Tên lửa siêu thanh Nga sẽ khiến tàu sân bay Mỹ vô dụng ?
Hàng không mẫu hạm nguyên tử John C.Stennis của Hải Quân Mỹ.AFP
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai đến nay, hàng không mẫu hạm Mỹ được cho là bất khả xâm phạm, với những hàng rào bảo vệ vững chắc. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự xuất hiện của những loại tên lửa mới, có khả năng bay nhanh hơn tốc độ của âm thanh rất nhiều lần, có một câu hỏi thường được lặp đi, lặp lại : Phải chăng là các loại vũ khí siêu thanh sẽ khiến cho tàu sân bay trở thành vô dụng ?
Đây cũng là câu hỏi được cây bút chuyên về quân sự Thomas Romanacce nêu bật trong một bài phân tích đăng trên trang mạng tạp chí Pháp Capital số ra ngày 19/08/2019. Theo bài viết, Nga gần đây đã chế tạo được những loại tên lửa siêu thanh có thể dễ dàng đánh chìm tàu sân bay. Chỉ cần một chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ bị phá hủy, thì hậu quả sẽ rất là ghê gớm, nhất là về thiệt hại nhân mạng.
Loại tên lửa mà bài báo trên tạp chí Pháp gợi lên chính là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chiến lược Avangard mà Quân Đội Nga đã bắt đầu triển khai trong năm 2019, sau khi loan báo thử nghiệm thành công vào cuối năm 2018.
Báo chí Nga, dựa theo các thông tin do chính quyền cung cấp, khoe rằng với tốc độ có thể nhanh hơn 20 lần tốc độ âm thanh, tầm hoạt động rất rộng, và độ chính xác rất cao, loại tên lửa này có thể xuyên qua « mọi hàng rào phòng thủ ».
Trong một buổi điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng Ba vừa qua, tướng không quân Mỹ Terrence O’Shaughnessy cũng thừa nhận rằng tên lửa Nga đang trở thành “mối nguy hiểm nghiêm trọng nhất” đối với Mỹ.
Bài phân tích của tuần báo Capital trước hết ghi nhận một câu mà nhà ngoại giao nổi tiếng của Mỹ, Henry Kisinger, thường nói : « Một chiếc hàng không mẫu hạm là 100.000 tấn ngoại giao ».
Cho đến năm 2019, có 8 quốc gia được trang bị hàng không mẫu hạm : Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Anh Quốc, Ý, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. Với chiếc Charles de Gaulle, Pháp có thể tự hào cùng với Hoa Kỳ là hai quốc gia hiếm hoi trên thế giới có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể đi triền miên trên biển. Hoa Kỳ có 11 chiếc như vậy và thuộc loại lớn nhất, dài 333 mét.
Đạt đỉnh cao lúc Thế Chiến II, những chiếc tàu sân bay này, rất tốn kém, vẫn là thước đo sức mạnh quân sự của một nước. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia đánh giá là với những tên lửa siêu thanh và tàu ngầm rất im lặng thì các tàu sân bay có nguy cơ trở thành những con mồi dễ bị bắn hạ.
Trong một cuộc điều trần vào thượng tuần tháng 8, được trang mạng Defence News đưa lại, thượng nghị sĩ Mỹ Angus King, quan tâm đến tương lai của Hải Quân Hoa Kỳ, đánh giá là tàu sân bay là mục tiêu dễ dàng cho những hỏa tiễn có tốc độ 6.000km/h, nhanh hơn tốc độ âm thanh 5 lần. Ví dụ, một hỏa tiễn bắn đi từ Matxcơva có thể bắn trúng đến Paris sau 20 phút và Bắc Kinh trong vòng 1 tiếng đồng hồ.
Thượng nghị sĩ Angus King cảnh báo : « Chúng ta chậm trễ hơn so với Nga trong lãnh vực vũ khí siêu thanh. Tàu sân bay của chúng ta không được bảo vệ và dễ bị đánh chìm vì loại vũ khí này ».
Đáng ngại hơn nữa : Trong một cuộc diễn tập chiến đấu trên biển năm 2005, một tàu ngầm của Thụy Điển đã tránh né được rào cản phòng thủ của Hải Quân Mỹ khi bắn chìm một tàu sân bay. Một kỳ tích mà tàu ngầm Pháp Saphir đã lập lại vào năm 2015. Quả là ông Angus King đã có lý khi nêu khả năng các căn cứ không quân nổi này dễ gặp tác hại.
Thiệt hại nhân mạng còn hơn cả chiến tranh Irak !
Một tàu sân bay bị phá hủy sẽ là một thảm họa về nhân mạng và tài chính. Ví dụ, nếu chiếc USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới của Hải Quân Mỹ, bị chìm, thì thiệt hại nhân mạng phải lên đến 6.000 người - số người trong thủy thủ đoàn trên tàu.
Con số này cao hơn số 2.977 người thiệt mạng trong vụ khủng bố ở World Trade Center New York, 11/09/2001. Trong 8 năm cuộc chiến Irak, số lính Mỹ thiệt mạng là 4.424 người.
Về thiệt hại tài chính, tàu USS Gerald R. Ford bị hủy có nghĩa là Mỹ mất đi 13 tỷ đô la, số tiền mà Hải Quân đã chi ra để có được chiếc tàu, chưa kể đến giá của hàng chục máy bay hiện đại nhất trên tàu.
Tuy thấy những rủi ro hiển hiện này, nhưng Anh Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc vẫn tăng thêm số tàu khổng lồ này. Pháp bắt đầu nghiên cứu đóng thêm tàu sân bay mới thay thế chiếc Charles de Gaulle, trị giá 3,5 tỷ euro. Nói tóm lại, thời đại tàu sân bay vẫn chưa kết thúc.
Nhận xét
Đăng nhận xét