Tin Việt Nam – 30/10/2018

Tin Việt Nam – 30/10/2018

Sơ suất trong dự thảo

về kỷ luật sinh viên về ‘lỗi 4 lần’?

Báo Việt Nam dẫn lời giới chức Giáo dục nói ban soạn thảo “đã sơ suất” về dự thảo buộc sinh viên phải thôi học khi mại dâm tới lần thứ tư, trong lúc một giảng viên nói với BBC rằng “quy định trong dự thảo đấy bình thường”.
Hôm 29/10, mạng xã hội tranh cãi về một dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam nói sinh viên và học sinh hành nghề ‘mại dâm’ hay đi biểu tình 4 lần “sẽ bị đuổi học”.
Còn các vi phạm khác như đánh nhau và lấy cắp tài sản sẽ khiến sinh viên bị “buộc thôi học” sau 3 lần.
Thế nhưng “chứa chấp, môi giới mại dâm” thì chỉ cần vi phạm lần 1 là đã bị đuổi học ngay.
Có vẻ như vi phạm này bị cho là nặng hơn cả ‘kích động, lôi kéo người khác biểu tình, viết truyền đơn, áp phích trái pháp luật’, phải sau 2 lần mới bị cho thôi học.
Theo chính trang web của Bộ Giáo dục – Đào tạo thì đây mới là dự thảo nêu để “lấy ý kiến rộng rãi” nhằm ra thông tư ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên (HSSV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy.
Hôm 30/10, báo Thanh Niên viết:
“Quá trình soạn thảo thông tư này, ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.
Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.”
Vì sao tính đúng bốn lần?
Tuy các báo Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề sinh viên bán dâm ‘bốn lần sẽ bị đuổi học’, văn bản này nêu ra các mức hình phạt khác nhau cho hành vi này.
Theo đó, nếu học sinh sinh viên “hoạt động mại dâm lần đầu vi phạm sẽ chỉ bị khiển trách”.
“Lần thứ hai cảnh cáo, lần ba bị đình chỉ có thời hạn”.
Việt Nam: Học càng cao, càng thất nghiệp?
Giáo dục Singapore: Điểm cao nhưng áp lực lớn
Vì sao hàng chục đại học Anh đình công?
Ngoài ra, dự thảo này coi các vấn đề chính trị và quyền dân sự, tín ngưỡng gộp vào một nhóm giống như tệ nạn xã hội, đều đáng bị răn đe hoặc trừng phạt:
Đó là:
Uống rượu bia trong giờ học, say rượu bia khi đến lớp;
Tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định của pháp luật;
tàng trữ, lưu hành, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy;
Tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động tôn giáo trái phép và đánh bạc dưới mọi hình thức;
Các vi phạm này cũng bị xử lý kỷ luật với mức độ tương tự vi phạm về hoạt động mại dâm, theo văn bản.
Câu chuyện này hiện đang được nhiều người bình luận trên mạng xã hội với câu hỏi tiêu chí nào được lấy làm chuẩn cho các con số lần vi phạm, ba, bốn mà không phải là bốn, năm, sáu, hoặc nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, cũng không rõ việc vi phạm đó có hạn chế thời gian ra sao, ví dụ bao nhiêu lần trong một năm, hai ba năm hay toàn bộ thời gian đi học.
TQ: ‘Sex, tiền bạc và chủ nghĩa xã hội’
Bên trong phố đèn đỏ ở Đức
Đời mại dâm qua mạng xã hội
Hợp pháp mại dâm tạo âm hưởng về tự do?
Phim về phụ nữ TQ làm mại dâm ở London
‘Không được khéo’
Hôm 30/10, bà Nguyễn Hoàng Ánh, một giảng viên đại học nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi thấy rằng quy định trong dự thảo đấy bình thường, không có gì sai.”
“Sinh viên còn trẻ người non dạ, không nên vì ngay lần đầu tiên vi phạm mà đuổi học.”
“Chẳng qua là Bộ Giáo dục trình bày vấn đề không được khéo.”
“Người ta đọc trên báo thấy giống như Bộ Giáo dục cho làm [mại dâm] ba lần đầu thì không bị sao cả, lần thứ tư mới bị đuổi học.”
“Tôi xem quy định các năm trước cũng quy định bốn mức như thế.”
Đề cập về mức tín nhiệm thấp của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ mới đây: “Tôi có kiểm tra lại các thời bộ trưởng Giáo dục trước ông Nhạ thì thấy họ đều bị tín nhiệm thấp, trừ ông Nguyễn Thiện Nhân thì chưa tiến hành lấy phiếu.”
“Dường như ai cũng nghĩ mình biết về giáo dục nên ai cũng nói vào được.”
“Tuy nhiên, tôi cũng không phủ nhận những thiếu sót của Bộ Giáo dục.”
“Rõ ràng Bộ này còn chậm đổi mới, nhưng tôi cũng không nghĩ đó chỉ là lỗi của bộ trưởng, vì ông mới cầm quyền mấy năm, còn bị ràng buộc bởi những đời người tiền nhiệm để lại.”
“Dù sao, người ta cũng thấy ông không quyết đoán, không sáng suốt trong các vấn đề nảy sinh như quy chế nghiên cứu khoa học, phong hàm giáo sư… Đấy là những vấn đề mà ông ấy cần nghiêm túc nhìn lại.”
Được biết vấn đề kỷ luật đối với sinh viên học sinh Việt Nam cũng đã được nêu ra trong các văn bản trước đây, nhưng vụ việc lần này được mạng xã hội chú ý rất nhiều, gây ra phản ứng trong dự luận.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46024569

Việt Nam : Báo chí Nhà nước

biện minh cho việc kỷ luật ông Chu Hảo

Thanh Phương
Trước những phản ứng mạnh mẽ của giới trí thức về vụ giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, báo chí chính thức ở Việt Nam đồng loạt đăng bài biện minh cho quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Vào tuần trước, ủy ban này đã thông báo quyết định xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, và hiện là Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, vì ông Chu Hảo đã cho xuất bản một số cuốn sách « có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước », cũng như đã « có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng ».
Trong một bài viết đăng hôm qua, 29/10/2018, tờ Nhân Dân Điện Tử cho rằng việc kỷ luật ông Chu Hảo, một đảng viên đã « suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa », là việc làm « nghiêm túc và hết sức cần thiết ». Cũng hôm qua, trang Báo điện tử VTV News, trích lời tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cho rằng không ai có thể đồng tình với việc làm của một số trí thức « lấy danh nghĩa đóng góp xây dựng đất nước để truyền bá những nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ».
Hôm nay, tờ Hà Nội Mới đăng lại một bài báo tờ Quân đội Nhân Dân đăng trên mạng ngày 26/10. Tác giả bài báo này cho rằng lẽ ra ông Chu Hảo phải bị kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông « diễn ra trong thời gian dài » và mặc dù đã được nhiều lần « chân thành » góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không « khắc phục khuyết điểm ».
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Bin, nguyên thứ trưởng bộ Ngoại Giao, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp, hôm nay đăng trên trang Facebook cá nhân một bài viết bênh vực giáo sư Chu Hảo. Ông Nguyễn Đình Bin yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng rút lại quyết định về việc thi hành kỷ luật giáo sư Chu Hảo, vì ông cho rằng, thay vì góp phần nâng cao uy tín của Đảng, quyết định này « sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa ».
Sau vụ giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, ngày càng có nhiều trí thức, trong đó có bản thân ông Chu Hảo, tuyên bố từ bỏ đảng. Đáng chú ý nhất là tuyên bố bỏ Đảng của nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181030-viet-nam-bao-chi-chinh-thuc-bien-minh-cho-viec-ky-luat-ong-chu-hao

Bỏ Đảng, bỏ Đoàn sẽ thành phong trào?

Việc có thêm các bạn trẻ tuyên bố ‘bỏ đảng’ ‘bỏ đoàn’ làm dấy lên câu hỏi liệu đây có trở thành một phong trào lan rộng hay không?
Người trẻ ‘bỏ đảng’
Chỉ vài ngày sau khi GS Chu Hảo bị kỷ luật hôm 25/10, tới nay đã có gần 20 người tuyên bố ‘bỏ Đảng’, theo danh sách được cập nhật liên tục trên mạng xã hội.
Ngày 27/10, GS Chu Hảo công bố thư trên mạng xã hội nói bản thân ông nay cũng “từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam” để đi theo con đường Khai Sáng của Phan Châu Trinh.
Trong số những người tuyên bố bỏ đảng cùng GS Chu Hảo, có người là nhà văn, có người là quân nhân, có người từng làm trong bộ máy chính quyền nhà nước. Đại đa số đã về hưu. Tuy nhiên cũng có một số người trong độ tuổi 25 đến ngoài 40.
Một trong số đó là trường hợp của Nguyễn Hữu Hiếu, sinh năm 1990.
Trả lời BBC ngày 27/10, ông Hiếu cho biết từng là quân nhân và là đảng viên. Tuy nhiên có nhiều sự kiện xảy ra khiến ông thay đổi tư tưởng, và quyết định ra khỏi đảng từ tháng 3/2018. Sau vụ GS Chu Hảo, ông Hiếu quyết định công bố việc này.
“Từ năm 2014, vụ dàn khoan Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều tới lòng tự tôn dân tộc của tôi. Sau đó tới vụ Formosa. Đến lúc đó tôi vẫn nghĩ chủ trương của đảng là đúng, vấn đề là do cán bộ xấu. Nhưng càng về sau tôi càng thấy không thể chịu đựng được.”
“Ngoài ra, những sự việc trong đơn vị khiến tôi càng thấy những điều đó là xấu. Không được tự do thoải mái, lúc nào cũng phải trong khuôn khổ, không có tự do ngôn luận.”
Kỷ luật ông Chu Hảo là ‘giọt nước tràn ly’
Có thêm các trí thức ‘bỏ Đảng’ sau vụ TS Chu Hảo
GS Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘tự diễn biến’
Giáo sư Tương Lai từ bỏ Đảng Cộng sản
“Phải mãi đến năm 2017 tôi mới chính thức nhận ra rằng cái sai là từ gốc… Đến năm 2017 tôi đã xin ra quân. Tháng 3/2018 tôi xin trả lại thẻ đảng.”
Trong thời gian trong quân ngũ, ông Hiếu nói từng bị cảnh cáo bên Đảng, bị kỷ luật giam quân hàm do đăng bài trên Facebook về Biển Đông, Trung Quốc và sai lầm của Đảng Cộng sản.
“Cháu rất tiếc không thể sống giả tạo như vậy được. Từ lâu cháu đã biết chế độ này sai quá sai rồi với lại cháu có nhiều mục tiêu và lí tưởng khác để theo đuổi. Cháu yêu nước nhưng không yêu đảng cộng sản và cháu biết rằng không một đảng phái, một tổ chức nào có quyền quyết định vận mệnh của dân tộc mình….,” ông Hiếu từng viết trên Facebook để trả lời một bình luận phê phán việc ông công khai ‘bỏ Đảng’.
Một trường hợp khác là ông Hoàng Tiến Cường sinh năm 1970, là kỹ sư giao thông, thành viên Câu lạc bộ bóng đá và thiện nguyện No-U. Ông Cường nói vào đảng từ những năm đang tuổi 20.
“Tôi đã hoạt động trong tổ chức đó [Đảng Cộng sản Việt Nam] được 10 năm. Nhưng nay thấy người ta đối xử với các nhân sỹ trí thức như bác Chu Hảo theo cách đó nên tôi chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng,” ông Cường nói với BBC hôm 29/10.
“Chuyện bỏ đảng của tôi không phải là chuyện to tát, nó quá đỗi bình thường. Tôi đã từ bỏ đảng trong tư tưởng từ lâu rồi, nhưng nay là cơ hội để công khai.”
Theo lời ông Cường, “vào Đảng chỉ là chuyện con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy hàng xóm, đồng nghiệp vào đảng thì “mình cũng vào đảng”. Và cũng phải khá vất vả mới được vào đảng.
“Tôi cũng phải mất ít quà cáp để được vào đảng. Rồi người ta phải điều tra ba đời dòng họ nhà tôi, đủ trong sạch mới cho vào đảng. Tóm lại cũng khá vất vả,” ông Cường nói.
Nhưng trong suốt thời gian là đảng viên, ông Cường nói ông nhìn thấy những sự việc khiến tư tưởng của ông dần thay đổi.
“Tôi thấy nhiều người vào đảng chỉ để ‘mũ ni che tai’, làm căn cứ để leo lên chức bậc này nọ.”
Ông Cường nói ông từng xuống đường nhiều lần để phản đối một số chính sách của nhà nước. Ông từng bị an ninh Hà Nội bắt về quận, về phường và nhiều lần cưỡng chế.
“Cũng chính vì thế mà từ năm 2011 đến nay tôi bị chính quyền tước hết công ăn, việc làm. Tôi đã tự đi làm lao động tự do để kiếm sống.”
“Tôi hoạt động độc lập, không muốn làm ảnh hưởng đến ai, chỉ mong họ tự cảm nhận và hành động. Từ việc viết blog, biểu tình và làm từ thiện.”
“Nay, khi tuyên bố bỏ cái tổ chức ấy. Tôi xác quyết tôi không làm theo trào lưu, không “đi hai hàng” như một vài người phán xét.”
“Tôi làm vậy vì tôi tôn trọng những vị nhân sỹ, trí thức đã đóng góp nhiều hơn tôi rất nhiều cho đất nước cũng như cái tổ chức đó [Đảng Cộng sản Việt Nam] mà còn bị đối xử như vậy, thì tôi “phận mỏng cánh chuồn” còn không tuyên bố [từ bỏ đảng] được sao?”
Khó trở thành trào lưu?
Không chỉ ‘bỏ đảng’, một số thanh niên đã tuyên bố công khai trên Facebook cá nhân về việc ‘bỏ Đoàn’, và sẽ ‘không vào Đảng’. Như trường hợp của Trịnh Bá Tư, con trai bà Cấn Thị Thêu – người từng đi tù hai lần liên quan đến vụ xử đất oan.
Hay chị Trần Thị Kim Thoa, làm nghề bán hàng online.
Trong trao đổi với BBC, chị Thoa nói vụ kỷ luật GS Chu Hảo chỉ là một trong những ‘cái cớ’ để chị tuyên bố từ bỏ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và quyết không vào Đảng.
Chị Thoa nói lý do chính là do chị thấy vào đảng hay không không có ý nghĩa gì nhiều với cuộc sống của chị.
“Không là đảng viên, tôi vẫn là một công dân tốt.” Chị Thoa cũng nói rằng qua báo chí, chị thấy đảng viên chưa phát huy được vai trò của mình và vẫn không có dân chủ ở nhiều cấp.
Nhưng những trường hợp như vậy không nhiều.
Đến nay, danh sách tuyên bố bỏ Đảng, bỏ Đoàn được cộng đồng mạng chia sẻ mới có khoảng dưới 20 người. Trong đó có thêm một vài nhân vật tên tuổi như ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ trợ lý cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Tiến sỹ Phạm Gia Minh (rút khỏi chức vụ Phó Tổng thư ký của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài) ; Trung úy quân đội Nguyễn Hữu Hiếu, v.v..
Khi được hỏi việc bỏ Đảng, bỏ Đoàn liệu có trở thành trào lưu trong giới trí thức nói chung và giới trẻ nói riêng, ông Hoàng Tiến Cường nói với BBC rằng ông “chỉ hi vọng”.
“Tôi hi vọng là như vậy. Nhưng tôi nghĩ cũng khó. Vì việc thay đổi nhận thức cần phải trải qua một quá trình rất lâu dài. Như tôi đã tốn hết 10 năm,” ông Cường nói với BBC từ Hà Nội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hiếu nói: “Tôi cho rằng khó thành phong trào”. Lý do, theo ông, là vì với những người lớn tuổi, chủ yếu có hai xu hướng, một là “biết đường lối sai nhưng im lặng”, hai là “nghĩ rằng đường lối đúng nhưng cách làm sai”, nên vẫn ở lại.
Với giới trẻ, ông Hiếu nói “xu hướng chung là vô cảm, không chịu đọc, không chịu học, nhiều bạn chỉ thích sống an nhàn, mê chuyện ngôn tình, hài nhảm”.
Ngoài ra, “do nhà tôi có điều kiện, tôi còn trẻ, còn nhiều cơ hội nên quyết định buông bỏ. Nhiều người mà tôi có dịp nói chuyện cũng bày tỏ ý chán nản, nhưng vẫn yên lặng làm việc để kiếm kế sinh nhai,” ông Hiếu nói với BBC từ Sài Gòn.
Không phải là mới
Hiện tượng gọi là ‘chán Đảng khô Đoàn’ không phải là mới ở Việt Nam.
Chính TBT Nguyễn Phú Trọng hồi năm ngoái đã phát biểu khi về thăm Hải Phòng (tháng 11/2017) về nhu cầu thúc đẩy công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nhằm “ngăn chặn tình trạng “chán Đảng, khô Đoàn, nhạt chính trị”.
Hồi 2012, báo VN cũng đã nêu ra chuyện nhiều đảng viên cộng sản tự thôi không sinh hoạt Đảng.
Theo báo Pháp Luật Thành phố HCM (6/2012), thủ tục ‘chuyển sinh hoạt Đảng’ tạo lỗ hổng khiến nhiều đảng viên chỉ cần khi đổi chỗ ở hoặc về hưu không mang giấy giới thiệu và hồ sơ gốc nộp cho nơi mới là xong, không cần sinh hoạt như là đảng viên nữa.
Truyền thông Việt Nam cho rằng để ngăn chặn tình trạng tự ý bỏ sinh hoạt, ‘lãn Đảng, thoái Đảng’ vì lý do cuộc sống hay chán Đảng Cộng sản thì cần phải đề cao ‘đạo đức cách mạng’ hoặc đẩy mạnh tuyên truyền, chấn chỉnh.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46014980

Cựu ủy viên T/Ư, các cựu phụ tá thủ tướng

 đòi rút đề xuất kỷ luật GS Chu Hảo

Một cựu ủy viên trung ương đảng và một số cựu phụ tá của các đời thủ tướng trước đây vừa công bố các bài viết riêng rẽ yêu cầu một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam rút lại đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hôm 25/10 đã đã gây chấn động giới trí thức Việt Nam với việc đề nghị đảng kỷ luật vị giáo sư từng giữ chức thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường, với lý do ông “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khi xuất bản những cuốn sách có nội dung “trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng”.
Một thông cáo của ủy ban, được báo chí nhà nước đăng tải lại, cho biết thêm một lý do khác đằng sau đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo là ông còn có “những bài viết, phát ngôn” có nội dung “trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của đảng…”.
Theo tìm hiểu của VOA, ủy ban của đảng cáo buộc ông Chu Hảo khi còn là giám đốc-tổng biên tập của Nhà xuất bản Tri Thức đã cho xuất bản các cuốn sách bị xem là “trái quan điểm” về triết học, chính trị-kinh tế học như “Bàn về tự do” của John Stuart Mill, “Khảo Luận Thứ Hai Về Chính Quyền” của John Locke, hay “Nền Dân Trị Mỹ” của Alexis De Tocqueville, v.v…
GS. Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật vì ‘suy thoái tư tưởng chính trị’; trí thức phản ứng
Trong một bài viết dài trên mạng xã hội Facebook, đăng hôm 29/10 ở chế độ công khai, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Đình Bin, đưa ra quan điểm rằng “các việc làm và phát biểu của giáo sư Chu Hảo, cũng như của nhiều đảng viên, trí thức tâm huyết, tài năng khác, hoàn toàn không có gì là sai phạm”.
Thậm chí vị cựu thứ trưởng, người từng là một ủy viên trung ương đảng, còn cho rằng các việc làm và phát biểu đó “là có ích cho công cuộc đổi mới tư duy lý luận, cho đảng, cho dân, rất đáng hoan nghênh và khuyến khích”.
Ông Bin đã trích dẫn một bài phát biểu của chính Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng cách đây 2 năm, trong đó ông Trọng kêu gọi rằng “để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên, phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận… phát huy tự do tư tưởng, bảo đảm dân chủ, khuyến khích những tìm tòi sáng tạo”.
Đối chiếu với phát biểu đó, cựu thứ trưởng Bin bày tỏ suy nghĩ rằng “những việc giáo sư Chu Hảo đã làm và phát biểu […] là phổ biến các công trình nghiên cứu, các tư duy, luận thuyết của nhiều học giả nổi tiếng trên thế giới, đưa ra các khuyến nghị” mà theo ông Bin là “xuất phát từ động cơ xây dựng, vì Đảng, vì dân”.
Vẫn theo cách nhìn nhận của vị cựu ủy viên trung ương, việc làm của giáo sư Chu Hảo là “thiết thực phục vụ cho công tác nghiên cứu, đổi mới tư duy lý luận nói trên”.
Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang thoái Đảng, ủng hộ GS Chu Hảo​
“Tôi lại rất buồn và lo lắng” về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề xuất kỷ luật giáo sư Chu Hảo, ông Bin viết.
Chỉ ra thực tế là đề xuất của ủy ban “đang gây nên phản ứng không đồng tình rộng rãi trong dư luận, nhất là trong tầng lớp trí thức”, vị cựu ủy viên trung ương tiên liệu rằng nếu đề xuất được thực hiện, “thay vì góp phần nâng cao uy tín của UBKTTW [Ủy ban Kiểm tra Trung ương] nói riêng và của Đảng nói chung, nó sẽ có tác động ngược lại, không chỉ về đối nội mà cả về đối ngoại nữa”.
Vì vậy, ông Bin viết tiếp: “tôi khẩn thiết đề nghị UBKTTW [Ủy ban Kiểm tra Trung ương] bình tâm và sáng suốt xem xét lại và dũng cảm rút quyết định nói trên đối với GS Chu Hảo”.
VOA cố gắng liên lạc điện thoại với cựu ủy viên trung ương đảng, cựu thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Đình Bin để hỏi xem kiến nghị của ông chỉ đăng trên Facebook hay đã được gửi đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cũng như điều gì đã thúc đẩy ông viết kiến nghị.
Tuy nhiên, sau khi nghe phóng viên VOA giới thiệu danh tính, ông Bin đã giữ im lặng, không nói bất cứ một lời nào.
Trong bài viết trên Facebook được gần 220 người chia sẻ và hơn 630 người thích, ủng hộ, ông Bin nhận định nếu Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút lại đề xuất kỷ luật ông Chu Hảo, việc làm đó “sẽ góp phần lấy lại và nâng cao uy tín” của ủy ban nói riêng và của đảng nói chung.
Ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan rất to trong hệ thống cộng sản. Làm sao nó lại nghe một ông như ông Bin. Đảng chưa bao giờ cần trí thức. Họ chỉ đưa một vài người trí thức mà nghe theo họ trong một giai đoạn nào đó để làm cái gọi là trang trí thôi.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường
Một động thái như vậy “là điều hết sức cần thiết hiện nay”, ông Bin viết, đồng thời khuyên rằng ủy ban “không nên lặp lại những vấp váp đã xẩy ra không ít lần trong lịch sử Đảng”, đó là “phạm sai lầm để rồi sau lại phải sửa”.
Bản kiến nghị của vị cựu ủy viên trung ương đã nhận được hơn 170 lời bình luận từ các cựu cán bộ nhà nước và giới trí thức, với đa số bày tỏ “tán đồng”, “hoan nghênh” về nội dung “chân thành”, “đúng đắn”, “sáng suốt”, “thẳng thắn” của bài viết.
Tuy nhiên, cũng có một số lời bình luận cho rằng dù ý kiến của ông Bin “rất tâm huyết” song như những gì đã xảy ra với các đảng viên và người dân khác, ý kiến của ông “sẽ chỉ như ném đá ao bèo” đối với đảng.
Đánh giá về việc đảng lắng nghe ý kiến từ đảng viên và giới trí thức đến đâu, dịch giả Phạm Nguyên Trường, người nhiệt tình ủng hộ phong trào dân chủ, khai trí, và đã tham gia làm sách với nhà xuất bản của giáo sư Chu Hảo, nói với VOA:
“Ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan rất to trong hệ thống cộng sản. Làm sao nó lại nghe một ông như ông Bin. Đảng chưa bao giờ cần trí thức. Họ chỉ đưa một vài người trí thức mà nghe theo họ trong một giai đoạn nào đó để làm cái gọi là trang trí thôi”.
Giới trí thức nhốt trong lồng
Trước bài viết của cựu thứ trưởng Bin hai ngày, hôm 27/10, những người sử dụng mạng xã hội đã chia sẻ một thư ngỏ của các cựu phụ tá một số đời thủ tướng trước đây và một số nhà báo nổi tiếng, với nội dung cũng đòi Ủy ban Kiểm tra Trung ương “rút lại kết luận sai trái” về việc xem xét kỷ luật giáo sư Chu Hảo.
Những người ký thư, trong đó có các ông Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Huỳnh Sơn Phước, các bà Phạm Chi Lan, Vũ Kim Hạnh, nhấn mạnh trong thư ngỏ rằng “sự quy kết” của ủy ban về ông Chu Hảo là “không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước” cũng như “chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước”.
Chúc mừng ông, Giáo Sư Chu Hảo
Có một số trường hợp trước đây khi có đề nghị kỷ luật thì người ta xin ra khỏi đảng, thì họ [đảng] lại ra cái luật là xóa tên, hay là có cái lệnh là khai trừ đảng. Thí dụ như trường hợp anh Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây.
Cựu Phó Chủ nhiệm VP QH Trần Quốc Thuận
Chỉ một ngày sau khi bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được công bố, giáo sư Chu Hảo hôm 25/10 đã tuyên bố thoái đảng. Động thái này dẫn đến một số suy luận từ giới quan sát rằng đảng sẽ lúng túng trong bước đi tiếp theo.
Tuy nhiên, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA rằng việc kỷ luật có thể sẽ vẫn diễn ra:
“Có một số trường hợp trước đây khi có đề nghị kỷ luật thì người ta xin ra khỏi đảng, thì họ [đảng] lại ra cái luật là xóa tên, hay là có cái lệnh là khai trừ đảng. Thí dụ như trường hợp anh Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh trước đây. Xin ra khỏi đảng cũng phải qua một trình tự, thông qua cấp ủy. Trong thời gian đó, Ban Kiểm tra họ cũng có thể làm như đã làm với anh Phạm Chí Dũng”.
Hồi cuối năm 2013, đảng viên bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng, người có nhiều bài viết chỉ trích chính quyền, đã bị một cơ quan đảng cấp địa phương khai trừ, dù ông Dũng đã nộp đơn “xin ra khỏi đảng” trước đó 3 tuần.
Ít nhất 13 trí thức bỏ Đảng sau ‘hiệu ứng Chu Hảo’
Trong vài ngày ngay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định giáo sư Chu Hảo có sai phạm đến mức phải bị kỷ luật, còn bản thân ông Chu Hảo tuyên bố thoái đảng, đã có ít nhất 13 nhà trí thức tuyên bố “bỏ đảng”.
Trong số họ là phó giáo sư tiến sỹ Mạc Văn Trang; nhà văn, đại tá quân đội Nguyên Ngọc; ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tiến sỹ Phạm Gia Minh; trung tá quân đội Trần Nam.
Họ nói với VOA rằng họ “quá bức xúc” vì đảng “không còn phục vụ lợi ích của nhân dân, dân tộc”, đảng “đã chọn sai đường”, và họ dự báo rằng con số thoái đảng “sẽ gia tăng sau hiệu ứng Chu Hảo”.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-uy-vien-tu-cac-cuu-co-van-thu-tuong-doi-rut-de-xuat-ky-luat-gs-chu-hao/4635151.html

Dân biểu Mỹ tiếp tục tranh đấu

cho người Mỹ đang bị Việt Nam giam giữ

Bà Mimi Walters, dân biểu Quốc hội Liên Bang Hoa Kỳ tại khu vực Quận Cam California nói rằng bà đã nhiều lần tiếp xúc với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Washington để yêu cầu trả tự do cho ông Michael Nguyễn, công dân Mỹ gốc Việt bị Việt Nam cầm tù từ ngày 7/7/2018 khi đang du lịch tại Việt Nam.
Bà Walters viết trong thông cáo báo chí rằng đã ba tháng trôi qua mà nhà cầm quyền Việt Nam vẫn im lặng về trường hợp ông Machael Nguyễn, gia đình ông cũng không được tiếp xúc.
Bà Walters cho biết bà đang thúc đấy các nghị sĩ Mỹ thành lập một phái đoàn nghị sĩ lưỡng đảng để gây sức ép lên chính phủ Việt Nam trả tự do cho người công dân Mỹ gốc Việt này.
Ông Michael Phuong Minh Nguyen là một doanh nhân, thân nhân ông cho biết  ông về thăm gia đình, bạn bè ở Việt Nam hôm 27 tháng 6. Cùng bị bắt với ông Michael, còn có sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình, ông Huỳnh Đức Thịnh (cha của Huỳnh Đức Thanh Bình), Facebooker Trần Phi Long và Facebooker Thomas Quốc Bảo.
Sau đó, vào ngày 25/7/2018, anh Huỳnh Đức Thanh Bình bị khởi tố với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.
Cho đến nay không thấy nhà cầm quyền Việt Nam nói gì về tội trạng của những người còn lại.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mimi-walters-michael-nguyen-10302018083746.html

“Út trọc” kháng cáo kêu oan tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ, có biệt danh “Út trọc” đề nghị hội đồng xét xử của phiên tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bản án đó là oan sai cho bị cáo.
Truyền thông trong nước, vào ngày 30 tháng 10 dẫn lời kháng cáo vừa nêu của bị cáo “Út trọc”, tại piên tòa phúc thẩm, diễn ra trong trong cùng ngày. Bị cáo “Út trọc” còn khẳng định đã bị vu khống trong vụ cho thuê xe biển số đỏ.
Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo toàn bộ bản án sở thẩm của các bị cáo Đinh Ngọc Hệ, Trần Văn Lâm và Phùng Danh Thắm.
Trước đó, vào ngày 31 tháng 7, Tòa án Quân Khu 7 tuyên án đối với tổng cộng 5 bị cáo, bao gồm 3 bị cáo kháng cáo nêu trên cùng với bị cáo Bùi Văn Tiệp và Trần Xuân Sơn. Trong đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ, cấp bậc Thượng tá bị tuyên 12 năm tù giam với cáo buộc ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.’
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phùng Danh Thắm cũng thay đổi kháng cáo, thừa nhận hành vi phạm tội, không kêu oan và xin giảm nhẹ hình phạt.
Liên quan đến vụ án, nhân chứng được cho quan trọng là ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, vắng mặt ở phiên tòa phúc thẩm vì phải sang Mỹ tái khám với lý do mà gia đình cho biết để điều trị bệnh tim.
Đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương cho rằng sự vắng mặt của nhân chứng Lê Thanh Cung không ảnh hướng đến phiên tòa phúc thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử công bố lời khai của nhân chứng Lê Thanh Cung nếu thấy cần thiết. Tuy nhiên, bị cáo “Út trọc” cùng luật sư đề nghị tòa tiếp tục triệu tập nhân chứng quan trọng này.
Ông nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương bị cáo buộc có ý kiến chỉ đạo trong vụ Cây xăng Thái Dương của Bộ Quốc Phòng bị niêm phong do chứa hơn 20 ngàn lít xăng kém chất lượng. Ý kiến chỉ đạo của ông Lê Thanh Cung bị nói làm thất thoát ngân sách gần 1 tỷ rưỡi đồng Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-appeal-against-ut-troc-takes-place-today-10302018082817.html

Tỉnh Vĩnh Long kêu cứu

vì Trung Quốc ngừng mua khoai lang

Tỉnh Vĩnh Long vừa cầu cứu Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn vì Trung Quốc ngừng mua khoai lang khiến khoai lang giảm giá mạnh.
Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30 tháng 10 năm 2018.
Cụ thể Tỉnh Vĩnh Long đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét, báo cáo Chính phủ để đàm phán, thỏa thuận với phía Trung Quốc đưa khoai lang vào danh mục hàng hóa được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, khoai lang là một trong ba cây trồng chủ lực tại tỉnh Vĩnh Long, hiện sản phẩm này chiếm hơn 8,15% giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh. Từ năm 2012 đến nay, diện tích khoai lang của tỉnh được duy trì, phát triển ổn định từ 10 ngàn đến 14,5 ngàn ha. Tổng sản lượng đạt từ 300 ngàn đến 400 ngàn tấn mỗi năm.
Trong nhiều năm qua khoai lang ở Vĩnh Long chỉ xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trong những tháng cuối năm 2018, giá khoai liên tục giảm mạnh, thấp hơn giá thành sản xuất, làm cho người trồng bị thua lỗ. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long, giá giảm là do phía Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu.
Một sản phẩm khác cũng đang kêu cứu vì bị nhái nhãn mác, đó là Tỏi Lý Sơn. Hiện huyện đoàn Lý Sơn đã mua và đưa đi tiêu thụ khoảng 35 tấn tỏi với giá cao hơn giá thị trường để giúp người trồng tỏi.
Ngoài việc thu mua tỏi, huyện đoàn Lý Sơn cũng kêu gọi người dân tiêu thụ giúp sản phẩm tỏi Lý Sơn.
Trả lời báo Dân Việt, ông Phạm Văn Vương – Bí thư Huyện đoàn Lý Sơn cho biết hiện diện tích đất trồng tỏi, hành toàn đảo là 326,5ha với 3.884 hộ dân tham gia sản xuất.
Do đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng, Tỏi Lý Sơn có chất lượng thơm ngon vượt trội so với sản phẩm cùng loại trồng ở nơi khác nên được người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-chinese-have-stopped-buying-sweet-potato-from-vinh-long-10302018084147.html

Hà Nội yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm

tại rừng phòng hộ Sóc Sơn

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các hộ dân tự tháo dỡ các công trình vi phạm ở rừng đặc dụng Sóc Sơn. Nếu không thực hiện thì cơ quan này sẽ quyết định cưỡng chế bất kể người đó là ai.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu của chủ tịch thành phố Hà Nội, Ông Nguyễn Đức Chung, tại phiên họp giao ban của thành phố diễn ra hôm 30/10.
Theo ông chủ tịch thành phố Hà Nội thì Ban Quản lý Rừng Đặc dụng Sóc Sơn với các xã huyện, dù đã phân cấp thanh tra xây dựng nhưng làm việc vẫn hời hợt và nhiều yếu kém. Ông yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm trật tự xây dựng ở Huyện Sóc Sơn. Riêng 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng phải bị cưỡng chế.
Vị chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh tại phiên họp rằng sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm bất kể người đó là ai.
Gần đây, công luận đặc biệt quan tâm đến tình trạng chiếm dụng đất rừng phòng hộ Sóc Sơn để xây biệt phủ và khu du lịch. Trong khi đó thì lãnh đạo địa phương không thừa nhận sai phạm và cho rằng những công trình kiên cố đó chỉ là nhà tạm.
Sau khi báo chí lên tiếng phản ánh tình trạng sai phạm trong việc cấp hơn 200 sổ đỏ cho việc nhận và chuyển nhượng đất rừng cùng với việc quản lý lỏng lẻo của huyện khiến đất rừng bị “xẻ thịt” nhưng đến nay tình trạng vẫn tiếp diễn tại một số biệt phủ và khu du lịch sinh thái.
Một trong những biệt thự được nói đến là của cô ca sỹ Mỹ Linh. Cô này bị cư dân mạng phản đối mạnh mẽ sau khi có phát biểu đồng tình với việc xây dựng nhà hát giao hưởng tại khu vực Thủ Thiêm. Đây là nơi mà nhiều người dân đang phải khiếu nại do biện pháp cưỡng chế vi phạm luật được Thanh Tra chính phủ xác nhận.
Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng lên tiếng xin lỗi về những sai phạm đất đai như thế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-request-to-remove-illegal-buildings-at-soc-son-protection-forest-10302018095042.html

In những quyển sách “nhạy cảm”

tại Việt Nam như thế nào?

Kính Hòa RFA
Trong quyết định đưa ra vào ngày 25/10/2018 của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức có đoạn viết:
Nhà xuất bản Tri thức do Giáo sư Chu Hảo làm Giám đốc đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời vi phạm Luật xuất bản nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy.
Cho tới nay vẫn không thấy Đảng Cộng sản đưa ra thông báo quyển sách nào Giáo sư Chu Hảo cho xuất bản bị trái với chủ tương của họ. Nhưng người ta nhớ đến quyển sách Petrus Ký nỗi oan thế kỷ, tác giả là học giả Nguyễn Đình Đầu, do Nhà xuất bản Tri thức thực hiện, đã được in nhưng bị đình lại, vào tháng 1/2017.
Quyển sách này nói về một nhân vật lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ thứ 19 là ông Trương Vĩnh Ký, được nhìn nhận như một nhà văn hóa của Việt Nam vào thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với văn hóa Tây Phương. Nhưng ông lại là người hợp tác với người Pháp cho nên bị chính quyền Việt Nam hiện nay xem như một người hợp tác với thực dân xâm lược.
Theo nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, hiện về hưu tại Sài Gòn, thì những quyển sách mà Giáo sư Chu Hảo cho xuất bản mang nội dung truyền bá triết học, dân chủ phương Tây, và đó là một trong những nguyên nhân mà ông bị kỷ luật, và dĩ nhiên sẽ không còn được làm việc công khai xuất bản sách nữa.
Trong bức thư được công bố về việc ra khỏi Đảng Cộng sản của mình, ký vào ngày 26/10/2018, Giáo sư Chu Hảo nêu rõ rằng dù đã không còn tin tưởng Đảng Cộng sản nữa, nhưng ông đã sử dụng thế đứng của mình trong đảng để có thể làm những việc có ích.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bình luận rằng việc đó là một thực tế ở Việt Nam, khi muốn làm bất cứ một việc gì quan trọng thì phải có mối qaun hệ với Đảng Cộng sản.
Việt Nam là một quốc gia do Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo, và đảng này có hẳn những cơ quan kiểm duyệt rất chặt chẽ việc xuất bản sách, để ngăn chận những quyển sách không phù hợp với tư tưởng cộng sản của đảng.
Nhưng ngược  dòng thời gian gần hai mươi năm trở lại đây, nhiều quyển sách gọi là có nội dung “nhạy cảm”, đã được các nhà xuất bản của nhà nước cho ra đời bằng nhiều cách khác nhau.
Vào năm 2000 quyển sách tự truyện của nhà văn quá cố Bùi Ngọc Tấn, Chuyện kể năm 2000, đã được nhà xuất bản Thanh Niên cho ấn hành, mặc dù người chịu trách nhiệm biên tập quyển sách này biết rằng nội dung của nó không được Đảng Cộng sản chấp nhận, vì nó mô tả xã hội Việt Nam trong mô hình cộng sản áp chế nhiều tầng nấc khác nhau. Theo nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một cựu tù chính trị, người ta đã lợi dụng thời gian Tết Nguyên đán để in quyển sách này nhằm lọt lưới kiểm duyệt.
Vào năm 2013, quyển sách Trại súc vật của nhà văn Anh Georges Orwell được in ở Việt Nam bằng cách đổi tên thành Chuyện ở nông trại. Quyển sách này cũng mô tả một xã hội cộng sản theo mô hình Stalin với nhiều sự áp bức, mặc dù đề cao sự bình đẳng.
Cơ quan kiểm duyệt sau đó đã phát hiện ra nội dung quyển sách và lặng lẽ thu hồi.
Tháng 6/2017, quyển hồi ký chính trị của sử gia Trần Trọng Kim, Dọc đường gió bụi, được xuất bản rồi bị ngừng lại. Quyển sách này mô tả những ngày đầu tiên nhà nước cộng sản Việt Nam được thành lập vào năm 1945, trong đó tác giả có nói đến việc những người cộng sản dùng bạo lực để ép dân chúng bỏ phiếu cho mình. Theo Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, hiện nay sự kiểm duyệt ở Việt Nam vẫn chưa thể chấp nhận những hồi ký chính trị như vậy, mặc dù trong đó chỉ kể lại những gì đã xảy ra.
Tháng 9/2017, quyển Mối chúa của nhà văn Tạ Duy Anh được in ra rồi bị thu hồi vì giới chức kiểm duyệt cho rằng quyển sách mô tả nông thôn Việt Nam đen tối quá. Theo lời tác giả nói với đài RFA thì nội dung chính của tác phẩm là tố cáo những quyền lực đen tối đã và đang áp bức người nông dân Việt Nam.
Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày. Chúng tôi muốn tác phẩm sinh ra phải như một cơ thể sống đầy đủ hình hài.
-Nhà thơ Lý Đợi.

Tháng 7/2018, quyển sách Garma Vòng tròn bất tử, nói về việc bộ đội hải quân Việt Nam tại Trường Sa vào năm 1988 bị tàu chiến Trung Quốc thàm sát, được chính thức phát hành sau bốn năm xin giấy phép của 14 nhà xuất bản khác nhau. Cuốn sách sau đó lại bị thu hồi viện dẫ những lý do kỹ thuật.
Bên cạnh những quyển sách được các nhà xuất bản “chính thống” cho ra đời, còn có việc xuất bản sách của những nhóm tự phát, một trong những nhóm đó có tên là “Nhà xuất bản giấy vụn.” Nhóm này bắt đầu hoạt động từ những năm 1990, một trong những sáng lập viên của nhóm là nhà thơ Lý Đợi nói với đài RFA:
“Công việc của chúng tôi là giúp cho các tác giả tác phẩm vì lý do nào đó mà bị kiểm duyệt cắt xén có được nơi trình bày. Chúng tôi muốn tác phẩm sinh ra phải như một cơ thể sống đầy đủ hình hài.”
Chính nhóm này đã ấn hành quyển Trại súc vật rất lâu trước khi nó được nhà xuất bản Nhã Nam đổi tên thành Chuyện ở nông trại để in một cách chính thức, vượt qua lưới kiểm duyệt.
Với sự phát triển của thương mại điện tử toàn cầu, càng về sau càng có nhiều tác giả cho phát hành sách của mình bằng những phiên bản điện tử, từ nước ngoài. Một trong những tác phẩm gây tiếng vang gần đây là quyển Chính trị bình dân của nhà báo, hoạt động xã hội Phạm Đoan Trang, được ra đời vào năm 2017. Theo tác giả mục đích của quyển sách là phổ cập kiến thức chính trị đến với người Việt Nam bình thường, thoát khỏi cách giải thích độc quyền của Đảng Cộng sản về những khái niệm chính trị lâu nay.
Cuối cùng, còn một kênh xuất bản sách nữa tại Việt Nam mà qua đó những quyển sách bị cho là “nhạy cảm”, bị kiểm duyệt được ra đời, đó là những người in sách lậu. Kênh xuất bản này chạy đúng theo nguyên tắc thị trường, sẽ in những quyển sách nào bị cấm mà được ưa chuộng.
Sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, nhà thơ Đỗ Trung Quân cho rằng những quyển sách của nhà xuất bản Tri thức vốn mang tính triết lý hay phân tích xã hội, kén người đọc, lại có thể sẽ được nhiều người quan tâm sau “bản án” của ông Chu Hảo, và vì thế những người in sách lậu sẽ quan tâm đến việc phát hành những quyển sách này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/sensible-books-vietnam-10302018113515.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?