Malaysia rút khỏi Nhất đới, nhất lộ: TQ phải lo?


Trung Quốc cho biết tôn trọng quyết định của Malaysia nhưng còn nhiều điều Trung Quốc cần phải lo đằng sau quyết định đó.
Vào tháng 9/2018, Malaysia đã chính thức hủy 3 dự án trị giá gần 3 tỷ USD xây dựng đường ống dẫn nhiên liệu hợp tác với Trung Quốc sau một thời gian tạm dừng để xem xét.
Bên cạnh đó, dự án xây dựng Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) dài 620 km cũng đang trong quá trình xem xét. Đây là dự án do công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) chịu trách nhiệm thi công.
Kể từ khi lên nắm quyền vào hồi giữa năm nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã xem xét lại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
Ông Mahathir đang nỗ lực tìm cách thắt lưng buộc bụng, giảm bớt các gánh nặng về tài chính cho Malaysia, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nợ công lên tới 1.000 tỷ ringgit (hơn 240 tỷ USD).
Chẳng hạn, với dự án đường sắt kết nối bờ biển phía Đông, chính phủ tiền nhiệm của cựu Thủ tướng Najib Razak từng nói dự án này sẽ tạo ra thêm 80.000 việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng Mahathir cho biết, có những điều khoản trong dự án này “rất gây tổn hại cho nền kinh tế Malaysia”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zou Jiayi cho biết, Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn tôn trọng quyết định và phán quyết của Malaysia. Bên cạnh đó cũng nhấn mạnh rằng các dự án đã được ký kết trên cơ sở thương mại, và các quốc gia được tự do kiểm tra và đánh giá các điều khoản của dự án.
“Malaysia đã thông báo đầy đủ với Trung Quốc về vấn đề này. Chúng tôi tôn trọng quyết định của Malaysia dựa trên phân tích tính bền vững nợ của quốc gia họ”, bà nói.
Dù vậy, động thái trên của Malaysia rõ ràng sẽ khiến cho sáng kiến Nhất đới, nhất lộ (Một vành đai, một con đường) của Trung Quốc gặp trở ngại. Từ quyết định của ông Mahathir, lãnh đạo nhiều quốc gia khác sẽ bắt đầu tự hỏi liệu những khoản đầu tư của Trung Quốc có thực sự tốt như họ tưởng hay không?
Sáng kiến Một vành đai, một con đường được Trung Quốc coi là một "dự án thế kỷ", là các khoản đầu tư của Trung Quốc tại hơn 60 quốc gia trên thế giới, với mục tiêu kết nối Bắc Kinh với các đối tác thương mại của mình.
Trên thực tế, dự án này đã mở ra mạng lưới con nợ của Bắc Kinh trên khắp thế giới, đồng thời mở ra cơ hội cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng tại các quốc gia vay nợ nước này.
Không chỉ đem lại lợi ích hay ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế, mà Trung Quốc cũng có động cơ chính trị rất rõ ràng khi đề ra sáng kiến Vành đai và Con đường, theo một báo cáo của Lầu Năm Góc.
Cụ thể, thông qua việc thắt chặt các mối quan hệ kinh tế, Trung Quốc có thể "định hướng lợi ích của các quốc gia khác để phù hợp với nước này, và ngăn chặn sớm sự đối đầu hoặc những lời chỉ trích về cách tiếp cận của Trung Quốc trong những vấn đề nhạy cảm", theo Lầu Năm Góc.
Sự hoài nghi về sáng kiến Một vành đai, một con đường ngày càng tăng tại một số quốc gia khi nhiều dự án có vốn đầu tư khủng sau khi hoàn thiện không đem lại lợi ích kinh tế nhưng lời hứa hẹn của Trung Quốc.
Như Sri Lanka, đất nước đã vay một khoản lớn từ Trung Quốc để xây dựng một sân bay có thể phục vụ 1 triệu hành khách mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay người ta chỉ biết đến địa điểm này với danh hiệu "sân bay quốc tế vắng khách nhất thế giới". Sân bay này ế khách đến nỗi số tiền thu về từ việc cho thuê các kho vận tải còn nhiều hơn tiền dịch vụ và vé máy bay.
Cảng nước sâu Hambantota, một dự án khác của Bắc Kinh tại Sri Lanka thuộc Một vành đai, một con đường, giờ đây đã thuộc quyền quản lý của một công ty Trung Quốc trong vòng 99 năm, sau khi cảng này không thu hồi đủ số tiền vốn bỏ ra để trả nợ cho Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu được công bố hồi tháng 3/2018 của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, Sri Lanka không phải là con nợ duy nhất của Trung Quốc gặp vấn đề này. Nhiều quốc gia khác trên thế giới như Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông cổ, Montenegro, Pakistan và Tajikistan cũng đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản nợ thuộc dự án Vành đai và Con đường.
Đối với giới chuyên gia, thì đây không phải là sai lầm, mà là một đặc điểm trong kế hoạch của Trung Quốc. Họ gọi đó là chính sách "ngoại giao bẫy nợ", và Bắc Kinh đang bắt nạt những con nợ nhỏ của mình bằng chính sách này.
Thậm chí một số người còn dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng các công trình thuộc siêu dự án Vành đai và Con đường để phục vụ mục đích quân sự trong tương lai, nhất là khi các công trình ấy không hề đem lại lợi ích kinh tế.
Theo tờ The Business Times, bên lề cuộc họp do Quỹ tiền tệ quốc tế tổ chức hàng năm và cuộc họp của Ngân hàng Thế giới tại đảo Bali, Indonesia, Thứ trưởng Tài chính Zou đã thừa nhận, vấn đề bẫy nợ của sáng kiến Một vành đai, một con đường là một vấn đề phức tạp và cam kết Bắc Kinh sẽ chú ý đến nó.
Thứ trưởng Zou cho biết, Trung Quốc có thể tối ưu hóa và đa dạng hóa những khoản nợ thuộc Sáng kiến này với nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài, với đối tác công-tư và những nhà đầu tư cổ phần, trái ngược với các khoản vay thương mại đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là Trung Quốc đang phải đối diện với rất nhiều áp lực trong và ngoài nước. Nếu các con nợ đồng loạt tuyên bố vỡ nợ, thì chắc chắn nền kinh tế và xã hội của Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?