Nhận định về Ông Ngô Đình Diệm và nền Đệ nhất Cộng Hòa

30-10-2018
Ảnh chân dung TT Ngô Đình Diệm. Nguồn: internet
Các ngày gần đây, Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại New South Wales Úc Đại Lợi, lần đầu tiên quyết định chính thức tổ chức lễ tưởng niệm cố tổng thống Ngô Đình Diệm.
Sự kiện này gây nhiều tranh cãi và chia rẽ trong cộng đồng.
Như những người dân nước Việt, chúng ta không thể trốn chạy lịch sử nhưng cần phải nhìn lịch sử khách quan hầu quyết định lập trường của mình. Tôi xin phép trình bày quan điểm của tôi như sau.
Lịch sử hiện đại khó phân tích một cách khách quan tình hình Nam Việt Nam trong giai đoạn này. Tổng thống đầu tiên của Đệ nhất Cộng hòa là ông Ngô Đình Diệm. Có nhiều cuộc tranh luận và ý kiến khác biệt về giai đọan này của lịch sử, tuy nhiên một cách tổng quát thì hiện có 2 quan điểm mà ta cần phải cân nhắc:
a. Quan điểm chống ông Ngô Đình Diệm
b. Quan điểm ủng hộ ông Ngô Đình Diệm
Một cách thông thường thì chân lý có thể không nằm ở một quan điểm cực đoan nào.
I. Quan điểm chống ông Ngô Đình Diệm:
Những người chủ xướng quan điểm này cho rằng, dưới áp lực của người Mỹ, quốc trưởng Bảo Đại ở Nam Việt Nam, người thừa kế cuối cùng của triều Nguyễn, đã bị hy sinh để nhường lối cho một người hùng mới là ông Ngô Đình Diệm, một nhân vật đã từng là Đệ nhất Công thần dưới triều Bảo Đại và là người chưa hề tham gia vào cuộc đấu tranh gian nguy và anh dũng nào để giải phóng quốc gia khỏi sự đô hộ của người Pháp, ngoại trừ việc có ủng hộ phần nào cho các hoạt động của cựu hoàng Cường Để. Từ năm 1945 ông ta nhận ra rằng giải pháp Cường Để không còn hấp dẫn nữa và đã bắt đầu nuôi dưỡng mối quan hệ với Mỹ.
Bằng cách ấy ông Ngô Đình Diệm, một tín đồ Thiên chúa giáo trung kiên đã củng cố được sự ủng hộ của Mỹ trước khi cầm quyền. Nhờ ông anh là tổng giám mục Ngô Đình Thục, ông ta được giới thiệu với vị giáo sĩ đứng đầu ngành tuyên úy trong quân đội Mỹ, Đức Hồng Y Spellman. Từ năm 1951, ông ta đã ở Mỹ 2 năm trong giáo đường công giáo Maryknol ở New Jersey và Ossining Monasteries ở New York. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Hồng Y Spellman, ông ta đã nhận được sự ủng hộ của những chính trị gia có ảnh hưởng lớn như các thượng nghị sĩ Mike Mansfield và John Kennedy, dân biểu Walter Judd, quan toà William Douglas và một số chính trị gia Thiên chúa giáo khác ở Mỹ. Do đó, giải pháp cần có một tổng thống Thiên chúa giáo ở miền Nam Việt Nam được sự ủng hộ của Mỹ ngay vào lúc ấy, cũng như sau này đối với một tín đồ khác là ông Nguyễn Văn Thiệu vào thời Đệ nhị Cộng hòa (Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi, Đỗ Mậu, 1986, tr.105).
Với viện trợ của Mỹ trong tay, ông Diệm thắng một cuộc trưng cầu dân ý nhiều người tố là gian lận trong mục tiêu đem lại cho ông cái phương tiện lật đổ Bảo Đại rồi tuyên bố tự lập là tổng thống Cộng hòa Việt Nam. Ông ta được 98.2 % phiếu, và tại Sài Gòn, ông Diệm còn đựơc một phần ba số phiếu nhiều hơn là số cử tri ghi danh. (Vietnam, Laos and Cambodia, by Daniel Robinson and Joe Cummings, The Lonely Planet, 1991, tr.24).
Nhiều học giả sau này, trong đó có Hoàng Văn Chí, lập luận rằng nếu người Mỹ thật tâm muốn đem lại dân chủ và pháp trị cho Nam Việt Nam, họ đã có thể khuyến cáo ông ấy rằng phương thức thích đáng và hợp pháp là phải tôn trọng sự thông minh của dân Việt Nam bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để nhân dân quyết định xem họ có thích chế độ cộng hoà hơn quân chủ hay không đã.
Rồi khi nhân dân quyết định chọn nền cộng hòa, một quốc hội lập hiến phải thảo ra một hiến pháp trước và sau đó tổng tuyển cử được tổ chức để cho mọi ứng cử viên được đứng ra tranh cử vào các chức vụ tổng thống lẫn quốc hội. Ông Ngô Đình Diệm sẽ chỉ là một trong nhiều ứng cử viên tổng thống, bao gồm những nhân vật cách mạng trong lịch sử Việt Nam đã suốt đời chiến đấu chống chế độ thực dân Pháp, chẳng những có tiếng tăm hơn mà còn được nhiều tổ chức ủng hộ hơn ông Diệm. Họ đang tị nạn ở miền Nam sau khi cộng sản cai trị miền Bắc. Nếu người Mỹ hiểu biết nhiều hơn những sự tế nhị về tôn giáo và lịch sử của nhân dân Việt Nam, họ đã có thể giúp cho những lực lượng quốc gia thực sự yêu nước ở Việt Nam xây dựng một chế độ chính trị được nhiều người ủng hộ hơn, chế độ ấy cũng chống cộng và còn có thể chống mạnh hơn nữa vì tất cả các lực lượng quốc gia đều bị cộng sản đàn áp. Mức độ đổ máu do đó có thể giảm bớt đi nhiều.
Tuy nhiên vì sợ rằng nhân tuyển của họ thất bại trong một cuộc bầu cử như vậy, người Mỹ chấp nhận cái cuộc vận động bất hợp pháp ấy, và để đơn giản hóa vấn đề họ chấp nhận biến Việt Nam thành một nước cộng hoà và đồng thời đặt ông Diệm làm tổng thống cùng một lượt. Sau đó họ làm áp lực cho các nước đồng minh của họ như Pháp, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Ý Đại Lợi, Nhật, Thái Lan và Nam Hàn mau lẹ thừa nhận chế độ mới và vị quốc trưởng mới.
Bằng cách ấy Nam Việt Nam được đưa vào quĩ đạo những quốc gia tự do trên thế giới dưới sự lãnh đạo của người Mỹ.
Với những cố vấn Mỹ bên mình và tiền bạc trong tay, ông Diệm loại bỏ lực lượng võ trang riêng của các giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo, nhóm võ trang Bình Xuyên (ibid, tr.25). Đại tá Edward Lansdale, một trùm CIA, là nhân tố chủ chốt đem lại thành công cho chế độ mới.
Chính Lansdale đã phá hỏng kế hoạch đảo chính của tướng Nguyễn Văn Hinh, thuyết phục tướng Trình Minh Thế ủng hộ Diệm và kêu gọi được các tướng Đỗ Cao Trí (tư lệnh lực lượng mũ xanh), Dương Văn Minh (tư lệnh quân khu Sài Gòn) và Trần Văn Đôn (tham mưu trưởng liên quân) giúp ông Diệm dẹp các lực lượng Hòa Hảo, Bình Xuyên. Tướng Lansdale đã cung cấp vật chất và phương tiện quản trị để định cư 800.000 người tỵ nạn từ Bắc Việt Nam vào, phần lớn là những người Thiên chúa giáo ủng hộ chế độ. Sự can thiệp của ông ta với bộ ngoại giao Mỹ rõ ràng đã cứu được cuộc đời chính trị của Diệm khi Bảo Đại muốn cách chức thủ tướng của Ông Diệm. Thực vậy chính John Foster Dulles, bộ trưởng ngoại giao Mỹ, đã công khai ủng hộ ông Diệm vào thời điểm nguy kịch ấy trong cuộc đời chính trị của ông ta (55 Ngày & 55 Đêm Cuộc Sụp Đổ Của Việt Nam Cộng Hòa, Chính Đạo, 1989, tr.58-9).
Dưới thời Ông Diệm, tất cả đối lập chính trị ở Nam Việt Nam đều bị loại trừ. Theo Nguyễn Văn Châu, một thời là người thân tín nhất của ông ta, đồng đạo Thiên chúa giáo và là chủ tịch uỷ ban quân quản của đảng Cần lao Nhân vị, thì ông Diệm không thể chấp nhận bất kỳ một loại đối lập chính trị nào (Ngô Đình Diệm Và Nỗ Lực Hòa Bình Dang Dở, Nguyễn Văn Châu, 1989, tr.76).
Cũng vì lý do đó ông Diệm cảm thấy cần phải có một tổ chức ủng hộ mình. Với sự giúp đỡ của em là ông Ngô Đình Nhu, ông Diệm lập ra Cần lao Nhân vị Đảng để làm chỗ dựa cho mình và củng cố quyền hành. Đảng này khơi nguồn cảm hứng từ triết lý Thiên chúa giáo và sự pha lẫn một số tư tưởng chính trị như tư tưởng của Emmanuel Mounier (nhân vị chủ nghĩa) và của Philippe Pétain (cách mạng quốc gia) (Chính Đạo, ibid, tr.60). Những cán bộ được đảng tin tưởng nhất đều là người Thiên chúa giáo và nói chung đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp và chặc chẽ của gia đình họ Ngô. Khi thế lực lên đến cao điểm, đảng đã có thể kiểm soát một số tổ chức bình phong như Phong trào Cách mạng Quốc gia, Phong trào Công chức Cách mạng, Giáo chức Học sinh Và Sinh viên Cách mạng, Hội Thương gia Cách mạng, Hội Phụ lão Cách mạng, Hội Nạn nhân Cộng sản… (ibid, tr.91).
Tuy nhiên vì không được quần chúng ủng hộ, vì bản chất độc tài của giới lãnh đạo và vì thiếu khả năng chính trị, đảng đã mang tai tiếng. Nó đã không còn tồn tại khi cả chế độ bị sụp đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và cả hai ông Diệm và Nhu đều bị bắn chết.
II. Quan điểm thân Ngô Đình Diệm:
Theo quan điểm này mà đại diện là tiến sĩ Phạm Văn Lưu (Biến Cố Chính Trị Việt Nam Hiện Đại I: Ngô Đình Diệm Và Bang Giao Việt Mỹ 1954-1963, Phạm Văn Lưu, tr. 12,15) thì cái yếu tố quyết định đã đưa tổng thống họ Ngô lên nắm quyền là quyết định của quốc trưởng Bảo Đại muốn tìm một thủ tướng trẻ trung, thông thạo và rất mực thanh liêm để lèo lái con thuyền quốc gia trong thời điểm khó khăn. Rõ ràng là ông Diệm hội đủ điều kiện và được sự ủng hộ của nhà vua. Sự việc mà ông ấy từ bỏ chức vụ ngày 1.9.1933 vì Toàn quyền Pháp lúc bấy giờ là Pasquier từ chối thực thi những đề nghị cải cách dân chủ của ông ấy chứng tỏ sự liêm khiết và lòng ái quốc của ông.
Ông ta đã nhiều năm đấu tranh chống lại sự đô hộ của người Pháp bằng cách liên minh với Cựu hoàng Cường Để. Ông ta cũng đã đóng góp vào việc chống cộng và cộng sản đã bắt giam ông ta một thời gian ở Quảng Ngãi (ibid, tr.31).
Ông ta lưu vong sang Trung Quốc (1947), Nhật Bản (8/1950) và Mỹ (cuối năm 1950), điều ấy chứng tỏ ông ta quan tâm đến định mệnh Việt Nam trong môi trường chính trị quốc tế. Sự kiện mà ông ta nuôi dưỡng mối quan hệ với Mỹ chỉ là một bước tính toán khôn ngoan của một chính khách tầm cỡ quốc tế rất hiếm hoi vào thời điểm khó khăn ấy của lịch sử đất nước.
Ngay cả nhà ái quốc lão thành và khả kính Phan Bội Châu cũng được kể lại là đã nhắc đến tên tuổi của ông Diệm với sự quí trọng và lòng tôn kính (ibid, tr.19).
Để đáp lại lời cáo buộc rằng chính phủ ông là một chính phủ Thiên chúa giáo, những người ủng hộ ông đã nhắc đến sự kiện là năm 1963, trong 18 nhân vật nội các có 5 người là Thiên chúa giáo, 8 người Phật giáo, 3 người Nho Giáo, 1 người Cao Đài giáo và 1 người thuộc giáo phái Hòa Hảo. Về phía quân sự, trong 19 tướng lãnh vào năm 1963 chỉ có 4 người là Thiên chúa giáo và các tư lệnh của 4 quân khu chỉ có một người là Thiên chúa giáo (ibid, tr.223-4).
Điều ấy chứng tỏ là tổng thống Diệm luôn đứng trên mọi sự chi phối của tôn giáo. Rõ ràng ông ta là tổng thống của mọi người Việt Nam chớ không phải riêng của người Thiên chúa giáo.
III. Quan điểm quân bình của lịch sử:
Lẽ tất nhiên ai cũng có thể tán đồng quan điểm này hay quan điểm khác, tuy có nhiều mâu thuẫn và chứng liệu khác nhau, nhưng hầu như ai cũng công nhận rằng tổng thống Ngô Đình Diệm là một quan lại rất liêm khiết, một nhà ái quốc và trong thời điểm rối ren ấy của lịch sử, ông ta quả có những kỳ vọng cải tổ Việt Nam. Hơn nữa ông ta là một con người của định mệnh, vì, do hấp thụ nền học vấn Tây Phương, ông ta được nhiều giới trong xã hội coi như là một nhân vật khả dĩ dung hợp được cả quá khứ và tương lai. Đặc biệt ông ta có được sự ủng hộ có tính cách quyết định của người Mỹ.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông được tiếp nhận với nhiều nỗi băn khoăn lẫn kỳ vọng cả ở bên trong Việt Nam lẫn nơi những người ủng hộ ông từ Mỹ quốc. Thật ra những năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông được coi là thời kỳ tốt đẹp nhất của Nam Việt Nam hiện đại trong thâm tâm của đa số người miền Nam. Nam Việt Nam được bình định, những phe phái chính trị hữu danh vô thực và các “lãnh chúa” đều bị loại trừ. Kinh tế ổn định và trên đà phát triển. Tuy nhiên ông đã thất bại trong ba thử thách có tính cách quyết định. Những thất bại này là lý do then chốt cho sự sụp đổ của chế độ:
– Thứ nhất, cũng như nhiều đảng phái chính trị khác, đảng Cần lao Nhân vị của ông gồm có 2 phe chính: phe ôn hoà và phe quá khích. Những thành phần ôn hòa, mặc dầu là giáo dân trung kiên nhưng cũng hoà nhịp được với sự nhạy bén trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc và thành thật cổ vũ cho khái niệm sống chung hoà bình về tôn giáo ở Việt Nam. Phái quá khích lại một mực tin rằng giải pháp tốt nhất về lâu dài cho vấn đề Việt Nam, trong lĩnh vực chống cộng, là phải công giáo hóa Nam Việt Nam, để từ đó biến toàn cõi Việt Nam thành một thành trì vững chắc để chống lại sự công kích dữ dội của cộng sản. Những phương thức cải tạo của họ nhiều khi thô bạo và bất chấp đạo lý.
Tổng thống Diệm không kiểm soát được những hành động thái quá của những phần tử cực đoan trong đảng Cần lao Nhân vị và do đó ông ta không bắt kịp những biến chuyển về chính trị ở Nam Việt Nam.
– Thứ hai, ông ta không ngăn chận được những người ruột thịt trong gia đình can dự vào việc nước. Đặc biệt là những hành vi quá mức của cô em dâu, bà Ngô Đình Nhu (trong khi chồng bà là một lý thuyết gia bên trong đảng Cần lao Nhân vị đã chứng tỏ là một cố vấn có khả năng và khả kính của tổng thống) và của ông em là Ngô Đình Cẩn.
Nhân vật sau, Ngô Đình Cẩn, thực sự lãnh đạo một triều đình nhỏ ở miền Trung Việt Nam và đã dung dưỡng những sự lạm dụng quyền thế tệ hại nhất, điều ấy làm tổn thương đến uy tín của tổng thống. Những cái quá đáng của bà Ngô Đình Nhu không thể chấp nhận được và đúng ra lại càng khó chấp nhận hơn nữa trong một xã hội mà mọi người cho rằng địa vị của người phụ nữ chỉ nằm trong bếp và thư phòng thay vì xuất hiện trên vũ đài chính trị.
Bởi vậy cho nên nhiệm kỳ tổng thống của ông được gọi là một chế độ “gia đình trị” và cái nhãn hiệu ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay, không phải không có lý do.
Cố nhiên cái thất bại thứ nhất liên quan đến vấn đề tôn giáo quan trọng hơn cái yếu tố thứ hai trong sự sụp đổ của ông. Một cách khách quan không thể nào chối cãi được là trong nhiệm kỳ của ông đã có những hành động chống lại các hàng giáo phẩm Phật giáo. Mặc dầu những hành động ấy có thể không được ông tán thành và cũng không có sự đồng tình của đa số người Thiên chúa giáo nữa, ông ta không thể không chịu trách nhiệm vì, trên nguyên tắc, trách nhiệm dù thế nào đi nữa cũng phải nằm nơi chức vụ tổng thống.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn vì người cộng sản phá rối, xâm nhập hàng loạt vào hàng giáo phẩm Phật giáo. Số cán bộ của họ rất thiện nghệ và thành công trong việc khích động quần chúng đấu tranh chính trị để gây rối ngõ hầu có thể thôn tính miền Nam Việt Nam.
Về nhiều phương diện, sự thất bại của tổng thống Diệm không phải chỉ là sự thất bại của riêng cá nhân ông, cũng không phải chỉ là sự thất bại của đảng chính trị mà ông lãnh đạo, nhưng chính là sự thất bại của cả một thế hệ trí thức tiến bộ cả nam lẫn nữ, thuộc nhiều tầng lớp xã hội thời bấy giờ muốn đem tất cả thiện chí ra xây dựng một nền dân chủ cho Nam Việt Nam chống lại chủ thuyết cộng sản miền Bắc.
– Thứ ba, vào một thời điểm chuyển tiếp đầy rối ren về chính trị, cả tổng thống Diệm lẫn đảng Cần lao Nhân vị không đủ khả năng để động viên được sự giúp đỡ của các đảng phái quốc gia đang lánh nạn ở miền Nam Việt Nam để tránh sự đàn áp của cộng sản miền Bắc. Những đảng phái này cùng với người Mỹ và các tướng lãnh đã trở thành những nguyên nhân chính đưa đến sự cáo chung thảm hại của giai đoạn lịch sử mang tên ông ta.
Ngoài 3 điểm thử thách trên, chúng ta cũng không thể chấp nhận được lý luận của những người ủng hộ ông đã cho rằng: ông ta chiếm được quyền hành chỉ thuần nhờ vào đức hạnh, danh tiếng, sự ngưỡng mộ của vua Bảo Đại chớ không phải vì nhờ vào người Mỹ. Thật ra nếu không có sự hậu thuẫn của người Mỹ, ông khó lòng có thể sống còn qua giai đoạn chuyển tiếp rất gay cấn thời Hậu Pháp. Tuy vậy cũng phải thẳng thắn công nhận rằng mặc dầu người Mỹ đưa ông ta lên để làm bù nhìn, ông ta không bao giờ muốn làm bù nhìn cho Mỹ mãi mãi. Trên thực tế, sự việc ông chống lại một sự can thiệp trực tiếp rộng lớn hơn về quân sự của Mỹ trong nhiệm kỳ chót của ông là một yếu tố khiến cho người Mỹ quyết định loại ông ra khỏi quyền hành.
Tuy rằng có nhiều khuyết điểm, ông vẫn xứng đáng có một địa vị khả kính trong lịch sử Việt Nam. Mặc dầu thất thế, sự chiến đấu cuối cùng của ông để giữ địa vị và quyền hành đã chứng tỏ sự can đảm và lòng xác tín vào lập trường chính trị của mình. Điều ấy cộng với sự rối loạn về chính trị sau khi ông chết đã đè nặng lên lương tâm nhóm tướng lãnh đã gián tiếp hay trực tiếp dính líu vào cái chết của ông.
Ngày hôm nay, duyệt lại lịch sử, trong thời đại tin học và toàn cầu hóa thông tin, chúng ta có thể nhận xét tương đối khách quan rằng, những khuyết điểm của hai nền Đệ Nhất lẫn Đệ Nhị Cộng Hòa tại Nam Việt Nam, tuy có tệ hại, nhưng không vượt ra ngoài phạm vi của những khuyết điểm thường xảy ra trong các chế độ chính trị trên đà dân chủ hóa. Các quốc gia Á Đông dân chủ hiện nay như Đài Loan, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Nam Dương, Thái Lan … cũng đều qua những giai đoạn tương tự. Những khuyết điểm của chính quyền Ngô Đình Diệm mang tính cá thể và đoản kỳ, hoàn toàn không có khả năng hủy diệt triệt để tiến trình dân chủ hóa đất nước, cũng không hề mang tính độc tài toàn trị như các chế độ độc tài theo chủ thuyết Mác-Lê.
Người Mỹ không nên chọn Ông Diệm lãnh đạo miền Nam Việt Nam ngay từ đầu mà nên chọn những anh hùng kháng Pháp thực sự như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam v..v… hầu chính quyền có sự hậu thuẫn của toàn dân hơn. Tuy nhiên một khi đã đặt ông vào vị trí lãnh đạo, tác động lật đổ ông đã gây nhiều bất ổn xã hội để người cộng sản lợi dụng, thanh toán miền Nam và áp đặt chuyên chính vô sản trên toàn cỏi đất nước. Đó mới thật sự là một hành động thiếu viễn kiến, di họa cho người Việt trên cả hai miền Nam Bắc.
Với tất cả những khuyết điểm bình thường của những chế độ chính trị trên đà dân chủ hóa, hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam không khác tình trạng các chế độ chuyển tiếp tại Nam Hàn hoặc Đài Loan. Nếu một trong hai nền cộng hòa ấy đứng vững, vượt qua những thử thách cam go của lịch sử, không bị CSVN thanh toán, thì ngày hôm nay miền Nam Việt Nam đã nghiễm nhiên là một nền dân chủ bền vững với nền kinh tế phát triển không kém gì Nam Hàn và Đài Loan rồi.

https://baotiengdan.com/2018/10/30/nhan-dinh-ve-ong-ngo-dinh-diem-va-nen-de-nhat-cong-hoa/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?