Phó Tổng thống Harris 'lòng vòng' về nhân quyền ở VN?
BBC
Một luật sư nhân quyền từ Sài Gòn cho rằng Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã 'lòng vòng' khi được báo chí, truyền thông hỏi về vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm chính thức của bà tới Việt Nam.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi chuyến thăm của phái đoàn chính phủ Mỹ kết thúc, ông Lê Công Định, cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, nói rằng có hai khía cạnh đáng chú ý từ chuyến đi này.
"Liên quan vấn đề tế nhị này, tôi quan sát thấy trước chuyến đi, người Việt Nam tại Mỹ cũng tìm cách tiếp cận với các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ để có tác động, để ít ra là trong chuyến đi này, vấn đề nhân quyền sẽ được đặt ra.
"Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ do mục tiêu của chuyến đi này là quan hệ song phương trong bối cảnh an ninh khu vực, cho nên việc đặt ra vấn đề nhân quyền có lẽ là không thích hợp.
"Và quả nhiên chuyến đi vừa rồi của bà Phó Tổng thống Kamala Harris đã phản ánh rõ điều đó, và nó phản ánh ở hai khía cạnh," ông Lê Công Định nói.
'Không gặp giới bất đồng'
"Khía cạnh thứ nhất là trong buổi sáng ngày 26/8/2021, bà Harris có gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự, gồm những người làm việc trong những lĩnh vực môi trường, bình đẳng giới, vấn đề chuyển giới, vấn đề người đồng tính, cũng như những tổ chức hỗ trợ những người khuyết tật," vị luật sư nhân quyền từ Sài Gòn nói.
Theo Luật sư Lê Công Định, Phó Tổng thống Mỹ đã không gặp gỡ các đại diện thuộc khối bất đồng chính kiến, các nhà chỉ trích hay vận động, phản biện, tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam, và đã có tiếp cận "hạn chế", hay "giảm nhẹ" trong các tiếp xúc, đối thoại với phía Việt Nam, điều mà ông nói là vì có một số lý do rõ ràng.
"Những lĩnh vực này cũng liên quan vấn đề quyền con người và cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho Việt Nam, thì những cuộc gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự này cũng dừng lại ở các mức độ đó thôi.
"Chuyến đi này bà Kamala Harris hoàn toàn không gặp những người mà phía chính quyền Việt Nam gọi là 'nhóm người phản động', điều ấy cho thấy vấn đề nhân quyền cũng được đặt ra, nhưng không quá nhạy cảm trong mối quan hệ Việt - Mỹ. Hoa Kỳ đã chọn cách làm nhẹ nhàng hơn để khiến cho nhà nước Việt Nam không phật lòng. Bởi vì mục tiêu chính của chuyến đi này không phải để giải quyết vấn đề đó.
"Giá trị của Hoa Kỳ luôn luôn đặt nặng vấn đề nhân quyền, bà Harris cũng gặp những người ở các tổ chức xã hội dân sự. Thế nhưng đó không phải là cái mà người ta đang quan tâm."
'Trả lời lòng vòng'
Về khía cạnh thứ hai trong đề cập vấn đề nhân quyền tại Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Luật sư Lê Công Định nhận định đã có sự 'lòng vòng' trong câu trả lời báo chí, truyền thông tại họp báo tại Hà Nội của phái đoàn Mỹ.
Ông Định nhắc tới câu hỏi mà phóng viên tờ Bloomberg đặt ra cho bà Harris trong buổi họp báo chiều 26/8: Trong chuyến đi của bà, bà có đặt vấn đề nhân quyền với chính quyền Việt Nam không và có yêu cầu trả tự do cho một nhà bất đồng chính kiến nào đang bị cầm tù hay không?
"Qua buổi tường thuật mà tôi được nghe, bà Harris nói rất lòng vòng khi trả lời câu hỏi này," Luật sư Lê Công Định bình luận.
"Và bà dành cho câu hỏi này vài ba đoạn cuối rất quan trọng, trong đó bà nói mối ưu tiên hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ bây giờ là vấn đề tự do hàng hải, vấn đề thứ hai là vấn đề thương mại, và bà nói rằng là khi cần thiết, chúng tôi (Hoa Kỳ) cũng sẽ đặt ra những vấn đề về nhân quyền với Chính phủ Việt Nam.
"Như vậy có nghĩa là trong chuyến đi này nhân quyền rõ ràng không phải là vấn đề cần thiết đặt lên bàn nghị sự của hai bên.
"Cho nên như tôi đã tiên đoán ngay trước chuyến đi, chắc chắn nhân quyền không phải là một vấn đề ưu tiên và phía Hoa Kỳ nếu đặt ra, thì cũng đặt ra rất là tế nhị và tránh làm phật lòng nhà nước Việt Nam," ông Lê Công Định nêu nhận định với BBC tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 26/8 từ Sài Gòn.
Cũng trong dịp này, một nhà vận động và quan sát cho xã hội dân sự bình luận với BBC News Tiếng Việt về vấn đề trên, từ Hà Nội, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện phản biện xã hội IDS (đã tự giải thể), nói:
"Việc mà phải nhắc đến vấn đề nhân quyền và dân chủ là điều hiển nhiên mà một chính phủ của đảng Dân chủ ở bên Mỹ đằng nào cũng phải đặt ra.
"Nhưng nhìn ở trong các thứ tự ưu tiên của các mối quan tâm của cả hai bên trong giai đoạn này, vấn đề nhân quyền không có ở trong ba hay bốn mối quan tâm ưu tiên mà trùng nhau của cả hai bên, trong đó có hợp tác an ninh, quân sự, quốc phòng, kinh tế, thương mại, y tế sức khỏe, môi trường, khí hậu.
"Cho nên giỏi lắm nó chỉ là phần thứ năm mà phía Hoa Kỳ nêu khi đặt vấn đề ra với phía Việt Nam và phía Việt Nam chắc chắn cũng luôn 'lịch sự' nghe thế thôi, chứ tôi cũng không nghĩ mục tiêu trong cả giai đoạn này, không chỉ riêng chuyến thăm này, là để có trong đó việc để thúc đẩy vấn đề nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam," ông Nguyễn Quang A nói với BBC từ Hà Nội.
Tin cho hay, một thông cáo báo chí của phái đoàn Hoa Kỳ trong dịp chuyến thăm này được loan chính thức trên trang mạng của Tòa Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, trong đó về có nói tới vấn đề nhân quyền và xã hội dân sự.
Thông cáo viết:
"Chính quyền Biden-Harris coi nhân quyền là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Theo đó, trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Tổng thống Harris đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của xã hội dân sự đối với sự phát triển toàn cầu. Thúc đẩy xã hội dân sự và vận động chính sách cấp cơ sở: Hoa Kỳ ủng hộ xã hội dân sự của Việt Nam và vận động cho quyền tự do ngôn luận, tín ngưỡng và lập hội ở Việt Nam - quan điểm mà Phó Tổng thống Harris đã bày tỏ tại các cuộc gặp với lãnh đạo Chính phủ."
Còn theo truyền thông Hoa Kỳ hôm 27/8, chính quyền Việt Nam đã phóng thích hai công dân Mỹ ngay trước chuyến thăm của bà Harris.
"Hai công dân Hoa Kỳ Angel Phan và James Hân Nguyễn vừa được chính quyền Việt Nam phóng thích và về đến Mỹ hôm 25/8, theo các nhà hoạt động.
"Từ California, Hoa Kỳ, ông Michael Phương Minh Nguyễn, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, cho VOA biết bà Angel Phan và ông James Hân Nguyễn đã rời Việt Nam tối ngày 24/8, sau khi bị giam cầm hơn 40 tháng," một bản tin trên VOA Tiếng Việt nói.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để nghe ý kiến của Luật sư Lê Công Định tại Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.
Nhận xét
Đăng nhận xét