ĐH 13 và việc hé lộ nhân sự đặc biệt TBT Nguyễn Phú Trọng
BBC
Hôm 27/1, báo chí Việt Nam đưa tin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 'được giới thiệu tái cử' nhưng sau đó chi tiết này đã bị xóa.
Hội luận chuyên đề đặc biệt của BBC về ĐH 13 nhóm họp
Cùng khoảng thời gian này, mạng xã hội xuất hiện bài hát, thơ ca với thông điệp mong muốn ông Trọng tiếp tục nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản khóa 13.
Trong hôm nay 27/1, có báo như VNexpress lên bài với tựa đề: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 'được giới thiệu tái cử".
Tờ báo này trích lời ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN - nói: "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quá tuổi theo quy định nhưng được giới thiệu tái cử."
Tiết lộ của ông Hầu A Lềnh cũng được các báo khác dẫn lại.
"Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước của chúng ta là hơn 65 tuổi. Như vậy, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một trong số các đồng chí đặc biệt", ông Lềnh nói.
Tuy nhiên, vài tiếng sau khi đăng thông tin về ông Nguyễn Phú Trọng, tất cả các báo lớn ở Việt Nam đã rút chi tiết này ra khỏi bài trên trang web của họ.
Rộ lên thơ ca, nhạc họa về ông Trọng
Trong khi đó, trên mạng xuất hiện bài hát có tựa đề 'Bác ơi xin Bác đừng về", tốp ca nữ trình bày có lời:
"Bác ơi xin Bác đừng về, bác làm khóa nữa cho dân được nhờ...Người dân vẫn hằng mong chờ những phường giặc nước phải cho hết vào lò… Dân vẫn cần Bác lắm Bác ơi...Khi nước nhà còn chưa hết long đong, Bác về ai sẽ là người tiên phong".
Bài hát đi kèm với video đầy hình ảnh của ông Trọng trong các chuyến công du, công tác, gặp gỡ với những lãnh đạo nước ngoài như Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các hoạt động tiếp xúc cử tri, trao đổi với người dân.
Bên cạnh bài hát trên, có thêm bài thơ cùng tên do tác giả Nguyễn Đình Văn sáng tác có đoạn: "Xin Bác vì vận nước nghĩ suy, Bác làm khóa nữa phất cờ cho đất nước mình bay lên!". Hiện video thể hiện bài thơ này đã có hơn 13.000 lượt nghe xem trên trang YouTube.
Phía dưới bài hát lẫn bài thơ có cùng nội dung trên, nhiều người bình luận tán thành: "Mong Bác khỏe mạnh để giúp dân, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh cả đời hy sinh vì nghiệp nước. Bác ở lại thêm để tiếp tục chiến dịch đốt lò đang thành công vang dội..."
Từ những thông tin nổi lên gần đây, những người được xem là thạo tin chính trường Việt Nam cho rằng đương kim Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (77 tuổi), người giữ ghế Tổng Bí thư của hai nhiệm kỳ gần nhất (từ năm 2011 đến 2020), đã được Bộ Chính trị giới thiệu và Trung ương Đảng tại hội nghị 15 thông qua phương án dự kiến cho chức danh Tổng Bí thư khóa 13.
Ba người còn lại của 'tứ trụ' được sắp xếp như sau: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được Trung ương Đảng ở Hội nghị 15 thông qua cho phương án dự kiến vị trí Chủ tịch nước. Tương tự, ông Phạm Minh Chính được Hội nghị thông qua cho phương án dự kiến Thủ tướng, và ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội.
Điều 17 Điều lệ Đảng có ghi: "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Ngoài ra, còn có quy định Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.
"Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế" thất bại?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng hình ảnh "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật" để nhấn mạnh việc cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc tham ô, tham nhũng... Song song với phát ngôn đó là chiến dịch 'đốt lò' nổi tiếng của ông.
Tuy nhiên, một số người cho rằng đề ra những 'trường hợp đặc biệt' là điều không nên làm.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, luật gia, Tổng Biên tập Luật Khoa Tạp chí, một nhóm đấu tranh bất đồng chính kiến, ông Trịnh Hữu Long, từ Đài Loan, nói: "Nhưng vi phạm đến mức xé rào cho một cá nhân chiếm lĩnh vị trí quyền lực nhất thì quả là hiếm. Đây là việc đả phá một trong những trụ cột thiết chế quan trọng nhất của đảng, vốn được đặt ra để tránh hiện tượng lãnh tụ cả đời như Hồ Chí Minh và tổng bí thư lạm quyền như Lê Duẩn."
"Sau cùng, khi các thiết chế của đảng bị chính đảng viên của nó phá bỏ, nó sẽ không còn là Đảng Cộng sản Việt Nam như chúng ta từng biết nữa, mà sẽ mang hình hài khác. Hình hài đó nhiều khả năng đang ngày càng theo hướng tập trung quyền lực hơn. Các quy luật vận hành trong đảng cũng vì vậy mà khác đi so với trước đây," ông Long nhận xét.
Nhiều người cho rằng Đảng cần phải sửa lại điều lệ của mình để 'mở đường' cho ông Trọng.
Trước đó, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu nhận định của mình với BBC về điều 17 Điều lệ Đảng đề cập phía trên: "Ở đây tôi xin lưu ý là điều lệ lần cuối cùng sửa là ở trong Đại hội 11. Tại kỳ Đại hội 12 không có sửa điều lệ, thế thì trong trường hợp mà ông Nguyễn Phú Trọng ứng cử để tiếp tục làm Tổng Bí thư một khóa nữa, tức là khóa thứ ba liên tiếp, thì chắc chắn Đại hội 13 sẽ phải sửa điều lệ."
Trao đổi với BBC, nhà hoạt động Nguyễn Trang Nhung cho rằng người dân chẳng có cách nào thay đổi cán cân quyền lực hay tham gia vào việc chọn người lãnh đạo đất nước vì sự thay đổi bắt nguồn 'từ trên xuống' chứ không thể 'từ dưới lên', nếu xét về bối cảnh hiện nay của Việt Nam.
"Người Việt nhìn chung không có sự quan tâm chính trị, còn những nhà đấu tranh cho dân chủ thì bộc lộ rằng họ chưa có nhận thức đúng đắn để thực hiện công cuộc dân chủ hóa, nên chỉ nhờ vào từ trên xuống."
"Nhưng khả năng này là rất thấp, nó còn phụ thuộc vào quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc, với mô hình mà Việt Nam sao chép lại. Tuy nhiên, về khả năng thay đổi của Trung Quốc thì rất khó và sẽ giữ vững được chế độ này nhờ vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Xem chừng người dân Trung Quốc cũng hài lòng về thể chế độc tài, so sánh với những thể chế dân chủ như ở Mỹ với những bạo loạn và xử lý dịch bệnh kém," bà Trang Nhung đánh giá.
Bà Nhung phân tích: "Dù Việt Nam không phát triển mạnh như Trung Quốc nhưng vẫn ở mức độ nhiều người dân nói chung vẫn chấp nhận được. Trong khi năm qua, Việt Nam thể hiện rằng mình chống dịch tốt thì người dân càng dễ quên đi những bức xúc trước đó về môi trường như vụ Formosa. Tôi thấy rằng, sau 4 năm ông Trump trị vì, giới hoạt động dân chủ bị chia rẽ, không còn động lực đấu tranh hay những phong trào lớn như thời gian trước".
Còn về các kênh được đảng mở ra để tiếp thu ý kiến, bà Trang Nhung cho rằng "chỉ mang tính hình thức, mở ra cho có".
Trong khi đó, ông Trịnh Hữu Long cho rằng nếu người dân chịu lên tiếng, chịu mở báo, chịu thực hành những quyền của mình, bất chấp sự đàn áp của chính quyền, thì chính quyền ấy tự khắc sẽ điều chỉnh.
Ông Long lý giải: "Thực tế là kể từ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc năm 2007 đến nay, với nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân, chính quyền đã phải "bình thường hóa" ở mức độ đáng kể vấn đề quan hệ với Trung Quốc và vấn đề quyền biểu tình.
"Hai chuyện này không còn bị xếp vào loại đặc biệt nhạy cảm nữa và đã được bàn luận công khai ở hầu hết các diễn đàn. Các lực lượng bên trong đảng cũng sẽ nương nhờ vào sóng dư luận để gây dựng thanh thế, và tôi tin là nhiều người trong số họ đã chủ động tạo ra sóng dư luận để làm bàn đạp chính trị cho riêng mình hay phe cánh của mình," luật gia ý kiến.
Biến biệt lệ thành xu thế?
Nhìn từ bên ngoài, chuyên gia về châu Á của Viện CSIS, ông Greg Poling hôm 26/01 có bài về Đại hội 13 của ĐCSVN với tựa đề 'Vietnam Party Congress Meets to Choose Leaders, Set Policy Direction'.
Nhắc đến phương án Tứ Trụ mà Bộ Chính trị của đảng này đề ra (chưa công bố chính thức), ông Poling nhận xét việc để cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ở lại thêm, khi đã quá hạn chế tuổi quy định là việc "tự bẻ gãy luật bất thành văn" rằng không ai được "hưởng quyền ở lại miễn quy định tuổi".
Việc hai ông Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ sẽ đạt tuổi 65 khi vào Đại hội nhiệm kỳ nữa (2026) được ông Greg Poling cho là "sẽ dẫn tới tình trạng Đảng phải tiếp tục chấp nhận các trường hợp đặc biệt nữa, hoặc thay toàn bộ trong năm năm tới".
"Điều này là một xu thế không thỏa mái (uncomfortable trend) cứ tiếp diễn cho việc chuyển giao vỡ nứt của ban lãnh đạo (fractious leadership transitions) và có vẻ khiế̃n những điều tưởng là biệt lệ cần thiết trở thành những quy định lâu dài," ông Poling viết trên trang CISI.Org.
Trong khi đó, PGS. TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nêu quan điểm:
"Theo tôi ông Nguyễn Phú Trọng có kinh nghiệm rất già dặn trong tổ chức Đảng và thực sự tâm huyết đưa đất nước tiến lên.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thể hiện ông ấy rất xuất sắc. Mặc dù sức khỏe thì có ít nhiều hạn chế nhưng rõ ràng về trí tuệ thì vẫn rất minh mẫn. Nói về sức khỏe thì tôi nghĩ rằng không chỉ nên nói về tuổi cao mà thực sự phải nói đến sức khỏe về tinh thần để đưa đất nước tiến lên trong 5 năm tới.
Tôi nghĩ rằng Đại hội này sẽ rất dân chủ và mọi người sẽ được thảo luận và xem xét còn quyết định cụ thể thế nào thì sẽ do Đại hội. Tôi tin là mọi việc đã được cân nhắc khá kỹ trong nội bộ và rằng Đại hội sẽ rất sáng suốt lựa chọn vì đây là bước ngoặt rất quan trọng mang tính mở ra đại lộ đi đến tương lai cho Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ 5 năm tới việc giữ lại hai người là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc là sự lựa chọn cần thiết và sáng suốt để tạo nền móng cho thế hệ tương lai đưa đất nước tiến lên."
Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc chính thức hôm 26/01/2021 đang thu hút sự chú ý của báo giới quốc tế, trong đó có báo Anh, Pháp và Nhật Bản.
Reuters hôm thứ Ba đưa tin và bình luận từ Hà Nội rằng nếu được tái cử để tiếp tục ở lại trên ghế Tổng Bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam ở Đại hội 13, TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ có thành tích về thời gian giữ cương vị lãnh đạo đảng có thể so sánh với cố Tổng Bí thư ĐCSVN Lê Duẩn:
"Ông Trọng đã bị các biến chứng về sức khỏe trong vài năm qua, nhưng nếu - như giới quan sát mong đợi - ông tiếp tục làm Tổng Bí thư, thì ông sẽ trở thành tổng bí thư tại vị lâu nhất kể từ thời Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiểm soát và cầm quyền bằng bàn tay sắt, sau cái chết của nhà sáng lập và nhà cách mạng Việt Nam, ông Hồ Chí Minh."
Nhận xét
Đăng nhận xét