Nghị sĩ Đức 'bàng hoàng' vì TS Phạm Chí Dũng không kháng án
BBC
"Hôm nay, tôi bàng hoàng khi nhận tin ông Phạm Chí Dũng không muốn đòi phúc thẩm bản án vô nhân đạo," một nghị sĩ Quốc hội Đức ra thông cáo hôm 26/1, "vì ông không còn chút hy vọng nào về một phiên xử công bằng tại quốc gia Việt Nam này."
Ông Phạm Chí Dũng, từ Trạm giam Chí Hoà ra tuyên bố hôm ngày 18/1, nói ông "quyết định không kháng cáo".
Cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt vì tội ‘chống nhà nước’
Ông nói điều này "không có nghĩa là chấp nhận bản án bất công và rất nặng nề" của mình, mà là bởi ông "hiểu rằng đây là một bản án đã định sẵn cho chúng tôi để bóp nghẹt tự do báo chí ở Việt Nam".
Đức bảo trợ Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Bà Renate Künast, người đang nhận bảo trợ cho các nhà báo độc lập Việt Nam, nói việc bảo trợ hoàn toàn không phải là chuyện "can thiệp vào tình hình nội bộ".
Trước đó, chính trị gia của "Liên Minh 90 - Đảng Xanh", nghị sĩ Quốc hội Đức (Bundestag) và là Chủ tịch Nhóm Dân biểu Đức về Quan hệ với Khối ASEAN, đã ra thông cáo báo chí ngay sau khi nhận được tin về phiên xử sơ thẩm ở TP Hồ Chí Minh đối với ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, hôm 5/1.
Trường hợp của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, người đã bị giới chức bắt tạm giam từ hồi 11/2019, tiêu biểu cho những người có cùng chí hướng với ông - các nhà báo, Facebooker, blogger đang bị giam giữ ở Việt Nam, theo bà Renate Künast.
Từ tháng 8/2020, bà Renate Künast đã đứng ra vận động bảo trợ cho ông.
"Theo thỉnh cầu của Tổ chức Nhân quyền Veto và đề nghị của tôi, TS. Phạm Chí Dũng đã được nhận vào chương trình "Dân biểu bảo vệ Dân biểu" (PsP) của Quốc hội CHLB Đức."
"Đức 'không can thiệp tình hình nội bộ' nhưng không làm ngơ vấn đề nhân quyền"
Trả lời câu hỏi của đài BBC vì sao Đức bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng và đây có phải đó là sự "can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam" hay không, bà Kunast nói không thể coi đó là "sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam" như chính quyền Việt Nam thường hay quy kết.
Bà nói tuy nhân dân Việt Nam mới là "những người quyết định thúc đẩy hướng đi của chính trị nước họ, của nền dân chủ nước họ", nhưng bảo vệ nhân quyền là trách nhiệm chung, không phải là chuyện riêng của một quốc gia.
"Trước khi bị bắt, TS. Phạm Chí Dũng đã nhiều lần kêu gọi Nghị viện Châu Âu dứt khoát không chấp thuận Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nếu không có việc trả tự do cho các tù nhân chính trị và cải thiện cụ thể tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Việc ông bị bắt trước khi EVFTA phê chuẩn đã cho thấy rõ mối liên hệ này," bà nói.
"Nhân quyền là quyền phổ quát. Bất kỳ nước nào muốn gia nhập khối, trở thành nước có quan hệ thương mại, giao thương với nước khác, thì về mặt chính trị, đều cần phải đặt ra vấn đề nhân quyền."
"Tự do biểu đạt là một quyền của con người, và do đó, việc các nghị sĩ như chúng tôi quan tâm đến nhân quyền là lẽ đương nhiên."
"Tôi tin rằng chúng ta không thể ký các thỏa thuận thương mại nhưng lại bỏ qua vấn đề nhân quyền. Không có nhân quyền thì không thể có quan hệ thương mại."
"Không thể có chuyện Việt Nam được phép ưu đãi thâm nhập thị trường nội địa về hàng may mặc châu Âu và chúng tôi phải mang trên mình những bộ quần áo "Made in Vietnam" được sản xuất ở nơi các quyền căn căn bản của con người bị xâm phạm."
Quyền tự do biểu đạt trong một xã hội dân chủ
Nữ dân biểu Renate Künast (sinh năm 1955) cho rằng "Tội tuyên truyền chống nhà nước" là một sự quy kết dễ dãi, nhằm ngăn chặn những người phê phán chính phủ.
Quy việc phê phán chính phủ thành một tội là không phù hợp với khuôn khổ của một nhà nước pháp quyền, bà nói.
"Đã xảy ra cả việc bắt cóc người Việt Nam trên đất Đức mang về Việt Nam tù giam rồi đó. Đây là những hành động chúng tôi không thể nhân nhượng."
"Để quyền tự do biểu đạt được thực hiện thì các phóng viên cần phải có quyền đánh giá, đưa tin về các vấn đề chính trị."
"Cho dù mỗi phóng viên là một phần trong hệ thống truyền thông của chính phủ hay đứng ở phía đối lập, thì họ cũng cần có quyền phân tích, phê bình một cách độc lập, không bị nhà nước kiểm soát. Đó là điều bình thường. Đó chính là công tác kiểm tra và duy trì cân bằng trong một nền dân chủ."
"Nếu như có ai đó có hành vi phá hủy thứ gì hay làm tổn thương người khác, thì đó là hành vi đi ngược lại nền dân chủ."
"Nhưng việc phân tích, chỉ trích chính là góp phần xây dựng nền dân chủ tốt đẹp hơn, và đó không phải là tuyên truyền chống nhà nước."
Bà Künast, cựu Chủ tịch đảng Xanh - đảng đối lập hàng đầu ở Đức cũng giải thích để phía Việt Nam thay đổi nhận thức, rằng đối lập không phải là "kẻ thù". Bản thân bà cũng là một chính trị gia đối lập luôn có tiếng nói phê phán mạnh mẽ chính phủ Đức trong Quốc hội.
Bảo vệ cho một tù nhân ở Việt Nam nghĩa là gì?
Trước đây ít ngày dân biểu Künast đã thông báo cho Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức về việc bà đang thay mặt nước Đức bảo trợ tiến sĩ Phạm Chí Dũng, và bày tỏ sự lo ngại trước cách đối xử của chính quyền Việt Nam với ông Dũng và các nhà báo khác.
Bà Künast đề nghị có một buổi tiếp xúc trực tiếp với ông Đại sứ Việt Nam.
Qua trung gian là tổ chức Veto, bà Künast và tổ chức của bà giữ liên lạc thường xuyên với gia đình của ông Dũng.
"Chính quyền Việt Nam cần phải biết rằng chúng tôi đang chăm chú quan sát tình hình nhân quyền ở đó, xem xét những gì họ đang làm."
"Phải gây áp lực từ mọi phía." Cùng với các dân biểu khác của Nghị viện châu Âu, bà Künast sẽ kêu gọi Ủy ban EU giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, xúc tiến liên hệ với phía Việt Nam ở cấp cao nhất.
Nhiều nghị sĩ đã cùng ký một bản yêu cầu gửi tới Ủy ban EU, trong đó là sự bày tỏ các quan ngại về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam.
Bà Künast nói: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Chúng tôi không thực hiện một thỏa thuận thương mại với Việt Nam trong khi có nhiều vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng ở đó."
Nữ nghị sĩ Đức cũng sẽ viết thư cho các doanh nghiệp sản xuất tư nhân tại Việt Nam và hỏi xem họ đã và đang làm gì để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
"Bạn phải gây áp lực từ mọi phía và tiếp tục làm những người có trách nhiệm phải căng thẳng. Việt Nam quan tâm đến các cơ sở sản xuất ở đó. Có rất nhiều người cần việc làm. Nhưng điều này phải được thực hiện trong các điều kiện có thể chấp nhận được."
"Phía Đức sẽ thường xuyên lưu ý chính quyền Việt Nam, đề nghị phía việt Nam phải chấm dứt quá trình xét xử và trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện cho các nhà báo này. Chính phủ Việt Nam phải có cảm giác bị giám sát, khi họ nhận được những thông điệp từ chúng tôi. Họ sẽ phải thay đổi."
"Tôi đã viết thư cho Đại sứ Việt Nam tại Đức, và tôi cũng đã viết thư cho Đại sứ Đức tại Việt Nam để yêu cầu ông ấy có hành động tại Việt Nam. Tôi muốn tìm lời giải đáp."
"Mặt khác, tôi có các hoạt động khác nữa. Chẳng hạn như tôi đặt câu hỏi với các quan chức chính phủ tại Đức này, hỏi họ đã và đang làm những gì trong việc buộc những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Sẽ là không ổn khi tổ chức ký kết hiệp định tự do thương mại nhưng lại phớt lờ quyền tự do biểu đạt."
"Việc bảo trợ là một công việc dài hơi. Một mặt là giúp con người cụ thể, cải thiện điều kiện giam giữ và cuối cùng là việc trao trả tự do. Mặt khác, là để cải thiện tình hình pháp quyền trong cả nước."
Theo nghị sĩ Đảng Xanh của Đức Renate Künast, nội dung chính của sự bảo trợ là thúc đẩy ý tưởng về một nền báo chí tự do, độc lập, các nhà báo tự do, độc lập, những người chỉ cam kết với đạo đức nghề nghiệp của mình, chuyên cần làm báo và không bị áp bức về mặt chính trị.
Theo tìm hiểu của BBC, sau vụ kết án ba nhà báo Việt Nam Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, bà Bärbel Kofler, tuyên bố hôm 05/01/2021, như sau:
"Một lần nữa các nhà hoạt động tại Việt Nam lại bị kết án tù dài hạn vì tranh đấu ôn hòa cho tự do báo chí, tự do ngôn luận cũng như việc thành lập công đoàn tự do và độc lập..."
"Với việc kết án này, Việt Nam đã vi phạm các công ước quốc tế mà nước này cam kết tuân thủ. Ngay bản Hiến pháp của Việt Nam cũng bảo đảm các quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Việc kết án các công dân vì các hoạt động ôn hòa của họ là không chính đáng."
Sau Brexit, Đức là quốc gia đông dân có ảnh hưởng chính trị hàng đầu tại Liên hiệp châu Âu và chính phủ nước này đang có chiến lược vươn tới vùng châu Á-Thái Bình Dương đồng thời tác động đến quan hệ của các cường quốc như Nga, Trung Quốc.
Tòa án TP Hồ Chí Minh trong tháng 1/2021 đã ra án tù dài hạn cho ba nhà báo tự do với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Phạm Chí Dũng bị mức án 15 năm tù, ông Nguyễn Tường Thụy 11 năm, và ông Lê Hữu Minh Tuấn 11 năm.
'Việt Nam Thời báo' do ông Dũng phụ trách đã viết và đăng các "nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam", đồng thời "lôi kéo, phát triển hội viên trong và ngoài nước vào hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam", theo cáo trạng của tòa án.
Các bài viết của họ là nhằm "bóp méo và phỉ báng chính quyền nhân dân, gây tổn hại đến lợi ích của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam", truyền thông nhà nước viết.
"Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm mà nếu không bị ngăn chặn sẽ gây tổn hại đến an ninh quốc gia," Bộ Công an VN nêu quan điểm.
Các nhà quan sát ở châu Âu cho rằng những án tù vừa qua ở VN nặng chưa từng có trong lịch sử nhân loại thời nay, và so sánh với chuyện người liên tục chỉ trích đích danh TT Vladimir Putin là ông Alexiy Navalny chỉ bị tòa án Nga giam 30 ngày sau khi từ Đức điều trị nhiễm độc trở về.
Nhận xét
Đăng nhận xét