Chính phủ Việt Nam, Hội Nghề Cá và ngư dân Việt Nam với Luật Hải Cảnh của Trung Quốc

RFA
2021-01-29

Chính phủ Việt Nam, Hội Nghề Cá và ngư dân Việt Nam với Luật Hải Cảnh của Trung QuốcHình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014
Reuters


















Đúng một tuần lễ sau khi phía Trung Quốc thông qua Luật Hải Cảnh cho phép tàu hải cảnh của nước này được quyền bắn vào các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao việt Nam Lê Thị Thu Hằng vào ngày 29/1 mới trả lời báo giới chất vấn về luật gây nhiều quan ngại đó.

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu bà Lê Thị Thu Hằng trong buổi họp báo như sau: “Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, thiện chí thực thi luật pháp quốc tế, UNCLOS, không hành động làm gia tăng căng thẳng và tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.”

Phát biểu của bà Hằng không hề khác những lần trước mỗi khi Trung Quốc có hoạt động tại Biển Đông, nơi mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Trước Việt Nam 2 ngày, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. vào hôm 27/1 cho biết Manila đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc tự ý ban hành luật cho phép hải cảnh được nổ súng vào tàu nước ngoài.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22/1 nói với báo giới rằng luật mới của Bắc Kinh hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật Hải cảnh mới quy định trong từng trường hợp cụ thể, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau để đối phó với tàu nước ngoài bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí phóng từ tàu hoặc từ trên không.

Hiện nay trong vùng anh đánh bắt thì ít gặp tàu của Trung Quốc. Nghe những người ngư dân khác thì thường đổ ra từ Nha Trang, miền Trung thì gặp nhiều. Anh ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì ít gặp. - Anh Hoàng

Luật cũng cho phép nhân viên chấp pháp của Trung Quốc được quyền lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng nước mà Bắc Kinh đòi chủ quyền.

Ngoài ra, hải cảnh Bắc Kinh còn được quyền tạo các vùng cấm di chuyển “khi cần” để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.

Nhận xét về luật Hải cảnh mới vừa được Quốc Hội Trung Quốc thông qua, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng nói với RFA vào tối 29/1 như sau:

“Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc là một bước nâng cao mới của nhà nước Trung Quốc về chính sách độc chiếm Biển Đông của họ. Họ đưa ra một phép thử, tức đưa ra một tuyên bố để họ khẳng định rằng họ có thể sử dụng vũ lực trong việc giải quyết mọi tranh chấp hoặc để thể hiện quyền lực của họ trên Biển Đông, tiếp tục đe dọa nhân dân và nhà nước của những quốc gia nằm trên Biển Đông mà theo họ là có tranh chấp với họ.”

Vẫn theo lời ông Trần Văn Lĩnh, trong thực tế, lúc chưa có luật thì Trung Quốc cũng đã một vài lần sử dụng bạo lực trên Biển Đông, như bắn tàu của ngư dân Philippine, tàu cá ngư dân Việt Nam chứ không phải chưa từng xảy ra.

Sự việc gần đây nhất là vào 2/4/2020, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc từ năm 1999 đã bắt đầu đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên một vùng biển rộng bao gồm cả ngư trường Hoàng Sa vào mùa hè.

Phía chính phủ Bắc Kinh đưa ra lý do nhằm bảo vệ nguồn cá, chống đánh bắt cá quá mức. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc các ngư dân Việt ra Hoàng Sa lại gặp thêm khó khăn.

Hình minh hoạ. Hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần đảo Hải Nam
Hình minh hoạ. Hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông gần đảo Hải Nam

Vì vậy, luật Hải cảnh mới này được các chuyên gia trong nước nhận định rằng người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất sẽ là những ngư dân.

Trao đổi với RFA tối 29/1, anh Hoàng ở Vũng Tàu, chủ tàu có ngư dân trước đây bị Indonesia bắt giữ cho hay:

“Thông cảm cho anh, bữa giờ anh có việc rắc rối với gia đình dữ quá nên hông có xem về cái đó. Hiện nay trong vùng anh đánh bắt thì ít gặp tàu của Trung Quốc. Nghe những người ngư dân khác thì thường đổ ra từ Nha Trang, miền Trung thì gặp nhiều. Anh ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thì ít gặp.”

Tuy nhiên, khi RFA trao đổi với những ngư dân ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai địa phương được nói từng có nhiều ngư dân bị tàu cá Trung Quốc tấn công, hầu hết câu trả lời nhận được là không quan tâm, như lời anh Võ Xuân Phúc, ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi:

“Anh không quan tâm lắm đâu em ơi.”

Giải thích nguyên nhân vì sao ngay cả ngư dân, người chịu nhiều ảnh hưởng nhiều nhất từ luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cũng tỏ ra thờ ơ như vậy, ông Trần Văn Lĩnh cho hay:

“Các nước chung quanh thí dụ như ngư dân Việt Nam không thể nào nghe theo luật lệ ấy.

Thật ra lâu nay ngư dân Việt Nam đã thực hiện quyền đánh cá hợp pháp của họ trên vùng biển Việt Nam nên họ không vi phạm gì với Trung Quốc, không gây gổ gì với Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cũng không sao hết, tức ngư dân Việt Nam nghe thì nghe, họ cũng đã nghe nhiều lần về Trung Quốc rồi.”

Trung Quốc là nước đơn phương đòi chủ quyền đến gần 90% diện tích Biển Đông dựa vào đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đang tranh chấp với các quốc gia khác.

Dù có luật hay không có luật thì bất kỳ hành vi bạo lực, tức sử dụng súng đạn nào thì cũng đều có sự chỉ đạo của Trung ương Trung Quốc hết, không phải tự nhiên mà xảy ra. Sự chỉ đạo đó đều có sách lược và đều nghiêng đến tương quan lực lượng chung chứ không phải tự nhiên có luật rồi họ làm càn. – ông Trần Văn Lĩnh

Tuy nhiên, đường lưỡi bò này đã bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế ở The Hague ra phán quyết bác bỏ vào ngày 12/7/2016, trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông. Theo phán quyết, toàn bộ quần đảo Trường Sa không thể có đường cơ sở như đòi hỏi của Trung Quốc từ trước đến nay.

Không chỉ riêng Philippine có động thái phản đối quốc tế đối với chính sách Biển Đông của Trung Quốc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp quốc Kelly Craft vào ngày 1/6/2020 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guteres công thư bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông trong công hàm ký hiệu CML/14/2019 với lý do yêu sách của Bắc Kinh không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mới đây nhất, vào ngày 19/1/2021, Nhật Bản đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối Công hàm CML/63/2020 của Trung Quốc thể hiện lập trường của Trung Quốc: “Trung Quốc vẽ đường cơ sở đối với các đảo và đá tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung.”

Do đó, vị Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cũng cho rằng mặc dù nhà nước Trung Quốc cho phép hải cảnh Trung Quốc làm những việc như sử dụng vũ lực để đe dọa, bắn ngư dân, bắn tàu của một quốc gia nào đó trên vùng Biển Đông, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng đủ khôn ngoan để biết rằng nếu điều ấy được thực hiện thì chắc chắn Trung Quốc khởi đầu cho một cuộc chiến tranh mới, một cuộc chiến tranh leo thang trên Biển Đông mà ở đó thế giới tự do còn lại không dễ dàng để Trung Quốc làm điều như vậy:

“Dù có luật hay không có luật thì bất kỳ hành vi bạo lực, tức sử dụng súng đạn nào thì cũng đều có sự chỉ đạo của Trung ương Trung Quốc hết, không phải tự nhiên mà xảy ra. Sự chỉ đạo đó đều có sách lược và đều nghiêng đến tương quan lực lượng chung chứ không phải tự nhiên có luật rồi họ làm càn.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù