Pussypedia: Trang web bách khoa toàn thư chuyên về 'bộ phận sinh dục nữ' đầu tiên ra đời




Illustration in black and pink of a woman lying down, with her legs open, and the entrance of a tunnel between them Bản quyền hình ảnh María Conejo/BBC
Image caption Tác giả của Pussypedia nói rằng hầu hết phụ nữ biết rất ít về cơ thể mình, cách nó hoạt động và cách chăm sóc bản thân

Phụ nữ có xuất tinh không?
Câu hỏi này, được đặt ra vào cuối năm 2016, đã dẫn đến một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa nhà báo Mỹ Zoe Mendelson và bạn trai khi đó của cô. Vì họ không thể đồng ý với một câu trả lời thỏa đáng, chỉ có một cách để giải quyết: hỏi Google.
"Rất nhiều thông tin hiện trên Google là thông tin ngớ ngẩn và rác rưởi," Zoe nói với BBC, "vì vậy tôi quyết định tìm hiểu các tạp chí y khoa".
Điều đó cũng không giúp được gì.
"Tôi đọc mà không hiểu gì cả, tôi không hiểu tờ tạp chí đang đề cập đến bộ phận nào trên cơ thể, và vị trí của chúng ở đâu, chức năng của chúng là gì."
Zoe đưa ra hai kết luận: "Tôi nghĩ rằng đó là một vấn đề lớn khi mà tất cả thông tin có sẵn là những nội dung vô nghĩa hoặc không thể chấp nhận được; và (thứ hai) tôi nhận ra tôi không biết gì về cơ thể của chính mình."
Hai năm sau đó, Zoe cùng với người bạn María Conejo, một họa sĩ minh họa người Mexico, tạo ra trang Pussypedia: một trang bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy về cơ thể phụ nữ.
Ý tưởng cốt lõi của dự án là "pussy (âm hộ)", một từ lóng tiếng Anh ám chỉ bộ phận sinh dục của phụ nữ, nhưng các tác giả muốn sử dụng theo nghĩa rộng hơn để nói về "âm đạo, âm hộ, âm vật, tử cung, bàng quang, trực tràng , hậu môn và ai biết được, có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ nói về tinh hoàn".

Close up of US journalist Zoe Mendelson
Image caption Mong muốn tìm hiểu hơn về cơ thể của chính mình, Zoe Mendelson tạo ra trang Pussypedia

Nhưng một dự án như vậy có cần thiết hay không? Dù sao thì chúng ta cũng đã bước vào thế kỷ 21, nơi đang diễn ra phong trào #MeToo, nơi giáo dục giới tính đang được giảng dạy ở các trường học trên khắp thế giới và ai cũng có thể truy cập internet.
María trả lời trong hai câu: "Thông tin là sức mạnh" và "Sự xấu hổ thì nguy hiểm".
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đánh giá quá cao về sự tiến bộ trong bình đẳng giới", Zoe nói.
"Chúng ta vẫn sống trong một thế giới có sự bất bình đẳng rất lớn và vẫn rất xấu hổ về cơ thể và tình dục của chúng ta," cô nói thêm, "mặc dù xã hội đang trở nên cởi mở hơn, chúng ta vẫn nội tâm hóa những vấn đề này."
María đồng ý. "Chúng ta cho rằng chúng ta biết về bản thân và cơ thể của mình, đó là lý do tại sao chúng ta ngại hỏi những điều nhất định vì chúng ta cho rằng giờ chúng ta buộc phải biết rõ những điều này rồi. Và thái độ này thì cực kỳ thiển cận," cô nói với BBC từ Mexico.

Close up of María Conejo
Image caption María Conejo muốn sử dụng hình minh họa của mình để thay đổi cách nhìn nhận về cơ thể phụ nữ

Zoe và María, với sự giúp đỡ của một số cộng tác viên, đã ra mắt Pussypedia vào tháng Bảy.
Trang bách khoa toàn thư này cung cấp nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đã thu hút 130.000 khách truy cập kể từ khi bắt đầu vào tháng Bảy.
Khách truy cập tìm kiếm câu trả lời về các chủ đề như: Cách tốt nhất để rửa âm hộ, thuốc trừ sâu có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không.
Các bài viết của Pussipedia bao gồm các liên kết dẫn đến các nguồn thông tin chính thức đầu tiên.

Còn 'Penispedia' thì sao?

Mặc dù Zoe và María rất nỗ lực trong việc tìm kiếm thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, vẫn còn rất nhiều câu hỏi khó trả lời.
Tại sao? Bởi vì cơ quan sinh dục nữ, ngoài vấn đề sinh sản, thì được nghiên cứu ít hơn so với cơ quan sinh dục nam về mặt giải phẫu học và chức năng, Zoe và María nói.
"Tôi vẫn đang cố gắng tìm câu trả lời cho câu hỏi ban đầu của mình", Zoe nói. "Có rất nhiều thông tin bị thiếu và thiếu sự đồng ý trong cộng đồng khoa học [khi nói đến vấn đề sinh lý của phụ nữ]. Chúng ta thậm chí vẫn không biết loại mô cơ thể nào cấu tạo nên phần lớn âm vật, chẳng hạn."

One of María's illustrations, depicting a woman removing her white knickers and finding a red heart-shaped mark in them. Mostly black ink over a red background. Bản quyền hình ảnh María Conejo/BBC
Image caption Những người sáng lập của Pussypedia muốn nói về cơ thể phụ nữ mà không cần kiêng kị

Đó là lý do tại sao họ không thấy sự cần thiết của một bộ bách khoa toàn thư dương vật, "penispedia".
"Nếu bạn tìm kiếm 'dương vật' trong bất kỳ tạp chí y tế hoặc sách y tế nào, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều mục. Nhưng nó không như vậy khi bạn tìm kiếm 'âm đạo'", Zoe nói.
María chỉ ra rằng sự phong phú của thông tin không phải lúc nào cũng tương đương với sự phong phú của kiến ​​thức.
"Tôi nghĩ rằng đàn ông thậm chí còn biết ít hơn. Mặc dù có nhiều thông tin về dương vật, nhưng vì quan niệm về sự mạnh mẽ nam tính khiến họ ngại ngùng không dám tìm hiểu thêm về cơ thể của họ, và thậm chí còn biết ít hơn chúng ta," cô nói.
Ngược lại phụ nữ thì rất tò mò. Nhiều đến mức, khi María và Zoe bắt đầu chiến dịch gây quỹ quần chúng để khởi động Pussypedia, họ đạt đủ mục tiêu gây quỹ trong vòng chưa đầy ba ngày và cuối cùng đã huy động được 22.000 đô la - gấp ba lần mục tiêu ban đầu.
Khoản tiền này đã cho phép María và Zoe khởi đầu, "nhưng sau hai năm làm việc không lương", giờ họ cần tạo ra một số thu nhập từ Pussypedia nếu có thể trả tiền cho cộng tác viên và giữ trang web được cập nhật thường xuyên..
Trang web cũng cho độc giả tài trợ một bài báo nào đó và bán hàng hóa có hình minh họa của María.
Zoe cũng muốn mở rộng dự án để có thêm nhiều bài viết về sức khỏe tình dục cho người chuyển giới, mà đến nay hầu như vẫn chưa được đề cập.
Trong khi đó, cô ấy vẫn hy vọng mình sẽ sớm có thể có một bài viết trả lời câu hỏi ban đầu của mình - phụ nữ có xuất tinh không?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?