Malaysia - Việt Nam tăng cường quan hệ song phương
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27-28/8/2019.Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Mahathir Mohamad kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Malaysia vào tháng 5/2018.
Chuyến thăm hữu nghị, thắt chặt quan hệ song phương
Theo thông tin trên, trong thời gian ở thăm Việt Nam, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chào xã giao lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và có một số hoạt động khác.Chuyến thăm sẽ là cơ hội để hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt vào năm 2020 khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn Malaysia là chủ nhà của năm APEC.
Trong suốt 46 năm qua, quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa… Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm lẫn nhau, điển hình như chuyến thăm Malaysia của Tổng Bí thư Đỗ Mười (1994), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1998), Thủ tướng Phan Văn Khải (1998), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2007, 2015), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011); và các chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir Mohamad (1992, 1996, 1998), Quốc vương Alamrhum Tuanku Jaafar Ibni Almarhum Tuanku Abdul Rahman (1995), Quốc vương Sultan Mizan Zainal Abidin Ibni Almarhum Sultan Mahmud Al-Muktafi Billah Shah (2009), Thủ tướng Najib Tun Razak (2014), Chủ tịch Thượng viện S. Vigneswaran M Sanasee (tháng 1/2018)…
Về quan hệ chính trị, trao đổi đoàn thường xuyên diễn ra ở cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân. Các cơ chế hợp tác luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì. Điển hình trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thăm chính thức Malaysia từ ngày 11-13/7/2017. Tiếp đến, từ 27-28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đã thăm chính thức Việt Nam và cùng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Kinh tế, Khoa học, Kỹ thuật Việt Nam - Malaysia tại Hà Nội.
Ngoài ra, để cụ thể hóa Tuyên bố chung về khuôn khổ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Malaysia, phiên họp Đối thoại chiến lược quan chức cấp cao (SOSD) lần thứ nhất giữa hai nước đã được tiến hành vào ngày 4/4/2016 tại Hà Nội do Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh và Phó Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia, Dato Muhammad Shahrullkam Yaakob đồng chủ trì.
Quan hệ song phương giữa hai nước luôn được củng cố và duy trì qua nhiều thế hệ lãnh đạo. Điều này đã được thể hiện rõ trong thời gian trước và sau cuộc tổng tuyển cử quan trọng lần thứ 14 (GE 14, 9/5/2018) của Malaysia vừa qua. Đây là thời điểm nhạy cảm khi các chính trị gia của Malaysia đều rất bận rộn, hoạt động đối ngoại thường được tiết giảm dành thời gian cho các hoạt động trong chiến dịch tranh cử giữa liên minh các đảng. Tuy nhiên, Bộ trưởng trong Văn phòng Thủ tướng Shahidan Bin Kassim vẫn tới dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Malaysia do Đại sứ quán tổ chức (26/3/2018). Sau bầu cử, nhiều cơ quan Malaysia trong quá trình tái cơ cấu, chưa có ngay lãnh đạo đứng đầu nhưng phía bạn vẫn luôn tỏ thiện ý hoan nghênh các đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc nhằm tăng cường giao lưu và hiểu biết chung giữa hai nước. Chính phủ mới của Malaysia và cá nhân Thủ tướng Mahathir Mohamad rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Thủ tướng Mahathir đã có kế hoạch sang thăm chính thức Việt Nam kết hợp tham dự WEF-ASEAN vào giữa tháng 9/2018.
Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan.Tiềm năng về hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước sẽ còn rất lớn khi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký giữa 11 quốc gia vào 9/3/2018 vừa qua. Về đầu tư, Malaysia xếp thứ 7/125 nước và vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 12/2017, Malaysia có 568 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký 12,187 tỷ USD.
Ngoài hợp tác về kinh tế, hợp tác hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước cũng luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm và đẩy mạnh. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 10 năm hai nước ký MOU hợp tác quốc phòng.Điều này được thể hiện qua nhhiều chuyến thăm lãnh đạo cấp cao giữa hai nước đã diễn ra như chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch tới Malaysia từ 25-27/10/2016; Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang tham dự Triển lãm Hàng hải và Hàng không Quốc tế Langkawi 2017 (LIMA 2017) từ 21-25/3/2017 và dự Hội nghị không chính thức Tư lệnh lực lượng quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 15 (ACDFIM 15) kết hợp thăm chính thức Malaysia từ 4-6/3/2018.Bên cạnh đó, hai bên tiếp tục tăng cường đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin, phòng chống cướp biển, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ tàu thuyền Việt Nam gặp nạn trên biển.
Ngoài ra, hai nước cũng thể hiện mối quan hệ tin cậy và gắn bó khi cùng là thành viên của nhiều tổ chức như ASEAN, APEC, UN, RCEP, CPTPP… và chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề như vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực, việc triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Malaysia và vấn đề Biển Đông
Malaysia là một trong 5 nước tồn tại tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Trong nhiều năm qua, Malaysia đã tích cực thực thi chính sách Biển Đông nhằm bảo vệ “chủ quyền” và lợi ích của mình trong khu vực. Từ trước đến nay, Malaysia thúc đẩy chính sách tương đối khiêm tốn “không đối đầu, không gây chuyện” trong vấn đề Biển Đông, cố gắng tránh xung đột bên ngoài, đặc biệt là xung đột quân sự, mà sử dụng nhiều hơn biện pháp chính trị để đảm bảo duy trì lợi ích vốn có của mình tại Biển Đông. Malaysia ủng hộ đề xướng hợp tác khai thác chung ở Biển Đông, giữ lập kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, không ngừng tăng cường xây dựng năng lực quân sự của mình ở khu vực Biển Đông, thúc đẩy hợp tác quân sự với các nước như Mỹ, Việt Nam...
Từ khi lên cầm quyền đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã có nhiều tuyên bố, hành động cụ thể khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ chủ quyền, lợi ích của Malaysia ở Biển Đông và phản đối các hành động phi pháp, đe dọa sử dụng vũ lực hay quân sự hóa trong khu vực, cụ thể: Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (14/8/2018) tuyên bố Malaysia “ủng hộ việc các tàu biển, kể cả chiến hạm, di chuyển qua Biển Đông, nhưng phản đối việc triển khai lực lượng đóng quân tại đó”; lên tiếng cảnh báo việc quân sự hóa trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông có thể sẽ gây nên chạy đua vũ trang không lành mạnh. Ông Mahathir cũng tố cáo Mỹ can thiệp vào các tranh chấp thuần túy của châu Á với việc thường xuyên cho tàu chiến, máy bay triển khai hoạt động cũng như việc Trung Quốc cho tàu tuần tra trong vùng. Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng ông Mahathir sẽ cứng rắn với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông hơn so với người tiền nhiệm, vốn bị coi là nhượng bộ Bắc Kinh và Malaysia sẽ quyết tâm cao để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này trên Biển Đông.
Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad nhiều lần tuyên bố, Trung Quốc cần tôn trọng quyền tự do đi lại trên Biển Đông của tàu bè tất cả các nước và Trung Quốc chớ nên gây căng thẳng không cần thiết ở vùng biển này; cho biết Malaysia đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, hủy một dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Trong chuyến thăm Trung Quốc 5 ngày (17-21/8), Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tuyên bố hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc và hai đường ống dẫn năng lượng trị giá 22 tỷ USD với Trung Quốc.Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ riêng việc phá vỡ hợp đồng dự án Đường sắt bờ biển phía Đông (ECRL), phía Malaysia sẽ phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc khoảng 5,5 tỷ USD.
Nhận xét
Đăng nhận xét