Tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông tàn phá môi trường sinh thái
Sau khi “Lệnh cấm đánh cá” hàng năm do Trung Quốc đơn phương áp đặt trái phép trên Biển Đông hết hiệu lực, hàng ngàn tàu cá của Trung Quốc đã tràn xuống Biển Đông để tận diệt nguồn hải sản trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và gây căng thẳng mới trên biển.
Sau khi “Lệnh cấm đánh cá” hết hiệu lực, khoảng hơn một ngàn tàu cá Trung Quốc từ khu vực miền Nam nước này đã hướng tới khu vực Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển có tranh chấp. Theo truyền thông Trung Quốc, dự kiến khoảng 3.000 tàu cá Trung Quốc sẽ ra khơi trong những ngày đầu tiên sau khi lệnh cấm đánh bắt cá được dỡ bỏ.Việc tàu cá Trung Quốc ồ ạt đổ xuống Biển Đông khiến căng thẳng trong khu vực có thể tiếp tục dâng cao hơn nữa.
Được biết, từ năm 1999 đến nay, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Trung Quốc thường tuyên truyền về cơ sở quan trọng cho việc tiếp tục áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là lợi ích sinh thái, kinh tế, xã hội và sự hoan nghênh rộng rãi cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, trên thực tế, hành động đơn phương này của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại DOC mà còn xâm phạm chủ quyền của các nước ven Biển Đông.
Theo các quy định của luật quốc tế, cấm đánh bắt cá là một trong những chính sách phổ biến của nhiều quốc gia giáp biển. Lệnh cấm này nhằm mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, dựa trên các văn bản pháp luật quốc tế như: Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 (UNCLOS); Hiệp định về các loài cá di cư của LHQ 1995; Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (CBD); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật đang bị nguy cấp (CITES) và Công ước về các loài di cư (CMS).Theo các quy định trên, thì lệnh cấm đánh bắt cá được áp dụng trong 2 điều kiện là: Các quốc gia ven biển chỉ có quyền đánh bắt cá trong phạm vi vùng biển mà quốc gia đó chủ quyền và quyền tài phán, thường chủ yếu là vùng đặc quyền kinh tế; Lệnh cấm đánh bắt cá phải dựa trên các số liệu khoa học, trên cơ sở trao đổi thường xuyên với các tổ chức trong khu vực và quốc tế, ngoài ra phải có sự tham vấn của các quốc gia liên quan. Trước khi áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá, thì quốc gia đó phải thông báo công khai, thông tin đầy đủ khu vực, nội dung đánh bắt cá với ngư dân trong nước và tham vấn với các nước trong khu vực.Việc tham vấn với các quốc gia có liên quan đặc biệt quan trọng và trở thành nghĩa vụ trong trường hợp quy định cấm đánh bắt cá được áp dụng với các loài cá có khả năng di cư xa hoặc sinh sống trên khu vực biển của nhiều quốc gia. Danh sách các loài cá có khả năng di cư xa, đang bị đe doạ hoặc sinh sống tại nhiều quốc gia được quy định rõ tại CBD, CMS và Hiệp định 1995. Ngoài ra, trước khi áp dụng, quốc gia ven biển có nghĩa vụ thông báo công khai, đầy đủ thông tin về quy định cấm đánh bắt cá với ngư dân của nước mình và ngư dân của các nước khác được phép đánh bắt cá trong EEZ của nước mình.
Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ sở hữu hợp pháp 13% diện tích Biển Đông, tức là nếu áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá theo quy định quốc tế, thì nước này chỉ được cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nhưng Bắc Kinh lại ngang nhiên tuyên bố chủ quyền đối với 90% khu vực của Biển Đông (hơn 3 triệu km2), vi phạm nghiêm trọng UNCLOS và xâm hại đến vùng đặc quyền kinh tế mà các nước trong khu vực đã tuyên bố chủ quyền. Việc Trung Quốc bất chấp bị phản đối và vi phạm luật quốc tế ra lệnh cấm đánh bắt cá là để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc áp dụng và phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để “giành lấy sự công nhận trên thực tế” yêu sách chủ quyền phi pháp trên Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua việc cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Luật pháp và Thực tiễn quốc tế, đặc biệt là UNCLOS để tìm cách hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Không những vậy, thông qua việc đưa ra quy định cấm đánh bắt cá hàng năm, Trung Quốc muốn phản biện lại phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) bằng cách chứng minh “Trung Quốc là nước đang kiểm soát hiện hữu, lâu dài ở Biển Đông” và các thực thể địa lý (bị Tòa tuyên bố không phải đảo) đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. Ngoài ra, Trung Quốc muốn thông qua lệnh cấm đánh bắ cá mặc cả, răn đe, hăm dọa, mua chuộc các quốc gia, các công ty, các cá nhân đang thực hiện các dự án đầu tư khai thác tài nguyên trong phạm vi hoàn toàn nằm trong các vùng biển hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông.
Hành vi của Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Đầu tiên, lệnh cấm đánh bắt cá này là quyết định vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa vốn là một bộ phận không thể tách rời của Việt Nam, song đã bị Trung Quốc 3 lần sử dụng vũ lực bất hợp pháp vào năm 1909, năm 1956 và năm 1974. Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc áp dụng nhiều thủ đoạn, để hợp thức hóa “chủ quyền lịch sử” đối với khu vực này, như xây dựng các căn cứ quân sự kiên cố; ồ ạt đưa quân, dân ra quần đảo để tạo lập các đơn vị hành chính “thành phố Tam Sa”; công bố văn bản pháp lý quy định hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng các vùng biển và thềm lục địa bao lấy toàn bộ quần đảo; thường xuyên ra các lệnh, quyết định hành chính, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là một ví dụ điển hình.
Thứ hai, phạm vi của Lệnh cấm đánh cá này xâm phạm các EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và Philippines. Theo quy định của UNCLOS 1982, Việt Nam (12/11/1982) đã công bố Tuyên bố về hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam, nên Việt Nam hoàn toàn có quyền xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình. Phạm vi mà Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Không những vậy, tại phán quyết của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS (7/2016), Toà đã khẳng định việc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá năm 2012 tại một khu vực lớn tại Biển Đông, mà không loại trừ EEZ của Philippines và không giới hạn áp dụng với các tàu mang cờ Trung Quốc, là sự vi phạm Điều 56 UNCLOS về quyền chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật biển trong EEZ của Philippines (đoạn 716, phán quyết 2016). Việc tiếp tục đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh đánh bắt cá trong phạm vi rộng tại Biển Đông vào năm 2017, năm 2018, sau khi phán quyết Tòa Trọng tài có hiệu lực, cho thấy sự thách thức của Trung Quốc đối với quy định của pháp luật quốc tế hiện hành.
Thứ ba, phạm vi lệnh cấm đánh cá còn vi phạm quy chế của vùng chồng lấn nằm ở cửa vịnh Bắc Bộ. Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang đàm phán phân định vùng chồng lấn này. Theo quy định của UNCLOS và theo thực tiễn quốc tế, trong khi đàm phán phân định vùng chồng lấn, các bên liên quan không được phép đơn phương tiến hành bất kỳ một hoạt động nào. Việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở vùng chồng lấn là trái với quy định của UNCLOS, bất chấp thông lệ quốc tế và hoàn toàn đi ngược lại cam kết chính trị của hai bên.
Thứ tư, với điều kiện địa lý của một vùng biển nửa kín, nơi các tài nguyên sinh vật có độ đa dạng và phụ thuộc lẫn nhau lớn, việc tham vấn là một trong các nghĩa vụ bắt buộc để bảo tồn các loài có khả năng di cư cao và sinh sống trên vùng biển của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuỳ tiện áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương trong khoảng thời gian không phù hợp với thực tiễn đánh bắt cá ở Biển Đông và không tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan.
Thứ năm, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy Trung Quốc vi phạm nguyên “kiềm chế, không thực hiện các hoạt động làm phức tạp và leo thang tranh chấp” đã được quy định trong DOC.
Trước hành vi phi pháp của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp với các vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS; nhấn mạnh Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông DOC ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình ở khu vực.
Nhận xét
Đăng nhận xét