Tin Biển Đông – 29/10/2018
Chiến khu miền nam TQ nhận lệnh sẵn sàng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh Chiến khu miền nam, phụ trách hoạt động ở Biển Đông và khu vực Đài Loan, tập trung “ứng phó tình huống phức tạp”.
Ngày 27.10, tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho Chiến khu miền nam tập trung đánh giá tình hình và tăng cường khả năng xử lý tình huống khẩn cấp. Ông nói trong những năm gần đây, Chiến khu miền nam phải mang “trách nhiệm quân sự nặng nề”. “Cần phải tăng cường sứ mệnh và tập trung chuẩn bị đánh trận”, ông Tập ra lệnh và nhấn mạnh: “Chúng ta phải tăng cường các cuộc tập trận sẵn sàng tác chiến, diễn tập chung và diễn tập chạm trán để nâng cao khả năng của quân nhân và chuẩn bị cho tình huống chiến tranh”. Ông Tập còn ra lệnh Chiến khu miền nam “xem xét tất cả tình huống phức tạp và lập kế hoạch ứng phó khẩn cấp tương ứng”.
Một số nhà quan sát quân sự cho rằng phát biểu mới của ông Tập nhằm khích lệ binh sĩ trong bối cảnh Mỹ cùng các đồng minh, đối tác có nhiều hoạt động liên quan đến Biển Đông và Đài Loan. Theo chuyên gia Châu Thần Minh, Mỹ không công nhận các quyền của Trung Quốc đối với đảo nhân tạo và sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra duy trì tự do lưu thông ở khu vực. Hôm 30.9, một tàu khu trục Trung Quốc có hành vi quấy rối chiến hạm Mỹ USS Decatur khi tàu này tuần tra áp sát đá Gaven, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành đảo nhân tạo phi pháp. Đến ngày 16.10, Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 diễn tập ở Biển Đông và báo Business Insider dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver khẳng định: “Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn, hành vi của họ ngày càng mạnh bạo và chúng tôi đang nỗ lực đưa ra ứng phó phù hợp”.
Về Đài Loan, Mỹ ngày 22.10 triển khai 2 tàu chiến qua eo biển nằm giữa vùng lãnh thổ này và Trung Quốc đại lục “nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, theo phó phát ngôn viên Nate Christensen của Hạm đội Thái Bình Dương. Trước đó, hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thỏa thuận trị giá 330 triệu USD bán linh kiện chiến đấu cơ F-16 và máy bay vận tải C-130 cho Đài Loan.
Hôm 25.10, Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ngụy Phượng Hòa cũng lớn tiếng tuyên bố tại Diễn đàn an ninh Hương Sơn ở Bắc Kinh rằng quân đội nước này sẽ “không để mất một tấc lãnh thổ”. SCMP dẫn lời chuyên gia Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), nhận định các phát biểu mới từ giới lãnh đạo Trung Quốc nhằm gửi thông điệp đến Mỹ nói riêng và bất kỳ bên nào khác liên quan đến Biển Đông và cả Đài Loan.
Cũng trong ngày 27.10, truyền thông Mỹ phát sóng buổi phỏng vấn Ngoại trưởng Mike Pompeo trong chương trình The Hugh Hewitt Show về chính sách với Trung Quốc. Ông khẳng định Washington quyết không nhượng bộ và sẵn sàng ứng phó quyết liệt trong mọi thời điểm. “Dù là rủi ro đánh cắp trí tuệ, thương mại không công bằng, các hành động ở Biển Đông, việc tiếp tục mở rộng không phận hay nỗ lực phát triển quân đội của Trung Quốc, tất cả đều gặp phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt từ Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh
Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông,
Trung Quốc cảnh báo nước ngoài không can thiệp
Đô đốc Hải quân Mỹ John Richardson hôm 29/10 phát biểu tại một họp báo ở Manila, Philippines rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng trong vùng nước tranh chấp.
Tuyên bố này của Đô đốc Richardson được đưa ra sau khi một tàu chiến của Trung Quốc đi sát tàu chiến Mỹ vào hồi cuối tháng trước khi tàu Mỹ đang đi tuần tra gần đá Gaven do Trung Quốc chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa.
Đô đốc Richardson cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện hàng chục những cuộc tuần tra như vậy trên khắp thế giới để cho thấy lập trường của Mỹ về các đòi hỏi bất hợp lý và Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục các hoạt động này.
Trong khi đó, tại thành phố Davao, miền Nam Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang ở thăm Philippines hôm 29/10 cũng lên tiếng cảnh báo các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn ở vùng nước tranh chấp và phô diễn sức mạnh.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc và các nước Châu Á nên cùng nhau chống lại sự can thiệp bên ngoài.
Hôm 22/10 vừa qua, Trung Quốc và các nước ASEAN đã có cuộc diễn tập chung lần đầu tiên ở Biển Đông được nói là một trong các bước nhằm xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông. Các nước khác trong khu vực cũng đòi chủ quyền bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.
Bản tin Biển Đông ngày 25/10/2018
Trung Quốc phản đối Anh thực hiện tự do hàng hải ở Biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 24/10, liên quan đến phát biểu của Đô đốc Anh Philip Jones về việc Anh sẽ thực hiện quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh bày tỏ quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối tuyên bố của phía Anh. Bà Hoa một lần nữa khẳng định tình hình Biển Đông đang được cải thiện và ổn định, cả ASEAN và Trung Quốc đều có ý chí mạnh mẽ về duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và đang tiến hành các hành động cụ thể để đạt được điều đó. Bà Hoa, tuy không chỉ đích danh, nhưng buộc tội “một số nước” đang cố gắng khuấy lên rắc rối, tạo sóng to, gió lớn ở Biển Đông. Đồng thời, bà Hoa chất vấn ngược lại Anh không phải đại diện cho toàn bộ cộng đồng quốc tế. Trung Quốc ký kết và tuân thủ Công ước Luật Biển 1982 ngay từ những ngày đầu trong khi một trong những đồng minh của Anh còn chưa phê chuẩn, chưa là thành viên chính thức của Công ước. Bà Hoa cho rằng Anh cần sáng suốt nhìn vào những gì đồng minh đó đã làm, thay vì lựa chọn đứng với phe phái đồng minh. Đồng thời, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định cái gọi là tự do hàng hải là không tồn tại, bất cứ bước đi nào nhằm ép buộc hay đe dọa người khác chấp nhận lời diễn giải đơn nhất về luật pháp quốc tế dưới danh nghĩa tự do hàng hải là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Tại buổi họp báo, bà Hoa cũng nhắc lại vụ tàu HMS Albion của Anh đi vào vùng nước quần đảo Hoàng Sa, làm tổn hại quan hệ Trung – Anh, đề nghị Anh tôn trọng sự quan ngại của Trung Quốc và ngừng các hành động gây hấn.
Tập trận hải quân Trung Quốc – ASEAN tập trung vào quy tắc nhằm chấm dứt xung đột
Ngày 24/10, Asia Times đưa tin, phát biểu tại cuộc họp giữa lãnh đạo các nhóm quan sát quân sự của 10 nước ASEAN tại Trạm Giang trước cuộc tập trận chung ASEAN – Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 29/10 tới, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã ca ngợi cuộc tập trận hải quân đầu tiên kéo dài 1 tuần này là dấu mốc thể hiện quyết tâm chung của ASEAN và Trung Quốc nhằm bảo vệ hòa bình khu vực. Theo Nhân dân Nhật báo, đây là lần đầu tiên ASEAN triển khai tập trận chung với một nước ngoài khối; các nước tham gia sẽ chia sẻ kinh nghiệm về các kỹ thuật cứu nạn, quân y, xây dựng kế hoạch và chiến lược cho các tình huống giả định. Một trong những nội dung trọng tâm của cuộc tập trận sắp tới là an toàn hàng hải cũng như các hoạt động tìm kiếm cứu nạn theo Bộ quy tắc phòng tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Bộ quy tắc này được ký năm 2014 nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ việc trên biển giữa các nước ký kết, ngăn ngừa căng thẳng leo thang.
Bắc Kinh sỉ nhục Mike Pompeo, giờ lại muốn thể hiện sự thân thiện
Ngày 25/10, South China Morning Post đăng bài viết bình luận về chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Theo đó, Trung Quốc đã sỉ nhục ông Pompeo khi ông đến Bắc Kinh giữa lúc căng thẳng đang dâng cao về thương mại và vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, một số người ở Bắc Kinh không đồng ý với cách hành xử như vậy và hy vọng có thể sử dụng một diễn đàn an ninh nào đó để thể hiện một “Trung Quốc thân thiện hơn”. Theo một quan chức lân cận cho biết, Ngoại trưởng Mỹ hy vọng có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng bị từ chối. Tại cuộc gặp sau đó với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, ông Vương Nghị dành gần như toàn bộ thời gian để phê phán chính quyền Trump vì không ngừng làm leo thang căng thẳng thương mại, thậm chí còn không mời cơm Ngoại trưởng Pompeo – một điều trái với các quy tắc lễ tân. Theo quan chức này, một số nhân vật trong Bộ Quốc phòng Trung Quốc không hài lòng với cách Ngoại trưởng Vương Nghị đối xử với Ngoại trưởng Pompeo, bày tỏ hy vọng Diễn đàn Hương Sơn sẽ là cơ hội để thể hiện cho các đối tác nước ngoài thấy một Trung Quốc thân thiện hơn. Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ phát biểu về “lập trường chính trị hòa bình” của Trung Quốc tại diễn đàn nhằm tìm cách trấn an Washington và các nước láng giềng Đông Nam Á rằng Trung Quốc không phải một mối đe dọa.
Jia Qingguo, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Peking cho rằng Bắc Kinh hy vọng sử dụng diễn đàn Hương Sơn để tìm ra điểm chung với các nước láng giềng Châu Á, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông. “Bắc Kinh không muốn các tranh chấp lãnh thổ về Biển Đông với các nước láng giềng Châu Á ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với các nước thành viên ASEAN. Trung Quốc đánh giá cao quan hệ với tất cả các nước Châu Á vì họ quan trọng đối với an ninh khu vực. Đó là lý do vì sao quân đội Trung Quốc cố gắng làm việc với các đối tác ở khu vực”.
Areas in which South China Sea claimants should have provisional rights to license hydrocarbon exploration and production, pending a final delimitation of claims.
TQ đem gì đến tập trận chung với ASEAN?
Cuộc tập trận hải quân chung ASEAN – Trung Quốc diễn ra trong khoảng thời gian 22 – 28.10 tại vùng biển gần thành phố Trạm Giang của tỉnh Quảng Đông.
Khu trục hạm đa nhiệm Quảng Châu, một trong những tàu được Trung Quốc điều động tham gia tập trận chung với ASEAN – Ảnh: SCMP.
Cuộc tập trận quy tụ nhân sự của 11 quốc gia. Sáu nước trong số này cũng gửi tàu chiến đến tham gia, trong đó có Trung Quốc.
Khu trục hạm tên lửa đa nhiệm Quảng Châu thuộc lớp 052B đã góp mặt. Được đưa vào biên chế năm 2004, tàu có thiết kế giúp tránh bị radar phát hiện, lượng giãn nước 6.000 tấn.
Radar cảnh giới 3 chiều cùng tên lửa SA-N-12 Nga tầm ngắn đảm bảo khu trục hạm đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phòng không, trong khi các ống phóng ngư lôi được dùng đối phó tàu ngầm. Trên tàu còn có sàn đáp trực thăng.
Trung Quốc điều động cả Hoàng Sơn, một trong những tàu khu trục đa nhiệm lớn và hiện đại nhất của nước này. Đây là tàu thuộc lớp 054A tự sản xuất, đưa vào hoạt động từ năm, dài 134m, tốc độ tối đa 27 hải lý, lượng giãn nước 4.000 tấn.
Năm 2013, Trung Quốc từng đưa ra đề nghị bán ba tàu lớp 054A cho Thái Lan nhưng cuối cùng chính quyền Bangkoyk chọn lựa mẫu khu trục Gwanggaeto của Hàn Quốc.
Gabe Collins, chuyên gia của Viện nghiên cứu hàng hải thuộc đại học Hải chiến Mỹ, trong một bài phân tích năm 2015 từng ước tính chi phí đóng và trang bị một chiếc 054A vào khoảng 348 triệu USD.
Tàu tiếp vận Quân Sơn Hồ lớp 961, vào biên chế hải quân Trung Quốc từ năm 2015, cũng tham gia tập trận chung. Theo trang Thepaper.cn, lượng giãn nước là hơn 10.000 tấn, vận tốc di chuyển 22 hải lý, có 5 trạm tiếp vận nhưng không có sàn đáp trực thăng.
Uy lực tàu ASEAN
Singapore điều động tàu chiến đa nhiệm RSS Stalwart. Được thiết kế bởi hãng DCN của Pháp, đây là phiên bản hiện đại hóa của khu trục hạm La Fayette.
Tàu có lượng giãn nước 3.200 tấn, sở hữu súng Oto Melara 76mm bắn đạn pháo 6kg, tầm bắn 16km, tốc độ bắn 20 viên/phút. Tầm bắn của tên lửa chống hạm Harpoon trang bị cho tàu lên đến 130km, sử dụng định hướng bằng radar.
Ngoài ra, hệ thống đánh chặn tên lửa Aster 15 trên tàu có tầm bắn 15km, đối phó được máy bay trong phạm vi 30km.
Hợp đồng mà Singapore ký với DCN có điều khoản chuyển giao công nghệ. Chiếc RSS Stalwart đầu tiên đóng tại Pháp, nhưng 5 tàu tiếp theo sẽ đóng tại Singapore.
Brunei đem đến OPV-09, tàu tuần tra lớp Daruttaqwa thứ 4. Dòng tàu này do công ty Lurssen Werft đóng tại Đức. Được đưa vào hoạt động năm 2014, tàu dài 80m, lượng giãn nước 1.625 tấn, trang bị hai súng pháo Oerlikon 20mm cùng bốn tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3.
Trong khi đó, tàu HTMS Taksin mà Thái Lan đem đến tập trận là sản phẩm của Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc. Sau khi trải qua quá trình nâng cấp năm 2016, HTMS Taksin có lượng giãn nước 2.980 tấn, sở hữu súng pháo 127mm và hệ thống phóng tên lửa Mark 41.
Việt Nam điều động 015 Trần Hưng Đạo lớp Gepard 3.9 góp mặt. Tàu được đóng ở Nga, là một trong những tàu chiến tối tân nhất của hải quân Việt Nam, vừa được đưa vào biên chế trong tháng 2.2018.
Lượng giãn nước của 015 Trần Hưng Đạo đạt 2.100 tấn, chiều dài 102m. Tàu được trang bị bốn ống phóng ngư lôi 533mm cùng hai hệ thống chống ngầm SS-N-25.
Philippines chỉ đưa tàu hậu cần BRP Dagupan City đến tham dự. Tàu được đưa vào hoạt động từ thập niên 1990, lượng giãn nước 4.265 tấn, vận tốc tối đa 12 hải lý.
Philippines: ASEAN, TQ khó đạt
bộ quy tắc ràng buộc về Biển Đông
Tân Bộ trưởng Ngoại giao Philippines hôm 29/10 nói rằng 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ khó có thể đi đến một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý ở Biển Đông, theo Reuters.
ASEAN và Trung Quốc trong năm nay đã bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm căng thẳng do những tuyên bố chủ quyền chồng lấn nhau trên tuyến thủy lộ chiến lược, nơi có lưu lượng hàng hóa trị giá khoảng 3 nghìn tỷ đôla đi qua mỗi năm.
“Có lẽ chúng ta sẽ không thể đi đến một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý”, Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Teodoro Locsin phát biểu tại một cuộc họp báo ở phía nam thành phố Davao sau khi nói chuyện với đối tác Trung Quốc Vương Nghị.
“Nhưng, nó sẽ là tiêu chuẩn về cách người dân ASEAN, các chính phủ ASEAN hành xử với nhau – luôn luôn với danh dự, không bao giờ hung hãn và luôn luôn vì sự tiến bộ lẫn nhau”.
Ông Locsin không giải thích chi tiết về lý do tại sao ông nêu lên nghi ngờ về khả năng đạt được một thỏa thuận ràng buộc.
Australia, Nhật Bản và Hoa Kỳ từng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc đảm bảo rằng bộ quy tắc ứng xử phải “ràng buộc về mặt pháp lý”, trong khi các nhà phê bình cho rằng việc không ràng buộc thực thi sẽ tạo ra những nghi ngờ về mức độ hiệu quả của nó.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc đã bảo đảm với ASEAN rằng nước này sẽ tuân theo bất cứ điều gì được thống nhất trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Trung Quốc hy vọng sẽ kết thúc đàm phán vào năm 2021.
Ông Vương Nghị cũng đảm bảo với Philippines rằng Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa đối với quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
“Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ trở thành đối thủ của Philippines”, ông nói khi cả hai nhà ngoại giao hàng đầu thảo luận về chuyến thăm dự định của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Manila vào tháng tới.
Nhận xét
Đăng nhận xét