Chống Covid-19: Thủ tướng Phạm Minh Chính nên làm 'Tổng Tư lệnh'?
Theo BBC
Quyết định phân công Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid được đưa ra vào ngày 24/08 trong một phiên họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì - Reuters |
Quyết định được đưa ra vào ngày 24/08 trong một phiên họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, và đại diện các ban, bộ, ngành có mặt tại phiên họp này, theo truyền thông Việt Nam.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giới lãnh đạo Việt Nam nói “diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, có khả năng kéo dài, nhất là tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch và các hoạt động kinh tế - xã hội; tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống của nhân dân”.
“Trước tình hình đó, thống nhất phân công đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; trực tiếp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi cả nước,” VTV dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói trong phần kết luận phiên họp.
Ngay sau khi có việc phân công nhiệm vụ này, truyền thông Việt Nam đưa khá nhiều tin, hình ảnh cho thấy Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì các cuộc họp chung về chống dịch và ông Chính trực tiếp thị sát các điểm nóng của dịch như tại TP HCM, Bình Dương...
Báo Dân Việt có bài ‘Từ cái áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng, nghĩ về những quyết sách gần dân’.
Báo Chính phủ ngày 30/08 đăng bài ‘Lãnh đạo sâu sát, dân được nhờ’ của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Bài viết có đoạn:
“Nhờ vi hành xuống tận cơ sở, Thủ tướng sẽ cảm nhận được các giải pháp chính sách đang ảnh hưởng, tác động đến đời sống và sinh mạng của người dân như thế nào.
“Trên thực tế, chi phí của Nhà nước trong việc thực thi các giải pháp phòng chống dịch thường đo đếm được, nhưng chi phí của những người dân thì khó đo đếm hơn rất nhiều."
'Bất hợp lý'
Khi được hỏi về quyết định thay “Tư lệnh” trên mặt trận chống Covid, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một nhà tài chính người Mỹ gốc Việt đang sống ở Việt Nam, nói với BBC Tiếng Việt rằng ông thấy quyết định này “không thực sự cần thiết và bất hợp lý”.
“Không hiểu sao lãnh đạo Việt Nam họp, có cả “Tứ trụ”, có cả Tổng bí thư và quyết định để ông Thủ tướng làm Trưởng Ban phòng chống Covid thì tôi thấy kỳ cục. Tôi thấy là đó là quyết định hết sức không hợp lý."
“Tôi thấy quyết định này không thực sự cần thiết. Đất nước này đâu phải chỉ có một người làm? Thủ tướng mà đi làm trưởng ban để làm gì?"
"Thủ tướng thì phải lo việc quốc gia đại sự chứ sao lại để đi lo việc đó. Việc đó phải để một người khác làm. Nếu ông Đam mà mệt mỏi thì có thể đề nghị một người khác làm."
Ông Bùi Kiến Thành cũng nhận xét về những hình ảnh truyền thông Việt Nam đưa về các hoạt động giám sát và đôn đốc chống dịch của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong những ngày qua.
“Tôi theo dõi truyền hình hôm vừa rồi họp về Covid thì Thủ tướng đứng nói một mình, rồi những người ngồi mấy cái bàn xung quanh có ai nghe đâu, người thì đọc tập hồ sơ này, người thì lật qua lật lại tờ giấy kia."
“Rồi lại có việc ông Thủ tướng đi tới nhà dân kêu dân gọi cái số điện thoại gì đó thì có ai trả lời không, cái đó là việc của thư ký chứ Thủ tướng lại đi làm việc kỳ cục như vậy. Thủ tướng đâu cần phải làm “PR hình ảnh”. Cho nên là phải xem lại cách làm việc, còn đánh giặc kiểu đó thì thua giặc là chắc rồi."
TS Bùi Kiến Thành nói về việc trước khi có quyết định phân công ông Chính thay ông Đam thì ông Chính đã phân công công việc cụ thể cho các phó thủ tướng.
“Mình phân công cho ai rồi thì mình phải yêu cầu người được phân công làm cho tới nơi tới chốn. Chẳng hạn như đã phân công ông Vũ Đức Đam phụ trách chống Covid chung, ông Phạm Bình Minh ngoại giao vaccine rồi. Thế rồi mình nhảy vào làm như vậy là làm hạ hình ảnh của mình xuống."
“Lãnh đạo là phải có uy thế và uy lực. Thủ tướng có quyền lực kinh khủng, quyền điều hành đất nước. Vai trò của Thủ tướng là vấn đề hành pháp mà lại đi làm những chuyện như thế thì rất phi lý,” TS Bùi Kiến Thành nói từ Hội An qua điện thoại.
'Cần Thủ tướng đứng đầu'
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu từ Hà Nội, nói rằng ông ủng hộ việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu Ban phòng chống dịch Covid vào thời điểm này vì một số lý do như sau:
“Đây là trận chiến chưa có tiền lệ, chưa có trong lịch sử của Việt Nam và trận chiến này như chúng ta thấy giặc ở đây là vô hình và chính vì thế mà có lẽ cần phải có sự vận động ở cấp cao nhất của chính phủ là Thủ tướng để chỉ đạo."
“Trước đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có thể nói là đứng đầu trong vấn đề chống dịch và ông Đam rất tích cực thường xuyên ở trong TP HCM. Trên truyền thông chúng ta thấy hình ảnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm hỏi các cơ sở y tế rồi nói chuyện với người dân."
“Tuy nhiên ông Đam cũng chỉ là Phó thủ tướng, phó tư lệnh thôi. Quyền quyết định tối hậu trong chính phủ, hay là Tổng tư lệnh là Thủ tướng."
“Truyền thông Việt Nam hay dùng từ dịch có “diễn biến phức tạp” và tôi không thích từ này. Năm ngoái họ cũng dùng cụm từ này và năm nay tình hình nguy kịch hơn nhiều thì cũng dùng cụm từ đó."
“Theo tôi, đây là trận chiến cực kỳ phức tạp liên quan đến vấn đề y tế, vấn đề sức khỏe, lao động…có thể nói là tất cả mọi khía cạnh thì người đứng đầu của Chính phủ là ông Phạm Minh Chính có thể là người có nhiều quyền lực nhất, đứng mũi chịu sào."
“Do đó việc bổ nhiệm Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng ban phòng chống dịch là hợp lý."
“Tuy nhiên một con én không thể nào làm nổi mùa xuân đâu. Một mình Thủ tướng không thể nào chống được dịch này mà cần phải có sự huy động toàn dân."
“Một mình Thủ tướng cũng không thể nào cáng đáng được mà cần một ban chuyên trách cao nhất do Thủ tướng đứng đầu để điều hành để kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh."
“Đặc biệt nữa là vào thời điểm này cần ngăn ngừa được số người lây nhiễm, vào viện và chết và sớm đưa được nền kinh tế Việt Nam hồi phục trở lại."
“Thành ra theo tôi, Thủ tướng vào thời điểm này là người thích hợp cho vai trò Trưởng ban phòng chống dịch Covid,” TS Nguyễn Trí Hiếu nói với BBC Tiếng Việt qua điện thoại.
Vào ngày 29/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 419.617 ca mắc Covid-19.
208.176 người đã khỏi bệnh (50%), và có 10.370 ca tử vong.
Nhận xét
Đăng nhận xét