Thời Sự Hàng Tuần Ngày 31 tháng 8, 2019 – Green New Deal

Đỗ Văn Phúc biên tập và bình luận
 Đường vào Bạch Cung
Tuần trước, chúng ta có dịp nói về ông cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, là người có nhiều sự ủng hộ nhất trong đám cử trị đảng Dân Chủ (29%). Hai vị kế đó là ông Bernie Sanders (15%) và bà Elizabeth Warren (14%). TNS Kirsten Gillibrand vừa tuyên bố rút lui khỏi cuộc tranh tài.
Quý vị có thể đặt câu hỏi tại sao ông Biden lại được sự ủng hộ gấp đôi hai vị kế đó, và những vị còn lại chỉ có 4, 5% trở xuống mà thôi. Đây là một khuynh hướng mới trong cử tri Dân Chủ càng ngày họ càng thấy khó chấp nhận Chủ nghĩa Xã hội, mà đa số các ứng cử viên Dân Chủ hô hào, đưa vào chương trình của họ rầm rộ trong 2 năm qua.

 Green New Deal

Một thuật ngữ mà quý vị nghe nhiều trong năm nay là “The Green New Deal” (kế sách trả lại màu xanh cho trái đất, chúng tôi xin tạm dùng thuật ngữ ngắn gọn là “kế sách xanh”).
Vấn đề hâm nóng địa cầu không phải là mới mẻ gì. Các nhà khoa học địa vật lý cũng chia làm hai, ba phe bất đồng, cãi nhau ỏm tỏi trong việc thẩm định nguyên nhân và kế sách giải quyết. Các nhà chính trị xu thời dù chẳng có tí kiến thức vật lý nào cũng nhảy xổm vào để lôi kéo cử tri. Người chủ xướng ồn ào nhất trong thập niên cuối thế kỷ 20 là ông Albert Gore, cựu Phó Tổng Thống thời Bill Clinton. Ông này thành lập và là Chủ tịch của The Climate Reality Project. Ông viết nhiều sách cổ vũ cho cách mạng xanh mà theo ông là để cứu địa cầu khỏi sự hủy diệt. Các kế sách của ông là tiêu diệt nguyên nhân làm nóng địa cầu, mà chủ yếu là chấm dứt những sử dụng văn minh cơ giới như xe, tàu, phi cơ, máy móc để cho bầu khí quyển không bị ô nhiễm bởi khí độc Carbon Dioxine (CO2). Năm 2001, một đảng chính trị cấp tiến mang tên “Green Party” ra đời với mục tiêu “một nền chính trị xanh (chú trọng vấn đề môi sinh), bất bạo động, cổ vũ công lý xã hội, dân chủ tận gốc rễ, bình đẳng giới tính, chống chiến tranh và chống kỳ thị.” Đảng này được coi là phe tả và có số đảng viên khá đông (1,429,596), đứng hàng thứ 4 tại Hoa Kỳ, sau các đảng Cộng Hoà, Dân Chủ và Libetarian.
Kế sách xanh của Alexandria Ocasio-Cortez
Khi cô Alexandria Ocasio-Cortez theo chủ nghĩa xã hội được dân khu vực nghèo ở New York bầu vào Quốc Hội, cô đã trình ra trước Hạ Viện kế sách mới “Green New Deal” vào ngày 7 tháng 2, 2019 cùng lúc với Thượng Nghị Sĩ Edward J. Markey (Dân Chủ, Massachusetts) trình ra trước Thượng Viện. Cái Green New Deal này là sự lặp lại vài phần kế sách New Deal vào tháng 9, 1937 của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt khi ông phải đối phó với nạn đại suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ kéo dài từ 1929 đến 1942.
Kế sách Xanh của hai vị Dân Chủ chỉ gói ghém trong 4 trang giấy, nhắm vào 5 mục tiêu mà sẽ hoàn tất trong 10 năm để chuyển hoá nền kinh tế già cỗi, xám xịt (gray) sang một nền kinh tế mới sống động, thích nghi với môi trường và mang tinh thần trách nhiệm xã hội. Nói tóm lại là để đạt kết quả là chấm dứt hẳn việc thoát khí độc CO2 vào bầu khí quyển (net-zero greenhouse gas emissions) vào năm 2030. Song hành là sẽ ban hành một sắc luật có tên “Economic Bill of Rights” cung cấp cho mọi người bảo hiểm y tế miễn phí (single-payer), bảo đảm công ăn việc làm có lương cao, cung cấp nhà cửa với giá vừa phải và đặc biệt là miễn phí cấp đại học. Nó nuôi tham vọng tạo ra hàng triệu công việc có lương cao, bảo đảm an toàn kinh tế và sự thịnh vượng cho mọi người trong nước Mỹ!
Kế sách này hứa sẽ cung cấp cho nhiều thế hệ người dân về sau này một nguồn nước và nguồn không khí tinh khiết, thực phẩm bổ dưỡng, cuộc sống hoà hợp với thiên nhiên và một môi trường sống thích nghi, trong lành.
Về mặt xã hội, sẽ cổ vũ cho công lý theo luật và quyền lợi thiên nhiên, không bị thiên kiến, chấn chỉnh lại lịch sử và ngăn ngừa trong tương lai việc đàn áp ngưòi bản xứ, các sắc dân da màu, các cộng đồng di dân, các cộng đồng sống trong khu vực thiếu tiện nghi kỹ thuật, cộng đồng nông thôn, những người nghèo khó, lợi tức thấp, những phụ nữ, người già cả, người vô gia cư, người bị khuyết tật và giới thanh thiếu niên.
Kế sách xanh của Ocasio-Cortez không hề nói đến cách thực hành và ngân sách để thực hiện là bao nhiêu.
Dù nó được trình bày trước Quốc Hội, kế sách xanh này không có tính cách ràng buộc về pháp chế mà chỉ là sự nêu ra viễn cảnh nước Mỹ phải làm gì để đối phó với sự thay đổi thời tiết khí hậu trong thập niên tới. Và cũng vì nó không phải là một dự luật, nên nó sẽ không được chuyển qua hành pháp phe chuẩn và sẽ không trở thành một đạo luật.
Ngay khi kế sách xanh được trình ra, Tổng Thống Trump đã mỉa mai phê bình: “Như thế là họ muốn hủy bỏ hẳn phi cơ, xe hơi, bò, dầu, khí đốt và cả quân lực nữa!”  Sự mỉa mai này trùng hợp với lời phê bình, cảnh cáo của bà Dân Biểu Liz Cheney (Wyoming).
Thật ra, trong “Kế sách xanh” không có câu nào về những cấm đoán nói trên; nhưng trong nhiều văn bản xuất phát từ văn phòng của Ocasio-Cortez có đề cập đến những điều mà Tổng Thống Trump và bà Cheney nêu ra! Cô Ocasio-Cortez cũng từng nói rằng các con bò khi đánh rắm cũng phát sinh ra khí độc CO2, nên chủ trương của cô là bỏ hẳn việc ăn thịt bò. Ấy mà cũng có người tin. Một vài trường học (không nhớ rõ) đã loại hẳn món hamburger ra khỏi khẩu phần ăn trưa của học sinh! Ý tưởng ký cục như thế cũng na ná với đề nghị của ông Cựu Phó Tổng Thống Al Gore là bãi bỏ việc dùng xe hơi, phi cơ… vì chúng sản sinh ra khí độc.
Kế sách“Xanh” của Sanders!
Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (Vt.), ứng cử viên đảng Dân Chủ cũng trình ra một kế sách xanh nhưng được New York Times coi là táo bạo hơn, vượt hẳn kế sách của Ocasio-Cortez vừa về tham vọng vừa về phí tổn.
Sanders, cùng là người theo chủ nghĩa xã hội như Ocasio-Cortez, và cũng ủng hộ “Kế Sách Xanh” của cô ta, nên đã sử dụng đúng danh xưng này nhưng cho hay ông muốn vào năm 2050 là phải hoàn toàn hủy bỏ các nguồn năng lượng khai thác từ các chất trong thiên nhiên (fossil fuel). Kế Sách Xanh của Sanders có chi phí lên tới 16.3 ngàn tỷ đô la, trong đó có 200 tỷ dành giúp đỡ các nước nghèo để thực hiện kế sách xanh tại các nước đó!
Xin nhắc lại vài con số để so sánh. Kế sách xanh của Elizabeth Warren dự tính phí tổn 2 ngàn tỷ, kế sách của Joe Biden dự chi 1.7 ngàn tỷ.
Với mức dự chi 16.3 ngàn tỷ, ông Sanders sẽ là người đứng hàng đầu trong số các ứng cử viên chủ trương cách mạng xanh sau khi ứng cử viên Jay Inslee (Thống Đốc Washington) rút lui khỏi cuộc dự tranh.
Để bào chữa cho “Kế sách Xanh” hao tốn của mình, Sanders cho rằng sự thay đổi thời tiết đang là một mối nguy hiểm hàng đầu của nhân loại; và theo ông, chúng ta phải thật tích cực để kềm chế. Ông nói rằng ông có bảy đứa cháu, và ông không muốn chúng phải sống trên một trái đất không trong lành và không bao bọc được con nguời. Nếu ông thắng cử, ông sẽ tuyên bố tình trạng khẩn trương trên toàn quốc về thảm hoạ môi sinh. Ông sẽ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng mặt trời, sức gió hoặc các nguồn nhiệt năng khác có thể có được trong nước. Ông bác bỏ nguồn năng lượng nguyên tử.
Như đã nói, chương trình Green New Deal của Bernie Sanders sẽ tốn khoảng 16.3 ngàn tỷ đô la! Bernie Sanders đòi phải quốc hữu hoá các công ty sản xuất năng lưọng như điện lực, xăng dầu … Những nhà kinh tế tài chánh cho hay nếu áp dụng kế sách của Sanders, giá cả năng lượng sẽ vọt lên rất cao, làm điêu đứng nhiều gia đình và doanh nghiệp; kế sách đó cũng tăng cường sức mạnh của một nhà nước trong việc kiểm soát và điều hành các mặt về đời sống của dân chúng. Nó khác chi các nhà nước độc tài của Liên Sô, Trung Cộng, Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam… Như thế, cái gọi là “kế sách xanh” chẳng phải là vì thời tiết khí hậu gì ráo, mà chỉ là một con ngựa thành Troy màu xanh xâm nhập vào chính quyền, tăng cường quyền lực cho nó để kiểm soát kinh tế quốc dân. Dĩ nhiên, sẽ kéo theo sự đàn áp!
Không biết căn cứ vào cuộc nghiên cứu nào, ông Sanders còn nói rằng kế sách của ông sẽ làm chấm dứt nạn thất nghiệp, vì ông sẽ tạo ra 20 triệu công việc làm cho người lao động, đẩy mạnh việc đầu tư vào nghiên cứu và phá triển, cũng như sẽ áp đặt các mức phạt và xử lý về pháp luật đối với ngành kỹ nghệ xăng dầu. Sanders còn bộc lộ ý định rằng nếu ông ta cầm quyền, ông sẽ truy tố hình sự các vị lãnh đạo doanh nghiệp!
Kế sách này sẽ tăng mức thuế lợi tức, tiền phạt vạ đối với các công ty năng lượng; giảm bớt chi tiêu cho hệ thống an toàn và như thế, giới giàu có và đại doanh nghiệp sẽ phải trả phần của họ vào kế sách này. Theo cách lý giải của ông, đó là cách mà kế sách “xanh” của ông sẽ tự đài thọ lấy trong 15 năm!
Chủ trương xã hội chủ nghĩa của bà Elizabeth Warren
Trong kế sách xanh mà phí tổ ở mức 2 ngàn tỷ đô la, bà Warren chủ trương các điều sau:
– Bảo hiểm sức khoẻ cho tất cả (Medicare for All). Medicare là chương trình y tế dành cho công dân Hoa Kỳ về hưu sau khi đã làm việc và đóng vào thuế Medicare (khấu trừ từ tiền lương). Bây giờ bà Warren muốn trong 10 năm tới sẽ đem Medicare tặng không cho tất cả mọi người, kể cả người chưa hề đi làm, đóng thuế, di dân bất hợp pháp…  Khi đã có medicare for all do nhà nước độc quyền quản lý, các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ đóng cửa. Người dân sẽ không còn sự lựa chọn nơi khám, bác sĩ điều trị cho mình nữa. Dịch vụ y tế, nhân viên y tế tốt xấu, hay dở, thì rán mà chịu! Trong thời gian 10 năm này, mức tốn kém sẽ là 30 ngàn tỷ. Tiền đâu ra, thưa bà?
– Ngoài Medicare for All, bà Warren còn chủ trương Universal Child Care (Chăm sóc cho trẻ em một cách đại chúng) dành cho các gia đình nghèo. Nhà nước sẽ trả hết chi phí săn sóc cho con cái của họ. Chương trình này dự trù sẽ tốn 100 tỷ một năm
– Bà Warren chủ trương xoá hết nợ vay khi đi học cho các sinh viên đã tốt nghiệp. Chương trình này dự chi khoảng 1 tỷ để giúp cho 45 triệu sinh viên. Nên nhớ, đa số những người đã tốt nghiệp đại học hiện nay có mức lương xấp xỉ 80 đến 100 ngàn mỗi năm trở lến. Họ là giới trung lưu chứ không còn ở mức nghèo khó cần giúp đỡ.
– Về gia cư, bà Warren sẽ lập chương trình trợ cấp thuê nhà, đặc biệt dành cho người da đen và gốc Latino. Dự trù tốn kém 500 tỷ đô la.
– Bà Warren như một Phật sống, rất có lòng nhân đạo, thương người di dân từ các nước nhất là từ Trung và Nam Mỹ. Bà chủ trương Hoa Kỳ phải mở toang các cánh cửa rước hết họ vào và cho hưởng medicare miễn phí ngay lập tức.
Hai năm trước, vì muốn sử dụng lá bài da màu, bà Warren đã tự khoe mình có huyết thống dân da đỏ. Nhưng sau khi bị Tổng Thống Trump thách đố, bà đi thử DNA và tỷ lệ chỉ là 1/2000 nên bà rất tẽn tò và còn bị Hội đồng sắc dân Apache lên án. Nay ra ứng cử, muốn lấy lòng dân da đỏ lần nữa, bà Warren to mồm công kích những cha ông lập quốc đã cư xử tàn ác với dân da đỏ. Bà đòi hỏi nước Mỹ phải lên tiếng xin lỗi họ và tìm cách bồi thường những thiệt hại đã gây ra cho họ. Bà còn muốn vuốt ve dân da đen, nên cũng đòi Hoa Kỳ xin lỗi và bồi thường luôn. Không rõ những số tiền bồi thường sẽ lên tới bao nhiêu!
Ngoài ra, bà còn một chủ trương độc đáo là hứa cải tổ hệ thống luật pháp, truy lùng tội phạm của giới cưỡng chế pháp luật (tức là các anh chị cảnh sát). Có lẽ do tỷ lệ ủng hộ của dân da đen cho bà quá thấp (dưới 8%), nên bà bày thêm trò này để lấy lòng họ chăng!
Những cử tri đang ưu tư vì bà Warren sẽ thu hồi các luật giảm thuê, miễn thuế do Tổng Thống Trump ban hành. Ngoài ra, bà còn muốn áp đặt thêm loại thuế đánh trên tài sản cá nhân. Ví dụ, những người có tài sản trên 50 triệu, sẽ bị đánh thuế 2% trên tài sản (1 triệu mỗi năm); Ai có tài sản từ 1 tỷ trở lên sẽ phải đóng 3% trên tài sản (tức 30 triệu mỗi năm). Nếu bà Warren đắc cử và áp dụng luật thuế tài sản này, các nhà tỷ phú như Bezo, Gates, Buffett rồi cũng sẽ có ngày xếp hàng xin tiền trợ cấp phúc lợi xã hội sau nhiều năm vì đóng thuế mà sạch túi.
Vậy ngoài Kế Sách Xanh, chương trình của phe Dân Chủ là gì?
Một sai lầm nghiêm trọng của các ứng cử viên Dân Chủ khi tranh luận là quá chú trọng vào những đề nghị chi tiêu ngân sách mà không đếm xỉa gì đến giới doanh nghiệp lớn và nhỏ. Chính hai thành phần này mới là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế quốc gia. Những người phe Dân Chủ chỉ giỏi về những hứa hẹn trợ giúp (help, assistance, aid), hợp tác, chương trình và kế hoạch (partnerships, programs and plans) mà thiếu chiều sâu của việc làm thế nào thực hiện những gì họ hứa hẹn.
Frank Luntz
Ông Frank Luntz, một nhà bình luận chính trị, cho rằng các ứng cử viên Dân Chủ tấn công những người thành đạt. Ông nói: “Theo dõi qua những lần tranh luận của các vị Dân Chủ, tôi thấy họ như quá sốt sắng, quá cấp bách dâng tặng “free stuff” cho người dân Mỹ. Đến nỗi mà tôi có thể hình dung sau khi một vị hứa hẹn “thức ăn miễn phí” thì sẽ có ngay một vị khác nhào ra hứa rằng thức ăn mà ông ta tặng không sẽ được nhai sẵn chỉ cầm mớm vào miệng người nhận thôi.”
Một vị khác, tự nhận thuộc đảng Dân Chủ từng tham gia qua ba mùa tranh cử, cũng nói rằng qua lịch sử, những người Dân Chủ đã làm việc với các doanh nghiệp tư để tạo công ăn việc làm, giúp doanh nghiệp khá lên và bảo vệ phúc lợi cho công nhân. Theo ông, sau Thế Chiến 2, chính các hành pháp Dân Chủ đã thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trưởng. Nhưng nay thì, các đề nghị tặng không “free stuff” mà chi phí lên tới hàng ngàn tỷ đô la sẽ do ai đài thọ? Các ứng cử viên trong cuộc tranh luận đã không nhìn thấy rằng sự thành công của Hoa Kỳ không phải do việc chính phủ thu các khoản thuế rồi đem ra trang trải cho những thứ “cho không biếu không.”
Cũng theo ông này, sự thành công của Hoa Kỳ là do các doanh nhân tầm cỡ hay bậc trung, bậc nhỏ đã tạo ra sản phẩm mà người tiêu thụ ưa thích, mua sắm; từ đó tạo ra công ăn việc làm và trả lương cùng phúc lợi hậu hỉ cho nhân công. Chúng ta không thể trông cậy đơn nhất vào một chính phủ khổng lồ; mà cần phải phối hợp với các lãnh vực tư nhân vì chính họ mới là động cơ của phát triển.
Ký giả Michelle Price của hãng thông tấn Associated Press, sau một cuộc thăm dò, đã tiết lộ đại đa số cử tri Dân Chủ hoang mang và nghi ngờ chương trình “bảo hiểm sức khoẻ miễn phí”. Chỉ có 39% số cử tri Dân Chủ là ủng hộ “Medicare for all” so với 80% vào tháng 4 và 72% vào tháng 7 rồi. Còn 55% muốn trở lại dùng căn bản của Obamacare để thay đổi, nới rộng sự lựa chọn hơn là một chương trình do chính phủ toàn quyền điều hành! Ưu tư lớn nhất của dân chúng là sự vắng mặt của các cơ sở bảo hiểm tư nhân mà họ có quyền lựa chọn theo túi tiền.
Ngay các ứng cử viên Tổng Thống thuộc Dân Chủ cũng đã chuyển hướng của họ về vấn đề này. Ứng cử viên Kamla Harris đưa ra kế hoạch trong đó có vai trò của các hãng bảo hiểm sức khoẻ tư nhân. Phó Tổng Thống Biden thì ra mặt phê bình chương trình của Senders và Warren.
Một thăm dò mới nhất của viện Gallup cho thấy có 58% là tỷ lệ thanh niên từ 18 đến 30 ưa chuộng chủ nghĩa xã hội. Nhưng dường như những người phe Dân Chủ, sau một thời gian dài bị khích động chống Tổng Thống Trump, nay đang dần dần mở mắt ra và nhìn thấy hiểm họa của chủ nghĩa xã hội. Bà Nikki Haley, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc phải cảnh cáo rằng: “Những ôm ấp đầy nguy hiểm của người Mỹ nhằm vào cái chủ nghĩa xã hội hiện xảy ra ở các đại học, trong truyền thông, ngay cả trong Quốc hội. Chúng ta có nghĩa vụ phải nhắc nhở mọi người rằng: nếu bạn quan tâm đến tình trạng nghèo khó, chỉ có chủ nghĩa tư bản mới là giải pháp.”
Mâu thuẫn của những người tự cho tranh đấu cho dân nghèo!
Trong khi những người phe Dân Chủ bày tỏ sự chống lại những người giàu có và tự xưng mình đứng về phía người nghèo, thì chính họ, sau một thời gian làm dân cử, đã có tài sản hàng chục đến hàng trăm triệu đô la. Cựu Tổng Thống Obama, xuất thân từ một anh tổ chức cộng đồng, nhảy bàn độc làm Tổng Thống 8 năm cũng đã có hàng trăm triệu. Các báo loan tin hai vơ chồng Obama vừa bỏ ra 15 triệu để tậu một cơ ngơi gồm một khu nhà (mansion) gần 7000 sqft có 7 phòng ngủ và khoảng gần 30 acres trên hòn đảo ngoài khơi khu vực Martha Vineyard thuộc Tiểu bang Massachussetts. Vùng này là nơi nghỉ mát của những nhà tỷ phú và triệu phú cỡ bự. Trước đây, vào năm 2017, vợ chồng Obama đã mua  một căn nhà 9 phòng ngủ ở vùng D.C. trị giá 8.1 triệu. Tài sản của đôi vợ chồng này ước tính hơn 135 triệu đô la.
Image result for joe biden
Tài sản của cựu Phó Tổng Thống Joe Biden cũng khoảng 15 triệu. Các ứng cử viên Dân Chủ cũng có tài sản cả chục triệu, dù lương Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu chỉ $174,000 mỗi năm. Một anh bạn của tôi gần đây đưa lên face book một mẫu tin không rõ lượm từ đâu, cho hay vợ chồng Joe Biden nghèo và đáng thương đến nỗi phải tìm cách bán nhà để chạy chữa cho con mắc trọng bệnh và không kham nổi bảo hiểm sức khỏe. Obama thấy vậy động lòng có hứa sẽ dùng tiền bán sách để giúp! Mục đích bản tin là cổ vũ cho chương trình free health care, vì bảo hiểm sức khoẻ hiện đắt đến độ một ông cưu Tổng Thống cũng không có khả năng chi trả!
Chúng tôi sống ở Hoa Kỳ 30 năm nay, chưa hề thấy một người nào trong vòng quen biết bị bác sĩ hay bệnh viện từ chối chữa trị vì không có bảo hiểm. Năm 1992, một người bạn đến Mỹ trong chương trình cựu tù nhân, có vợ bị khối u nhọt trong óc, phiá trên con mắt. Hai vợ chồng mới đền Mỹ, làm việc tạm thời trong một công ty tư nhân nhỏ, không có bảo hiểm và cũng không đủ khả năng mua bảo hiểm sức khoẻ. Chúng tôi đưa chị vào bệnh viện Brackenridge lớn bậc nhất ở Austin để mổ. Sau khi mổ xong, về nhà, cũng có nhận nhiều cái bill lên đến hàng trăm ngàn. Nhưng qua thời gian, các bệnh viện họ thương lượng cho trả tượng trưng và chừng vài tháng sau là chẳng thấy ai đòi gì cả. Còn vài trường hợp khác mà chúng tôi biết rất rõ.
Các vấn đề thời sự mới nhất
Tổng Thống Trump trong tuần này, đã tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh G-7 lần thứ 45 tại thành phố Biarritz, Pháp. Tham dự lần này có các vị lãnh đạo các nước như: Tổng Thống Donald Trump (Hoa Kỳ), Tổng Thống Emmanuel Macron (Pháp), Thủ Tướng Angela Merkel (Đức), Thủ Tướng Canada Justin Trudeau, Thủ Tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ Tướng mới của Anh là Boris Johnson, Chủ Tịch Hội Đồng Liên Âu Donald Tusk, Chủ Tịch Ủy Hội Liên Âu Jean-Claude Juncker. Ngoài ra còn có sự tham dự của các Bộ Trưởng Tài Chánh, cà các Thống Đốc Ngân Hàng của 7 nước hội viên và khối Liên Âu.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay chú trọng vào vấn đề thương mại vì đang có những bất đồng Hoa Kỳ và Liên Âu, và xung đột như giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Image result for Trump with G-7
Tổng Thống Trump đã không dự cuộc họp về môi sinh mà chỉ cử thành viên trong phái đoàn đi họp thay. Tại Hội nghị, ông đã báo tin rằng Trung Cộng đã lên tiếng xin mở lại các cuộc đàm phán thương mại sau khi họ áp đặt 10% thế lên 75 tỷ hàng của Mỹ, và bị Tổng Thống Trump trả đũa bằng cách đánh thuế đến 25% trên 300 tỷ hàng của họ. Có lẽ Trung Cộng thấy thấm đòn, khó chơi lại với ông Tổng Thống rất cứng cựa. Nhưng để tránh bẽ mặt, phía Trung Cộng tuyên bố họ sẽ không trở lại các điều kiện của Hoa Kỳ về việc các công ty Mỹ phải chuyển giao kỹ thuật, cũng như vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ. Theo họ giải thích là Trung Cộng không thể thay đổi luật lệ của họ! Có tin cho hay Tổng Thống Trump sẽ ra lệnh các công ty của Mỹ rút ra khỏi Trung Cộng. Báo chí đang làm ầm lên khi đặt ra câu hỏi rằng Tổng Thống có thẩm quyền làm việc này hay không?
Cũng để trả đũa việc Pháp đánh thuế lên các công ty kỹ thuật của Mỹ, Trump còn dọa sẽ đánh thuế lên rượu vang của Pháp mà theo ông không ngon bằng rượu vang California (dù ông không biết uống rượu!) Mà quả thế, các tay sành rượu cũng thừa nhận rượu vang từ Napa Valley ngon hơn rượu vang Bordeau của Pháp..
Cũng tại hội nghị, Tổng Thống cho hay Mỹ và Nhật vừa thảo luận xong một thoả ước thương mại giá trị bạc tỷ. Thủ Tướng Abe hứa mua nông sản của Mỹ. Thoả thuận này hy vọng sẽ được ký trước ngày có cuộc họp khoáng đại của Liên Hiệp Quốc vào giữa tháng 9 này.
Nga bị đẩy ra khỏi G-8 vào năm 2014 do việc họ xâm chiếm bán đảo Crimea. Nay thì Tổng Thống Trump ngỏ ý muốn G-7 chấp thuận cho Nga trở lại. Sang năm, hội nghị lần thứ 46 tại Hoa Kỳ, mà Tổng Thống Trump đề nghị tại khu nghỉ mát của ông ở Mar-a-lago ở Florida. Tổng Thống dọa rằng ông sẽ mời Tổng Thống Nga Putin tham dự.
Năm ngoái, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G-7 ở Canada, Tổng Thống Trump đã bỏ ra về giữa lúc có cuộc tranh cãi về thương mại mà không ký vào bản tuyên bố chung. Hoá ra ông ta hờn mát Thủ Tướng Canada Trudeau!
Trong Thông cáo Báo chí do Toà Bạch Cung phổ biến, có nói rằng: “Tổng Thống Trump đã làm việc với các đồng minh G-7 để tạo ra một tương lại đầy cơ hội cho các quốc gia hội viên.” Mà trong đó, “ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn sự gia tăng về bất công trong giao thương để đạt đến một nên ngoại thương tự do, công bằng, có lợi đa phương
Nội dung bản Tuyên Bố Chung G7 ngày 26 tháng 8, 2019
Các vị lãnh đạo nhóm G-7 ghi nhận sự đoàn kết cao độ và tinh thần, thiện chí được biểu lộ trong các buổi thảo luận. Hội nghị Thượng đỉnh G-7 đã được Pháp đứng ra tổ chức tại Biarritz đã thành công trong việc đồng thuận giữa các vị nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu chính phủ về những điều khoản ghi sau đây:
1.- Thương mại: Nhóm G-7 hứa hẹn mở cửa cho sự giao thương quốc tế một cách công bằng, tạo sự ổn định cho nền kinh tế thế giới.
Nhóm G-7 yêu cấu các vị Bộ Trưởng Thương Mại theo dõi sát sao tình hình kinh tế thế giới. Nhóm G-7 mong muốn cải thiện Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (World Trade Organization) để gia tăng hiệu năng trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ, trong việc giải quyết những tranh tụng và trong việc xóa bỏ những sự thực hành bất công trong giao thương.
Nhóm G-7 hứa rằng đến năm 2020, sẽ đạt được một thoả ước nhằm đơn giản hoá những rào cản mang tính chất điều lệ, và hiện đại hoá vấn đề thuế quan quốc tế trong phạm vi của OECD (The Organisation for Economic Co-operation and Development – là tổ chức kinh tế lien chính phủ có 36 nước hội viên, ra đời năm 1961 nhằm kích thích phát triển kinh tế và giao thương quốc tế.)
2.- Vấn đề Iran. Nhóm G-7 cùng chia sẻ hai mục tiêu nhằm (1) bảo đảm rằng nước Iran sẽ không chế tạo vũ khí nguyên tử, và (2) thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực.
3.- Vấn đề Ukraine: Pháp và Đức sẽ đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh theo khuôn mẫu Normandy trong những tuần lễ kế tiếp để bàn có hiệu quả vấn đề này. (Normandy format hay còn gọi là Normandy Four, là một tổ chức ngoại giao gồm 4 nhân viên cao cấp của 4 nước Đức, Nga, Ukraine, và Pháp) nhằm giải quyết vấn đề chiến tanh ở vùng phía đông Ukraine.
4.- Vấn đề Lybia: G-7 ủng hộ một thoả ước mà có khả năng dẫn đến sự ngưng bắn dài hạn tại Lybia. Đồng thời tin tưởng rằng chỉ có một giải pháp chính trị để bảo đảm cho sự ổn định của nước này. G-7 kêu gọi triệu tập một hội nghị quốc tế để cho các phe tranh chấp và những nước có liên hệ ngồi lại với nhau. Hội nghị như thế nên do Liên Hiệp Quốc và các nước trong Liên Hiệp Phi Châu tổ chức và G-7 sẽ hết lòng ủng hộ.
5.- Vấn đề Hong Kong: Nhóm G-7 tái xác nhận sự hiện hữu và tầm quan trọng của Tuyên cáo chung Anh-Trung Cộng năm 1984 về vấn đề Hong Kong và kêu gọi các bên không sử dụng bạo lực.
Tin động trời: Bạn có tin ông Trump giết nhiều người hơn 3 tên đồ tể Hitler, Stalin và Mao?
Image result for “Twilight of American Sanity”
Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả Brian Steler của đài truyền hình CNN hôm Chủ nhật,  Giáo sư Allen Frances, một cựu trưởng phân khoa Điều trị Tâm Lý (psychiatry) của trường Duke University, tác giả cuốn sách “Twilight of American Sanity” (Hoàng hôn của nước Mỹ trong lành), đã nói một chuyện động trời rằng: “Gọi Trump là kẻ điên cũng chỉ để che đậy sự điên khùng của chúng ta khi bầu ông ta, và còn điên khùng hơn khi để cho chính sách của ông ta kéo dài. Trump là một kẻ giết người trong thế kỷ này cũng như Hitler, Stalin, và Mao trong thế kỷ trước. Ông ta có thể phải chịu trách nhiệm về hàng triệu người chết hơn là ba người kia. Chúng ta phải ngăn chặn các chính sách của ông ta lại.”
Xin nhắc vài con số để so sánh:
Stalin của nước Nga Sô Viết đã giết chết khoảng từ 4 đến 8 triệu người mà đa số là dân Ukraine, dân Nga, và Poland. Nhưng các sử gia ước tính con số chết là 20 triệu.
Hitler của Đức Quốc Xã giết chết 12 triệu người, trong đó có 6 triệu người Do Thái, 5 triệu người các sắc dân thiểu số, cộng sản, tật nguyền và dân Romanie. Nhưng nếu tính số người chết do cuộc chiến Hitler gây ra thì chỉ tính ở Âu Châu, con số lên đến 35 triệu.
Tại Hoa Lục, có ít nhất 65 triệu người chết dưới tay Mao Trạch Đông kể từ khi ông ta nắm quyền. Trong cuộc thanh trừng trong đại cách mạng nhảy vọt năm 1958, Mao đã giết chết 45 triệu người chỉ trong vòng 4 năm. Tài liệu lịch sử còn rành rành các con số nạn nhân của Phát xít và Cộng sản.
Cứ cho ông giáo sư Frances này vì cuồng điên thù ghét ông Trump mà gán cho ông là thủ phạm của những tai ương không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Tính hết những người chết vì chiến cuộc chống Isis, Syria, Trung Phi, những người chết vì đói, bệnh hoạn; những người chết vì thiên tai bão lụt… Thì tổng cộng trong gần ba năm (là thời ông Trump cầm quyền) cũng chưa tới con số 1 triệu chết.
Có lẽ nên gửi ông Giáo sư Francis vào bệnh viện tâm thần để điều trị thôi.
Rừng Amazon cháy lớn.
Image result for amazon wildfire
Vào các ngày 11 – 13 tháng 8, 2019, Trung tâm Nghiên cứu Không gian Brazil phát hiện ra đến 73 ngàn đám cháy xảy ra ở khu rừng già nguyên sinh Amazon, thuộc lãnh thổ Brazil.Rừng Amazon. Đó là con số kỷ lục các đám cháy trong năm nay. Khói đen của những đám cháy được gió thổi đi xa đến 1700 dặm, che kín  vùng trời của các tiểu bang Amazonas, Rondônia, Pará và Mato Grosso. Khu rừng Amazon có diện tích gấp đôi nước Ấn Độ, là khu rừng rộng lớn nhất thế giới, được coi là buồng phổ của địa cầu, nơi cung cấp đến 20% lượng dưỡng khí và đóng góp điều hoà khí hậu cho cả trái đất..
Nguyên nhân đưa đến các nạn cháy rừng là do khai thác lâm sản, phá rừng làm rẩy, khai mỏ một cách tham lam. Nó phương hại đến khu rừng nhiệt đới và sự sinh tồn của dân bản xứ. Theo các nhà địa chất học, rừng Amazon chứa đến 140 tỷ tấn carbon mà nếu do sự cháy, số carbon này sẽ bay lên bầu khí quyển gây đại họa cho nhân loại.
Brazil đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa khoảng 44 ngàn binh sĩ đến những vùng cháy để chữa lửa. Tổng Thống Pháp Macron, thay mặt nhóm G-7 gửi 20 triệu đô la để giúp Brazil trong vụ chữa cháy, nhưng Tổng Thống Bolsonaro của Brazil từ chối. Nghe đâu giữa hai ông có xích mích vì lời phê bình bà vợ già Brigitte của Macron đưa đến lời qua tiếng lại. Riêng Hoa Kỳ đã cấp tốc gửi các máy bay lớn đền phun hoá chất dập đám cháy.
Dỗ Văn Phúc, 30/8/2019

https://baotgm.net/thoi-su-hang-tuan-ngay-31-thang-8-2019-green-new-deal/

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?