Chuyển đến nội dung chính

Đại hội 13 bàn về sắp xếp nhân sự

BBC 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Đại hội ngày 28/01
Chụp lại hình ảnh,

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Đại hội ngày 28/01

Đại hội 13 đã bước sang ngày làm việc thứ tư, gần phân nửa thời gian theo lịch dự kiến.

Thông cáo báo chí từ Đại hội cho hay "công tác nhân sự" sẽ được bắt đầu vào chiều ngày 28/01.

Truyền thông trong và ngoài nước chạy nhiều bài về nhân sự cấp cao nhất, hay "Tứ trụ" trong đó có các "trường hợp đặc biệt".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử cho nhiệm kỳ thứ ba, theo một Ủy viên Trung ương Đảng.

Tuyên bố này được nhiều cơ quan truyền thông trong nước đăng tải vào ngày 27/01 nhưng ngay sau đó được biên tập lại và loại bỏ nội dung liên quan tới ông Trọng.

"Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước của chúng ta là hơn 65 tuổi. Như vậy, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một trong số các đồng chí đặc biệt", ông Hầu A Lềnh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN nói với các phóng viên bên hành lang Đại hội khi được hỏi về trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng.

Hãng tin Reuters cho biết hai quan chức đã từ chối bình luận về phát biểu của ông Lềnh liên quan tới việc Tổng bí thư Trọng được giới thiệu tái cử.

Ông Lềnh được cho là đã nói rằng công tác nhân sự sẽ diễn ra trong ba ngày và việc bỏ phiếu cũng như thông báo về người vào chức Tổng bí thư được đưa ra vào ngày Chủ nhật 31/01.

Các vị trí trong Bộ chính trị và ba ghế còn lại trong "Tứ trụ" sẽ được các đại biểu bỏ phiếu vào hôm thứ Hai 01/02. Các bình luận này của ông Lềnh đã được gỡ bỏ trên truyền thông trong nước ngay sau khi vừa đăng tải.

Truyền thông Việt Nam sau đó đưa tin ông Lềnh cho biết quy trình giới thiệu "trường hợp đặc biệt" được tiến hành "rất chặt chẽ".

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Một phương án được cho là các dự kiến đề cử nhân sự trong Tứ trụ tại Đại hội 13

"Các đồng chí có trong trường hợp đặc biệt chủ yếu đặc biệt về độ tuổi; tất cả đều đủ điều kiện, tiêu chuẩn và có sức khỏe, năng lực công tác, có uy tín ở từng cương vị công tác của mình. Nếu được đại hội tín nhiệm bầu thì sẽ có được những người có kinh nghiệm đóng góp cho đất nước," ông Lềnh được báo Thanh Niên dẫn lời.

Việc gỡ bỏ và biên tập lại một vài nội dung trong phát biểu của ông Lềnh xảy ra gần hai tháng sau khi Chính phủ Việt Nam quy định "Phương án nhân sự Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội thuộc thông tin ''tuyệt mật''.

Về "công tác nhân sự", Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng được dẫn lời khẳng định điều ông gọi là "làm từng bước, làm đến đâu, chắc đến đó" và "chuẩn bị cho các nhóm đối tượng rất chặt chẽ".

"Đối với Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương làm trước; tái cử làm trước; ứng cử lần đầu làm sau. Sau đó mới tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng tái cử làm trước, ứng cử lần đầu làm sau. Rồi tới lãnh đạo chủ chốt, có trường hợp đặc biệt…

"Sau đó là những trường hợp đặc biệt về độ tuổi ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương. Còn cụ thể thế nào, danh sách đó là ai, chúng tôi sẽ thông báo với báo chí vào thời điểm thích hợp", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.

Ngày 17/1, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15, cũng là hội nghị cuối cùng trước khi Việt Nam tổ chức Đại hội Đảng khóa 13, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói về việc biểu quyết thông qua danh sách nhân sự trong đó có các "trường hợp đặc biệt" vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước với "số phiếu tập trung rất cao".

Chủ quyền Biển Đông

Trình bày tham luận tại Đại hội ngày 27/01 có bài phát biểu của đại diện Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh về sự liên hệ giữa tham nhũng và phát triển kinh tế.

"Lực lượng công an cũng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí, có giải pháp, quy trình, quy chế quản lý chặt chẽ trong phát triển các dự án, đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm "không thể", "không dám" và "không muốn" tham nhũng.

"Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động lợi dụng hợp tác đầu tư phát triển kinh tế để tiến hành chuyển hóa về chính trị, lũng đoạn về kinh tế," Đại tướng Tô Lâm nói.

Ông Lâm cũng nói về thách thức giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân trong mối liên hệ với "nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn".

Chủ đề Biển Đông cũng được đề cập tới trong bài phát biểu của Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tại Đại hội.

Thượng tướng Phan Văn Giang đánh giá rằng "lãnh đạo, chỉ đạo quân đội đã thực hiện, xử lý kịp thời, linh hoạt, mềm dẻo, có hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông" trong nhiệm kỳ vừa qua và cần "hóa giải nguy cơ xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống" trong nhiệm kỳ tới.

Trong diễn biến quan trọng khác, nhiều báo tại Việt Nam dành nhiều bài trên trang nhất về việc phát hiện hàng chục ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù