Đọc báo Pháp – 30/10/2018
Vì đâu cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ
gây chia rẽ nước Mỹ?
Cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ tại Mỹ, và vụ xả súng đẫm máu vào nhà thờ Do Thái, cuộc trưng cầu dân ý về việc Nouvelle-Calédonie ra đi hay ở lại với nước Pháp, đó là những hồ sơ được nhiều tờ báo ra ngày 29/10/2018 khai thác.
Cuộc bầu cử giữa kỳ Quốc Hội Mỹ sắp diễn ra vào ngày 06/11. Đây là cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng với cả chính quyền Trump cũng như bên đảng Dân Chủ đối lập. Đảng Cộng Hòa của tổng thống Trump đang có dấu hiệu suy yếu cố gắng giữ đa số, trong khi đảng Dân Chủ nhân dịp này đang hy vọng giành quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội để kiềm chế quyền hành và các quyết sách khó lường của tổng thống Trump.
Chiến dịch vận động tranh cử đang bước vào chặng cuối gay cấn và có phần khốc liệt. Đích thân ông Donald Trump những ngày qua đã liên tiếp tới hết bang này đến bang khác vận động cử tri bầu cho đảng của mình, cứ như chính ông là ứng của viên. Báo Le Fiagro chạy tựa trên trang Quốc tế : «Trump, ứng viên trưởng giữa kỳ ».
Tờ báo nhận xét : « Cho dù không có tên trong phiếu bầu, ông Donald Trump vẫn tham gia rất nhiều vào chiến dịch vận động tranh cử. Ông đã liên tiếp có mặt ở 15 cuộc tập hợp cử tri trong tháng 10, nếu tính từ mùa hè này, là khoảng ba chục cuộc, để truyền năng lượng đến hàng trăm triệu người ủng hộ trên khắp cả nước ». Le Figaro dẫn lời cựu phát ngôn viên Hạ Viện, Newt Gingrich, một người thân cận với ông Trump nói : « Đây là chiến dịch tranh cử tổng thống thứ 2. Ông (Trump) áp đặt sự thống trị ở đảng Cộng Hòa kiên quyết hơn bất lỳ tổng thống nào thời hiện đại ».
Có một điều nhiều tờ báo Pháp đều chung nhận định đó là kỳ bầu cử giữa kỳ lần này đang chia rẽ sâu sắc nước Mỹ, chưa từng có, như ghi nhận của một bài viết khác của Le Figaro : « Hai nước Mỹ xâu xé nhau trong bầu không khí của một cuộc nội chiến ». Theo tờ báo, « các chia rẽ của nước Mỹ không phải là mới. Những năm 1960 và 1970, nước Mỹ đã bị chia rẽ về vấn đề các quyền công dân, rồi về cuộc chiến tranh Việt Nam, sự chia rẽ khi đó làm dấy lên hàng trăm vụ khủng bố nội địa và cao điểm là vụ ám sát tổng thống Kennedy ».
Tờ báo viết tiếp : Các đời tổng thống Reagan, Clinton và Bush cũng biết đến những cuộc đấu đá dữ dội. Nhưng lần này, khi cuộc bầu cử giữa kỳ định hình thì nước Mỹ bị trấn động vì các vụ bạo lực. Đó là hàng loạt bom thư gửi đến nhà Obama, Clinton, rồi tiếp đó là vụ xả súng kinh hoàng trong nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburgh. Nhiều nhà quan sát lúc này « nhìn thấy ở Trump một con người đã phá vỡ giới hạn, khơi dậy cái phần ác quỷ trong một bộ phận cực hữu ». Phía đảng Dân Chủ thì không ngần ngại chỉ đích danh tổng thống Trump « là người đã chia rẽ nước Mỹ một cách có chủ ý ».
Cùng chung cái nhìn trên, nhân sự kiện vụ tấn công đẫm máu vào nhà thờ Do Thái giáo ở Pittsburg hôm 27/10, La Croix nhận thấy : « Donald Trump khơi dậy bạo lực chính trị ». Khẩu khí hùng hồn đậm màu sắc kỳ thị chủng tộc và bài ngoại của tổng thống và phe Cộng Hòa đang bị chỉ trích như một trong những yếu tố kích động các vụ bạo lực vừa xảy ra tại Mỹ.
Xã luận của nhật báo Libération bình luận về không khí bầu cử ở Mỹ : « Làm sao có thể chối cãi được rằng bầu không khí được tạo lập trong đất nước từ khi Donald Trump đắc cử đang chuẩn bị, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các vụ bùng nổ bạo lực kỳ thị chủng tộc như thế ? Lời nói có thể giết được người, không trực tiếp nhưng nó vũ trang cho tinh thần bệnh hoạn của những kẻ sát nhân ».
Donald Trump mở đường chạy đua hạt nhân
Vẫn liên quan đến tổng thống Donald Trump, nhưng trong một hồ sơ quốc tế. Les Echos trở lại với quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước hạn chế vũ khí tầm trung, qua bài phân tích của Dominique Moisi chuyên gia về chính trị thế giới của Viện nghiên cứu Quốc tế Pháp (Ifri).
Với tựa đề : « Trump mạo hiểm tái phát động phổ biến vũ khi hạt nhân », bài viết nhận định, « từ khi chấm dứt chiến tranh lạnh và khủng bố Hồi Giáo cực đoan dâng cao, nguy cơ hạt nhân đã trở nên trừu tượng, không thực tế. Nhưng bằng đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận 1987 về các tên lửa tầm trung, Donald Trump lại làm cho mối nguy hạt nhân trở thành một thực tế đáng sợ ».
Tác giả khẳng định « phát động trở lại, dù là gián tiếp, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, chẳng phải là khuyến khích các nước như Bắc Triều Tiên, Iran và đừng quên cả Trung Quốc, hay cả Nga nữa hay sao ? Đó chẳng phải là lý do để Putin bật đèn xanh chạy đua vũ khí hạt nhân ? »
Nhật – Trung đối tác kinh tế
nhưng chưa hết dè chừng
Về thời sự châu Á, Trung Quốc vẫn luôn là sự chú ý của các báo Pháp. Nhật báo Les Echos quan tâm đến chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Nhật Shinzo Abe. với nhận xét : « Trung Quốc và Nhật Bản từ giờ là đối tác ».
Hai cường quốc hàng đầu châu Á đang dịch chuyển quan hệ từ là đối thủ chính trị, lịch sử sang dần thành đối tác kinh tế mà chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Shinzo Abe giữa tuần qua là dấu mốc lớn. Les Echos nhắc lại nghi thức đón tiếp long trọng thủ tướng Nhật tại Bắc Kinh hôm 25/10 : Duyệt đội danh dự trên quảng trường Thiên An Môn, lễ tiếp đón hoành tráng giữa Đại lễ đường Nhân dân…. Qua đó chế độ Cộng sản Trung Quốc muốn chứng tỏ họ thật lòng muốn sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản.
Trong chuyến thăm này, hai đối thủ châu Á đã liên tiếp tỏ những động thái hữu hảo để thông báo với thế giới từ giờ trở đi hai nước nhìn nhận nhau như là đối tác hơn là coi nhau như đối thủ cạnh tranh hay kẻ thù. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu : « Trong khi tình hình quóc tế biến chuyển, Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Hai nước chúng ta giờ ngày càng có nhiều lợi ích chung trên bình diện đa phương ». Đáp lại thủ tướng Shinzo Abe nói : « Chuyển từ cạnh tranh sang công tác, mối quan hệ hai nước chúng ta đang bước vào giai đoạn mới ». Kết quả của chuyến đi đó là một loạt các hợp đồng trao đổi buôn bán, hợp tác trên nhiều lĩnh vực kinh tế đã được ký kết.
Chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Shinzo Abe đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của hai nước mong muốn hợp tác phát triển kinh tế, trong bối cảnh hai cường quốc này đều đang phải gánh chịu hậu quả của đường lối bảo hộ mậu dịch rất rắn của Donald Trump. Trong khi mà hai nước vẫn lao vào cuộc chiến ảnh hưởng ngầm với các nước Đông Nam Á.
Theo tờ báo, dù lãnh đạo Nhật tỏ thiện chí hòa dịu ở Bắc Kinh, nhưng khi trở về Tokyo ông cho biết vẫn sẽ phải tiếp tục thúc đẩy dự án sửa đổi Hiến Pháp. Ông mong muốn khẩn cấp tăng cường quy chế cho quân đội Nhật nhằm đối phó tốt hơn với đe dọa của… Trung Quốc.
Thái Lan : Video Rap
thách thức chính quyền quân sự
Báo Libération có bài viết : « Thái Lan : một nhóm Rap sửa gáy tập đoàn quân sự ». Tờ báo cho biết, mới đây xuất hiện một video đen trắng dài 5 phút, trong đó 10 ca sĩ Rap thể hiện một bản Rap với những ca từ mô tả Thái Lan là một đất nước « quân nhân tước đoạt mọi quyền được lựa chọn », «người nghèo không thể được chăm sóc » hay « tham nhũng chỉ được phép với người giàu ».
Đoạn video Rap Against Dictatorship này đã thu hút hơn 16 triệu người xem từ thứ Hai 22/10 đang là một thách thức không thể chấp nhận được với chế độ quân sự Thái Lan. Tập đoàn quân sự Thái lên nắm quyền từ bốn năm nay vẫn coi mọi chỉ trích chính phủ là bất hợp pháp với lý do giữ « ổn định đất nước ».
Libération nhấn mạnh, bốn năm qua dưới chế độ quân sự, Thái Lan vẫn chưa có bầu cử, hàng chục nhà hoạt động đấu tranh đang ngồi tù, hàng trăm người khác thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu, o bế.
Ngay lập tức chính quyền đã phản ứng cảnh báo « chia xẻ video trên có thể bị phạt tù và 3.000 euro tiền phạt ». Libération cho rằng việc video trên gây sốt ở Thái Lan cho thấy tâm lý chán trường chế độ quân sự đang phổ biến trong người dân Thái.
Nouvelle-Calédonie : Làm sao để chung sống
Trở lại chuyện liên quan đến nước Pháp. Chỉ còn ít hôm nữa, ngày 04/11, người dân Nouvelle-Calédonie sẽ tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý để quyết định quần đảo nằm ở nam Thái Bình Dương, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp sẽ độc lập hay không.
Nhật báo Công Giáo La Croix có bài phóng sự dài cho thấy mặc dù không khí khá căng thẳng, nhưng đại đa số người dân Nouvelle-Caledonie, gồm người thổ dân và người da trắng đã chung sống với nhau từ hàng thế kỷ qua trên phần lãnh thổ thuộc Pháp này vẫn hy vọng có một tương lai chung, cho dù gần đây các rạn nứt với chính quốc đang lớn dần.
Nhưng nếu phe đòi độc lập thắng thì vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng không chỉ với nước Pháp mà còn nảy sinh ra nhiều vấn đề kinh tế, xã hội ở quần đảo này, vốn dĩ căng thẳng trong thời gian gần đây. Phóng sự của La Croix ghi nhận, đa số người dân Nouvelle-Calédonie ý thức được cái được và cái mất khi bỏ lá phiếu đồng ý hay phản đối độc lập với nước Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
Cơn gió dân túy lây lan thế giới
Thêm một chính trị gia « phản hệ thống », Bolsonaro, được bầu làm tổng thống Brazil. Với khẩu hiệu « Trật tự và tiến bộ », ông thuyết phục được đa số cử tri Brazil, chán ngán về nạn tham nhũng, lo âu về tình trạng tội phạm mà các đảng truyền thống không giải quyết được. Chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil là chủ đề nổi bật trên hầu hết nhật báo Pháp số ra ngày 30/10/2018.
« Brazil tự đặt mình dưới quyền lực của một tổng thống phản hệ thống » là nhận định trên trang nhất của Le Figaro. Les Echos đưa tin : « Brazil đối mặt với cuộc cách mạng tự do của Jair Bolsonaro ». Với Le Monde, « Bolsonaro chiến thắng, Brazil bấp bênh » vì sau 13 năm dưới chính quyền cánh tả, « phe cực hữu lên nắm quyền », còn « phe đối lập tan nát sau chiến dịch tranh cử thất bại ». Vẫn theo Le Monde, ông Bolsonaro giành được « chiến thắng rõ ràng, có một chương trình cấp tiến nhưng lại mông lung ». Libération dành nhiều trang để nói về « đà tiến nhanh như chớp của viên sĩ quan hằn thù ».
Thêm một chính trị gia cực hữu trở thành lãnh đạo một quốc gia, xã luận của Le Figaro so sánh khuynh hướng dân túy như « cơn gió đang lan khắp hành tinh ». Nếu như tổng thống Philippines Duterte được ví như một « Trump châu Á », thì Bolsonaro được so sánh là một « Trump vùng nhiệt đới ». Họ có nhiều điểm chung : đều là ứng viên « phản hệ thống », đi theo hình ảnh « người mạnh mẽ », phát ngôn ngắn gọn, thậm chí cộc lốc, khiêu khích và gây sốc vì mang tính phân biệt, nhưng lại vô cùng hiệu quả.
Làn sóng dân túy lan tỏa khắp thế giới, từ Philippines đến Brazil, từ Hoa Kỳ đến một số nước châu Âu (Ba Lan, Ý, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ). Chỉ một điểm khác ở Brazil là Bolsonaro không mang lá bài người nhập cư ra tranh cử. Nhưng theo xã luận của Le Figaro, nguyên nhân sâu xa của làn sóng dân túy là hệ quả của một quá trình toàn cầu hóa tự do, nuôi dưỡng những bất công và nỗi sợ bị hạ thấp đẳng cấp xã hội, xáo trộn bản sắc.
Khắp nơi trỗi dậy mối lo về an toàn tính mạng, bất an về văn hóa. Khắp nơi, giới lãnh đạo của các đảng truyền thống đều tỏ ra bất lực, không đáp ứng được những yêu cầu của người dân. Và thay vì ca thán qua những kỳ bầu cử, hết lần này sang lần khác, họ cần phải thức tỉnh. Có lẽ vì thế, những người như Bolsonaro còn nhiều ngày sáng lạn trước mắt.
Brazil vừa gia nhập các nước theo trào lưu dân túy, đang trỗi dậy trên khắp thế giới. Đây là « Sự quay lại quá khứ đáng ngại », theo nhận định trong bài xã luận của Le Monde. Tổng thống tân cử Brazil sẽ thắt chặt quan hệ ngoại giao với Washington. Với một Donald Trump, ông Bolsonaro có chung quan điểm về một số chủ đề : Israel, Venezuela, và môi trường. Ông Bolsonaro có thể sẽ rút Brazil ra khỏi hiệp định khí hậu Paris như tổng thống Mỹ đã làm hoặc đóng cửa cơ quan kiểm lâm và giám sát phân định ranh giới với đất của thổ dân…
Tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ?
Trang nhất của La Croix có chung nhận định với Le Figaro : « Chủ nghĩa dân túy đang lây lan ». Nhưng tại sao chủ nghĩa dân túy lại trỗi dậy ? Nhật báo Công Giáo đặt câu hỏi với giáo sư Jan-Werner Muller, đại học Princeton (Hoa Kỳ).
Theo giáo sư người Mỹ, phương pháp được phe dân túy theo đuổi là liên lạc trực tiếp với người dân, vì người dân không còn tin vào truyền thông hoặc các chính trị gia bị cho là tham nhũng, và khuếch đại nguyện vọng của dân. Họ hình thành một sự liên kết giữa hy vọng về đời sống chính trị « sạch » và sự suy tàn của các quyền lực trung gian.
Giáo sư người Mỹ cho rằng để đáp lại những định kiến và tư tưởng của phe dân túy, không nên loại họ khỏi cuộc tranh luận vì như vậy, càng củng cố thêm quan điểm của họ là tầng lớp tinh hoa không nghe nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, không nên bắt chước đường lối của phe dân túy để kiếm phiếu bầu hoặc uy tín vì cử tri bỏ phiếu cho một chương trình riêng của đảng đó, chứ không phải là cho bản cóp nhặt.
Với chiến thắng của ứng viên cực hữu Brazil, nhật báo Le Figaro nhận định « Châu Mỹ latinh đã ngả sang hữu ». Từng giành chiến thắng vẻ vang trong những năm 2000, cánh tả Nam Mỹ hiện bị thu hẹp, chỉ còn ở hai nước là Bolivia và Venezuela.
Công nghiệp quốc phòng Mỹ hưởng lợi
từ hiệu ứng Trump
Vẫn tại châu Mỹ, nhật báo Le Figaro đánh giá : « Ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hưởng lợi nhờ hiệu ứng Trump ». Số đơn hàng của các nhân tố chính trong lĩnh vực này không ngừng tăng và nhờ vào việc chi phí quân sự Mỹ sẽ còn cao hơn.
Theo Le Figaro, nếu như các nhà quan sát còn bị chia rẽ về hiệu ứng Trump đối với nền công nghiệp Mỹ, thì ngược lại, lĩnh vực quốc phòng là một trong những bên được lợi nhất từ chính sách tăng ngân sách quốc phòng của Nhà Trắng, hiện ở mức kỷ lục 700 tỉ đô la.
Tập đoàn Boeing hướng đến doanh thu từ 98 đến 100 tỉ đô la trong năm 2018, nhờ vào các hợp đồng của bộ Quốc Phòng. Tương tự, Northrop Grumman, tập đoàn sản xuất vũ khí lớn thứ năm của Mỹ, cũng hướng đến mục tiêu doanh thu 2018 là 30 tỉ đô la. Tập đoàn Lockheed Martin đưa ra mục tiêu tăng trưởng thêm 5-6% vào năm 2019.
Để thỏa mãn được số đơn đặt hàng trên, năm tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ « big 5 » gồm Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman tự cải tổ với việc mua lại một số công ty nhỏ hơn. Vụ ám sát Khashoggi liên quan đến chính quyền Ả Rập Xê Út sẽ không gây ảnh hưởng đến các hợp đồng vũ khí với Hoa Kỳ. Theo một chuyên gia, cùng lắm là « thời hạn bàn giao sẽ được lùi lại và gia hạn cho các hợp đồng mới cho đến khi cơn bão địa chính trị lắng xuống ».
Đức : Thủ tướng Đức chuẩn bị rút lui
Liên tiếp hứng kết quả không cao của đảng Dân Chủ-Thiên Chúa Giáo (CDU) tại các cuộc bầu cử cấp vùng, thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo không tranh cử nhiệm kỳ mới vào năm 2021.
Báo Le Figaro nhận định : « Bị suy yếu, Merkel bắt đầu chuẩn bị rút lui ». Sau một năm đồn đại, cuối cùng bà Merkel đã thông báo không tranh cử kỳ bầu chủ tịch đảng CDU trong hai ngày đại hội đảng 07-08/12 tại Hamburg, cũng như bất kỳ chức vụ nào khác. Như vậy, thủ tướng Đức cũng bác những lời đồn rằng bà sẽ giữ một chức vụ nào đó ở Bruxelles.
Còn theo nhật báo kinh tế Les Echos, với tuyên bố rút lui « Angela Merkel khởi đầu cho quá trình tìm người thay thế ». Các ứng viên cho chức chủ tịch đảng CDU bắt đầu tuyên bố ứng cử ngày 29/10, nhưng thủ tướng Đức từ chối chỉ định người được bà ủng hộ.
Tuy nhiên, theo Le Figaro, quyết định của bà Merkel không giúp giải quyết được cuộc khủng hoảng trong nội bộ CDU. Thậm chí, một số người còn muốn là bà không từ chức luôn vị trí thủ tướng hiện nay.
Pháp đưa ra ánh sáng nạn ấu dâm
trong trường học và nhà thờ
Trong lĩnh vực xã hội, hai tai tiếng ấu dâm tại Pháp đồng loạt được Libération và Le Figaro đề cập.
Báo Le Figaro đưa tin : « Ấu dâm trong trường học : 477 trẻ em được lắng nghe tại tỉnh Maine-et-Loire » để chắc chắn rằng các em không phải là nạn nhân của một thầy giáo dù chỉ tiếp xúc với giáo viên này trong một thời gian ngắn. Giáo viên 24 tuổi này, sau đó đã tự vẫn, bị nghi ngờ xâm hại tình dục từ 60-70 học sinh từ năm 2000-2012 ở nhiều trường học trong vùng Lyon. Trước đó, nghi phạm kể trên một trang « dark web » rằng đã cưỡng hiếp hai cháu trai 4 và 5 tuổi của mình. Chính vì tội danh này, cũng như tội phát tán ảnh khiêu dâm trẻ em, mà nghi phạm đã bị bắt tạm giam ngày 23/02/2018.
Còn Libération đề cập : « Ấu dâm trong Giáo hội : Sự tôn thờ im lặng bị đưa ra tòa ở Orléans ». Linh mục Pierre de Castelet bị cáo buộc sàm sỡ trẻ em nam từ 10-13 tuổi trong năm 1993 bị đưa ra tòa xét xử từ ngày 30/10/2018. Cựu giám mục André Fort cũng bị truy tố vì tội « không tố cáo ». Năm 2012, linh mục Pierre de Castelet từng thú nhận : « Tôi bị các em từ 11-13 tuổi thu hút… Tôi bảo các em cởi áo và các em vẫn mặc quần short. Đôi khi tôi cũng cởi quần các em và chạm vào bộ phận sinh dục… ».
Theo Libération, hồ sơ này còn cho thấy cả một bộ máy giữ bí mật : một bên là thượng tầng câm lặng từ thế hệ này sang thế hệ khác, bên kia là khó khăn của những người đệ đơn tố cáo các hành vi sàm sỡ mà họ buộc giấu kín suốt thời niên thiếu và có nguy cơ làm vấy bẩn danh tiếng của Giáo Hội. Qua phiên xử này, bên nguyên đơn còn muốn có những lời giải thích về sự im lặng của địa phận.
Báo động về số lượng động vật hoang dã giảm mạnh
Trong lĩnh vực môi trường, thiên nhiên, hai nhật báo Les Echos và Le Figaro cùng đề cập đến báo động về việc « số lượng động vật hoang dã bị giảm sút ».
Theo báo cáo « Hành tinh sống » 2018 do Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) công bố ngày 30/10, sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa. Từ năm 1970 đến 2014, số lượng động vật có xương sống (cá, động vật có vú, lưỡng cư và bò sát) đã giảm 60%. Nguyên nhân chính là do con người và các hoạt động phá hủy hoặc làm hư hại nơi ở của chúng : gia tăng khai thác nông nghiệp, đánh bắt quá khối lượng, phá rừng, tiêu thụ quá nhiều nước ngọt, du lịch đại trà…
Từ nay đến năm 2050, nếu con người không thay đổi, số lượng động vật hoang dã sẽ chỉ còn khoảng 1/10. Quỹ Bảo vệ Thiên Nhiên đang vận động cho một thỏa thuận đầy tham vọng về bảo vệ thiên nhiên nhân hội nghị thế giới về đa dạng sinh học sẽ diễn ra tại Bắc Kinh năm 2020, theo đó « cần ấn định mục tiêu không có tổn thất về đa dạng sinh học vào năm 2030 ».
Tin đọc nhanh
( AFP ) – Mật vụ Tiệp Khắc từng có hồ sơ về Trump.
Một tuần báo ở Praha hôm qua tiết lộ rằng công an mật vụ của Tiệp Khắc thời Cộng Sản đã có một hồ sơ về ông Donald Trump sau khi ông cưới một phụ nữ Tiệp, Ivana Zelnickova vào năm 1978. Bà Ivana Trump có với nhà tỷ phú New York ba đứa con. Hai người li dị vào năm 1992. Theo hồ sơ của mật vụ Tiệp Khắc, ông Trump đã muốn tranh cử tổng thống Mỹ ngay từ năm 1986, vì đã từ bỏ ý định này vì sợ còn quá trẻ. Lúc đó ông mới 41 tuổi.
(AFP) – Tòa án Hàn Quốc lệnh cho công ty Nhật bồi thường nạn nhân Thế chiến Hai.
Hôm nay, 30/10/2018, Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc tập đoàn sản xuất thép Nhật Nippon Steel & Sumitomo Metal (NSSM), phải bồi thường cho bốn công dân Hàn Quốc, bị cưỡng bức lao động trước đây. Mỗi nạn nhân sẽ nhận được số tiền tương đương 77.000 euro. Đây là phán quyết cuối cùng, không thể hồi tố, đối với vụ kiện kéo dài từ 21 năm nay. Thủ tướng Nhật phản đối bản án, bị cho là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Theo lãnh đạo Nhật, vấn đề này đã được giải quyết với thỏa thuận song phương 1965. Ông Abe cho biết Nhật sẽ có thái độ cứng rắn. Theo Hàn Quốc, khoảng 780.000 người Hàn đã bị cưỡng bức lao động thời kỳ Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng.
(AFF) – Đồng tiền Trung Quốc xuống giá thấp nhất từ 10 năm nay.
Hôm nay, 6,96 đồng nhân dân tệ mới đổi được một đô la. Đây là mức thấp nhất của đồng tiền Trung Quốc so với đô la, kể từ năm 2008. Theo nhà phân tích Ben Kwong của KGI Asia, chính quyền Trung Quốc hứa sẽ không để đồng nhân dân tệ xuống dưới mức 7 yuan/đô la trong năm nay. Chuyên gia này nhận xét chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn tiếp diễn, thì đồng tiền Trung Quốc còn xuống giá.
AFP) – Trung Quốc cho phép buôn bán sản phẩm từ hổ và tê giác, giới bảo vệ động vật nổi giận.
Hôm qua 29/10/2018, thủ tướng Lý Khắc Cường ký quy định theo đó một số sản phẩm từ xương hổ và sừng tê giác, vốn được ưa chuộng trong giới Y học cổ truyền Trung Quốc, được mua bán trong một số bối cảnh nhất định, như trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và bào chế dược phẩm, nghệ thuật … Một số hiệp hội bảo vệ động vật tố cáo Bắc Kinh tiếp tay cho các kẻ săn bắn động vật doang dã trái phép.
(Le journal quotidien) – Mỹ :
Các doanh nghiệp không được bán hàng cho một công ty Trung Quốc nếu không được phép của chính quyền.
Bộ Thương Mại hôm qua 29/10/2018 cấm các doanh nghiệp bán linh kiện cho Fujian Jinhua Integrated Circuit Company, công ty Trung Quốc chuyên sản xuất chất bán dẫn, khi chưa xin phép chính quyền, với lý do là để đảm bảo an ninh quốc gia. Việc hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng là biện pháp của chính quyền Donald Trump, nhằm buộc Trung Quốc thay đổi phương thức cạnh tranh mà Washingtin tố cáo là bất chính.
(AFP) – Khủng hoảng chính trị Sri Lanka : vài chục ngàn người biểu tình ở Colombo ủng hộ thủ tướng bị bãi nhiệm Wickremesinghe.
Hôm nay 30/10/2018, theo Cảnh sát, có 25.000 người biểu tình. Còn theo đảng của thủ tướng Wickremesinghe, 100 ngàn người biểu tình tập trung ở khu trung tâm thủ đô Colombo phản đối quyết định của tổng thống Sirisena cách chức thủ tướng Wickremesinghe, yêu cầu tân thủ tướng Mahinda Rajapkse rút lui và đòi tổng thống khôi phục lại hoạt động của Quốc Hội.
(AFP) – Thượng đỉnh thế giới về nhân quyền tại Paris.
Hơn 150 nhà hoạt động nhân quyền từ 105 nước hôm nay 30/10/2018 cam kết « tạo ra các thay đổi và đấu tranh chống nạn trấn áp, kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử ». Chiều hôm nay, 20 đại diện của các tổ chức nhân quyền được tổng thống Pháp Macron tiếp đón tại điện Elysée và có buổi trao đổi với Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet. Thượng đỉnh thế giới về nhân quyền được tổ chức lần đầu tại Paris cách nay 20 năm.
(AFP) – Khủng bố ở thủ đô Tunisia : ít nhất 20 người bị thương.
Đây là vụ khủng bố đầu tiên ở thủ đô Tunisia kể từ năm 2015. Do kẻ đánh bom liều chết hôm qua 29/10/2018 kích hoạt bom tự tạo gần các xe của cảnh sát, nên trong số các nạn nhân, có 15 người là cảnh sát. Thủ phạm là phụ nữ, 30 tuổi, không có tên trong danh sách của bộ an ninh Tunisia về những kẻ Hồi Giáo cực đoan. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa công bố danh tính thủ phạm.
Nhận xét
Đăng nhận xét