Covid-19: Nỗ lực quốc tế hướng đến tiêm chủng toàn cầu và các trở lực

 TẠP CHÍ XÃ HỘI

RFI

Phần âm thanh 09:43
(Ảnh minh họa) – Trong năm 2020, nước Pháp đã hai lần phong tỏa chống dịch Covid-19.
(Ảnh minh họa) – Trong năm 2020, nước Pháp đã hai lần phong tỏa chống dịch Covid-19. REUTERS/Christian Hartmann
Thùy Dương
21 phút

Nước Pháp trong năm 2020 đã trải qua hai đợt phong tỏa chống dịch Covid-19. Đối với du học sinh Việt Nam tại Pháp, cũng giống như sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài đến Pháp học tập, tình trạng phong tỏa kéo dài khiến họ gặp không ít khó khăn trong học tập cũng như cuộc sống hàng ngày và các thủ tục hành chính; tâm lý bị ảnh hưởng ít nhiều.

Pháp là một trong những nước bị dịch bệnh Covid-19 gây tác hại nặng nề nhất thế giới. Về mặt sức khỏe, tính mạng, người cao tuổi là nạn nhân hàng đầu, nhưng dưới góc độ kinh tế-xã hội, giới trẻ là những người bị tác động nhiều nhất, đặc biệt là sinh viên. Tình hình chung là như vậy, còn du học sinh Việt Nam tại Pháp thì sao ? Theo tìm hiểu của RFI Việt ngữ, một số bạn do đặc thù ngành nghề theo học, công việc làm thêm thuận lợi đặc biệt, hoặc gia đình khá giả được bố mẹ hỗ trợ tài chính nhiều, hoặc được học bổng toàn phần khá cao nên không cảm thấy quá lo lắng, nhưng đa số còn lại thì gặp khó khăn về tài chính.

Thiếu nguồn thu nhập cho không có việc làm thêm

Nam Quốc là sinh viên năm thứ nhất trường Grande Ecole ESCA, Paris. Từ Hà Nội mới « chân ướt chân ráo » sang Paris nhập học được 1 tháng, còn đang bỡ ngỡ với cuộc sống mới tại Pháp thì có đợt phong tỏa chống dịch Covid, nên Nam Quốc cũng có những khó khăn riêng. Ngày 28/12/2020, trả lời RFI Việt ngữ, bạn sinh viên mới qua tuổi 18 cho biết :

« Em mới sang Pháp được 3 tháng. Em sang đây học ngành quản lý kinh tế của trường ESCA - một Grande Ecole (trường Đại học có chất lượng cao, phải qua thi tuyển đầu vào). Em sang đây được học bổng vài % thôi còn lại phải tự túc. Gia đình em hỗ trợ được một phần còn sau này em phải tự đi làm kiếm tiền vì gia đình em không thể trang trải hết được cả mấy năm em ăn học tại Pháp. Em sẽ học 5 năm. Tiền thuê nhà khá đắt, em phải trả 460 euro/tháng. Em được CAF (Quỹ hỗ trợ gia đình của Pháp) hỗ trợ khoảng 190 euro nhưng vì dịch bệnh như thế này nên CAF chưa hỗ trợ được ngay mà em phải đợi đến tận năm sau mới được, vì đang có dịch bệnh nên hồ sơ rất phức tạp. Em cũng đang làm dở thẻ bảo hiểm nhưng vì dịch bệnh, việc làm hồ sơ bị chậm chạp nên em vẫn chưa có thẻ. Điều này làm em rất lo vì nếu chẳng may em bị ốm đau phải đi khám chữa thì phải đóng rất nhiều tiền. Nếu em có thẻ bảo hiểm thì sẽ được hỗ trợ và chi trả.

Ăn uống, chi phí sinh hoạt bên này cũng rất tốn kém. Dự định của em khi sang đây là sẽ phải vừa đi làm vừa đi học, nhưng khi em sang Covid lại bùng phát nên em cũng chưa xin được việc làm thêm. Vì thế em gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu hàng ngày. Trường em thì cũng cho em một cái thẻ mua hàng của siêu thị trị giá 50 euro. Vấn đề thực phẩm thì hiện nay em vẫn còn có thể chi trả được nhưng nếu kéo dài thì rất có khó vì hiện em không có việc làm. Em phải tiết kiệm từng đồng. Em cũng không chắc là đủ tiền trang trải đến hết mùa dịch này nên cũng đang cố gắng tìm việc làm thêm. »

Đường về nước cũng gian nan

Cũng tương tự Nam Quốc, Quang Trưởng, một thực tập sinh tại đại học ENS (Ecole Normale Supérieure) - Paris Saclay, cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi sang thực tập 3 tháng đúng vào đợt Pháp phong tỏa đợt 2. Vì có học bổng toàn phần nên Quang Trưởng không gặp khó khăn về tài chính như Nam Quốc, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc được về nước sau khi kết thúc khóa thực tập 3 tháng. Trả lời RFI ngày 29/12/2020, Quang Trưởng kể lại :

« Theo thời hạn học bổng thực tập, tôi phải hoàn thành vào ngày 15/12/2020 và về nước. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp nên hầu hết các chuyến bay thương mại từ nước ngoài về Việt Nam đều bị hủy. Nhưng rất may mắn là Việt Nam tổ chức chuyến bay nhân đạo để đón các công dân gặp khó khăn về nước. Tôi cũng đã đăng ký chuyến bay này rất nhiều lần nhưng lúc đầu đều không được, tôi cảm thấy cũng rất hoang mang. Chuyến bay nhân đạo đầu tiên tôi đăng ký là vào ngày 29/11, cuối cùng sau 3 lần đăng ký, đến chuyến bay ngày 30/12 tôi rất may mắn có thể về nước.

Theo giấy tờ đăng ký, visa của tôi hết hạn ngày 15/12/2020. Chính vì thế, trong những ngày vừa rồi tôi ở trong điều kiện không có giấy tờ và tôi thấy hoang mang vì học kỳ 1 này ở Việt Nam tôi bắt đầu phải thi hết môn. Việc không về được Việt Nam trong thời gian này để thi cử sẽ là gây một ảnh hưởng rất lớn khiến tôi phải tốt nghiệp muộn và ra trường vào năm sau nữa. Lúc đó tôi cảm thất rất mất bình tĩnh. Nhưng may mắn là tôi đã đăng ký được chuyến bay nhân đạo về nước vào ngày 30/12, sẽ kịp hoàn thành kỳ thi để có thể tốt nghiệp trong năm 2021.

Nếu không về nước được đợt này thì tôi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính vì tiền học bổng của tôi đã hết. Ngoài ra, ở Pháp tôi cũng không có bất kỳ người thân nào. Chỗ ở cũng đã hết hạn. Chính vì thế, tôi không còn chỗ ở nào tại Pháp nữa và cũng không biết giải quyết tiếp thế nào.»

Ngày 30/12, Quang Trưởng đã về Việt Nam và đang thực hiện cách ly theo quy định phòng dịch trong nước.

Vướng mắc về thủ tục hành chính

Còn đối với chị Hải Minh, một nghiên cứu sinh tại Paris, khó khăn không chỉ về tài chính mà còn liên quan đến tiến độ nghiên cứu, đăng ký nhập học, thủ tục giấy tờ trong nước vì chị được học bổng toàn phần của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ ngày 29/12/2020, chị Hải Minh chia sẻ :

« Về công việc nghiên cứu, tất cả các hội thảo, khóa đào tạo từ tháng 03 đến tháng 06/2020 đều bị hủy. Một số khóa học quan trọng đều bị đẩy sang năm học tiếp theo. Cá nhân tôi, tôi muốn tổ chức một ngày nghiên cứu, theo kế hoạch ban đầu là vào ngày 23/04/2020, nhưng chính vì dịch Covid nên ngày nghiên cứu của tôi bị hủy, khi mà chương trình hội thảo đã được lên, khách mời từ các nước khác nhau như Rumani, Đức, cũng như từ nhiều vùng khác nhau của Pháp, cũng đã được mời.

Về việc học, thông thường chúng tôi đăng ký nhập học cho năm tiếp theo vào tháng khoảng 07 hàng năm. Tuy nhiên, năm 2020 do khó khăn vì dịch bệnh nên tất cả các hoạt động đều bị ngưng trệ, ngay cả việc đăng ký nhập học cho năm tiếp theo cũng không được tiến hành như bình thường được. Việc nhập học năm vừa rồi vì thế phải lui đến tận đầu tháng 12/2020, tức là chậm hơn so với bình thường khoảng 5 tháng. »

Chưa thể đăng ký nhập học cho năm tiếp theo, tức là sinh viên, nghiên cứu sinh chưa có chứng nhận nhập học, một loại giấy tờ quan trọng đối với du học sinh nước ngoài để có thể làm nhiều thủ tục hành chính khác tại Pháp, chẳng hạn thẻ cư trú. Chị Hải Minh may mắn không gặp khó khăn đặc biệt về việc gia hạn thẻ cư trú tại Pháp như tình cảnh của nhiều du học sinh, nhưng vì tiến độ nghiên cứu chậm hơn dự kiến do tác động của dịch bệnh và biện pháp phong tỏa nên chị phải gia hạn thêm một năm học, kéo theo đó là những khó khăn tài chính do không còn khoản học bổng khoảng gần 900 euro/tháng. Chị Hải Minh cho biết tiếp :

« Năm 2020 do dịch bệnh nên tiến triển nghiên cứu không tốt, tôi đã phải gia hạn thêm 1 năm và thủ tục gia hạn tương đối là phức tạp. Đợt dịch bắt đầu vào tháng vào tháng 03/2020, khi đó cũng là thời điểm tôi hết học bổng, nên tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Là nghiên cứu sinh nhưng tìm được một công việc phù hợp với trình độ của chúng tôi là rất khó nên tôi đã phải gửi hồ sơ xin việc ngay cả ở các siêu thị, nhưng vì dịch Covid và phong tỏa nên rất khó tìm việc từ tháng 03 đến tháng 07/2020. Tôi gửi hồ sơ nhưng đến tận tháng 12/2020 các siêu thị, cửa hàng mới gọi và tôi mới có việc làm thêm để có thêm thu nhập trong thời gian dịch bệnh. »

Cử chỉ đẹp trong cộng đồng

Để giúp đỡ các sinh viên trong giai đoạn đặc biệt khó khăn, CROUS (Trung tâm quản lý chỗ ở và đời sống của sinh viên cấp vùng của Pháp) cung cấp bữa ăn sinh viên, không phân biệt quốc tịch, với giá ưu đãi đặc biệt 1 euro. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng cho các sinh viên có học bổng. Du học sinh tự túc thường phải trông cậy vào các tổ chức cứu tế, hiệp hội sinh viên của vùng, của trường … Báo chí Pháp cho biết tỉ lệ sinh viên sống nhờ cứu trợ thực phẩm của các hiệp hội cứu tế gia tăng đáng kể trong thời gian qua, nhất là trong giai đoạn phong tỏa chống dịch lần thứ hai hồi tháng 11-12/2020.

Còn ngay trong cộng đồng người Việt tại Pháp, trên Facebook, mạng xã hội được du học sinh Việt Nam ưa chuộng, cũng có những cá nhân hào phóng đăng tin tặng thực phẩm cho người gặp khó khăn, trong số những cá nhân đó có chị Maya Nguyen. RFI liên lạc qua điện thoại, chị Maya Nguyen giải thích :

« Tôi ở Paris, quận 13. Lần đầu tiên tôi đăng lên Facebook tặng mỗi người 1 phần quà gồm 5 kg gạo, 15 gói mỳ, 1 chai nước mắm. Đợt phong tỏa đầu tiên thì cũng có nhiều người nhận quà là người không có giấy tờ, những người có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi và các bạn sinh viên. Đợt phong tỏa đầu tôi giúp đỡ mọi người 150 phần quà, nhưng đến đợt phong tỏa thứ hai thì khả năng của tôi không giúp được nhiều nhưng tôi cũng đăng lên Facebook thông báo tặng khoảng chừng 50 phần quà cho những người gặp khó khăn.

Đợt phong tỏa lần 2 có nhiều người nhận quà là sinh viên. Cũng có nhiều bạn tâm sự là phong tỏa không đi học được và không kiếm được việc làm thêm nên khó khăn. Tôi trao quà trong vòng 1 tuần là hết. Khi tôi đăng bài lên Facebook giúp đỡ mọi người thì rất, rất nhiều người nhắn tin ngay. Có những bạn đến tận nơi ở quận 13 để nhận liền, nhưng cũng có những bạn ở xa, tận các vùng 92, 94, 95 (ngoại ô Paris), các bạn nói là không đi nhận quà được vì đi lại khó khăn thì mình chia ra, đi đến tận nơi, một ngày mình giao cho 10, 15 người chẳng hạn. »

Dịch bệnh chưa biết khi nào mới chấm dứt, khó khăn phía trước còn nhiều, nhất là đối với những du học sinh phải sống xa nhà, nhưng sự hào phóng của các tổ chức thiện nguyện, cử chỉ đẹp của những người như chị Maya Nguyen, dù ít dù nhiều, có lẽ phần nào đã an ủi các du học sinh trong hoàn cảnh khó khăn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?

Xứ Sở Hận Thù