Tin Biển Đông – 31/10/2018



Tin Biển Đông – 31/10/2018

Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ John Richardson vừa tuyên bố lực lượng này sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông nhằm chống lại những “tuyên bố chủ quyền biển phi pháp”.
Ông Richardson đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc họp báo với giới sĩ quan quân đội Philippines ở thủ đô Manila hôm 29.10, vài giờ sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Davao rằng một số “nước ngoài khu vực” đang gây rối ở Biển Đông và phô diễn lực lượng”, theo AP. Ông Vương còn lên giọng kêu gọi các nước Đông Nam Á chống lại “sự can thiệp của nước ngoài” ở khu vực.
Hôm 30.9, một tàu khu trục Trung Quốc có hành vi quấy rối chiến hạm Mỹ USS Decatur khi tàu này tuần tra duy trì tự do hàng hải gần đá Gaven, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và biến thành đảo nhân tạo phi pháp.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình tự do lưu thông này”, ông Richardson nhấn mạnh và cho hay những hoạt động tuần tra như thế thể hiện lập trường của Mỹ chống lại những “tuyên bố chủ quyền biển phi pháp”.
Hôm 16.10, Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 diễn tập ở Biển Đông và báo Business Insider dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Randall Schriver khẳng định: “Trung Quốc đã quân sự hóa thành công một số tiền đồn, hành vi của họ ngày càng mạnh bạo và chúng tôi đang nỗ lực đưa ra ứng phó phù hợp”.
Trước đó, CNN dẫn một số nguồn tin cho hay Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đã lên kế hoạch phô diễn sức mạnh quân sự trước Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông trong tháng tới.

Hải Quân Mỹ- Trung Quốc

sẽ còn gặp nhau nhiều hơn trên các vùng biển lớn

Hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ngày càng nhiều hơn nữa trên các vùng biển lớn.
Đây là tuyên bố mà Tư lệnh Hải Quân Mỹ John Richardson đưa ra tại Jakarta, Indonesia vào ngày 30 tháng 10 và được mạng Sputnik News loan tin trong cùng ngày.
Tuyên bố vừa nêu của Đô Đốc John Richardson được đưa ra một ngày sau chuyến thăm Philipines. Tại đó ông cũng khẳng định với Manila về mối quan hệ hữu nghị, đối tác và đồng minh lâu nay giữa hai phía. Ngoài ra Đô đốc John Richardson cũng tuyên bố khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra ở khu vực Biển Đông trong chương trình tự do hàng hải nhằm thách thức những đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc tại vùng biển này.
Hồi tháng 9, tàu khu trục USS Decatur của Hải quân Mỹ buộc phải chuyển hướng để tránh va chạm với một tàu chiến Trung Quốc trong khoảng cách dưới 45m và Washington đã gọi đây là hành động “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” của Bắc Kinh.
Đố đốc hải quân Hoa Kỳ khẳng định rằng sự việc diễn ra tháng trước sẽ không ngăn cản được Hoa Kỳ tiếp tục thực thi quyền tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Trong khi đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị trong chuyến thăm Philippines hôm 29/10 cũng lên tiếng lặp lại quan điểm là các nước bên ngoài khu vực đang gây bất ổn ở vùng tranh chấp Biển Đông và phô diễn sức mạnh.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông, nơi mà các nước Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

TQ có dám khiêu khích “giới hạn đỏ”

của các nước ở Biển Đông

Từ năm 2013 trở lại đây, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm và dễ dẫn đến bùng phát xung đột quân sự. Các nước có lợi ích ở Biển Đông đã đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định sẽ có biện pháp cứng rắn, bao gồm cả biện pháp quân sự, nếu Trung Quốc dám đi quá “giới hạn đỏ” ở Biển Đông.
Giới hạn đỏ là gì?
Giới hạn đỏ hay lằn ranh đỏ (Red line) là thuật ngữ dùng để chỉ về một giới hạn, ranh giới vô hình được vạch ra nhằm cảnh báo việc không được phép vượt qua ranh giới này do nguy cơ phải đối diện với một sự trừng phạt hoặc hậu quả bất lợi. Đây là cụm từ có nguồn gốc từ tiếng Anh và bắt nguồn sâu xa từ tiếng Do Thái (קו אדום‎, Kav Adom), nó được nhắc đến qua một tường thuật của một nhà báo với tựa đề “Lằn ranh đỏ mong manh” trong một bài báo.
Hiện nay, thuật ngữ giới hạn đỏ mang nhiều tính chất chính trị và thể hiện sự áp đặt tiêu chuẩn của những quốc gia lớn đối với những quốc gia nhỏ hơn hoặc các quốc gia vạch ra ranh giới vô hình với nhau qua đó xác định giới hạn của cách hành xử quốc tế.
Nhiều nước đã vạch ra giới hạn đỏ đối với vấn đề Biển Đông
Philippines: (1) Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã vạch ra 3 “giới hạn đỏ” cho Trung Quốc ở Biển Đông, nếu Trung Quốc vượt qua thì sẽ đe dọa hòa giải giữa Bắc Kinh và Manila, đồng thời khiến cho quan hệ hai nước quay trở lại quỹ đạo đối đầu, thậm chí có khả năng nổ ra chiến tranh. Giới hạn đỏ thứ nhất: Bất cứ hành vi xây dựng nào của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough của Philippines. Gần đây, Philippines và Mỹ cũng đã tiến hành tuần tra liên hợp ở lân cạn bãi cạn này để thách thức và ngăn chặn Trung Quốc chiếm đóng hoàn toàn. Giới hạn đỏ thứ hai: Trung Quốc triển khai hành động mang tính “cưỡng chế” đối với hoạt động đồn trú của một nhóm binh sĩ trên tàu đổ bộ ở bãi Cỏ Mây. Philippines đã triển khai một nhóm binh sĩ ở đây trong 20 năm qua. Giới hạn đỏ thứ ba: Trung quốc đơn phương tiến hành thăm dò tài nguyên thiên nhiên, nhất là dầu mỏ và khí đốt ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nơi mà Trung Quốc cũng đòi hỏi một phần “chủ quyền”. (2) Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano (5/2018) nhắc lại tuyên bố về “giới hạn đỏ” của Philippines do Tổng thống Duterte đưa ra, đồng thời nhấn mạnh Bộ Ngoại giao Philippines không hề thiếu các hành động ngoại giao đối với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Philippines ở Biển Đông nếu Bắc Kinh đi quá giới hạn đỏ của Manila. (2) Quyền Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (7/2018) cho rằng Manila cần yêu cầu Mỹ coi Scarborough là khu vục “giới hạn đỏ chính thức”, thừa nhận đây là lãnh thổ hợp pháp của Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung, với điều kiện ràng buộc là phải hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công.
Trên thực tế, Philippines nắm quyền kiểm soát Bãi cạn Scaborough sau khi giành độc lập vào năm 1946. Tới năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này và ngăn các ngư dân Philippines tiến vào đầm phá phía trong. Việc Trung Quốc kiểm soát Bãi cạn Scaborough, chỉ cách đảo Luzon của Philippines 130 dặm (hơn 200 km) và cách đảo Hải Nam 400 dặm (gần 650 km), là mối lo ngại thường trực của cả Manila và Washington. Giới chuyên gia nhận định, với khoảng cách gần với đảo Luzon, “nếu Trung Quốc thiết lập hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa đất đối đất tại đây (Bãi cạn Scaborough) như họ đã làm ở nhiều hòn đảo khác tại Biển Đông, họ hoàn toàn có thể tấn công Philippines”. Hơn thế nữa, sự hiện diện về mặt quân sự tại Bãi cạn Scaborough còn cho phép Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông. Bãi cạn này sẽ trở thành một góc trong tam giác quyền lực với 2 đỉnh còn lại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, những nơi Trung Quốc đều đã thiết lập các tiền đồn quân sự. Trung Quốc có thể sẽ xây dựng hạ tầng tại Bãi cạn Scaborough và đặt hệ thống rađa tại đây để thiết lập một ADIZ, từ đó củng cố hơn tuyên bố rằng họ có quyền kiểm soát và giám sát toàn bộ Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, quân đội Trung Quốc đang tăng cường đáng kể sự hiện diện và hoạt động cải tạo trái phép ở bãi cạn Scarborough, nằm về phía Đông Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, nhằm gửi thông điệp “rắn” tới Washington. Trước đây, chỉ có 2-3 tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough, tuy nhiên con số này đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Bên cạnh tàu an ninh, Bắc Kinh cũng sẽ cho phép hàng trăm tàu đánh cá đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển giàu có quanh bãi cạn Scarborough.
Mỹ: (1) Giới hạn đỏ của Mỹ ở Biển Đông Trung Quốc thông qua “đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công xâm chiếm” để bành trướng lãnh thổ và ngăn cản năng lực tự do hành động đầy đủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, Mỹ cần bảo vệ tự do đi lại trên Biển Đông của hải, không quân và tàu thuyền dân sự của Mỹ; ngăn chặn Trung Quốc thông qua đe dọa về quân sự và kinh tế, đơn phương xâm lấn (bành trướng) phi quân sự và xưng bá ở khu vực này. Mỹ có thể áp dụng một loạt hành động cả về pháp lý, dân sự và quân sự để bảo vệ giới hạn đỏ của mình. Ngoài ra, Mỹ có thể giúp Việt Nam, Philippines và các nước chủ trương chủ quyền khác khai thác và bảo vệ lãnh thổ của mình, có thể ủng hộ hợp tác khai thác tài nguyên thiên nhiên của khu vực này, có thể tăng cường tự do ở vùng biển ngoài lãnh hải.
Cựu Tổng thống Barack Obama (3/2016) cũng từng trực tiếp cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng, “giới hạn đỏ” của Mỹ ở Biển Đông là Trung Quốc không được xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào ở Scarborough. Giới quan sát nhân định, nếu Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Scarborough có thể đặt lực lượng quân sự Mỹ đồn trú luân phiên ở Philippines vào tình trạng nguy hiểm, trong trường hợp nổ ra xung đột. Việc phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trong việc Trung Quốc tiến sâu hơn tới Philippines cho thấy động thái “thử thách” phản ứng của Mỹ khi Bắc Kinh động chạm tới lợi ích trực tiếp của Mỹ ở Biển Đông. Mỹ đặt ra mục tiêu ở Biển Đông là có chiến lược vĩ mô đối với Trung Quốc, tức là hoan nghênh Trung Quốc phát huy vai trò kinh tế và ngoại giao lớn hơn nhưng phải vạch ra giới hạn rõ ràng đối với việc Trung Quốc thông qua “đe dọa, uy hiếp hoặc tấn công xâm chiếm” để bành trướng lãnh thổ và ngăn cản tự do của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (5/6) tuyên bố nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đó sẽ là một hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Kinh. Đây được coi là “giới hạn đỏ” mà giới chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ vạch ra cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trước đó, tại Đối thoại Shangri La tổ chức ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (4/6) nhắc lại “giới hạn đỏ” do cựu Tổng thống Obâm đưa ra, đồng thời cảnh báo Trung Quốc không được khởi động chương trình xây dựng đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham/Panatag), “nếu không sẽ dẫn tới việc Mỹ và các nước khác phải hành động, không chỉ dẫn tới hậu quả là làm leo thang căng thẳng mà còn làm Trung Quốc bị cô lập thêm”.
Trung Quốc: Trung Quốc đã vạch ra một “giới hạn đỏ” đối với Nhật Bản trên vấn đề Biển Đông. Đó là không nên cùng với Mỹ tham gia những cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Tokyo Trình Vĩnh Hoa (6/2016) tuyên bố Tokyo sẽ vượt qua “một lằn ranh đỏ” nếu tham gia vào một “hành động quân sự chung với lực lượng Mỹ mà mục đích là loại Trung Quốc ra khỏi Biển Đông”; đe dọa là Trung Quốc “sẽ không nhượng bộ trên vấn đề chủ quyền và không sợ hành động khiêu khích quân sự”.
Việt Nam: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. “Giới hạn đỏ” của Việt Nam ở Biển Đông chính là việc các nước sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; sử dụng vũ lực xâm chiếm các giàn khoan cũng như tấn công ngư dân Việt Nam đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam.
Nhiều nước đang thách thức “giới hạn đỏ” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông
Phát biểu tại Diễn đàn lãnh đạo toàn cầu diễn ra ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Nhật Bản sẽ tăng cường can dự vào Biển Đông, trong đó có việc tham gia huấn luyện tuần tra với Mỹ và diễn tập hải quân chung với các nước ở khu vực này; nhấn mạnh Tokyo ủng hộ mạnh mẽ các hoạt động tự do hàng không, hàng hải của Hải quân Mỹ nhằm duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên nguyên tắc. Bà Inada cũng nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực phòng vệ cho các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; đồng thời chỉ trích những gì Trung Quốc đang làm ở Biển Đông và Hoa Đông gây quan ngại sâu sắc không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các hành động của Trung Quốc có thể coi là cố ý đơn phương thay đổi hiện trạng, biến mọi thứ thành sự đã rồi và thách thức các luật lệ. Nếu thế giới bỏ qua những hành động nhằm thay đổi quy tắc ở Biển Đông và Hoa Đông, cho phép các hành động bẻ cong luật pháp trong hải phận và không phận của mình, các hậu quả sẽ ở mức toàn cầu.
Mỹ liên tục cử máy bay, tàu chiến tiến hành tuần tra tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong các hoạt động trên của Mỹ, nhiều lần nước này đã cử tàu chiến đi vào trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa. Hành động này của Mỹ được coi là thách thức “giới hạn đọ” và yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyên gia Jeff M.Smith, Giám đốc chương trình Nam Á, thành viên Hội đồng Chính sách đối ngoại Mỹ ở Washington cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và Hoa Đông đã vượt xa ranh giới khu vực, do đó, đã đến lúc Mỹ phải đặt ra “giới hạn đỏ” đối với Trung Quốc. Theo chuyên gia Jeff M. Smith, vấn đề chủ quyền hàng hải trong vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông bao gồm nhiều nội dung hơn chứ không chỉ đơn giản là tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Nó cũng liên quan đến một loạt bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đặc biệt là quyền của quân đội Mỹ tiến hành các hoạt động giám sát ở khu vực đó. Mỹ cần phải vạch ra “giới hạn đỏ” về những hành vi, thái độ không thể chấp nhận trong lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc. Mỹ có lẽ là nước duy nhất có khả năng vạch ra và thực thi “giới hạn đỏ” với Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh trong khi bắt nạt các nước láng giềng, nhưng vẫn phải thừa nhận và tôn trọng sức mạnh của Mỹ. Hơn nữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang phụ thuộc vào Mỹ là một bức tường lửa chống lại sự xâm lược của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.
Biện pháp đáp trả của Trung Quốc đối với Mỹ và đồng minh
Đầu tiên, Trung Quốc tăng cường tuần tra, hiện diện ở quần đảo Điều Ngư/Senkaku nhằm đáp trả Nhật Bản. Tờ Đa Chiều cho rằng Trung Quốc “tấn công” Senkaku lần này thực chất là nhằm vào Mỹ. Trung Quốc gây sức ép với Nhật Bản chính là để gây sức ép với Mỹ. Trước đây, Mỹ lôi kéo Nhật Bản gây sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông, hiện nay Trung Quốc “tấn công” đảo Senkaku chính là đang gây sức ép với Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã liên tục tiến hành tuần tra, tập trận phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough (chiếm từ tay Philippines vào năm 2012). Trung Quốc vừa tiến hành “tuần tra chiến đấu”, vừa tiến hành tập trận chiến đấu thực tế, cho thấy quân đội Trung Quốc có thể triển khai “chiến đấu” bất cứ lúc nào. Điều này thể hiện Trung Quốc quyết tâm kiểm soát bằng được vùng biển, vùng trời theo yêu sách “đường chín đoạn” vô lý, phi pháp ở Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc tăng cường khả năng áp đặt yêu sách phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng, triển khai vũ khí tới các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Nếu tàu sân bay Mỹ không đến Biển Đông và các nước khác không “khiêu khích” thì Trung Quốc có thể sẽ không triển khai máy bay chiến đấu. Nhưng nếu Mỹ và các nước khác tiếp tục “khiêu khích” theo cáo buộc của Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ triển khai bất hợp pháp máy bay chiến đấu để tiến hành cái gọi là “bảo vệ quyền lợi quốc gia”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phóng vệ tinh Cao Phân-3 theo dõi, kiểm soát Biển Đông. Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên Trung Quốc đã sử dụng tên lửa đẩy Trường Chinh-4 phóng thành công vệ tinh Cao Phân-3. Tỷ lệ phân giải của vệ tinh Cao Phân-3 là từ 1 m đến 500 m, độ rộng là từ 10 km đến 650 km. Từ độ cao hơn 700 km so với mặt đất, vệ tinh này có thể nhìn thấy từng căn nhà của Cố Cung (Bắc Kinh, Trung Quốc), cũng có thể quan sát rõ diện mạo toàn bộ một tỉnh bất kỳ nào của Trung Quốc, việc quan sát các tàu trên biển cũng không có vấn đề. Đa Chiều coi đây là một “thiên nhãn” (mắt trời) mới của Trung Quốc.
Cuối cùng, Bắc Kinh cũng vạch “giới hạn đỏ” với Mỹ: Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên truyền rằng Trung Quốc và Nga tập trận có lợi cho tăng cường khả năng “cùng ứng phó với mối đe dọa an ninh trên biển”, đồng thời lên tiếng phê phán việc Mỹ gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông, triển khai các hành động thực thi tự do hàng hải, coi việc này đã gây “khiêu khích chính trị và quân sự” đối với Trung Quốc, rất dễ gây ra sự kiện bất ngờ, phá hoại hòa bình và ổn định khu vực”.
Tuyên bố trên của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh “đã vạch ra giới hạn đỏ” cho Mỹ, muốn cho Mỹ biết rằng các hành vi của quân đội Mỹ đang giẫm lên “giới hạn đỏ” của Trung Quốc và rất dễ gây ra “xung đột bất ngờ”.
Truyền thông và chuyên gia Trung Quốc tìm cách chỉ trích các nước liên quan “giới hạn đỏ” ở Biển Đông
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc lớn tiếng cho rằng, Băc Kinh có thể trắng trợn lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và tàu hải quân Nhật Bản sẽ trở thành mục tiêu lớn của Trung Quốc sau khi Tokyo tuyên bố sẽ tham gia tuần tra tự do hàng không, hàng hải cùng Mỹ ở Biển Đông. Thời báo Hoàn cầu lớn tiếng cảnh báo, Trung Quốc cũng sẽ tăng sức ép với Nhật Bản về vấn đề quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông và tăng cường các hoạt động tuần tra của tàu tuần duyên ở khu vực này. Trong khi đó, Tân Hoa xã cáo buộc Nhật Bản đã “vượt quá giới hạn” khi tuần tra tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông với Mỹ; cho rằng Nhật Bản đang có những động thái khuấy động các vùng biển tranh chấp.
Chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt (29/1) cho biết so với các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong khu vực, Việt Nam là nước có khả năng quân sự tốt nhất. Mỹ mong muốn Việt Nam trở thành lực lượng mạnh nhất mà Washington có thể tin cậy để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Mỹ và Việt Nam không nên vượt “giới hạn đỏ” để khiêu khích Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và Bắc Kinh có khả năng chống lại bất kỳ động thái gây hấn nào. Trong khi đó, chuyên gia Thẩm Thế Thuận, Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc cho rằng Việt Nam cũng cần phải dựa vào ảnh hưởng của Mỹ để tăng cường tiếng nói trong cộng đồng quốc tế và kìm chế Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, hợp tác quân sự của hai nước ở Biển Đông không nên vượt quá lằn ranh đỏ để vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, vì mối quan hệ của Việt Nam và Mỹ với Trung Quốc đang trên đà tích cực với sự tin tưởng ngày càng gia tăng.
Đáng chú ý, Ngô Sỹ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Hải kêu gọi Chính quyền không nên vượt qua “giới hạn đỏ” ở Biển Đông, trong đó bao gồm không công bố ADIZ, đảm bảo tự do hàng hải và thúc đẩy việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với ASEAN.

Vũ khí hạt nhân của TQ:

Quân bài mặc cả trong vấn đề Biển Đông

Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có tầm bắn bao trọn toàn bộ Biển Đông và nhiều loại tên lửa có thể bao phủ toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, một số loại hình ICBM có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ của Mỹ cũng như các nước đồng minh. Chính vì vậy, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ là con bài mặc cả quan trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ dùng con bài này để răn đe, ngăn chặn và kiềm chế Mỹ cung các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Quá trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Ngay từ thời kỳ chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã tập trung tài chính, nhân lực nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân nhằm cân bằng và đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Mỹ và Liên Xô. Từ năm 1953, Trung Quốc bắt đầu tiến hành nghiên cứu về động lực hạt nhân. Đến tháng 6/1959, Trung Quốc cho xây dựng căn cứ thí nghiệm hạt nhân ở khu vực Lop Nur (hay La Bố Bạc) nằm giữa sa mạc Taklamakan và sa mạc Kuruktag thuộc phía Đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Trong giain đoạn này, Trung Quốc tìm cách lôi kéo, mua chuộc và động viên các chuyên gia, nhà khoa học vật lý hạt nhân người Trung Quốc về nước tham gia quá trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân cho Bắc Kinh. Đến năm 1960, Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế tạo bom nguyên tử loại đơn giản bằng cách làm giàu Urani (Enriched Uranium). Ngày 16/10/1964, Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên tại bãi thử Lop Nur có sức công phá tương đương 22 kiloton (KT) TNT. 2 năm sau đó, Trung Quốc căn cứ theo mẫu của Liên Xô phát triển được tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đầu tiên. Đến năm 1967, Trung Quốc thử nghiệm nổ thành công quả bom khinh khí (Hydro) đầu tiên với đương lượng nổ 1 triệu tấn (1MT) TNT, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thành công trong việc phát triển bom nguyên tử thành bom Hydro với thời gian ngắn nhất. Đến thời kỳ sau năm 1980, Trung Quốc bắt đầu tập trung vào kỹ thuật thu nhỏ kích thước đầu đạn hạt nhân và đã đạt những thành tựu nhất định. Năm 1992, Trung Quốc đã ký “Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân” và trở thành quốc gia thừa nhận có vũ khí hạt nhân, nhưng mãi đến năm 1996, Bắc Kinh mới chấm dứt các vụ thử hạt nhân. Trong khoảng thời gian trước khi chấm dứt, Trung Quốc đã tiến hành tới 45 vụ thử hạt nhân.
Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc còn là ẩn số với các nước
Các số liệu của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) cho thấy tại thời điểm đầu năm 2017, tổng số lượng đầu đạn hạt nhân của 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên) là gần 14.935 đơn vị. Con số này đã sụt giảm chút ít so với con số năm 2016 khoảng 15.395 đơn vị. Trong số này, các đầu đạn hạt nhân cấp chiến dịch là khoảng 4.150 đơn vị.
Trong đó, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn là ẩn số và chỉ được các nước dự đoán một cách thiếu chính xác. Năm 1984, Cục Tình báo quốc phòng Mỹ (Defense Intelligence Agency – DIA) cho rằng Trung Quốc có khoảng 150-160 đầu đạn hạt nhân. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (năm 1993) lại nhận định lực lượng tên lửa hạt nhân chủ yếu của Trung Quốc chỉ có 60-70 quả. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI) năm 2015 thì Trung Quốc có 260 đầu đạn hạt nhân. Gần đây, cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược quân đội Nga Viktor Esin cho rằng, Trung Quốc có khoảng 1.600-1.800 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 850 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng phóng. Một số chuyên gia quốc tế dự đoán Trung Quốc có ít nhất 2.400 đầu đạn hạt nhân, thậm chí một số quốc gia tính toán Trung Quốc có ít nhất 5.000 đầu đạn hạt nhân.
Một số vũ khí hạt nhân tiêu biểu của Trung Quốc
Theo dữ liệu của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, tính đến năm 2010, Trung Quốc có khoảng 90 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) các loại trong đó có 66 ICBM trên đất liền và 24 tên lửa đạn đạo (SLBM) sử dụng trên tàu ngầm. Trong khi đó, báo cáo hàng năm của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc trong năm 2010 ước tính tổng số ICBM của Trung Quốc khoảng 130 tên lửa các loại. Trong khi đó, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ lại cho rằng tổng số ICBM của Trung Quốc khoảng 105 tên lửa trong đó có 93 tên lửa ICBM phóng từ đất liền và 12 SLBM phóng từ tàu ngầm. Cho dù số ICBM của Trung Quốc như thế nào thì đây cũng là một thực tế đáng báo động, điều quan trọng hơn cả là Bắc Kinh không tham gia vào hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START nên việc phát triển các ICBM của Trung Quốc nằm ngoài sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-41 (DF-41): DF-41 được đánh giá là một trong những loại ICBM có tầm bắn xa nhất thế giới, sánh ngang với Jericho 3 của Israel, RS-26 Rubezh của Nga và LGM-30 Minuteman III của Mỹ. Theo truyền thông Trung Quốc, ICBM thế hệ mới của nước này có tầm bắn 12.000 km, đạt vận tốc hơn Mach 10 và có thể tấn công trong vòng 100 m xung quanh mục tiêu được định sẵn. DF-41 dài xấp xỉ 16,5 m và có đường kính 2,78 m, mang theo 10 đầu đạn.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-4: DF-4 được NATO định danh CSS-3, là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn, tên lửa có kích thước dài tới 28,5 m, đường kính 2,24 m, trọng lượng phóng tới 82 tấn, tầm bắn lý thuyết khoảng 5.500-7.000 km. ICBM DF-4 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng quán tính, bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng 1.500 m. Tên lửa được trang bị đầu đạn thông thường nặng 2.190 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 3,3MT. Theo thông tin của tình báo Mỹ, DF-4 được phát triển với số lượng rất hạn chế, hiện tại có khoảng 10 tên lửa DF-4 đang phục vụ chiến đấu trong lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-5: DF-5 được NATO định danh CSS-4. Đây là loại ICBM khủng nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc xét trên phương diện thông số kỹ thuật. DF-5 có chiều dài 32,6 m, đường kính 3,35 m, trọng lượng phóng tới 183 tấn. DF-5 có tầm bắn lý thuyết khoảng từ 12.000-15.000 km, tốc độ tối đa mà tên lửa DF-5 có thể đạt được là Mach 22, tương đương với 26.960 km/h hoặc 7,4 km/giây. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn. DF-5 có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 4-5Mt, sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng quán tính kết hợp với máy tính điều khiển trên tên lửa, bán kính lệch mục tiêu của tên lửa khoảng khoảng 1.000 m. Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ Mỹ NASIC nhận định, Trung Quốc có khoảng 20-25 ICBM DF-5 được triển khai hoạt động trong giai đoạn 1999-2008. DF-5 có biến thể nâng cấp DF-5A có trọng lượng phóng tới 202 tấn; DF-5B có khả năng mang theo từ 3-8 đầu đạn; DF-5C có khả năng mang theo 10 đầu đạn khác nhau. Đặc biệt, mỗi một đầu đạn của DF-5C có thể được lập trình và tấn công một mục tiêu khác nhau.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông Phong-31: DF-31 là loại ICBM hiện đại nhất Trung Quốc xét trên nhiều phương diện khác nhau. DF-31 khắc phục hầu hết các nhược điểm của các thế hệ ICBM trước đó. DF-31 được NATO định danh CSS-9, là một loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn 3 giai
đoạn. DF-31 được trang bị khá nhiều công nghệ tiên tiến như các ICBM của Nga, Mỹ, tên lửa được trang bị hệ thống dẫn hướng quán tính tiên tiến, hệ thống mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa, cuối cùng tên lửa có thời gian triển khai chiến đấu khá nhanh. ICBM này có chiều dài 13 m, đường kính 2,25 m, trọng lượng phóng 42 tấn, tên lửa được đặt trên xe phóng di động tạo thuận lợi trong triển khai phóng và cơ động để tránh lộ vị trí. DF-31 có tầm bắn khoảng 7.000-8.000 km. Tên lửa mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 1MT. Biến thể nâng cấp DF-31A, NATO gọi là CSS-10, có tầm bắn khoảng 11.000 km, đặc biệt biến thể này được cho là có khả năng trang bị nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu khác nhau theo công nghệ MIRV, theo đó mỗi tên lửa DF-31A có thể mang theo 3 đầu đạn hạt nhân với đương lượng nổ khoảng 150KT. DF-31 còn có một biến thể sử dụng trên tàu ngầm được gọi là JL-2 có tầm bắn khoảng 8.000 km sử dụng trên tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động trên tàu ngầm này đang gặp khá nhiều vấn đề kỹ thuật. Theo thông tin của tình báo Mỹ ước tính vào năm 2009, Trung Quốc có khoảng 15 tên lửa DF-31 và 20 tên lửa DF-31A.
Tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) Dongfeng-26 (DF-26): DF-26 có tầm bắn 3.000 – 4.000km và khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn. DF-26 là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc; DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa; nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. DF-26 có 2 biến thể bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m.
Tên lửa đạn đạo Đông Phong-17 (DF-17): DP-17 đươch gắn thiết bị siêu thanh (HGV), HGV có thể đạt tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh) và phần lớn hành trình bay ở độ cao thấp hơn so với các tên lửa đạn đạo truyền thống. Trung Quốc hiện mới phóng thử loại tên lửa này 2 lần và kết quả thu được rất khả quan. Tên lửa đã rơi xuống chỉ cách mục tiêu chỉ vài m và dự định được đưa vào biên chế năm 2020.
Tên lửa đạn đạo Trung Quốc – con bài mặc cả với các nước trong vấn đề Biển Đông
Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả các tên lửa đạn đạo của Trung Quốc đều có tầm bắn bao trọn toàn bộ Biển Đông và nhiều loại tên lửa có thể bao phủ toàn bộ căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, một số loại hình ICBM có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ của Mỹ cũng như các nước đồng minh. Chính vì vậy, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc sẽ là con bài mặc cả quan trọng đối với Mỹ và các nước đồng minh trong vấn đề Biển Đông. Trung Quốc sẽ dùng con bài này để răn đe, ngăn chặn và kiềm chế Mỹ cung các nước đồng minh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.
Tuy nhiên, nhìn trên khía cạnh quân sự, tên lửa đạn đạo thường được mang theo đầu đạn hạt nhân, nên nó có tầm sát thương cao, phá hủy lớn. Nên khi sử dụng loại vũ khí này tấn công các mục tiêu trên đất liền sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng như Mỹ và một số cường quốc hạt nhân đều đã tham gia ký kết Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết không đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công phủ đầu, nên ít có khả năng những nước này dùng vũ khí hạt nhân để tấn công nhau mà chủ yếu dùng để mặc cả với nhau trong những vấn đề chiến lược, bao gồm vấn đề Biển Đông.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai phi pháp các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống phòng không trái phép tại Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy những tên lửa này có tầm bắn ngắn (160 – 500 hải lý), song nó là một sự khiêu khích nặng nề đối với hệ thống luật pháp quốc tế, cũng như các nước trong khu vực, Mỹ và các nước đồng minh.
Trước hành động này của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng nhấn mạnh mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; tái khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; đồng thời đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Từ du lịch đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông:

Những bước đi của TQ

Ngoài các hoạt động phi pháp trên thực địa, Trung Quốc đã, đang dùng hình thức thông qua các hoạt động du lịch của người dân để tuyền truyền, khẳng định “chủ quyền” của nước này ở Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh không chỉ bị các nước liên quan mà một bộ phận người dân Trung Quốc cũng cảm thấy khó xử và gặp rắc rối khi bị Chính quyền lợi dụng.
Khuyến khích, hậu thuẫn người dân tuyên truyền về vấn đề Biển Đông khi đi du lịch
Trong bối cảnh Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới, nên tiềm năng và nhu cầu đi thăm quan, du lịch của người dân là rất lớn. Cùng với đời sống người dân ngày càng được cải thiện, chính sách cấp thị thực nhập cảnh (visa) nới lỏng và giao thông thuận tiện khiến số người dân Trung Quốc đi du lịch ở nước ngoài càng tăng. Theo số liệu thống kế, du khách từ Trung Quốc đại lục đã có hơn 71,3 triệu chuyến đi nước ngoài trong nửa đầu năm 2018, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm 2017, có tổng cộng 130 triệu lượt người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài và con số này được dự báo sẽ tăng lên mức 160 triệu lượt trong năm nay. Theo số liệu từ Viện Du lịch Trung Quốc (CTA), một cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Văn hóa và Du lịch nước này, hầu hết người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài chọn điểm đến ở khu vực châu Á, như Hồng Công, Macau, Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, và Malaysia. Trung Quốc đã trở thành nguồn du khách nước ngoài lớn nhất cho nhiều quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Campuchia, Nga, Maldives, Indonesia, Hàn Quốc và Nam Phi.
Chính vì vậy, Trung Quốc đã tích cực tận dụng lợi thế này khi hậu thuẫn cho người dân tìm cách tuyên truyền về “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đi du lịch. Vụ việc điển hình nhất là một nhóm du khách Trung Quốc (13/5/2018) khi đến Việt Nam mặc áo in bản đồ “đường lưỡi bò”. Trước vụ việc trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam Mai Tiến Dũng cho rằng đây là “những biểu hiện lợi dụng thông qua khách du lịch để tuyên truyền, quảng bá có ý đồ, có tổ chức, có sự chuẩn bị chứ không phải vô tình”.
Theo Asia Times, du khách Trung Quốc đến Việt Nam đang ngày càng đông. Các số liệu thống kê cho thấy trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, đã có gần 1,8 triệu du khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng đến gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Tờ New Delhi Times (22/05/2018) cũng đã có bài viết về vụ du khách Trung Quốc mặc áo thun in hình lưỡi bò, nhắc lại rằng ít nhất đây là vụ thứ tư liên quan đến các du khách Trung Quốc trong vòng hai năm trở lại đây. Theo tờ báo Ấn Độ, những vụ này cho thấy Bắc Kinh đang dùng “quyền lực mềm” để nhắc Việt Nam về tranh chấp Biển Đông và mỗi lần như thế thì công luận Việt Nam lại phẫn nộ. Giáo sư Alan Chong, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, được New Delhi Times trích dẫn cũng có cùng nhận xét: Trong lịch sử, Trung Quốc vẫn khuyến khích công dân nước họ quảng bá chính sách đối ngoại khi đi ra nước ngoài, và đặc biệt là sửa chữa những cái nhìn “sai lệch” của thế giới về Trung Quốc. Mọi hình thức hoạt động của người dân ở bên ngoài đều có thể được hướng vào mục đích tuyên truyền. Cùng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, “nếu nhìn vào bức tranh rộng hơn, chúng ta có thể thấy là chính quyền Trung Quốc sử dụng ngày càng nhiều thường dân để quảng bá đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, từ ngư dân quân cho đến các du khách”.
Hộ chiếu in hình “đường lưỡi bò” cho người dân khi ra nước ngoài
Đối với tất cả các nước, hộ chiếu là một trong những giấy tờ quan trọng nhất khi xuất cảnh ra nước ngoài. Nó vừa là một loại giấy tờ tùy thân để xuất nhập cảnh, vừa là “chứng minh thư quốc tế”, trong đó có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đặc điểm cá nhân, quốc tịch của người được cấp. Xuất phát từ vấn đề này, Trung Quốc đã chỉnh sửa, lồng ghép “đường lưỡi bò” vào trong hộ chiếu cấp cho người dân. Tất cả các hộ chiếu Trung Quốc phát hành sau năm 2012 đều có in hình “đường lưỡi bò” trên các trang 8, 24 và 46. Trong bản đồ này, ngoài “đường lưỡi bò”, còn có đảo Đài Loan và hai khu vực ở Ấn Độ đang do New Dehli kiểm soát mà Trung Quốc cho là lãnh thổ của mình. Hành động in hộ chiếu mới lồng ghép vấn đề chủ quyền là âm mưu ranh ma của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn thông qua hộ chiếu để buộc các nước có yêu sách chủ quyền thừa nhận yêu sách của Trung Quốc qua việc đóng dấu vào hộ chiếu mới; thông qua hộ chiếu để khẳng định dần dần về quyền quản hạt của Bắc Kinh đối với những khu vực trên. Tuy nhiên, hành động này của Bắc Kinh đã vấp phải sự chỉ trích, lên án của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tất cả những nước này (Mỹ, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam, Đài Loan…) đều không công nhận hộ chiếu trên và từ chối đóng dấu thị vào hộ chiếu.
Trước sự phản ứng của cộng đồng quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi biện minh rằng mọi người không nên quá chú mục vào vấn đề các tấm bản đồ trên hộ chiếu, hàm ý rằng các nước phản đối Bắc Kinh đã cố tình vạch lá tìm sâu. Theo ông Hồng Lỗi, “mục tiêu của hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc là tăng cường khả năng công nghệ của mình và tạo thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh của công dân Trung Quốc”. Trái ngược với tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc nhận định đây là hành động ngu xuẩn, không có tác dụng của Bắc Kinh. Thẩm Đinh Lực, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán Trung Quốc cho rằng, bản đồ trên hộ chiếu mới là phản tác dụng với quan điểm của Trung Quốc. Trác Đào Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh nói, khó có thể lý giải được nguyên nhân thực sự khiến các nhà chức trách Trung Quốc quyết định in bản đồ lên hộ chiếu. “Chúng tôi có các cơ quan khác nhau, các cá nhân khác nhau”, ông khẳng định. “Một số người cho rằng việc này là rất tốt, nhưng trên thực tế có thể không phải luôn là như vậy”. Cùng quan điểm trên, Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Công nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có đường lưỡi bò phi lý vào hộ chiếu điện tử phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”. Theo tờ báo trên, những động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với một loạt vùng lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã “lạc ra ngoài những thông lệ ngoại giao có thể chấp nhận”. Không ngạc nhiên khi “cách thức khẳng định lập trường một cách om sòm đó của Trung Quốc đã khiến các chính phủ nổi giận và làm tồi tệ thêm những mối quan hệ căng thẳng” trong khu vực. “Về mặt chính trị, đó có thể là một cách sáng tạo để đưa ra quan điểm nhưng về mặt ngoại giao đó thực sự chỉ là một hành động ngu ngốc”, tờ South China Morning Post bình luận.
Hậu thuẫn cho hướng dẫn viên du lịch tuyên truyền sai sự thật về lịch sử
Song song với việc người dân Trung Quốc đi du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi cần có một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo đi cùng. Trung Quốc đã ngầm ủng hộ hoặc gián tiếp cho phép hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc học tập, tiếp cận và tuyên truyền sai sự thật về lịch sử, chủ quyền của các nước. Tại Việt Nam, có một bộ phận hướng dẫn viên người Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc không ngoài việc xuyên tạc vấn đề chủ quyền, định hướng dư luận người dân và tìm cách “nâng cao tin thần dân tộc” của người dân. Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói: “Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi”.
Tổ chức “du lịch yêu nước” trái phép đến quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam
Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.
Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 24.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Tháng 3/2017, tàu “công chúa Lạc Hồng” của Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành chuyến đi đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hãng Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết, tàu “công chúa Lạc Hồng” thuộc quyền sở hữu của công ty này. Chiều 2/3, chiếc du thuyền đã khởi hành từ thành phố Tam Á với 308 du khách. Cũng theo quan chức trên, tàu “công chúa Lạc Hồng” được thiết kế với 82 buồng khách, có thể chở 499 người , tầm hoạt động lên đến 3.000 hải lý. Tàu này có thể cung cấp một số dịch vụ như ăn tối, giải trí, mua sắm, điều trị y tế và bưu chính trên tàu.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.
Hiện nay, một số doanh nghiệp của Trung Quốc rất quan tâm tới hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông, muốn mở rộng các tuyến du lịch tới Hoàng Sa và từ Hoàng Sa đến các nước láng giềng theo hành trình “con đường tơ lụa trên biển” hiện đang được chính quyền Trung Quốc khuyến khích. Đài quốc tế Trung Quốc (3/7/2018) đưa tin đại diện của nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển.
Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác.
Vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường số lượng tàu thuyền, thậm chí tính toán mở các chuyến bay dân sự đến Hoàng Sa phục vụ mục đích du lịch. Năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm máy
bay chở khách hạ cánh tại các sân bay mới xây dựng ở Trường Sa, dự kiến sẽ mở tour du lịch đầu tiên tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa trước năm 2020.
Truyền thông tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền
Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông. Nhân dân Nhật báo đưa tin rằng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam là ông La Bảo Minh cho biết tàu sẽ sớm đưa khách du lịch từ tỉnh này tới TP Tam Sa (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam). Theo Tân Hoa xã, tàu có thể chở được 300 khách, với mức chi phí 10.000 NDT (hơn 32 triệu đồng) cho mỗi du khách. Ngoài việc trước đây tỉnh Hải Nam công bố sẽ sử dụng loại tàu biển chở khách mang tên Coconut Princess vào phục vụ tuyến du lịch Hoàng Sa, theo tờ Thương báo Thâm Quyến, Trung Quốc còn dự kiến sẽ sử dụng kết hợp với các loại tàu biển cao cấp, sang trọng hơn và máy bay trực thăng vào phục vụ tuyến du lịch này. Tuyến du lịch đường biển đến Hoàng Sa đã được tỉnh Hải Nam xác định, tức điểm xuất phát sẽ từ Hải Khẩu, Tam Á đến Bắc Tiêu (chính là Đá Bắc của Việt Nam) và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo giới thiệu, du khách có thể lên đảo tham quan trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thuê tàu nhỏ ra thăm đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam), tham quan các địa điểm du lịch thuộc các đảo xung quanh hoặc tham gia các hoạt động câu cá, lặn…
Hậu thuẫn cho doanh nghiệp nhà nước thúc đẩy các loại hình du lịch ở Biển Đông
Năm 2012, Công ty nhà nước Trung Quốc Hainan Strait Shipping, trụ sở ở thành phố Hải Khẩu, đảo Hải Nam, còn giới thiệu dịch vụ du lịch bằng tàu biển Coconut Fragrance Princess đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhất là tại hai đảo Ốc Hoa và Ba Ba. Ban đầu, dịch vụ du lịch bằng tàu biển này thua lỗ và được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh dần cải thiện sau khi điểm khởi hành ra Hoàng Sa ở cảng Tam Á, Hải Nam, đi vào hoạt động hồi tháng 9/2014 và bãi Xà Cừ được bổ sung vào danh sách các điểm đến.
Tháng 4/2016, Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc hợp tác với hai công ty nhà nước khác gồm Tập đoàn Dịch vụ Lữ hành Trung Quốc và Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc (CCCC) đã thành lập một công ty du lịch tàu biển mới. Cosco đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động từ Hoàng Sa đến đảo Đài Loan và những đảo khác ở các nước láng giềng như một phần trong tour khám phá văn hóa dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển. Tại một cuộc triển lãm của Công ty Tàu du lịch biển Nam Hải Trung Quốc (China Nanhai Cruise), Bí thư đảng kiêm Giám đốc điều hành Công ty Vận tải Hàng hải Cosco Trung Quốc Xu Lirong khẳng định các tour du lịch đến Biển Đông là một phần trong kế hoạch phát triển của họ. Xu đồng thời nhấn mạnh kinh doanh dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển là trách nhiệm thuộc về các công ty nhà nước Trung Quốc.
Ngoài việc phát triển một cảng tàu du lịch ở đảo Phượng Hoàng Tam Á, cách đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa 330 km, Công ty Xây dựng và Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái còn hợp tác với Tập đoàn Lữ hành Trung Quốc thành lập Công ty Phát triển Tàu du lịch biển Quốc tế Tam Á với sự hỗ trợ của chính quyền Tam Á.
Phản ứng của Việt Nam
Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và
không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?