Covid-19 : Hơn 100 triệu ca nhiễm, 22.000 tỉ đô la thiệt hại cho kinh tế thế giới

 RFI

Ảnh minh họa: Một góc phố Tokyo, Nhật Bản ngày 27/01/2021.
Ảnh minh họa: Một góc phố Tokyo, Nhật Bản ngày 27/01/2021. AP - Koji Sasahara
Thu Hằng
3 phút

Thế giới có hơn 100 triệu ca nhiễm và hơn 2,15 triệu người chết vì virus corona kể từ khi dịch bùng lên từ Vũ Hán (Trung Quốc), theo thống kê ngày 27/01/2021 của AFP dựa trên các số liệu chính thức. Châu Mỹ chiếm hơn 40% số ca nhiễm. Các biến thể mới của virus khiến tình hình thêm nghiêm trọng, buộc nhiều nước tiếp tục thắt chặt các biện pháp phòng ngừa.

Tại Pháp, nơi vẫn có trên 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, chính phủ sẽ phải đưa ra quyết định về đợt phong tỏa thứ 3 sau cuộc họp của Hội đồng An ninh dịch tễ sáng 27/01. Biến chủng mới của Anh đã chiếm đến 10% ca nhiễm ở vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận).

Nước láng giềng Bỉ cấm mọi di chuyển không cần thiết trong tháng Hai. Đức tính tới « những biện pháp nghiêm ngặt », trong đó có « kiểm soát biên giới » và « giảm gần hết mọi hoạt động hàng không đến Đức ».

Các biện pháp giới nghiêm trở thành lý do bạo động tại nhiều thành phố ở Hà Lan. Sau ba đêm bạo động « tồi tệ nhất kể từ bốn năm qua », tình hình đã bớt căng thẳng vào tối 26/01, tổng cộng có 184 người bị bắt giữ và 10 cảnh sát bị thương. Hy Lạp cũng cấm mọi cuộc tụ tập trên 100 người trong vòng một tuần, trên thực tế được cho là nhằm kiềm chế phong trào xã hội, đặc biệt trong giới sinh viên.

Tại châu Á, Thái Lan ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày kỷ lục, thêm 959 ca theo số liệu ngày 26/01. Đài truyền hình NHK cho biết, Nhật Bản không loại trừ khả năng triển hạn tình trạng khẩn cấp tại 11 vùng, trong đó có thủ đô Tokyo nếu tình hình không có tiến triển. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tăng thêm 559 ca vào ngày 27/01, sau khi luôn ở dưới ngưỡng 400 trong vòng 10 ngày, do một số ổ dịch tại các địa điểm tôn giáo. Sau Úc, đến lượt New Zealand thông báo khả năng đóng cửa biên giới trong phần lớn năm 2021.

Đại dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại 22.000 tỉ đô la cho GDP thế giới từ 2020 đến 2025. Đây là « một tổn thất đáng kể », theo đánh giá của kinh tế gia Gita Gopinath thuộc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI). Các chiến dịch tiêm chủng Covid-19 có thể giúp thế giới tăng trưởng trở lại ngay năm 2021, sớm hơn một năm so với châu Âu do các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại đây.

Chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán Hoa Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2021, với điều kiện không chấm dứt sớm các biện pháp trợ giúp người lao động, đặc biệt là những người khó khăn nhất.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?