Philippines sẽ mất tất cả khi muốn “ăn chia” 60/40 với TQ ở Biển Đông


Đề xuất “ăn chia” 60/40 được Trung Quốc và Philippines đề cập trong một bản ghi nhớ (MOU) về khai thác chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều khả năng đề xuất trên sẽ được Manila và Bắc Kinh chính thức thông qua trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Philippines Duterte.

Hợp tác khai thác chung trên biển
Cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình khai thác chung chính là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Tuy nhiên, hiện chưa có một khái niệm thống nhất về khai thác chung.Giới học giả thường dựa vào diễn giải của các học giả Rainer Lagoni và Thomas A. Mensah. Theo đó, có hai trường hợp có thể áp dụng khai thác chung: Khi có một nguồn tài nguyên nằm vắt ngang biên giới biển của các quốc gia liên quan; Khi nguồn tài nguyên nằm trong khu vực chồng lấn các yêu sách giữa các quốc gia ven biển và chưa thể phân định được. 
Hình thức khai thác chung cũng rất đa dạng. Có thể là thiết lập một khu vực khai thác chung với các phân khu nhỏ, hay một khu vực phức hợp trong đó gồm nhiều khu vực nhỏ thực hiện các hợp tác khai thác chung giữa các quốc gia liên quan. Các khu vực hợp tác này tùy thuộc vào loại hình hợp tác mà các bên thỏa thuận.Trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên dầu mỏ và khí đốt, có rất nhiều hình thức hợp tác, từ đơn giản đến phức tạp. Các thỏa thuận khai thác chung thường tồn tại dưới ba hình thức: Một quốc gia đứng ra thực hiện khai thác chung; Một liên doanh đứng ra khai thác; Một cơ quan sẽ được các bên trao thẩm quyền để tiến hành khai thác. Trong đó, liên doanh khai thác chung là mô hình được ưa chuộng nhất hiện nay. Mô hình này đòi hỏi các bên liên quan thành lập ra một liên doanh khai thác. Thành viên của liên doanh có thể là các công ty dầu khí quốc doanh của quốc gia đó hoặc các công ty dầu khí đại diện cho các quốc gia tham gia khai thác chung.
Đáng chú ý, “khai thác chung” theo kiểu của Trung Quốc hoàn toàn không giống và cũng không dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế. Trung Quốc áp dụng quan điểm “khai thác chung” dựa trên Chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Đặng Tiểu Bình. Chính sách này gồm bốn nội dung: (i) Chủ quyền lãnh thổ là thuộc Trung Quốc. (ii) Khi điều kiện cần thiết không xuất hiện để giải quyết toàn diện tranh chấp lãnh thổ, việc thảo luận vấn đề chủ quyền lãnh thổ sẽ tạm gác sang một bên. Việc gác lại tranh chấp chủ quyền lãnh thổ không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền. Đó chỉ là tạm gác tranh chấp trong một thời gian. (iii) Lãnh thổ tranh chấp có thể được cùng các bên khai thác. (iv) Mục đích của cùng khai thác là duy trì sự hiểu biết lẫn nhau thông qua sự hợp tác và tạo ra các điều kiện cho việc giải quyết quyền sở hữu lãnh thổ.
Âm mưu của Trung Quốc khi muốn “ăn chia” trên Biển Đông
Dù Trung Quốc đề nghị khai thác chung nhưng nước này vẫn duy trì yêu sách đường chín đoạn phi pháp chiếm gần 80% Biển Đông. Bắc Kinh vẫn ngang ngược tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) cùng với hai khu vực khác là Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và vùng bãi cạn Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa).Phần lớn các khu vực mà Trung Quốc dùng đủ sức ép để đề nghị “gác tranh chấp, khai thác chung” đều nằm trên khu vực thuộc EEZ hoặc thềm lục địa của nước khác, điển hình là Philippines và Việt Nam. Như vậy, Trung Quốc có hai mục tiêu. Về mặt chủ quyền: Trung Quốc muốn biến biển của nước khác thành vùng biển tranh chấp, qua đó từng bước hiện thực hóa yêu sách đường chín đoạn. Về mặt tài nguyên: Trung Quốc muốn biến tài nguyên của nước khác thành tài nguyên chung để khai thác.
Chỉ cần một nước bất kỳ chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” là Trung Quốc sẽ đạt được thành công bước đầu. Tiếp đó, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia còn lại phải thực hiện theo. Hệ lụy là các quốc gia tại khu vực biển Đông sẽ phải khai thác chung với Trung Quốc các nguồn tài nguyên nằm trong EEZ hoặc thềm lục địa của chính họ. Trong khi đó theo UNCLOS, các quốc gia đó có đặc quyền trong việc thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên mà không cần chia sẻ cho bất cứ ai.
Thỏa thuận “ăn chia” đặc biệt
Trong chuyến thăm Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (11/2018) đã ký một bản ghi nhớ (MOU) về khai thác chung ở khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, dù chưa chính thức “bắt tay” với Bắc Kinh nhưng nhiều lần lên tiếng hoan nghênh đề xuất “ăn chia” 60/40 của Trung Quốc mà Manila “được” phần lớn hơn. Tổng thống Philippines Duterte từng tuyên bố: “Đề xuất khai thác chung với tỉ lệ 60/40 nghiêng về phía chúng ta là một khởi đầu tốt. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ dẫn tới một kết quả nào đó tích cực, như làm thế nào chúng ta có thể giải quyết một cách hòa bình phán quyết của Tòa Trọng tài”.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Philippines chấp nhận “ăn chia” với Trung Quốc là do Manila muốn né tránh xung đột và thiệt hại trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Từ sau sự kiện Trung Quốc tổ chức chiếm giữ bãi cạn Scarborough năm 2012, Trung Quốc không ngừng gây sức ép Philippines.Ngoài các vụ cho tàu va đâm, đe dọa tàu ngư dân Philippines, Trung Quốc còn nhiều lần tiến hành vây hãm Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Việc gia tăng hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo phi pháp trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Philippines có chiều hướng xấu đi khiến ông Duterte thiếu tự tin. Không những vậy, Philippines dưới thời ông Duterte xem trọng lợi ích kinh tế với Trung Quốc hơn là câu chuyện xung đột ở Biển Đông. Góc nhìn (cá nhân) của Tổng thống Duterte trong việc chia tỉ lệ 60/40 và “miễn là Philippines được phần nhiều hơn” cho thấy tính thực dụng trong chính sách của Manila. Ông Duterte lâu nay tiếp cận Trung Quốc theo kiểu mềm mỏng để đổi lại các lợi ích kinh tế. Mục tiêu của Manila chính là dòng tiền đầu tư, dòng khách du lịch, tăng kim ngạch xuất khẩu và các khoản vay có ưu đãi cao từ chính quyền Bắc Kinh. Ngoài ra, Manila muốn lấy “khai thác chung” để nhắc lại phán quyết của Tòa Trọng tài. Chính quyền Duterte nhiều lần nhắc lại quan điểm ủng hộ đối với chủ trương hợp tác cùng chia sẻ tài nguyên (dầu khí, đánh bắt cá) với Trung Quốc. Theo đó, ông Duterte kỳ vọng đây sẽ là cơ sở để ông đưa vụ thắng kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài năm 2016 đến chương trình nghị sự với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp tới.
Philippines sẽ mất tất cả
Điều 12 mục 2 của Hiến pháp năm 1987 của Philippines quy định: “Chính phủ Philippines phải bảo vệ các nguồn tài nguyên ở vùng nước quần đảo, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đảm bảo đặc quyền khai thác, sử dụng của người dân Philippines ở đó. Tất cả đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, mỏ than, dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyên thiên nhiên khác thuộc sở hữu của nhà nước. Việc thăm dò, phát triển và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên này phải được dưới sự kiểm soát hoàn toàn và sự giám sát đầy đủ của nhà nước. Nhà nước có thể đảm nhận trực tiếp việc thực hiện các hành động này hoặc có thể đưa vào các sản phẩm hợp tác chung, liên doanh hoặc thỏa thuận chia sẻ sản phẩm với các công dân Philippines, hoặc hợp tác, liên kết với ít nhất 60% số vốn thuộc sở hữu của các công dân”. Theo đó, người dân Philippines có đặc quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và các khoáng sản khác trong EEZ của họ. Quyền chủ quyền này thuộc về người Philippines và không có bất kỳ quan chức nào có thể từ bỏ quyền này mà không có sự đồng ý của người dân. Tuy nhiên, khu vực mà Philippines có chủ trương khai thác chung với Trung Quốc nằm hoàn toàn trong EEZ của Philippines, tức là hoàn toàn thuộc chủ quyền của Philippines, nên Manila không thể cho phép Bắc Kinh khai thác chung.
Giới chức Philippines liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án thỏa thuận “ăn chia” giữa Trung Quốc và Philippines. Các thượng nghị sĩ Philippines khẳng định Tổng thống Duterte không có thẩm quyền cho phép người nước ngoài khai thác tài nguyên trong EEZ của Philippines. Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario khẳng định nếu Manila đồng ý cho Trung Quốc khai thác chung trong EEZ, đó sẽ là một sự bành trướng thành công của Trung Quốc mà không cần nổ súng.Thay vì bắt tay với Trung Quốc, Philippines nên triển khai Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) để bảo vệ vùng biển của quốc gia, không để lực lượng nước ngoài đến khai thác. Tổng tư lệnh của AFP chính là tổng thống Philippines, người có nhiệm vụ tuân theo hiến pháp, chỉ huy AFP bảo vệ nguồn tài nguyên biển trong EEZ của đất nước mình. Trong khi đó, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng Tổng thống Philippines có thể đi đến các thỏa thuận với các tập đoàn nước ngoài liên quan đến các vấn đề về công nghệ hoặc trợ giúp về tài chính. Từ đó Philippines có thể thực hiện các dự án thăm dò, phát triển và sử dụng quy mô lớn đối với các tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt tuân theo các quy định của luật pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines không thể cho phép ngư dân Trung Quốc đánh cá ở EEZ của Philippines vì điều đó vi phạm Hiến pháp. Theo điều 12 mục 2 của hiến pháp, chính phủ phải bảo vệ các nguồn tài nguyên ở vùng nước quần đảo, lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế, đồng thời đảm bảo đặc quyền khai thác, sử dụng của người dân Philippines ở đó.Người dân Philippines có đặc quyền đánh bắt cá, khai thác dầu khí và các khoáng sản khác trong EEZ của họ. Quyền chủ quyền này thuộc về người Philippines và không có bất kỳ quan chức nào có thể từ bỏ quyền này mà không có sự đồng ý của người dân.
Không những vậy, giới chuyên gia nhận định việc Manila chấp nhận thỏa thuận “ăn chia” ở Biển Đông sẽ khiến Philippines đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức. Đầu tiên, việc ông Duterte lo ngại xung đột vũ trang cho thấy Manila mắc bẫy tâm lý của Trung Quốc. Bắc Kinh lâu nay cố gắng duy trì leo thang căng thẳng trong “vùng xám” bởi chiến tranh sẽ lợi bất cập hại với Trung Quốc: Mất uy tín, thiệt hại kinh tế, bị quốc tế phản ứng mạnh, gây sức ép lên sự đồng thuận chính trị trong nước, tạo cớ cho các nước thứ ba can dự mạnh.Việc Trung Quốc muốn thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông (COC) trong nhiệm kỳ Philippines làm điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc (đến năm 2021) cho thấy Trung Quốc muốn tranh thủ quan hệ tốt với Manila, dùng “luật chơi riêng” giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á để đẩy Mỹ và đồng minh ra khỏi biển Đông mà không dùng vũ lực. Ngoài ra, việc Trung Quốc gia tăng sử dụng lực lượng tàu dân quân biển thay vì tàu chiến cho thấy Trung Quốc chỉ dọa chứ không chiến tranh. Khi đưa tàu gây rối trong EEZ Malaysia, Philippines và Việt Nam, nếu gặp phải phản ứng mạnh thì Trung Quốc đều tìm cách thoái lui.Trong khi đó, xét ở góc độ kinh tế, chiến thuật “lấy mềm mỏng đổi lấy lợi ích” của ông Duterte chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Theo những số liệu kinh tế sau khi Philippines nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vẽ lên một bức tranh hỗn tạp. Theo đó, đầu tư và thương mại không gia tăng ở mức đáng kể dù lượng du khách và người lao động Trung Quốc có tăng.Dù có nguồn thu từ du lịch nhưng Philippines phải đối mặt thách thức từ người lao  động Trung Quốc: Giảm việc làm đối với người dân Philippines; bất ổn an ninh quốc gia, đặc biệt trong vấn đề tình báo. Cuối cùng, nếu ông Duterte có ý định “cấp phép cho Trung Quốc” khai thác dầu khí, đánh cá chung trong EEZ của mình để yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa hoặc thừa nhận chủ quyền của Philippines tại vùng khai thác chung thì thật sai lầm. Việc khai thác chung, về luật pháp quốc tế, chỉ tiến hành ở các vùng biển tranh chấp (nằm ngoài EEZ và thềm lục địa không có chồng lấn của quốc gia). Phán quyết của tòa năm 2016 đã xóa sạch yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Vậy nên nếu Philippines để Trung Quốc khai thác chung nghĩa là thừa nhận vùng biển của quốc gia thành vùng biển có tranh chấp, qua đó thừa nhận sự hiện diện của “đường 9 đoạn” phi pháp mà Trung Quốc ngang ngược theo đuổi.
Nhìn chung, sau khi sử dụng vũ lực lần lượt chiếm Hoàng Sa, một số thực thể ở Trường Sa, tiến hành bồi lấp công phu, quân sự hóa nhiều vũ khí nguy hiểm, Trung Quốc đang triển khai cùng lúc ba mặt trận là tâm lý, dư luận và pháp lý để giành ưu thế ở Biển Đông. Những đầu tư có tầng có lớp này của Trung Quốc chắc chắn không dừng lại ở việc hưởng lợi 40% nguồn tài nguyên khai thác chung với Philippines.Mục tiêu thật sự của Trung Quốc là từng bước biến vùng biển của nước khác thành vùng biển tranh chấp mà “khai thác chung” là một cách. Tiếp đến là từ vùng biển tranh chấp trở thành vùng biển của riêng Trung Quốc khi đối phương có bất kỳ sơ hở nào. Sự kiện Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 trong “tích tắc” là một bài học xương máu cho Philippines.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?