Một năm lăn lộn chợ đầu mối từ 3h sáng chỉ để quan sát, tôi đã tìm ra bí kíp thành công trên đất Nhật: Muốn chiến thắng phải thấy được cái mà người khác không thấy

Cafeiz
01/09/2019 07:15 AM 

Những cái dễ thấy thì mọi người đều thấy, muốn chiến thắng mình phải thấy được cái mà người khác không thấy. Để làm được như vậy phải bỏ công, bỏ sức tìm tòi, mày mò nhiều hơn người khác nhưng công sức mình bỏ ra sẽ tỉ lệ thuận với thành quả mình thu nhận được.


Một năm lăn lộn chợ đầu mối từ 3h sáng chỉ để quan sát, tôi đã tìm ra bí kíp thành công trên đất Nhật: Muốn chiến thắng phải thấy được cái mà người khác không thấy


Năm 1997, doanh nhân Ngô Hùng Lâm là người đã đưa gốm Bát Tràng của Việt Nam đến Nhật Bản. Trong con mắt của bạn bè Nhật Bản, ông là một trong những doanh nhân người Việt Nam đầu tiên và là một trong không nhiều những doanh nhân người nước ngoài gặt hái thành công ở đất nước mặt trời mọc- nơi mà người tiêu dùng nổi tiếng khó tính và chỉ tin dùng "hàng nội".
Làm cách nào để 22 năm trước, doanh nhân Ngô Lâm Hùng thuyết phục được người Nhật mua sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam. Năm 2003, ông mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh hoa và cây cảnh. Từ người không có kinh nghiệm, doanh nhân này đã xây dựng được siêu thị chuyên về hoa, cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn với diện tích trung bình 5.000 m2.
Sau đây là cách ông mày mò tự học và trở thành chuyên gia trong ngành kinh doanh hoa tại Nhật Bản được ghi lại trong cuốn sách Chinh phục đỉnh Phú Sĩ:
Từ những chiếc bình lỗi
Trong quá trình kinh doanh gốm sứ Bát Tràng, tôi gặp phải một rắc rối rất lớn, đó là đồ gốm của Việt Nam làm không kỹ và vận chuyển đường xa nên bị lỗi, méo hoặc xước nhiều. Mà người Nhật thì quá kỹ tính nên họ không mua, thậm chí là một vết xước trong lòng chậu họ cũng từ chối. Một lần tình cờ vợ tôi nghĩ ra cách trồng hoa vào chậu để làm mẫu cho khách hàng xem, nàng nói: "Cái chậu này khi trồng hoa vào thì đâu có ai thấy vết xước bên trong. Chậu này trồng hoa vào trông rất sang, giá cả lại phải chăng, ông bà mua về nhà bày ra sẽ rất đẹp". Nhờ vậy mà hàng bán được.
Một năm lăn lộn chợ đầu mối từ 3h sáng chỉ để quan sát, tôi đã tìm ra bí kíp thành công trên đất Nhật: Muốn chiến thắng phải thấy được cái mà người khác không thấy - Ảnh 1.
Doanh nhân Ngô Hùng Lâm
Từ đó vợ chồng tôi thường trồng một ít hoa vào chậu bày mẫu, chẳng ngờ khách hàng lại thích mua chậu có hoa trồng sẵn hơn là mua chậu không. Người Nhật có thú chơi hoa kiểng, hầu như gia đình nào cũng trồng hoa, thậm chí là trồng rất nhiều. Nhận thấy cơ hội tốt, có thể kết hợp với kinh doanh đồ gốm, chúng tôi quyết định mở thêm cả kinh doanh hoa và cây cảnh.
Đến với nghề hoa cảnh, tôi phải mày mò lại từ đầu vì hoàn toàn chưa biết gì về nghề này. Nhưng đã thành công trong kinh doanh đồ gốm, tôi rất tự tin. Trước đây khi mới lập nghiệp, chỉ từ một cái chòi mười hai mét vuông mình còn làm được, bây giờ có cửa hàng cửa hiệu đầy đủ, có một lượng kha khá khách hàng quen thường xuyên lui tới, chắc chắn mình cũng sẽ làm được. Nghĩ vậy, tôi quyết tâm bước chân vào kinh doanh hoa cảnh. Tôi tìm đến chợ đầu mối ở Tokyo, nơi phân phối hoa cho tất cả các cửa tiệm trong khu vực. Việc đầu tiên tôi làm là học hỏi về các loại hoa và tìm hiểu về chợ đầu mối.
Muốn nắm phần thắng trong kinh doanh, phải tìm được một nguồn hàng rẻ mà chất lượng tốt. Mua hàng tốt giá cao, mua hàng rẻ nhưng kém chất lượng thì ai cũng mua được, kiếm được nguồn hàng tốt giá rẻ mới khó nhưng như thế mới có thể cạnh tranh.
Để làm được như vậy, tôi đã dành gần một năm trời tìm hiểu kỹ lưỡng chợ đầu mối. Quan sát kỹ từng gian hàng, từng loại mặt hàng, từng người buôn bán..., nắm bắt từ những chi tiết nhỏ nhất để hiểu được cơ chế và sự vận hành của chợ đầu mối rồi từ đó tìm ra phương pháp kinh doanh cho riêng mình. Tôi đi từ nhà lúc 3 - 4 giờ sáng đến chợ đầu tiên, ăn ngủ trên xe, và luôn ra về cuối cùng. Suốt một năm trời lọ mọ ở chợ đầu mối học hỏi, tìm tòi, khám phá, tôi biết từng ngóc ngách trong chợ và nắm bắt tất cả các khâu tiêu thụ diễn ra trên cái chợ hoa cảnh đó.
Một năm lăn lộn chợ đầu mối từ 3h sáng chỉ để quan sát, tôi đã tìm ra bí kíp thành công trên đất Nhật: Muốn chiến thắng phải thấy được cái mà người khác không thấy - Ảnh 2.
Chuyện về chợ đầu mối ở Nhật
Chợ đầu mối của Nhật giống như cái siêu thị hoa lớn, rộng đến vài chục ngàn mét vuông, hoa được vận chuyển từ các xe chở hàng vào trong chợ bằng xe đẩy. Loại xe đẩy được dùng là loại kệ nhiều tầng hình chữ nhật, trông giống như một cái tủ đứng có thể di chuyển được. Chợ hoa mở cửa từ 7 giờ sáng cho đến khi bán hết hoa trong ngày thì thôi. Hôm nào lượng hoa trong chợ nhiều thì bán đến tận 11 giờ trưa mới hết, hôm nào hoa ít thì chỉ 9 giờ là đã hết rồi. Hôm nào lượng hoa trong chợ nhiều, biết sẽ lâu bán hết, tôi cứ để cho người ta mua hàng trước rồi từ từ mua sau, như vậy sẽ mua được giá rẻ.
Những người mua hàng trước thường là những người nóng vội, khi khách hàng đã mua đủ rồi thì sẽ không còn người mua nữa, tôi tha hồ mà trả giá và dễ dàng mua được hoa tốt giá rẻ. Còn hôm nào nguồn hàng về chợ ít, hoa sẽ hết nhanh, phải nhanh tay mà mua hàng, chấp nhận giá hơi cao một chút nhưng sẽ có đủ hoa bán. Nhưng làm sao để biết được hôm đó lượng hoa về chợ nhiều hay ít cũng là không đơn giản, nếu phán đoán sai sẽ thua lỗ ngay? Đó là câu hỏi mà tôi đã vắt óc suy nghĩ.
Một năm lăn lộn chợ đầu mối từ 3h sáng chỉ để quan sát, tôi đã tìm ra bí kíp thành công trên đất Nhật: Muốn chiến thắng phải thấy được cái mà người khác không thấy - Ảnh 3.
Sau nhiều ngày quan sát, tôi nhận ra rằng những chiếc xe đẩy hoa chính là yếu tố để nhận biết được lượng hoa về chợ. Vì thế, cứ tới chợ là tôi đi vòng ra sau, tìm đến kho tập trung những chiếc xe đẩy. Hôm nào trong kho có nhiều xe đẩy trống không được sử dụng tức là hôm đấy lượng hoa về chợ ít. Ngược lại, nếu trong kho còn rất ít xe đẩy tức là hôm đó lượng hoa trong chợ rất nhiều, các xe phải huy động hết để xếp hoa, và cứ việc thoải mái mà chọn lựa. Tuy chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng lại là điều rất quan trọng để đưa ra những quyết định kinh doanh đúng đắn.
Trong lựa chọn hàng hoá, tôi không chỉ xem xét cẩn thận từng mặt hàng cần mua mà còn để ý kĩ người bán hàng, xem người đó là người thế nào. Khi mua hoa tôi thường bốc một ít đất trong chậu lên ngửi, có nhiều mùi phân bón tức là hoa bị bón nhiều phân để ép ra hoa, mình mua về một thời gian hoa sẽ tàn rồi không ra thêm nữa. Chỉ nhiêu đó thôi cũng biết được người chủ của những chậu hoa này là người như thế nào, một người chỉ biết vì lợi nhuận, làm kiểu "ăn xổi" như thế thì khó có thể hợp tác lâu dài. 
Biết về người bán thì sẽ phần nào biết được chất lượng hàng hóa của họ ra sao. Người bán hàng mà có tâm thì họ chăm sóc hoa cẩn thận, kỹ lưỡng, tưới tắm đầy đủ, hoa họ bán sẽ có chất lượng tốt. Người tốt thì trong làm ăn buôn bán họ giữ uy tín, không lừa lọc, không lươn lẹo, hợp tác lâu dài với họ mình rất yên tâm. Mỗi ngày tôi nhập đến cả ngàn chậu hoa, không thể nào mà đi kiểm tra từng chậu được. Dựa vào người bán hàng để đánh giá sản phẩm là cách hiệu quả nhất.
Chợ của Nhật Bản rất khác chợ của Việt Nam, đặc thù văn hóa giữa hai đất nước và cách kinh doanh cũng như yêu cầu của các ngành hàng cũng rất khác nhau, vì thế chưa chắc những người khác làm theo cách của tôi ở chợ hoa Tokyo cũng sẽ thành công ở Việt Nam. Tôi không khuyên mọi người làm y như thế vì hoàn cảnh, điều kiện của mỗi người khác nhau. Tôi chỉ muốn nói rằng khi định làm bất cứ cái gì cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu cho kỹ lưỡng, quan sát, để ý, từ cái nhỏ nhất và phải thật tinh ý. Có hiểu đúng và tường tận mới có thể đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Những cái dễ thấy thì mọi người đều thấy, muốn chiến thắng mình phải thấy được cái mà người khác không thấy. Để làm được như vậy phải bỏ công, bỏ sức tìm tòi, mày mò nhiều hơn người khác nhưng công sức mình bỏ ra sẽ tỉ lệ thuận với thành quả mình thu nhận được.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?