Đại hội 13: “Bệnh thành tích” không chỉ trong tuyên truyền mà cả tư duy chính sách

TS. Phạm Quý Thọ

2021-01-29

Đại hội 13: “Bệnh thành tích” không chỉ trong tuyên truyền mà cả tư duy chính sáchHình minh hoạ. Hình chụp của TTXVN hôm 26/1/2021: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội
 AFP

Có lẽ “thành công tốt đẹp” là cụm từ mô tả về kết quả được thấy trước trong diễn văn bế mạc của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13. Đó không chỉ là “truyền thống”, mà hơn thế còn được thấy truyền thông nhà nước đưa tin về đại hội, trong đó có những phát ngôn “gây chú ý” của một số lãnh đạo đảng.

Đại hội 13 đã tận dụng “thành tích” trong nhiệm kỳ để củng cố tính chính danh của đảng. Hơn thế, việc tuyên truyền “thái quá” bộc lộ căn bệnh của chế độ -  “bệnh thành tích”. Điều đó không những không che giấu được sự căng thẳng về chuyển giao quyền lực, mà còn gây hiệu ứng ngược, và băn khoăn liệu logic toàn trị chi phối tư duy chính sách trở lại mạnh hơn?

“Thành tích”

Sau nhiệm kỳ 12 “bất ổn” về kinh tế vĩ mô và thể chế và trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng và nghiêm trọng trên thế giới thì những gì mà Việt Nam đạt được là thành công. Trước hết về kinh tế, theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất, và năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công ”mục tiêu kép” trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ. Hơn thế, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đồng thời với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp đến, những kết quả phòng và chống dịch COVID-19 với chi phí thấp, huy động nguồn lực đối phó và khắc phục thảm hoạ bão lũ, lở núi ở miền Trung đã làm nổi bật thế mạnh của chế độ, sự năng động của Chính phủ trong những tình huống khẩn cấp, tinh thần tương thân, tương ái cộng đồng cho phép Việt Nam giữ  “vị trí ngôi sao sáng của khu vực”, theo bình luận của báo chí nước ngoài.

Một trong những “thành công”, có thể đã “tạo dấu ấn quan trọng” trong nhiệm kỳ 12 là chiến dịch chống tham nhũng “không vùng cấm”, ngoài mục đích tập trung quyền lực, chỉnh đốn đảng, còn phần nào xả bớt sự bức xúc xã hội trước “quốc nạn” này. Trong đó “Bộ Chính trị đã kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên TƯ, 2 nguyên ủy viên TƯ, 2 thứ trưởng Bộ Công an không phải là ủy viên TƯ. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 người nguyên là ủy viên TƯ Đảng…”

000_8ZJ6KT.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 26/1/2021. AFP

Khái quát về những “thành tích” nêu trên cho thấy những thách thức đối với chế độ liên quan chặt chẽ với nhau về kinh tế và chính trị. Chống tham nhũng được ban lãnh đạo đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sử dụng tối đa như một công cụ hữu ích để làm trong sạch hơn bộ máy đảng và gia tăng tính chính danh, đồng thời cũng là cách Đảng loại bỏ những quan chức “tự diễn biến, tự chuyển hoá” về tư tưởng, đường lối lãnh đạo, có thể tạo phe phái, gây chia rẽ nội bộ. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng phục vụ cho chế độ, qua đó “hình ảnh đội ngũ lãnh đạo đảng”, trong đó vai trò người đứng đầu, được “nổi bật” hơn.

“Bệnh thành tích”

Cảm tưởng về những thành tích đã đạt được không hề xấu nếu được trân trọng và sử dụng để làm động lực thúc đẩy, nhưng nếu bị phóng đại để gây chú ý, chứng tỏ công lao hay khoe khoang năng lực, che đậy những khiếm khuyết, không thừa nhận yếu kém và sự thiếu trách nhiệm thì căn bệnh thành tích phát tác.

Sẽ là không thực tế khi sự hồ hởi quá mức về thành tích kinh tế trong điều kiện thế giới đang “vật lộn” với đại dịch nghiêm trọng và kéo dài, khủng hoảng kinh tế và trật tự thay đổi bước ngoặt. Chiến dịch chống tham nhũng đang bộc lộ những căng thẳng trong chuyển giao và kiểm soát quyền lực của bộ phận không nhỏ quan chức suy thoái… Mới đây, ngày 27/1/2021 trong thời gian diễn ra Đại hội 13 thì sự bùng phát đợt dịch thứ 3 buộc chính phủ phải ban hành chỉ thị 05, phong toả toàn bộ thành phố Chí Linh, Hải Dương, đóng cửa sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, Hà Nội “báo động đỏ”, và kích hoạt tình trạng dịch COVID-19 ở mức cao nhất đang thử thách năng lực chế độ lần nữa.

Tuyên truyền luôn mang màu sắc chính trị. Cũng dễ hiểu khi những cụm từ mang tính khẩu hiệu như “ngọn cờ cải cách được phất lên”, “nhân sự đại hội và hồng phúc dân tộc”, “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để bứt phá”,  “đất nước đã bước vào giai đoạn mới”… trên các phương tiện truyền thông nhà nước. “Khát vọng” về một Việt Nam hùng cường về công nghiệp và thu nhập với các mốc thời gian năm 2025, 2030 và 2045 được tô đậm, nhưng mục tiêu về thu nhập trong chiến lược 2011-2020 đã không đạt được và phải đánh giá lại.

Vị Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương khi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội 13 ngày 27/1/2021 đã phát biểu: “Hai vấn đề lớn của Văn kiện trình đại hội lần này về mặt lý luận là nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nhấn mạnh vai trò của người dân, với quan điểm dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia, vừa thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội Việt Nam”. Việc ông khẳng định rằng đó là “mô hình đặc biệt”, “chưa có tiền lệ trong lịch sử” khiến cho giới nghiên cứu băn khoăn.

2021-01-12T112129Z_1203558454_RC2B6L9XUMQR_RTRMADP_3_VIETNAM-POLITICS-CONGRESS.JPG
Một tấm biển trên đường phố Hà Nội kêu gọi thực hiện thành công nghị quyết của Đại hội 13. Reuters

Hơn thế, vị lãnh đạo này cho rằng cần phải bảo vệ công tác tư tưởng khi: “Chúng ta càng thành công thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá chúng ta, vì chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta.” Thực tế  đối với người dân trong nước, chính quyền luôn răn đe bằng việc bắt giữ và kết án các nhà bất đồng chính kiến, và số vụ bắt giữ tăng lên so với trước. Mới đây, ngày 21/01/2021, Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó kêu gọi nhà cầm quyền phóng thích các nhà “hoạt động nhân quyền” và ba “nhà báo tự do”, bị kết án từ 11 đến 15 năm tù giam, cùng tất cả những người khác bị giam cầm và kết án chỉ vì hành xử quyền tự do ngôn luận. Nghị viện Châu Âu cũng lưu ý về ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc đến việc thực thi các Hiệp định đầu tư và thương mại tự do mới được ký kết giữa Liên hiệp châu Âu và Việt Nam…

Tư duy chính sách

Cách thể hiện của tư duy chính sách là logic toàn trị. Nó về cơ bản, không thay đổi từ thời chiến rằng chỉ trong thời kỳ khủng hoảng, đảng mới nới lỏng sự kìm kẹp của mình, nay cho phép kinh doanh tự do hơn, dường như, có cơ hội được thể hiện trong dịp Đại hội 13.

Trong lịch sử Xô Viết, sau nội chiến ở Nga đầu thế kỷ 20 V.I. Lenin, lãnh tụ của Cách mạng tháng 10 năm 1917, đã đề ra "Chính sách kinh tế mới - NEP" (НЭП) cho phép sử dụng các cơ chế kinh tế tư bản, kêu gọi đầu tư của tư bản trong nước và nước ngoài trong sự kiểm soát, dẫn hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông đã “điều chỉnh” chủ nghĩa Marx vì mục tiêu chính trị của mình, khi K. Marx xem chủ nghĩa cộng sản là sự tiến hóa của xã hội loài người, còn ông cho rằng đó là thứ cần phải tạo ra.

Như đã biết, chính sách NEP đã cứu nước Nga từ bờ vực phá sản về kinh tế sau nội chiến và là tiền đề để J. Stalin thực hiện công nghiệp hoá sau này. Toàn trị không chỉ bị giới hạn trong kinh tế, mà đã được thực thi trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là mô hình đảng cộng sản toàn trị đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của J. Stalin, Liên Xô đã công nghiệp hóa trong một khoảng thời gian ngắn chưa từng có, khoảng 20 năm, trong khi nước Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm…. Tuy nhiên, cơ chế kế hoạch hoá tập trung đã không thể “bền vững” trong điều kiện cạnh tranh và toàn cầu hoá.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng logic toàn trị như trên vẫn chi phối tư tưởng của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Thuật ngữ "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và “ý chí người cộng sản” vẫn còn được nhấn mạnh trong các văn kiện đại hội, mặc dù “duy ý chí” không có chỗ đứng trong tư duy chính sách thị trường và trong bối cảnh toàn cầu hoá.

Liệu “bệnh thành tích” và sự duy ý chí có khiến logic toàn trị chi phối tư duy chính sách trở lại mạnh hơn?

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?