Tin khắp nơi – 28/10/2018

Tin khắp nơi – 28/10/2018

Mattis: Bộ trưởng quốc phòng TQ

sang Washington vào tuần sau

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thông báo bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc tuần sau sẽ tới Washington dự một cuộc họp đã bị trì hoãn vì những căng thẳng giữa hai nước.
Ông Mattis phát biểu tại một hội nghị an ninh rằng ông sẽ hội kiến Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa. Quan hệ Mỹ-Trung trong năm qua đã rúng động vì tranh cãi liên quan đến việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông và thuế quan thương mại do chính quyền Trump thúc đẩy.
Một tàu khu trục của Trung Quốc cũng đã quyết liệt áp sát một tàu hải quân của Mỹ hồi đầu tháng này.
Ông Mattis nói sự cạnh tranh chiến lược không ngụ ý sự thù địch, và ông cam kết hợp tác với các nước như Trung Quốc và Nga. Ông phát biểu tại cuộc Đối thoại Manama ở Bahrain.
Ông Mattis đã gặp ông Ngụy trong một hội nghị gần đây ở Singapore, và các quan chức Mỹ cho biết họ cảm thấy quan hệ quân sự có thể đang bình ổn.
https://www.voatiengviet.com/a/mattis-bo-truong-quoc-phong-trung-quoc-sang-washington-vao-tuan-sau/4631856.html

Hạt nhân Bắc Triều Tiên :

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ tham khảo với Seoul

Tú Anh
Đặc sứ Mỹ về hồ sơ phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun, đến Seoul trong ngày Chủ Nhật 28/10/2018. Chiến lược của Mỹ có thể sẽ được trình bày trong các cuộc hội kiến với chính quyền Hàn Quốc.
Theo Yonhap, tại Seoul, đặc sứ Mỹ Stephen Biegun lần lượt thảo luận với ngoại trưởng Kang Kyung Wha và đồng sự Lee Do Hoon trên nhiều vấn đề, trong đó có các cuộc gặp cấp cao giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Một trong những chủ đề mà Seoul nóng lòng muốn biết là chiến lược của Mỹ thuyết phục Bắc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân toàn diện và kiểm chứng được. Rất có thể đặc sứ Mỹ Stephen Biegun sẽ bàn thảo chủ đề này với đồng minh Hàn Quốc.
Đổi lại, trưởng đoàn Hàn Quốc Lee Do Hoon sẽ đề nghị với Mỹ giảm bớt một số biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên để tạo điều kiện cho Hàn Quốc tiến hành một số chương trình hợp tác kinh tế với miền Bắc và qua đó thuyết phục Bình Nhưỡng bỏ vũ khí hạt nhân.
Đề nghị này đã được Lee Do Hoon trình bày với đồng nhiệm Stephen Biegun tại Washington trong tuần qua. Do vậy, theo Yonhap, có khả năng Mỹ, Hàn và một đại diện của Bắc Triều Tiên sẽ gặp nhau tại Bàn Môn Điếm.
Trong khi đó, KCNA cho biết thứ trưởng ngoại giao Bắc Triều Tiên, Sin Hong-chol ngày hôm nay đến Matxcơva.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181028-hat-nhan-bac-trieu-tien-dam-phan-my-seoul-qt

Xả súng tại giáo đường Do Thái ở Pittsburgh,

 11 người chết

Một tay súng đã nổ súng trong một buổi lễ đặt tên em bé tại một giáo đường Do Thái ở thành phố Pittsburgh hôm thứ Bảy, giết chết 11 người, AP đưa tin.
Ít nhất sáu người khác bị thương, trong đó có bốn viên cảnh sát lao tới hiện trường, nhà chức trách cho biết.
Cảnh sát nói một nghi phạm hiện đang bị câu lưu sau vụ tấn công tại giáo đường Do Thái Tree of Life Congregation trong khu dân cư Squirrel Hill của Pittsburgh. Một quan chức chấp pháp xác định danh tính kẻ tình nghi là Robert Bowers và nói rằng ông ta trong độ tuổi 40, theo AP. Quan chức này không được phép thảo luận về một cuộc điều tra đang diễn tiến và phát biểu với AP trong điều kiện giấu tên.
Bob Jones, đặc vụ phụ trách văn phòng FBI ở Pittsburgh, cho biết ông Bowers không được giới chấp pháp biết tới và họ tin rằng ông ta hành động một mình. Ông nói vẫn chưa rõ toàn bộ động cơ của ông Bowers là gì.
Mạng xã hội Gab.com cho biết tay súng bị cáo buộc có mở một trang đại diện trên đó, vốn phổ biến với những kẻ cực đoan cực hữu. Công ty cho biết tài khoản đã được xác minh sau vụ nổ súng và trùng với tên của tay súng.
Một người đàn ông trùng tên nghi phạm đăng trên Gab trước vụ nổ súng “HIAS thích đưa những kẻ xâm lược vào nước để giết người dân của chúng ta. Tôi không thể ngồi yên và xem người dân của tôi bị tàn sát. Mặc kệ, tôi ra tay đây.”
HIAS là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp người tị nạn trên toàn thế giới tìm sự an toàn và tự do. Tổ chức này nói rằng nói phương châm làm việc của họ là các giá trị và lịch sử của người Do Thái.
Ông Bowers gần đây cũng đăng một bức hình cho thấy bộ sưu tập ba khẩu súng ngắn bán tự động, được đặt tiêu đề “gia đình glock của tôi,” nhắc tới hãng sản xuất loại súng ngắn này. Ông ta cũng đăng những hình ảnh các lỗ đạn trong những mục tiêu hình người nằm trong tầm bắn để quảng cáo khẩu súng lục mà ông ta chào bán.
Các quan chức thành phố cho biết vụ xả súng đang được điều tra là tội ác thù hằn liên bang. Nó diễn ra giữa một loạt các vụ tấn công thu hút nhiều sự chú ý ở một đất nước ngày càng bị chia rẽ, bao gồm vụ hàng loạt bưu kiện chứa bom ống được gửi trong tuần qua cho những nhân vật có tiếng của Đảng Dân chủ và các cựu quan chức.
Vụ tấn công diễn ra trong một buổi lễ đặt tên em bé, theo Tổng Chưởng lý Josh Shapiro của bang Pennsylvania. Không rõ liệu vụ tấn công có gây hại tới em bé hay không.
“Hiện trường án mạng rất hãi hùng. Hãi hùng nhất mà tôi từng chứng kiến,” ông Hissrich nói.
Giáo đường này nằm tại ngã tư hai đại lộ Wilkins và Shady. Khu dân cư Squirrel Hill, cách trung tâm thành phố Pittsburgh khoảng 10 phút, là nơi cộng đồng người Do Thái tập trung đông đúc, AP cho biết.
Ít nhất cho đến khi nghi can bị câu lưu, khu dân cư này và tất cả các giáo đường Do Thái trong thành phố đều trong tình trạng phong tỏa, và người dân được yêu cầu tru ẩn tại chỗ.
Tổng thống Donald Trump gọi vụ nổ súng này “nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ,” nói rằng “sự thù hận ở đất nước chúng ta thật khủng khiếp.”
Nhưng ông Trump nói kết quả sẽ khác đi nếu giáo đường Do Thái này có một người bảo vệ vũ trang.
“Họ không có bất kì sự bảo vệ nào,” ông nói với các phóng viên tại Căn cứ Hỗn hợp Andrews, bang Maryland.
Thống đốc bang Pennsylvania, Tom Wolf, gọi vụ nổ súng là một “bi kịch tuyệt đối” trong một tuyên bố nhắc tới những lời kêu gọi luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn.
“Tất cả chúng ta phải cầu nguyện và hi vọng không còn thiệt hại nhân mạng nào nữa,” ông Wolf nói. “Nhưng chúng ta đã nói ‘một vụ nổ súng cũng là quá nhiều’ từ quá lâu rồi. Vũ khí nguy hiểm đang gây nguy hại cho người dân của chúng ta.”
Chủ tịch Đại hội Do thái Thế giới Ronald S. Lauder gọi vụ nổ súng là “một cuộc tấn công không chỉ nhắm vào cộng đồng người Do Thái, mà còn nhắm vào toàn thế nước Mỹ.”
https://www.voatiengviet.com/a/nheu-thuong-vong-sau-vu-no-sung-gan-giao-duong-do-thai-o-pittsburgh/4631696.html

Đoàn di dân Trung Mỹ thẳng tiến,

từ chối đề nghị việc làm của Mexico

Một đoàn di dân người Trung Mỹ tiến về Mỹ tiếp tục băng qua biên giới phía nam của Mexico vào ngày thứ Bảy, bất chấp đề nghị cung cấp việc làm của chính phủ Mexico, trong khi các nhà chức trách tăng cường nỗ lực giải tán đoàn người đã làm Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận.
Cảnh sát chống bạo động Mexico trong một khoảng thời gian ngắn đã chặn cuộc tuần hành của những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em khi họ đến gần bang Oaxaca trước bình minh, để chuyển đề nghị cung cấp căn cước tạm thời, cơ hội việc làm hoặc giáo dục cho những người xin bảo hộ tị nạn ở Mexico.
Ông Trump đã đe dọa sẽ điều quân đến biên giới Mỹ và cắt viện trợ cho Trung Mỹ để ngăn chặn nhóm di dân hàng ngàn người này vốn đã rời khỏi Honduras hai tuần trước.
Có nhiều ước tính khác nhau về quy mô của đoàn người, trong khi một số di dân trở về nhà và những người mới gia nhập. Ít nhất 150 di dân đi riêng lẻ đã bị giam giữ vào ngày thứ Sáu gần biên giới Guatemala, một quan chức Mexico cho biết.
Hơn 1.700 người trong đoàn người đã nộp đơn xin bảo hộ tị nạn, trong khi những người khác đã trở về nhà, theo chính phủ Mexico. Đại sứ Honduras hôm thứ Sáu cho biết đoàn người chính thức có 3.500 thành viên. Các ước tính khác cho thấy con số cao hơn nhiều.
Đến ngày thứ Bảy, hơn 100 di dân người Honduras đã chọn nộp đơn xin tư cách người tị nạn và tham gia chương trình làm việc tạm thời do Tổng thống Enrique Peña Nieto đề xuất hôm thứ Sáu, Viện Di dân Quốc gia của Mexico cho biết. Nhiều người khác đã từ chối đề nghị này.
“Chúng tôi sẽ đi đến Mỹ. Bởi vì đó là giấc mơ của chúng tôi,” Daniel Leonel Esteves, một người Honduras 28 tuổi đi đầu đoàn 50 di dân rồng rắn đi trên một con đường cao tốc vào những ngọn đồi, Reuters cho biết.
Những người khác cũng có cùng chung mục tiêu vượt qua biên giới, từ chối đề nghị của Mexico.
“Điểm đến của chúng tôi là Mỹ,” di dân Francisco Ramirez nói, theo Reuters.
Ông Trump và những nghị sĩ đồng Đảng Cộng hòa của ông đã tìm cách biến đoàn di dân và di trú thành những vấn đề quan trọng trước cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11, trong đó phe Cộng hòa đang nỗ lực giữ lại quyền kiểm soát Quốc hội.
Honduras nói 4,500 công dân của họ tìm cách di cư đã trở về nước này trong những ngày gần đây.
https://www.voatiengviet.com/a/doan-di-dan-trung-my-thang-tien-tu-choi-de-nghi-viec-lam-cua-mexico/4631874.html

Brazil bầu tổng thống : Sau chiến dịch thô bạo,

147 triệu cử tri phân xử

Tú Anh
Chủ Nhật, ngày 28/10/2018, khoảng 147 triệu cử tri Brazil đi bầu tổng thống, bắt buộc theo luật định. Cường quốc số một tại châu Mỹ Latinh có thể rơi vào chế độ cực hữu, kỳ thị, nếu ứng cử viên Jair Bolsonaro, đang chiếm thượng phong, đánh bại được đối thủ cánh tả Fernando Haddad. Chiến dịch vận động thô bạo không có tranh luận, vì Bolsonaro từ chối gặp đối thủ, đã đẩy người dân vào thế chia rẽ nghiêm trọng.
Từ Rio de Janeiro, thông tín viên François Cardona phân tích :
Từ nhiều tuần nay, những người ủng hộ ứng cử viên Jair Bolsonaro đòi hỏi « một cuộc thay đổi tận gốc rễ ». Đó là khẩu hiệu chung xoay quanh những giá trị gia đình và cực kỳ bảo thủ. Thế nhưng, tuy chán ngán các đảng truyền thống và tình trạng tham nhũng triền miên, cử tri Bazil lại rất chia rẽ. Jair Bolsanaro vẫn được cho là có cơ may lớn nhất trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng lập trường của nhân vật cực hữu này gây ra nhiều chống đối và bị tẩy chay.
Theo kết quả thăm dò cuối cùng, hơn 50% dân chúng Brazil cho biết họ không chấp nhận quan điểm mỗi người dân có quyền mua súng để trong nhà. Thế mà, lời hứa « cho mang súng » đã chinh phục được gần phân nửa thành phần cử tri còn lại.
Do vậy, cho đến tận những giờ phút chót, ứng cử viên cánh tả Fernando Haddad cố gắng thu hút những người chống lại Jair Bolsonaro, tổ chức hết cuộc mít-tinh này đến buổi diễn thuyết khác trên toàn quốc, với hy vọng làm thay đổi cục diện.
Chiến dịch vận động tranh cử, mỗi ngày mỗi thô bạo trong những tuần cuối, đã trở thành trận đấu oán thù. Hai phe mạt sát nhau trên mạng xã hội, ấu đả lẫn nhau tại nhiều thành phố. Cho dù kết quả ra sao, chiến dịch tranh cử lần này sẽ để lại vết thương khó lành tại Brazil.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181028-brazil-bau-tong-thong-147-trieu-cu-tri-phan-xu

Giáo hoàng kêu gọi chấm dứt thù hận

Giáo hoàng Francis hôm 28/10 lên án vụ tấn công vào giáo đường Do Thái ở Pittsburg, Hoa Kỳ, làm 11 người thiệt mạng.
Lên tiếng trước các giáo dân ở Quảng trường St. Peter sau lễ cầu nguyện, giáo hoàng nói rằng vụ tấn công còn làm sáu người khác bị thương “thật khủng khiếp”.
Reuters dẫn lời Giáo hoàng Francis nói rằng “trên thực tế, tất cả chúng ta đều bị tổn thương vì hành động bạo lực vô nhân tính này”.
Người đứng đầu Tòa thánh Vatican, vốn thường lên án các vụ tấn công nhắm vào người Do Thái, đã bày tỏ sự chia sẻ với tất cả người tân Pittsburg.
Giáo hoàng Francis cũng kêu gọi “tôn trọng các giá trị đạo đức”.
Ông Robert Bowers, 46 tuổi, bị bắt sau cuộc đọ súng với lực lượng biệt kích.
Các công tố viên liên bang đã truy tố nghi can 29 tội danh hình sự, trong đó có việc gây ra bao lực cũng như việc vi phạm các luật về quyền dân sự của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/giao-hoang-keu-goi-cham-dut-thu-han/4632544.html

Đức : Liên minh cầm quyền Merkel có nguy cơ tan rã,

 nếu SPD thua nặng tại Hessen

Trọng Thành
Tại Đức, sau cuộc bầu cử Nghị Viện tại bang Bayern, cách nay hai tuần, một cuộc bầu cử quan trọng khác diễn ra hôm nay, 28/10/2018, ở bang Hessen, với 4,5 triệu cử tri. Nếu đảng Xã Hội Dân Chủ, tham gia liên minh của thủ tướng Merkel thất bại nặng nề tại đây, liên minh cầm quyền của bà Merkel có nguy cơ tan rã.
Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Wiesbaden :
« Bang Hessen do một người trung thành với thủ tướng Angela Merkel lãnh đạo. Ông Volker Bouffier đặc biệt là người đã ủng hộ thủ tướng Đức trong vấn đề di dân, từng làm rung chuyển nước Đức và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU). Thất bại của ông, nếu điều này xảy ra, sẽ là một đòn đau cho người đứng đầu chính phủ Đức.
Đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo có nguy cơ thất bại nặng nề, theo một số thăm dò dư luận mới đây, trong lúc đồng minh đảng Xanh, tại khu vực giàu có này, lại đang ngày càng được lòng dân. Bên cạnh đó, phe Xã Hội Dân Chủ (SPD), tham gia liên minh cầm quyền với đảng của thủ tướng Angela Merkel, cũng bị mất uy tín nặng nề. SPD có nguy cơ gánh chịu thất bại lịch sử tại một địa bàn mà đảng này đã lãnh đạo suốt hàng chục năm nay.
Ông Rainer Klump, một giáo sư trường đại học Francfort nhận định : ‘‘Nếu còn có một tia hy vọng nào để tiếp tục liên minh cầm quyền hiện nay, ở đây, tại bang Hessen này, thì tôi tin là phe Xã Hội Dân Chủ sẽ tiếp tục đi với Merkel. Ngược lại, nếu SPD thua nặng, điều này có thể dẫn đến liên minh cầm quyền tại Berlin chấm dứt, bởi SPD sẽ bị áp lực mạnh’’ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181028-duc-lien-minh-cam-quyen-merkel-spd-hessen-qt

Đổi giờ tại Pháp :

Chọn giờ mùa đông hay giờ mùa hè ?

Hôm nay, 28/10/2018, nước Pháp chính thức đổi qua giờ mùa đông. Đây có thể sẽ là lần đổi giờ cuối cùng tại Pháp cũng như là tại nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tranh luận cũng bắt đầu dấy lên về việc Paris nên chọn giữ giờ mùa đông hay là mùa hè.
Mùa hè rồi, Ủy Ban Châu Âu, sau một cuộc tham vấn ý kiến các công dân trong Liên Hiệp, thông báo hủy bỏ việc đổi giờ. Các nước thành viên, từ đây đến cuối tháng 3/2019 sẽ quyết định xem nên chọn giữ theo giờ mùa đông hay mùa hè.
AFP nhắc lại, việc đổi giờ đã được áp dụng từ năm 1976 với mục đích ban đầu là nhằm tiết kiệm điện thắp sáng. Theo đó, giờ mùa hè bắt đầu từ đầu xuân đến cuối thu sẽ được kéo dài thêm một tiếng và sáu tháng sau vào giờ mùa đông, kim đồng hồ lùi lại thêm một tiếng.
Tại Pháp, một bộ phận lớn người dân thích giữ giờ mùa hè kể từ lần đổi giờ sắp tới ngày 31/03/2019, theo như một thăm dò do BVA-Orange thực hiện ngày 14/09/2018.
Nếu như chính phủ vẫn chưa cho biết ý định của mình, thì tân bộ trưởng Môi Trường, ông François de Rugy phát biểu trên kênh truyền hình France 2 cho biết ủng hộ việc duy trì giờ mùa đông, vì ông cho rằng phù hợp với nhịp đồng hồ sinh học tự nhiên của con người với giờ mặt trời.
Nếu như tác động cụ thể của việc đổi giờ đến đời sống thường nhật vẫn còn là điều tranh luận thì lợi ích của biện pháp này đối với việc tiết kiệm năng lượng để thắp sáng là rất thấp. Theo số liệu của Cơ quan Môi trường và Quản lý Năng lượng, mức điện tiết kiệm được nằm trong khoảng 440 GWh, tương đương với mức tiêu thụ điện cho thắp sáng của 800 ngàn hộ gia đình.
Vẫn theo tân bộ trưởng Môi trường, việc duy trì giờ mùa đông sẽ có lợi cho các nhà nông, vốn thích sống theo nhịp của thiên nhiên. Ông nói : « Trong suốt mùa thu hoạch, ngay giữa mùa hè, họ bị lệch hai tiếng so với giờ mặt trời. Thế là, nông dân buộc phải bắt đầu ngày làm trễ hơn và kết thúc công việc vào lúc chiều tối ». Một lập luận đương nhiên làm hài lòng các nhà nông.
Đây cũng chính là quan điểm của nhiều hiệp hội vận động cho việc hủy đổi giờ và trở về với giờ mùa đông suốt cả năm từ nhiều năm qua. Trả lời ban tiếng Pháp đài RFI qua điện thoại, bà Laetitia Moreau-Gabarain, Hiệp hội Chống Giờ Mùa Hè  (ACHED) lấy làm tiếc rằng người dân đã không được cung cấp thông tin chính xác về chủ đề này và các cuộc thăm dò đã bị thiên lệch. Bà cho rằng người dân đã không được giải thích về những lợi ích cho sức khỏe như giấc ngủ chẳng hạn khi giữ theo giờ mùa đông.
Một điều chắc chắn là, theo AFP, bất kể là giờ mùa đông hay mùa hè, giao thông hàng không sẽ bị xáo trộn. Đây sẽ là một vấn đề nan giải cho các nhà quản trị các hãng hàng không. Bởi vì, mọi chuyến bay đều được thiết lập từ rất lâu và được lên kế hoạch từ 12 cho đến 18 tháng trước. Theo Hiệp hội Vận chuyển Hàng không Quốc tế IATA, hàng nghìn chuyến bay sẽ bị ảnh hưởng.
http://vi.rfi.fr/phap/20181028-doi-gio-tai-phap-chon-gio-mua-dong-gio-mua-he

Syria : Thổ, Nga, Pháp và Đức

kêu gọi duy trì ngừng bắn tại Idlib

Trọng Thành
Tại thượng đỉnh bốn bên về Syria được tổ chức vào ngày 27/10/2018 tại Istanbul, các bên đã ra một thông cáo chung kêu gọi duy trì ngừng bắn tại tỉnh Idlib, hiện do quân nổi dậy kiểm soát, mà chính quyền Damas muốn chiếm lại bằng vũ lực. Tuyên bố chung Thổ Nhĩ Kỳ – Nga – Pháp – Đức cũng kêu gọi thảo ra một bản Hiến pháp mới « trước cuối năm nay », để mở đường cho một chuyển tiếp chính trị tại Syria.
Trong bản tuyên bố chung, được tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đọc, sau khi hội nghị kết thúc, có đoạn : Thượng đỉnh « nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì ngừng bắn (tại Idlib), cũng như tính cần thiết của việc tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ».
Tham gia thượng đỉnh về Syria, còn có tổng thống Nga Vladimir Poutine, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel. Để thỏa thuận ngừng bắn được duy trì, mọi con mắt đều hướng về Matxcơva. Trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh, tổng thống Pháp tuyên bố : « Chúng tôi đặt niềm tin vào nước Nga, trong việc có một sức ép rõ ràng đối với Damas, chế độ nằm dưới sự bảo trợ Nga ».
Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn và lập vùng đệm, cho phép tránh một cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Syria nhắm vào Idlib, thành trì cuối cùng của phe nổi dậy, trong đó có nhiều lực lượng được Ankara hậu thuẫn, tuy nhiên, một số đụng độ trong những ngày gần đây gây lo ngại là ngừng bắn sẽ không kéo dài.
Cũng trong bản tuyên bố chung, lãnh đạo bốn nước cùng kêu gọi thiết lập « trước cuối năm nay », một ủy ban chịu trách nhiệm soạn thảo Hiến pháp mới cho Syria. Dự án Hiến pháp Syria mới là sáng kiến của bộ ba Nga – Thổ Nhĩ Kỳ – Iran đưa ra hồi đầu năm nay, được coi là cơ sở cho tiến trình chuyển tiếp chính trị, giúp Syria thoát khỏi cuộc xung đột huynh đệ tương tàn.
Tuyên bố chung Istanbul cũng nhấn mạnh đến việc bảo đảm an toàn và tạo điều kiện cho các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Syria, cũng như việc tạo điều kiện cho việc người tị nạn trở về bản quán. Riêng về tổng thống Syria Bachar al-Assad, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố : số phận của lãnh đạo Syria sẽ do chính nhân dân nước này, ở trong và ngoài nước, quyết định.
Vai trò gia tăng của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Trong cuộc khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vốn có một vai trò đặc biệt. Thượng đỉnh vừa qua tại Istanbul cho thấy một đồng thuận quốc tế về tương lai Syria ắt hẳn không thể thiếu phần đóng góp của ông Erdogan, đặc biệt trong bối cảnh những tuần gần đây, hình ảnh Ankara đột ngột được cải thiện với cách xử lý được đánh giá là « khôn khéo » trong vụ án nhà báo Ả Rập Xê Út bị sát hại.
Đặc phái viên Anissa el Jabri từ Istanbul cho biết thêm :
« Ông Erdogan có mặt trên khắp các màn ảnh truyền hình trong vòng nhiều giờ là chuyện bình thường tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, lần này, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện bên cạnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, và tổng thống Nga Vladimir Putin, hình ảnh chưa từng có này đã tràn ngập các kênh truyền thông hôm thứ Bảy. Khi một nhà báo đặt câu hỏi về vụ Khashoggi trong buổi họp báo, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng rất hài lòng, đã dành nhiều phút để trả lời chi tiết.
Cuộc thượng đỉnh về Syria, với thành phần tham dự chưa từng có này, ông Erdogan đã mong muốn tổ chức từ hồi tháng Chín. Cuộc hẹn của bộ tứ cuối cùng đã diễn ra sau ba tuần tâm điểm tranh luận quốc tế tập trung xung quanh vụ giết hại nhà báo Ả Rập Xê Út. Một câu chuyện dài nhiều tập, mà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã dựng nên các diễn biến hàng ngày, với những tiết lộ được khéo léo tung ra từ từ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã làm suy yếu đối thủ khu vực Riyad, thuyết phục được Matxcơva là Ankara có thể điều khiển được các lực lượng nổi dậy ở tỉnh Idlib, và mời được châu Âu – từng hờn dỗi với Thổ Nhĩ Kỳ – quay lại.
Đây quả là một sự phục thù đối với một tổng thống, mà mới mùa hè vừa qua, vẫn còn bị chỉ trích về tính cách độc đoán. Một lợi thế quý giá đối với lãnh đạo một quốc gia đang bị khủng hoảng kinh tế ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181028-syria-tho-nga-phap-duc-ngung-ban-idlib

Syria : Daech bất ngờ phản công,

FDS tổn thất nặng

Tú Anh
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo vẫn hoạt động mạnh ở miền đông Syria cho dù bị đẩy lui vào sa mạc. Ít nhất 68 chiến binh của Lực lượng Dân chủ Kurdistan-Syria FDS do Washington hậu thuẫn đã bị thiệt mạng trong một cuộc phản công bất ngờ của Daech nương theo bão cát. Hơn 100 chiến binh khác bị thương hoặc mất tích.
Từ Beyrouth, thông tín viên trong khu vực Paul Khalifeh tường thuật :
« Daech đã tận dụng tình hình thời tiết xấu để mở cuộc phản công từ ngày 10 tháng 10 nhắm vào Lực lượng Dân chủ Kurdistan-Syria FDS ở phía đông tỉnh Deir Ezzor.
Từ nhiều ngày nay, bão cát sa mạc đã làm cho máy bay của liên quân quốc tế do Hoa Kỳ chỉ huy không thể cất cánh được. Nắm vững địa hình, nhóm Daech đã mở một cuộc phản công tự sát, sử dụng các đường hầm cũ xuyên qua các làng mạc do chính họ đào và kiểm soát suốt bốn năm trước đây, trước khi bị FDS đánh đuổi.
Theo Tổ chức Nhân quyền Syria OSDH, chiến binh Daech dùng mìn công phá nhiều ngôi nhà có chiến binh đối phương cố thủ. Đó là lý do giải thích vì sao số thương vong của lực lượng FDS lên rất cao.
Cuộc phản công này cho phép Daech chiếm lại hai ngôi làng Soussa và Baghouz. Thiệt hại nhân mạng của FDS có thể còn nặng hơn nhiều so với tổng kết đầu tiên, bởi vì, còn hàng chục chiến binh bị xem là mất tích. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181028-syria-daech-bat-ngo-phan-cong-fds-ton-that-nang

Dân quân Palestine đồng ý ngừng bắn với Israel

Gaza – Vào hôm Thứ Bảy (27/10), biên giới giữa Israel và Gaza đã có sự im lặng nhờ một thỏa thuận ngừng bắn được cho là do Ai Cập đề nghị.
Israel đã đáp trả lại hàng loạt các vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Palestine bằng các cuộc không kích lên các mục tiêu ở Dải Gaza. Nhóm Hồi giáo Jihad của Palestine, một trong những nhóm vũ trang đang hoạt động ở Dải Gaza, cho biết chính họ đã bắn các hỏa tiễn để trả thù cho việc Israel giết bốn người Palestine tại một cuộc biểu tình biên giới hồi hôm Thứ Sáu (26/10). Israel cho biết lực lượng không quân của họ đã tấn công hơn 80 mục tiêu để đáp trả khoảng 40 hỏa tiễn Gaza được phóng vào Israel.
Đến Thứ Bảy vẫn chưa có báo cáo về số lượng thương vong từ hỏa tiễn hoặc các cuộc không kích trả đũa. Phát ngôn viên của nhóm Hồi giáo Jihad, ông Daoud Shehab cho biết, sau các cuộc liên lạc giữa lãnh đạo nhóm Hồi giáo Jihad và các anh em ở Ai Cập, các bên đã đồng ý áp dụng thỏa thuận ngừng bắn toàn diện ngay lập tức. Nhóm Hồi giáo Jihad sẽ tuân theo thỏa thuận ngừng bắn nếu quân Israel cũng thực hiện tương tự. Phát ngôn viên của quân đội Israel đã từ chối bình luận về những nhận xét của ông Shehab.
Vào đêm hôm thứ Bảy, tình trạng bạo lực đã giảm nhẹ, và không còn thêm thông tin mới nào về việc phóng hỏa tiễn của Palestine hoặc không kích của Israel trên Dải Gaza. Các viên chức an ninh Ai Cập đã trò chuyện riêng với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, trong một nỗ lực để khôi phục lại sự yên bình dọc biên giới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dan-quan-palestine-dong-y-ngung-ban-voi-israel/

Vụ nhà báo Khashoggi :

Ả Rập Xê Út hứa « điều tra minh bạch »

Trọng Thành
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis, hôm nay, 28/10/2018, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út hứa là Riyad sẽ điều tra « minh bạch và đầy đủ » về vụ sát hại nhà báo đối lập.
Đây chính là lời cam kết của ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Adel al Djoubeir với lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ bên lề hội nghị an ninh tại Bahrein ngày hôm qua. Theo Reuters, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út đã tỏ ra « rất hợp tác » và hứa hẹn điều tra để làm sáng tỏ vụ giết người.
Tại hội nghị, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn đối với chính quyền Riyad. Ông Mattis nhận định là vụ giết hại nhà báo Khashoggi gây lo ngại vì có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực. Cũng tại hội nghị này, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út đã bác bỏ yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, đòi dẫn độ 18 nghi can Ả Rập Xê Út, bị cáo buộc tham gia vụ sát hại nhà báo.
Hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Angela Merkel cũng thống nhất về việc Liên Hiệp Châu Âu cần phối hợp trừng phạt Riyad.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181028-vu-nha-bao-khashoggi-a-rap-xe-ut-dieu-tra

Trung Quốc tìm cách đối phó

với ông Donald Trump bằng nghe trộm điện thoại?

Bắc Kinh muốn tìm hiểu quan điểm của Donald Trump và những nhân vật, cách thức có thể gây ảnh hưởng lên ông, nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại.
Reuters ngày 25/10 dẫn nguồn tin The New York Times cho biết, các quan chức Mỹ nói rằng điệp viên Trung Quốc thường tìm cách nghe lén điện thoại di động của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông tán gấu với bạn cũ;
Bắc Kinh sử dụng những gì nghe lén được để nghiên cứu cách kiềm chế các chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ trong cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc.
Các trợ lý Tổng thống Mỹ đã liên tục cảnh báo ông Donald Trump rằng, các cuộc gọi của ông không an toàn, dễ bị gián điệp nghe lén, nhưng ông chủ Nhà Trắng vẫn từ chối bỏ điện thoại di động cá nhân.

The New York Times trích dẫn phát biểu của các quan chức Mỹ cho biết, Trung Quốc có cách tiếp cận tinh vi với các cuộc gọi bị chặn nghe lén. Họ đang tìm cách sử dụng thông tin nghe được để phân tích xem, Donald Trump đang nghĩ gì.
Thậm chí ý kiến từ những người ông lắng nghe cũng được nghiên cứu để tìm ra cách tốt nhất chống lại Donald Trump, đặc biệt là ngăn chặn chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang hơn nữa.
Nhà Trắng chưa trả lời đề nghị bình luận về các thông tin nói trên của The New York Times.
Giới chức Trung Quốc thường dựa vào mạng lưới các doanh nhân nước này và những người có quan hệ thân thiết với Bắc Kinh để tìm hiểu quan điểm, lập luận của bàn bè Donald Trump, đồng thời gây ảnh hưởng lên ông.
Tháng Sáu năm nay tờ The Washington Post cho biết, có nhiều dấu hiệu thiết bị nghe lén điện thoại di động được cài đặt gần Nhà Trắng và các địa điểm nhạy cảm khác được phát hiện ra hồi năm ngoái.
http://biendong.net/bien-dong/24395-trung-quoc-tim-cach-doi-pho-voi-ong-donald-trump-bang-nghe-trom-dien-thoai.html

TQ tính phát triển

kho vũ khí hạt nhân phòng bị đánh phủ đầu

Trung Quốc đang tìm cách phát phát triển kho vũ khí hạt nhân vì lo ngại kho dự trữ hiện tại không đủ mạnh để chống lại một cuộc tấn công phủ đầu.
“Nỗi sợ của họ chủ yếu là do những thách thức mới từ các công nghệ phi hạt nhân mới nổi, như hệ thống phòng thủ tên lửa và vũ khí hạt nhân tấn công chính xác tối tân. Các chuyên gia Trung Quốc lo ngại rằng các loại vũ khí hạt nhân của các nước hiện nay đủ tinh vi để gây nguy hiểm cho Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh bị tấn công hạt nhân phủ đầu”, chuyên gia Tong Zhao tới từ Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua (Trung Quốc) cho biết.
Theo ông này, Trung Quốc muốn tạo ra các vũ khí tốt hơn trên các tàu ngầm hạt nhân để đảm bảo họ có thể đáp trả nếu “những kẻ thù tiềm năng” phát động một cuộc tấn công hạt nhân.
Tuyên bố này của ông Zhao được đưa ra không lâu sau khi một số nhà nghiên cứu Mỹ nói rằng Washington có đủ tiềm năng công nghệ dễ dàng làm suy yếu Trung Quốc hoặc thậm chí là Nga nếu Washington muốn vậy.
“Khi nhận định trên được đưa ra, Bắc Kinh ngày càng khó chịu và muốn củng cố lực lượng hạt nhân của mình mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn và được trang bị công nghệ cao hơn”, ông Zhao nói.
Chuyên gia này cho biết không rõ Trung Quốc định trang bị thêm vũ khí hạt nhân cho bao nhiêu tàu ngầm trong hạm đội của mình, nhưng nguyên tắc chung của Bắc Kinh là luôn duy trì 4 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân và đảm bảo một trong số này sẵn sàng được triển khai mọi lúc khi các tàu còn lại đang trải qua bảo trì.
Theo chuyên gia, với tính toán của Trung Quốc, rất có thể số tàu ngầm được trang bị hạt nhân sẽ nâng lên con số 8. Tuy nhiên, ông Zhao nói rằng quá trình chế tạo các tàu ngầm hạt nhân sẽ không đơn giản bởi mặc dù đang sở hữu 186 đầu đạn hạt nhân trên đất liền, Trung Quốc cũng không thể tái sử dụng chúng cho tên lửa của tàu ngầm.
“Điều này là do các tên lửa trên đất liền hiện vẫn là thành phần quan trọng nhất của nỗ lực ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc sử dụng cùng một loại đầu đạn được lắp trên các tên lửa mặt đất cho các tên lửa phóng đi từ tàu ngầm, họ cũng không thể mạo hiểm làm suy yếu khả năng ngăn chặn đòn tấn công hạt nhân từ đất liền bằng cách di chuyển quá nhiều đầu đạn ra biển”, ông này giải thích.
Cũng trong báo cáo của Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua, Tổng thống Trump hôm 22/10 cam kết chi tiêu nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong việc xây dựng và phát triển kho vũ khí hạt nhân.
“Chúng tôi có nhiều tiền hơn bất cứ ai”, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh.
Tuyên bố của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF) được ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này nhằm giúp Mỹ có thể được tự do phát triển vũ khí nhằm kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy với sức mạnh quân sự khó lường.
Theo số liệu được công bố trong Trong báo cáo thường niên 2018 của Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc hiện có khoảng 280 đầu đạn hạt nhân, khá thấp so với Mỹ với 6.450 và Nga với 6.850 đầu đạn
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24390-tq-tinh-phat-trien-kho-vu-khi-hat-nhan-phong-bi-danh-phu-dau.html

TQ tuyên bố ngăn chặn

âm mưu tách rời Đài Loan ‘bằng mọi giá’

“Cực kỳ nguy hiểm khi thách thức lằn ranh cuối cùng của Trung Quốc”, Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 25.10 tuyên bố quân đội nước này sẽ hành động “bằng mọi giá” để phá những âm mưu tách Đài Loan ra khỏi Trung Quốc.
“Vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Turng Quốc và chạm vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, ông Ngụy nhấn mạnh tại Diễn đàn Hương Sơn đang diễn ra ở Bắc Kinh. Diễn đàn này được xem là đối trọng với Đối thoại an ninh Shangri-la diễn ra vào tháng 6 hàng năm ở Singapore.
“Về vấn đề này, cực kỳ nguy hiểm khi thách thức lằn ranh cuối cùng của Trung Quốc. Nếu có người cố chia tách Đài Loan (khỏi Trung Quốc), quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện những hành động cần thiết bằng mọi giá”, Reuters dẫn lời ông Ngụy nhấn mạnh.
Bộ trưởng Ngụy đưa ra cảnh báo trên 3 ngày sau khi Mỹ điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, động thái mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ Đài Loan.
Đài Loan cũng như Mỹ chưa có phản ứng về phát ngôn mới của ông Ngụy.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/24383-tq-tuyen-bo-ngan-chan-am-muu-tach-roi-dai-loan-bang-moi-gia.html

TQ thực lòng thay đổi,

hay chỉ muốn ly gián Mỹ – Nhật?

Chính ông Donald Trump đã thúc đẩy Shinzo Abe và Tập Cận Bình xích lại gần nhau. Khu vực sẽ được hưởng lợi nếu quan hệ Trung-Nhật trở nên thân thiện, hợp tác.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ chiều nay 25/10. Tháp tùng ông Shinzo Abe công du Trung Quốc có Ngoại trưởng, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản và một phái đoàn lãnh đạo doanh nghiệp hùng hậu.
Theo Nikkei, dự kiến trong chuyến thăm này hai ông Shinzo Abe, Lý Khắc Cường sẽ đồng chủ trì lễ kỷ niệm 40 năm Nhật – Trung ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị vào ngày mai, mà hai bên còn có thể ký kết khoảng 50 giao dịch.
Cũng trong chuyến thăm này, dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tuyên bố chấm dứt cung cấp ODA cho Trung Quốc vì nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời mở rộng thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.
Donald Trump đẩy Tập Cận Bình và Shinzo Abe xích lại gần nhau
Đó là nhận định của nhà báo Ben Westcott, CNN ngày 25/10. [1]
Quan hệ Trung – Nhật đã rơi vào khủng hoảng từ năm 2012 khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông mà Bắc Kinh cũng yêu sách, với tên gọi Điếu Ngư.
Đã có hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra trên khắp Trung Quốc đại lục và làm tổn hại không nhỏ đến hợp tác kinh tế – thương mại Trung – Nhật.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã liên tục tìm kiếm các cuộc họp với giới lãnh đạo Trung Quốc, ngay cả trong thời điểm căng thẳng nhất vì tranh chấp lãnh thổ. [2]
Lần đầu tiên ông Shinzo Abe gặp Tập Cận Bình với tư cách lãnh đạo 2 cường quốc Đông Á năm 2014, họ bắt tay nhau hờ hững, ánh mắt u ám và biểu hiện đầy lạnh nhạt, khiên cưỡng.
4 năm sau, ông Shinzo Abe phát biểu với Quốc hội trước khi đi Bắc Kinh:
“Nhật Bản và Trung Quốc có trách nhiệm lớn đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực. Tôi sẽ nâng mối quan hệ này lên một tầm cao mới.”
Có được kết quả này, tất cả là nhờ Donald Trump, theo Ben Westcott.
Chính sách ngoại giao độc đáo của Nhà Trắng dưới thời Donald Trump với Nhật Bản – liên minh thương mại và đồng minh quân sự – đã khiến Tokyo cảm thấy cái ô an ninh của Hoa Kỳ không còn chắc chắn.
Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh quân sự ở Đông Á phải chi trả nhiều hơn cho lực lượng quân sự Mỹ, những người cung cấp dịch vụ đảm bảo an ninh cho họ.
Trên Biển Đông, Bắc Kinh ngày càng cảm thấy áp lực từ chính quyền Donald Trump.
Giáo sư Koichi Nakano từ Đại học Sophia, Tokyo nói với CNN, cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đang trở thành mục tiêu trong cuộc chiến thương mại của Mỹ.
Vì vậy, Tập Cận Bình muốn nói với Shinzo Abe rằng, lúc này họ đang “cùng hội cùng thuyền”.
Trong lịch sử, mối quan hệ giữa Bắc Kinh, Tokyo với Washington khác nhau rất xa, một là đối thủ, một là đồng minh.
Nhưng hiện tại, cả hai đang đối mặt với những thách thức từ Mỹ.
Tranh chấp thương mại Trung – Mỹ đã trở nên nổi tiếng và có thể ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu.
Mỹ đã đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ USD, cáo buộc Bắc Kinh đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Mới nhất, Washington cáo buộc Bắc Kinh đã can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Nhưng với Nhật Bản, xung đột với Mỹ phức tạp và bất ngờ hơn, bởi Washington là đồng minh quân sự lẫn ngoại giao thân cận của Tokyo suốt hơn 70 năm qua.
Shinzo Abe là nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên chủ động bay sang Mỹ gặp Donald Trump khi ông đắc cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc song phương, nhưng gần như các nỗ lực này không mang lại được điều gì rõ rệt cho Nhật Bản.
Ông Donald Trump vẫn giữ quan điểm Nhật Bản phải điều chỉnh thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Cũng là đồng minh của Mỹ, nhưng Úc thì được Donald Trump miễn thuế quan các mặt hàng nhôm và thép, còn Nhật thì không.
Nếu như ông Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi TPP, thì Thủ tướng Shinzo Abe là người tích cực nhất trong việc cứu TPP, sau đó là thúc đẩy việc ký kết hiệp định CPTPP thay thế cho TPP.
Về ngoại giao, ông Shinzo Abe gần như bị bỏ rơi trong tiến trình dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều và những chuyển động mới nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Donald Trump tạo cơ hội để Shinzo Abe nâng cao vị thế, vai trò của Nhật Bản
Bất chấp những khác biệt về thương mại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật thay đổi về bản chất, nhưng khía cạnh Nhật Bản đóng vai trò ngày một lớn hơn trong khu vực thì ngày càng rõ nét.
Thủ tướng Shinzo Abe đã rất nỗ lực khôi phục quan hệ Trung – Nhật mà không ảnh hưởng gì đến yêu sách với quần đảo Senkaku / Điếu Ngư.
Cũng vì sức ép từ cuộc chiến thương mại mà ngài Donald Trump phát động, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới quay sang tìm kiếm sự hợp tác ở Nhật Bản.
Cá nhân người viết cho rằng, quan hệ hợp tác Trung – Nhật dù nhìn dưới khía cạnh nào cũng không phải để kiềm chế quan hệ Nhật – Mỹ. Chỉ đơn giản hai bên đang cần nhau và Donald Trump như một chất xúc tác để thúc đẩy Bắc Kinh, Tokyo vượt qua các rào cản chiến lược.
Nhật Bản tham gia hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường có thể là một dấu hiệu tốt cho các quốc gia mục tiêu lẫn các doanh nghiệp của 2 nước này.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đang gấp rút thúc đẩy chiến lược cung cấp dịch vụ pháp lý, trọng tài cho các dự án thuộc khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và giảm nguy cơ, rủi ro mắc vào bẫy nợ. [3]
Như vậy có thể thấy, trong lúc các nước đang phát triển rất lo ngại với nguy cơ dính bẫy nợ ngoại giao khi tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, thì Singapore và Nhật Bản lại đang nhìn thấy những cơ hội.
Còn việc Nhật Bản và Trung Quốc có cưỡng lại được các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump hay không, cần phải quan sát thêm. Trên thực tế Canada, Mexico, Hàn Quốc đã phải điều chỉnh để thích nghi với Donald Trump.
Về mặt an ninh, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở vẫn được Thủ tướng Shinzo Abe thúc đẩy, sự hiện diện của Nhật Bản trên Biển Đông cũng như ảnh hưởng của Tokyo tại các nước Đông Nam Á tiếp tục được tăng cường.
Vì thế, việc Nhật Bản và Trung Quốc cải thiện quan hệ, thúc đẩy hợp tác có thể là một dấu hiệu tốt cho hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Á nói riêng.
Nói cách khác, chính Tổng thống Donald Trump đang giúp Thủ tướng Shinzo Abe nâng cao vị thế và vai trò của Nhật Bản. Đồng thời, một khi Nhật Bản đảm đương vai trò ngày càng lớn hơn ở châu Á – Thái Bình Dương, gánh nặng của Mỹ sẽ được san sẻ bớt.
Trung Quốc lặng lẽ điều chỉnh chiến lược hay chỉ là sách lược nhất thời?
Đối với Trung Quốc, việc quay sang thúc đẩy cải thiện quan hệ và hợp tác với Nhật Bản rõ ràng là một sự thay đổi.
Khả năng Tập Cận Bình và Shinzo Abe trở nên “cùng hội cùng thuyền” rất mờ nhạt, nhưng lợi ích chung của 2 nước khi hợp tác được với nhau thì rất rõ ràng.
Cuộc chiến thương mại Trung – Hàn và bài học từ vụ giàn khoan 981
Vấn đề còn lại, là Bắc Kinh có thực lòng hợp tác và bỏ kiểu chính trị hóa các quan hệ kinh tế – thương mại như đã từng làm với Hàn Quốc, Philippines…hay không mà thôi.
Nếu không, quan hệ Trung – Nhật sẽ không đi đến đâu.
Còn một khi Trung Quốc nhận ra vấn đề và thực sự thay đổi, điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính quốc gia này, mà còn các nước láng giềng và khu vực.
Trung Quốc vẫn tự hào mình là “lễ nghĩa chi bang”, nhưng ứng xử rất thiếu chuyên nghiệp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khi ông tới Bắc Kinh ngày 8/10.
Ông Tập Cận Bình không tiếp, ông Vương Nghị chỉ tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ và dành phần lớn thời gian để chỉ trích các chính sách của chính quyền Donald Trump.
Đặc biệt là ông Vương Nghị còn không thèm mời Ngoại trưởng Mỹ một bữa theo thông lệ ngoại giao cho thấy sự coi thường ra mặt, dẫn đến những phản ứng từ trong chính giới lãnh đạo Trung Quốc. [4]
Cách ứng xử này cho thấy Trung Quốc thực sự đang thiếu một chiến lược trong việc đối phó với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cho nên nếu Trung Quốc thực sự muốn hợp tác với Nhật Bản, thì những thay đổi trong bàn cờ địa chính trị khu vực sẽ ngày càng trở nên rõ nét. Bằng không, nếu chỉ mượn Nhật Bản để đối phó với Tổng thống Donald Trump, mọi thứ cũng sẽ sớm bộc lộ.
Còn nếu ai đó hy vọng thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản để “ly gián” quan hệ Nhật – Mỹ, có lẽ đó chỉ là ảo tưởn
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24392-tq-thuc-long-thay-doi-hay-chi-muon-ly-gian-my-nhat.html

Lý do TQ tăng cường

hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân

Bắc Kinh muốn đưa các tên lửa xuống lòng biển để đảm bảo khả năng đáp trả nếu bị tấn công hạt nhân phủ đầu.
Một báo cáo vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie – Thanh Hoa công bố cho biết Trung Quốc đang tăng cường sức mạng cho hạm đội tàu ngầm có thể mang tên lửa hạt nhân của mình với số lượng không được tiết lộ.
Giới phân tích quân sự cho rằng với việc chế tạo thêm nhiều tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân, Trung Quốc có thể muốn chuyển kho vũ khí hạt nhân của nước này xuống dưới lòng biển để duy trì khả năng răn đe hạt nhân trong trường hợp bị tấn công phủ đầu, theo Popular Mechanics.
Chuyên gia Tong Zhao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie – Thanh Hoa nhận định nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi số tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.
Không giống Nga và Mỹ, học thuyết hạt nhân của Trung Quốc rất đơn giản: Nước này sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, quốc gia nào tấn công Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân sẽ bị Trung Quốc đáp trả bằng vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, để có thể tung đòn đáp trả hạt nhân, Bắc Kinh phải giữ được kho vũ khí hạt nhân của mình nguyên vẹn sau đòn tấn công phủ đầu của đối phương.
Theo học thuyết của mình, Trung Quốc không chế tạo quá nhiều vũ khí hạt nhân. Nước này hiện chỉ sở hữu 250-300 đầu đạn hạt nhân, con số khiêm tốn so với 6.450 đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Trung Quốc ngày càng không tự tin với năng lực trả đũa hạt nhân của mình, trong bối cảnh Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo gần nước này để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và Iran. Các hệ thống này có thể dễ dàng phát hiện và đánh chặn tên lửa hạt nhân phóng từ đất liền của Trung Quốc.
Việc Mỹ có kế hoạch chế tạo hàng trăm oanh tạc cơ B-21 Raider chuyên săn lùng bệ phóng tên lửa di động cũng khiến lãnh đạo Trung Quốc bất an khi nước này chủ yếu bố trí vũ khí hạt nhân trên bộ. Đây là những lý do khiến Bắc Kinh quyết định đóng thêm tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Hiện tại hầu hết đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được trang bị cho các tên lửa đạn đạo liên lục địa nằm trong hầm phóng hoặc trên xe phóng di động, chỉ có 48 đầu đạn hạt nhân được trang bị cho tên lửa đạn đạo của tàu ngầm lớp Tấn (Type 094A).
Hiện hải quân Trung Quốc có bốn tàu ngầm lớp Tấn, mỗi tàu có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-2. Bắc Kinh có thể duy trì ít nhất một tàu ngầm mang vũ khi hạt nhân trực chiến vào bất cứ thời điểm nào.
Nếu tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm hạt nhân, Trung Quốc phải đối mặt với câu hỏi về việc lấy đầu đạn hạt nhân ở đâu ra để trang bị cho các tàu này.
Theo Tong Zhao, Bắc Kinh có thể tháo dỡ đầu đạn hạt nhân từ tên lửa DF-31 để gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa JL-2 trên tàu ngầm, hoặc đơn giản hơn là chế tạo thêm đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc sản xuất thêm vũ khí hạt nhân không cao do nước này ngừng sản xuất nguyên liệu cho đầu đạn hạt nhân từ lâu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/24387-ly-do-tq-tang-cuong-ham-doi-tau-ngam-mang-ten-lua-hat-nhan.html

Thủ tướng Ấn công du Nhật :

Abe thân mật đón Modi tại nhà riêng

Trọng Thành
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du Nhật Bản ba ngày. Trước thượng đỉnh Nhật – Ấn vào ngày mai, 29/10/2018, thủ tướng Ấn được đồng nhiệm Shinzo Abe tiếp đãi tại khu nghỉ đông gần núi Phú Sĩ, và mời đến thăm khu nhà nghỉ riêng của ông, ngày hôm nay, Chủ Nhật 28/10.
Theo hãng tin Kyodo, đây là lần đầu tiên thủ tướng Nhật mời một lãnh đạo nước ngoài đến thăm khu nhà nghỉ riêng tại làng Yamanakako, phía tây thủ đô Tokyo. Cuộc đón tiếp thủ tướng Ấn Độ diễn ra chỉ một ngày sau khi thủ tướng Shinzo Abe trở về từ chuyến công du Trung Quốc – đối thủ chiến lược của Ấn Độ. Theo giới quan sát, cử chỉ ngoại giao này của thủ tướng Nhật cho thấy Tokyo muốn siết chặt quan hệ đối tác vốn đã mật thiết với New Delhi.
Bộ Ngoại Giao Nhật Bản cho hay hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Cũng trong ngày hôm nay, hai thủ tướng Nhật và Ấn đã đến thăm một nhà máy sản xuất người máy công nghiệp tại tỉnh Yamanashi.
Trong cuộc thượng đỉnh chính thức Nhật – Ấn lần thứ 11 ngày mai, hai ông Shinzo Abe và Narendra Modi sẽ phải khẳng định lập trường chung trong việc thúc đẩy dự án xây dựng « Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do ». Dự án xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao từ Á sang Phi nói trên, dựa trên nguyên tắc bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, mà Tokyo và New Delhi có vai trò trụ cột, được coi là để đối trọng lại với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực này, qua kế hoạch « Một vành đai, một con đường ».
Báo chí Ấn Độ cho hay, thêm một dấu hiệu khác cho thấy hợp tác Nhật – Ấn gia tăng. Vào tháng tới, hai bên sẽ tổ chức tập trận song phương lần đầu tiên với sự tham gia của lục quân.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181028-thu-tuong-an-cong-du-nhat-abe-modi

Khủng hoảng chính trị Sri Lanka:

Thủ tướng bị cách chức không rời vị trí

Trọng Thành
Không khí tại Sri Lanka, ngày 28/10/2018, đặc biệt căng thẳng. Thủ tướng vừa bị cách chức kiên quyết không rời khỏi công thự, bất chấp tối hậu thư của tổng thống. Vụ thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe bị tổng thống Maithripala Sirisena bất ngờ cách chức, trái với Hiến pháp nước này, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại đảo quốc.
Theo AFP, hôm nay, khoảng một nghìn người ủng hộ thủ tướng bị phế truất tập hợp xung quanh công thự của ông Ranil Wickremesinghe, trong lúc nhiều binh lính cũng được triển khai tại khu vực này. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, an ninh được lệnh can thiệp trong những giờ tới.
Sau quyết định phế truất hôm thứ Sáu 26/10, ngày hôm qua 27/10, tổng thống Sri Lanka đã ra lệnh thu hồi xe hơi công vụ và rút lực lượng an ninh bảo vệ thủ tướng. Kế hoạch nghỉ phép của nhân viên ngành cảnh sát bị hủy bỏ. Một số giới chức Sri Lanka cho biết cảnh sát nước này đang đợi lệnh, để tiến hành trục xuất thủ tướng bị cách chức. Điều này sẽ làm cho khủng hoảng chính trị trầm trọng hơn.
Người được bổ nhiệm làm tân thủ tướng, ông Mahinda Rajapakse, vốn là đối thủ của tổng thống và từng đảm nhiệm chức vụ tổng thống từ 2005 đến 2015, cho đến nay chưa có tuyên bố chính thức nào về việc này. Tuy nhiên, một số cố vấn cho biết ông Rajapakse sẽ bổ nhiệm một số thành viên nội các ngay trong hôm nay, và bắt đầu làm việc kể từ thứ Hai tới. Những người ủng hộ ông Rajapakse hiện đã kiểm soát nhiều cơ sở của hai đài truyền hình công. Hoạt động của Quốc Hội bị tổng thống đình chỉ cho đến ngày 16/11.
Ông Mahinda Rajapakse Ranil nổi tiếng là người thân Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc chính trị gia này có nhiều nhân nhượng với Bắc Kinh, để đánh đổi lấy một số lợi ích. Trong khi đó, thủ tướng bị cách chức Ranil Wickremesinghe muốn siết chặt quan hệ với đồng minh truyền thống Ấn Độ.
Hôm nay, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết New Delhi theo dõi sát các diễn biến tại Colombo, và hy vọng là Sri Lanka tôn trọng các giá trị dân chủ và Hiến pháp.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181028-sri-lanka-thu-tuong-cach-chuc-khong-roi-vi-tri

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?