Đại-Dương: G-7 đối diện với khát vọng và thực tế

Thượng đỉnh G-7 gồm Pháp, Đức, Anh, Ý, Nhật, Mỹ, Gia Nã Đại họp tại Pháp từ 24-26/08/2019 với Tuyên bố chung ngắn gọn do Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron soạn thảo nhằm liệt kê một loạt các nguyên tắc được tất cả lãnh đạo G-7 chấp thuận về: cuộc khủng hoảng Ukraine, thương mại thế giới, Iran, Hong Kong, viện trợ 20 triệu USD cho nạn cháy rừng ở Ba Tây.
Tổng thống Macron có thể thưởng thức một ly rượu vang hảo hạng khi đọc những bài báo tâng bốc lên tận mây xanh từ giới truyền thông kinh đô ánh sáng.
Tờ Le Monde khen “chủ nghĩa duy ý chí ngoại giao” giúp cho Macron củng cố vị thế quốc nội. Thực tế, duy ý chí đối lập với thoả hiệp nên Tổng thống Donald Trunp không dự phiên họp có mặt Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Mohammad Javad Zarif, hàm ý quý vị hãy thuyết phục Iran ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Hôm 27 tháng 8, Tổng thống Hassan Rouhani tuyên bố sẽ không đàm phán trước khi Hoa Kỳ gỡ bỏ mọi biện pháp cấm vận. Tổng thống Trump không chấp nhận bỏ cấm vận cho Bắc Triều Tiên dù rằng Bình Nhưỡng thực sự đã có vũ khí nguyên tử trong tay nên Iran chớ cao giọng một cách vô ích.
Ba thập niên trước, G-7 chiếm 70% GDP của thế giới mà nay chỉ còn 40% trong khi Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế số 1, Trung Quốc được xếp hạng 2. Không một doanh nghiệp nào của Liên Hiệp Châu Âu nằm trong tốp của 10 công ty kỹ thuật cao trên thế giới. Microsoft trị giá 995 tỉ USD, Apple 963, Foxcomn 602, Facebook 547, Tencent 462, Intel 235, Samsung 222, Oracle 189.
Hoa Kỳ đã cứu Châu Âu thoát khỏi hai cuộc Đại chiến, rồi vực các nền kinh tế Châu Âu đổ nát, bảo vệ Châu Âu tránh được chiến tranh trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh. Người Mỹ đã trả món nợ ân tình với người Pháp trong cuộc chiến giành độc lập từ tay người Anh quá hào phóng bằng tinh thần hiệp sĩ “cứu khổn phò nguy”.
Liên Hiệp Châu Âu không cần mua sắm, sản xuất chiến cụ đủ sức đương đầu với Liên Sô (Nga) nên phải dựa vào lực lượng quân sự Hoa Kỳ. Hoả tiễn Pershing II của Mỹ đưa vào Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh, dù bị giới chính trị gia và dân chúng thiên tả chống đối, đã buộc Mạc Tư Khoa phải rút hoả tiễn SS-20 khỏi tầm đe doạ Châu Âu.
Sau Đệ nhị Thế chiến, giới chính trị gia Châu Âu xây dựng nền chính trị Xã hội Chủ nghĩa, bình minh của Chủ nghĩa Cộng sản, nên đặt “phúc lợi xã hội trên an ninh quốc gia” buộc phải bám vào sự bảo vệ vô-điều-kiện của Hoa Kỳ. Thử nghĩ Liên minh Âu Châu lấy gì để tái thiết sau Thế chiến II nếu phải dồn tài nguyên nhân vật lực vào xây dựng quốc phòng?
Tổng thống Pháp, Charles de Gaulle chống Mỹ, ve vãn Liên Xô mà không được Mạc Tư Khoa coi như một siêu cường vì nước Pháp vẫn nằm dưới chiếc dù che nguyên tử của Hoa Kỳ. Tổng thống Macron hô hào thành lập Quân đội Châu Âu riêng chỉ bộc lộ tâm trạng cao ngạo của De Gaulle mà cuối cùng vẫn phải dựa vào Hoa Kỳ!
Trong bài “Trump and Europe must make up and work together to confront China” của tờ The Washington Post ngày 25/08/2019 cho rằng kinh tế Châu Âu đang trì trệ có thể hưởng lợi từ cuộc chiến giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh. Châu Âu cũng muốn tiền từ Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (BRI) của Trung Quốc nên không dám chọc giận Đảng Cộng sản Trung Hoa.
Bài báo kết luận “Trump và Châu Âu phải tìm cách hoà hợp, ít nhất là trong năm tới và có thể 4 năm kế tiếp khi kiểu xâm lăng kinh tế từ Trung Quốc, thuộc loại thách đố thế hệ, nên G-7 phải được thiết kế để đối đầu”.
Nga bị loại khỏi G-8 sau khi cưỡng chiếm Bán đảo Crimea của Ukraine được Tổng thống Trump đề nghị tái thu nhận, nhưng, G-7 không đồng ý vì: (1) Muốn Thượng đỉnh G-7 tại Mỹ năm 2020 quyết định. (2) Liên Âu cần trì hoãn để làm áp lực với Nga tại Thượng đỉnh 4 Bên (Nga, Pháp, Đức, Ukraine) vào tháng 9-2019 nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài từ năm 2014. Thực tế, thiếu Hoa Kỳ thì khó đạt tới và bảo đảm quyền lợi của dân tộc Ukraine.
Nhật Bản đang đàm phán cù cưa với Nga về Quần đảo Kuril, mà Tokyo gọi là Chrishima, bị Liên Sô chiếm đóng sau 3 ngày Tokyo đầu hàng Hoa Kỳ năm 1945 nên Thủ tướng Shinzo Abe vẫn muốn giữ áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin.
Từng chống Trump kịch liệt mà tại G-7 lần này Tể tướng Angela Merkel rất vui vẻ, thân thiện. Bà đã ý thức được mối nguy cơ do Tập Cận Bình dấy lên đối với thế giới chứ không riêng gì Hoa Kỳ. Cuộc chiến thế kỷ này vô cùng cần đến sức mạnh toàn diện của Hoa Kỳ mà không một nước nào có thể thành đạt.
Tổng thống Putin bác bỏ việc tái nhập G-8 vì hợp tác với Trung Cộng hoặc Hoa Kỳ mới thể hiện đẳng cấp siêu cường đúng khát vọng của dân Nga. Tuy nhiên, đó chỉ là cách trả giá của Putin vì tái nhập G-8 là cơ hội để cộng đồng nhân loại có cái nhìn thông cảm hơn với Nga, và có lợi về kinh tế lẫn hội nhập nên phải chờ tới G-7 năm 2020 ở Miami.
Tuyên bố chung của G-7 ở Pháp viết “G7 khẳng định ủng hộ nền thương mại tự do, cởi mở trên toàn cầu. Trong chiều hướng này, cần cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế giới sâu rộng để bảo vệ hiệu quả hơn quyền sở hữu trí tuệ, diệt trừ lề thói cạnh tranh bất chính”.
Thứ nhất, nền kinh tế toàn-cầu-hoá chỉ thực sự hữu hiệu nếu tất cả 164 thành viên trong Tổ chức Thương mại Thế giới, WTO (chính thức thành lập từ 01 tháng 01 năm 1995) tuân thủ sau khi ký kết và phê chuẩn. Mọi vi phạm phải bị chế tài, kể cả trục xuất, bất chấp nền kinh tế lớn hoặc nhỏ.
Thứ hai, cả thế giới đều biết Trung Cộng vi phạm nghiêm trọng và thường xuyên tới luật pháp thương mại quốc tế mà sao vẫn không bị chế tài? Sao các cường quốc kinh tế (G-7) vẫn bình chân như vại mà chỉ khoán trắng cho Hoa Kỳ lo diệt trừ lề thói cạnh tranh bất chính?
Thứ ba, cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới rất nhiêu khê và kéo dài lê thê trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục giao thương bất chính trên toàn cầu để thủ lợi.
Nhân loại muốn giao thương minh bạch giữa các quốc gia thành viên nhằm tránh bị bắt nạt, chèn ép nên Tổ chức Thương mại Thế giới đã ra đời.
Vì thế, G-7 có hai nhiệm vụ cần phải làm: (1) Hợp lực chống mọi hành vi cạnh tranh bất chính dù do bất cứ thành viên nào của Tổ chức Thương mại Thế giới gây ra. (2) Cấp tốc cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới có khả năng bảo vệ và duy trì một nền kinh tế toàn cầu tự do và cởi mở.
Cộng đồng nhân loại văn minh hãy cùng nhau hành động trước khi quá muộn!
Đại-Dương
Tài liệu tham khảo:
Trump Gets Handed the Lead Role in Macron’s Iranian Drama at the G-7 (Bloomberg)
Trump and Europe must make up and work together to confront China (TWP)
EU Set to Raise Trade Barriers and Slap Tariffs on US, China Tech Firms (Epoch Times)
China seeks to change economic landscape as Donald Trump escalates US decoupling risk

https://baotgm.net/dai-duong-g-7-doi-dien-voi-khat-vong-va-thuc-te/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?