ trong thời gian khá ngắn từ nay cho đến Đại hội XIII vào năm 2020 thì sẽ không bảo đảm tính kế thừa.
Thực tế nền chính trị Việt Nam, nơi chỉ có Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, cho thấy người giữ chức vụ chủ tịch nước trong nhiều nhiệm kỳ gần đây thường là một ủy viên Bộ Chính trị, nhóm 19 quan chức có quyền quyết định lớn nhất trong đảng.
Việc bầu chọn chủ tịch nước, cũng như các vị trí quan trọng khác trong chính quyền, diễn ra trong một hội nghị trung ương của đảng, trước khi được phê chuẩn tại quốc hội cho đủ thủ tục theo hiến pháp.
Quyền Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, hiện không phải là ủy viên Bộ Chính trị.
Ông Thayer chia sẻ rằng Bộ Chính trị “đã lập kế hoạch chọn người kế nhiệm một cách có trật tự.”
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-nghi-tu8-xem-xet-van-de-nhan-su/4591179.html

Thủ tướng Việt Nam cam kết bảo vệ nhân quyền

và môi trường trước LHQ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 27/9 nói trước các đại biểu của Liên Hợp Quốc rằng Việt Nam phấn đấu thực hiện cam kết của mình đối với tổ chức này trong việc bảo đảm nhân quyền và môi trường sống.
Một nhà hoạt động trong nước cho VOA biết ông hy vọng người đứng đầu chính phủ Việt Nam không nói suông trước mặt cộng đồng quốc tế.
Phát biểu tại một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York chiều ngày 27/9, ông Phúc nói “Việt Nam đã đồng hành và đóng góp cho các mục tiêu cao cả của Liên Hợp Quốc trong hơn 70 năm qua” trong đó có “đảm bảo quyền con người.”
Tôi mong rằng cam kết ấy sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam, với việc các ông ấy sẽ dừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, ngừng bỏ tù những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn những tai họa môi trường như trường hợp đã xảy ra với Formosa.
TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội
Trong bài phát biểu tại hội trường trụ sở LHQ ở New York, ông Phúc cho biết Việt Nam “đang nỗ lực phấn đấu hơn nữa cho công bằng” và “bảo vệ tốt môi trường” cũng như “đảm đảo quyền cho mọi người dân.”
Thành tích nhân quyền của Việt Nam luôn bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và ô nhiễm môi trường đã trở thành một vấn nạn gây bức xúc trong xã hội Việt Nam đặc biệt trong những năm gần đây, nhất là từ thảm họa Formosa.
Từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói hôm 28/9 ông được nghe bài phát biểu của ông Phúc tại LHQ qua truyền hình Việt Nam VTV trong đó “ông ấy nói nhiều về thành tích của Việt Nam, về cam kết nhân quyền và phát triển.”
Vị tiến sỹ và nhà hoạt động vì dân chủ này cho rằng nếu những gì ông Phúc nói ở New York là cam kết của chính ông Phúc và chính phủ thì “đó là một điều rất tốt.”
“Tôi mong rằng cam kết ấy sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam, với việc các ông ấy sẽ dừng đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, ngừng bỏ tù những người bất đồng chính kiến và ngăn chặn những tai họa môi trường như trường hợp đã xảy ra với Formosa, với rất nhiều các nhà máy nhiệt điện đang gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng ở Việt Nam.”
Bảo vệ quyền con người là một trong ba trụ cột chính bên cạnh hòa bình-an ninh và hợp tác-phát triển của LHQ mà Việt Nam là một thành viên. Trong khi đó, đảm bảo sự bền vững của môi trường là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ mà Việt Nam đã tham gia và cam kết thực hiện.
TS Quang A cho rằng nếu tình hình sẽ vẫn diễn ra như thời gian vừa qua thì lời nói của ông Phúc tại Đại hội đồng LHQ chỉ là “lời nói gió bay cho vui mà thôi.”
Đầu tháng này, chính quyền Hà Nội đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì ngăn cản hai nhà lãnh đạo của các tổ chức nhân quyền quốc tế không cho họ nhập cảnh vào Việt Nam để tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN mà Việt Nam là nước chủ nhà.
Chính quyền Việt Nam trong những tháng gần đây cũng tăng cường bắt giữ nhiều nhà hoạt động, bloggers, nhà báo và những người dùng mạng xã hội với các cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” hay “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), hàng trăm người bị bắt giữ bất hợp pháp trong chiến dịch đàn áp rộng khắp ở Việt Nam vào tháng 6 khi người dân phản đối các dự Luật Đặc khu và An ninh mạng.
Nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra trong cả nước vào năm 2016 khi thảm hỏa ô nhiễm biển do chất thải của nhà máy Formosa của Đài Loan ở Hà Tĩnh làm cá chết hàng loạt trên biển miền Trung.
Theo thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế, có gần 100 nhà hoạt động đang chịu án tù ở Việt Nam nơi không có truyền thông độc lập và các cuộc biểu tình của dân chúng bị coi là bất hợp pháp.
Vào tháng 4 năm nay, các chuyên gia nhân quyền của LHQ đã thúc giục Việt Nam ngừng đàn áp xã hội dân sự và những tiếng nói bất đồng chỉ vì họ thực hành các quyền tự do biểu đạt và tụ họp trong ôn hòa. Theo họ, điều đó vi phạm các nghĩa vụ và cam kết của Việt Nam đối với luật nhân quyền quốc tế.
TS Quang A, người từng tham gia các cuộc biểu tình chống thảm họa Formosa, cho rằng nếu cam kết của ông Phúc hôm 27/9 không trở thành hiện thực thì người dân sẽ yêu cầu giải trình tại sao ông đưa ra tuyên bố đó trước quốc tế.
“Chúng tôi sẽ bằng mọi cách áp lực bắt các ông ấy phải thực hiện. Bởi vì có một sự cam kết như thế là tốt và nó là cơ sở để cho người dân Việt Nam đấu tranh buộc họ phải thực hiện những cam kết mà họ nêu ra.”
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-viet-nam-cam-ket-bao-ve-nhan-quyen-va-moi-truong-truoc-lhq/4591429.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?