Trung Quốc xây nhà cho 400 dân ở đảo Phú Lâm

Zachary Haver
2021-01-28

Trung Quốc xây nhà cho 400 dân ở đảo Phú LâmGiới chức thành phố Tam Sa đang kiểm tra tại công trường xây dựng nhà ở tại đảo Phú Lâm hồi tháng 8/2020.
 Chính quyền thành phố Tam Sa













Giới chức thành phố Tam Sa đang chuẩn bị xây dựng nhà ở mới cho khoảng 400 dân tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam. Đây là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo điều kiện cho việc tăng dân số ở tiền đồn quan trọng mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Các tài liệu từ chính phủ Trung Quốc và hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy như vậy.

Các tài liệu đấu thầu mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) thu thập được cho thấy giới chức địa phương đã bắt đầu lên kế hoạch cho các cơ sở nhà ở vào giữa năm 2020. Đây là công trình lớn thứ 5 như vậy được xây dựng trên đảo Phú Lâm kể từ năm 2012, khi Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, và các khu vực còn đang tranh chấp khác ở Biển Đông.

Theo các tài liệu, Công ty Công trình Xây dựng Fangcheng Hải Nam (Hainan Fangcheng Construction and Engineering Group Company Limited), một công ty tư nhân, đã trúng thầu xây dựng vào đầu tháng này. Một trong số các tài liệu cho thấy địa điểm được lên kế hoạch xây dựng toà nhà mới là ở trên đường Beijing Erheng, cách các trụ sở cơ quan của chính quyền thành phố Tam Sa khoảng 200 mét.

Hình ảnh vệ tinh mà RFA có được cho thấy một khu vực trên đường Beijing Erheng đúng như địa điểm được miêu tả trong tài liệu đã được san lấp vào tháng 8 năm 2020. Khu vực san lấp là giữa toà nhà công và trụ sở an ninh công cộng của thành phố, cả hai đều có tên trong tài liệu đấu thầu.

woodyhousing3960.jpeg
Hình chụp vệ tinh hôm 14/12/2020: công trường xây dựng nhà ở mới trên đảo Phú Lâm và các cơ sở khác. Hình vệ tinh Planet Labs; Analysis: RFA

Dự án xây nhà ở mới cho thấy Trung Quốc đang tiến tới việc gia tăng dân số và hỗ trợ cho quá trình này ở các tiền đồn trên đảo xa ngoài Biển Đông, bất chấp thực tế về tranh chấp chủ quyền trên các thực thể mà Trung Quốc đang cho xây dựng các công trình. Đài Loan và Việt Nam cũng đều đang đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Sự chú ý của quốc tế vốn chỉ chủ yếu tập trung vào các hành động lấn lướt của Bắc Kinh trên biển qua việc sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển vốn thường hoạt động ở khu vực đảo Phú Lâm và các tiền đồn khác của Trung Quốc. Hồi tuần trước, Trung Quốc đã thông qua luật hải cảnh cho phép lực lượng này dùng vũ lực với tàu nước ngoài trong vùng nước tranh chấp. Chính phủ Philippines, sau đó, đã lên tiếng gọi đây là một cuộc chiến bằng lời nói đe doạ.

Nhưng những công trình xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành trên Hoàng Sa và Trường Sa vốn ít được chú ý cũng đồng thời rọi ánh sáng vào một khía cạnh quan trọng về chiến lược khẳng định những đòi hỏi về chủ quyền trên biển quá đáng của Trung Quốc đang diễn ra.

RFA hồi tuần trước đã có bài báo về việc Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các kè đập và gia cố bờ ở đảo Phú Lâm để chống xói mòn, một dấu hiệu khác cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đảm bảo sự sống lâu dài trên đảo này.

Một tài liệu đấu thầu về dự án nhà ở mới cho biết cụ thể toà nhà mới sẽ có chiều cao 23 mét, có tổng diện tích là 2.000 mét vuông với 214 phòng, có sức chứa đến 391 người. Toà nhà sẽ mở rộng số lượng nhà ở hiện có trên đảo. Trước đó, hai toà nhà 5 tầng đã được hoàn tất vào tháng 6/2014 và thành phố đã bắt đầu hai toà nhà tiếp theo ở Phú Lâm vào năm 2015. Trong cùng năm, thành phố Tam Sa đã bắt đầu cho xây dựng một khu dân cư mới trên đảo cho ngư dân.

Trung Quốc cũng đã tìm cách để cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện sống ở Phú Lâm và các cơ sở khác trong phạm vi quản lý của thành phố nhằm làm giảm những khó khăn do điều kiện sống ở đây. Giới chức thành phố, tỉnh, và ở trung ương, các công ty nhà nước và tư nhân, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các cơ quan khác đã phối hợp để xây dựng, lắp đặt các nhà máy lọc nước biển, các cơ sở năng lượng xanh, nơi trú bão và một loạt nhiều các cơ sở khác.

Đồng thời với việc mở rộng các cơ sở này, dân số thành phố Tam Sa cũng tăng lên theo năm tháng.

Vào đầu năm 2013, bí thư thành phố Tam Sa và thị trưởng thành phố nói rằng thành phố có 833 cư dân ở lâu dài và 233 cư dân hộ gia đình có đăng ký tính đến cuối năm 2012. (Vào lúc đó, lãnh đạo thành phố không giải thích sự khác biệt giữa hai loại cư dân, nhưng cư dân ở lâu dài có thể coi là những người sống ở Tam Sa toàn bộ thời gian, còn những cư dân còn lại vẫn có đăng ký ở nơi khác). Theo số liệu thống kê chính thức của tỉnh Hải Nam, thành phố có 427 hộ gia đình đăng ký với 600 cư dân tính đến năm 2017.

Tính đến ngày 27/1/2021, theo trang web của thành phố Tam Sa, thành phố có 1.800 cư dân ở lâu dài, không bao gồm lính đồn trú, và 621 cư dân hộ gia đình có đăng ký. Các nguồn khác cho rằng thành phố có 2.500 cư dân ở lâu dài tính đến năm 2017, cũng không bao gồm lính đồn trú.

Vì những số liệu này không bao gồm quân của PLA, nó chỉ cho thấy được một phần dân số thực của thành phố Tam Sa. Quân đội duy trì sự hiện diện liên tục ở đảo Phú Lâm và các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng khác tại Hoàng Sa và Trường Sa. Ví dụ, thành phố Tam Sa được thành lập vào năm 2012, một nguồn tin báo chí của Trung Quốc cho biết số người dùng cơ sở viễn thông cho cả dân sự lẫn quân sự ở Hoàng Sa là 4.000 người.

woodyhousing2960.jpeg
Hình chụp từ video log du lịch về một trong số những toà nhà ở được xây dựng ở đảo Phú Lâm. Credit: Dajiangdahai on mafengwo.cn

Giới chức địa phương miêu tả việc thu hút dân cư tới Tam Sa và quảng bá việc đăng ký hộ gia đình chính thức như một cách để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc. Và rất nhiều cư dân - bao gồm từ những người là nhân viên dân sự đến những người trong lực lượng chấp pháp trên biển - đang thực hiện các nghĩa vụ quan trọng liên quan đến bảo vệ các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Chính quyền thành phố trợ cấp cho các nhân viên, công nhân, lính và ngư dân đến sống ở thành phố, đặc biệt khuyến khích các ngư dân ở Tam Sa ít nhất 180 ngày một năm.

Ngoài việc có các dự án nhà ở trên Phú Lâm, thành phố Tam Sa còn hỗ trợ việc gia tăng dân số qua các cách khác. Thành phố gần đây được công nhận là “Thành Phố Sạch Quốc Gia” vì những nỗ lực trong bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ môi trường và cung cấp nước sạch.

Chính quyền thành phố cũng đã có các công trình nhà ở trên các thực thể khác để cung cấp cuộc sống chất lượng cao hơn cho các tiền đồn nơi xa. Ví dụ, vào tháng 10 năm 2019, thành phố đã hoàn tất việc xây dựng một dự án nhà ở tại đảo Cây thuộc Hoàng Sa, với 53 căn nhà gộp vào 9 toà nhà lớn hơn.

Các tài liệu đấu thầu vào cuối năm 2020 cho thấy thành phố Tam Sa đang lên kế hoạch có thêm các dự án nhà ở khác nữa trên đảo Cây, bao gồm một toà nhà ba tầng với 140 căn hộ, một sảnh ăn và các cơ sở khác. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù