Tin trong nước - Epoch Times Tiếng Việt
Nội dung tối 30/8:
|
Lập kỷ lục mới với hơn 14,000 ca mắc trong ngày, hơn 7,500 ca cộng đồng
Lúc 17h ngày 30/8, Bộ Y tế thông báo về 14,224 ca mắc mới gồm 5 ca nhập cảnh và 14,219 ca tại 41 tỉnh/thành, trong đó có 7,504 ca cộng đồng.
14,219 ca mắc mới phân bố chủ yếu tại Bình Dương (6,050), Tp HCM (5,889), Long An (524), Đồng Nai (491), Tiền Giang (221), Khánh Hòa (126), Hà Nội (110), An Giang (90), Kiên Giang (73), Nghệ An (68), Tây Ninh (56), Đà Nẵng (54)…
Như vậy, so với ngày 29/8, số mắc tại Việt Nam trong ngày 30/8 tăng 1,467 ca, trong đó, Bình Dương tăng 636 ca, Tp HCM tăng 932 ca, Đồng Nai tăng 114 ca, Tiền Giang tăng 66 ca, Long An giảm 9 ca.
Tính từ đầu mùa dịch, Việt Nam có tổng cộng 449,489 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 445,291 ca, trong đó có 226,042 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
5 tỉnh/thành ghi nhận số mắc cao là Tp HCM (215,810 ca), Bình Dương (110,258 ca), Đồng Nai (23,132 ca), Long An (21,457 ca), Tiền Giang (9,438 ca).
Thêm 315 bệnh nhân COVID-19 tử vong
Trong ngày, Bộ Y tế thông báo về 315 ca tử vong tại 16 tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là Tp HCM (245), tiếp đến là Bình Dương (39), Tiền Giang (7), Long An (6), Đồng Nai (4)…
Tính đến nay, tổng số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tại Việt Nam là 11,064 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc.
Trong ngày có 9,014 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 228,816 ca. Hiện tổng số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 6,449 ca, trong đó, 4,157 ca thở oxy qua mặt nạ, 1,247 ca thở oxy dòng cao HFNC, 105 ca thở máy không xâm lấn, 916 thở máy xâm lấn và ECMO 24 ca.
Cục hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng dừng bán vé đường bay nội địa
Ngày 30/8, Cục hàng không Việt Nam cho biết, vừa gửi văn bản đến Vietnam Airlines, VietjetAir, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, trong đó yêu cầu các hãng dừng việc mở bán vé trên các đường bay nội địa cho đến khi có thông báo mới.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không đề nghị, các hãng hoàn trả tiền cho hành khách theo đúng kênh hành khách đã thực hiện việc thanh toán vé trên các chuyến bay nội địa được xuất từ sau ngày 21/7.
Trước đó ngày 21/7, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu hạn chế tối thiểu số lượng các chuyến bay thương mại từ Tp HCM và các tỉnh/thành đang thực hiện Chỉ thị 16 về Hà Nội. Dừng khai thác các chuyến bay chở khách giữa Cần Thơ, Phú Quốc – Hà Nội và ngược lại.
Đối với đường bay Tp HCM – Hà Nội và ngược lại, khai thác tối đa 2 chuyến bay chở hành khách/ngày, giao Vietnam Airlines khai thác. Các chuyến bay chuyên chở hàng hóa được thực hiện không hạn chế. Các chuyến bay khác sẽ được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể.
Bệnh viện 500 giường ở Hà Nội bắt đầu nhận bệnh nhân COVID-19
Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội, cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có địa chỉ tại phố Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai chính thức nhận bệnh nhân sau 30 ngày xây dựng.
Vào chiều mai (31/8), buổi lễ khánh thành bệnh viện sẽ diễn ra. Theo Bộ Y tế, vào ngày 1/9, Bệnh viện chính thức đi vào hoạt động.
Bệnh viện là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân COVID-19 tại khu vực Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc (gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn). Đây cũng sẽ là trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 Quốc gia.
Bệnh viện sẽ tiếp nhận, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, có chỉ định nhập viện với 4 điều kiện:
- Chẩn đoán xác định COVID-19 ở Hà Nội và các tỉnh lân cận.
- Có chỉ định nhập viện điều trị (thở oxy, hỗ trợ thở HFNC, nội khí quản từ các bệnh viện khác).
- Có liên hệ trước qua số điện thoại 0388191919.
- Có tài liệu chuyển viện (bản giấy đi cùng bệnh nhân và bản chụp gửi trước).
Sở Y tế cho biết, trong ngày 30/8 trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 103 ca dương tính mới, trong đó có 12 ca cộng đồng, nâng tổng số mắc trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) đến nay lên 3,194 ca, trong đó số mắc cộng đồng là 1,546 ca.
Khánh thành Bệnh viện dã chiến Phước Lộc ở Sài Gòn sau 7 ngày xây dựng
Ngày 30/8, Bộ Công an khánh thành Bệnh viện dã chiến Phước Lộc (huyện Nhà Bè, Tp HCM) với quy mô 300 giường sau 7 ngày thi công để điều trị cho nhân viên cảnh sát tham gia ứng phó dịch bệnh bị mắc COVID-19.
Bước đầu, bệnh viện bảo đảm 100 giường phục vụ hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, từ khi dịch bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh phía nam và Tp HCM, đã có hơn 2,000 cảnh sát nhiễm COVID-19.
Quảng Bình lập khu cách ly tập trung F1 cấp xã/phường
Hôm nay 30/8, trong công văn hỏa tốc gửi đến các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Quảng Bình yêu cầu khảo sát địa điểm để triển khai các khu cách ly tập trung F1 tại xã, phường, thị trấn.
Theo yêu cầu của tỉnh, mỗi khu cách ly phải đáp ứng được tối thiểu cho 30 người, đảm bảo về cơ sở vật chất, đáp ứng quy định cách ly.
Tỉnh Quảng Bình cho biết, chỉ trong 1 tuần (từ 23-30/8), tỉnh ghi nhận hơn 350 ca nhiễm mới và xuất hiện nhiều chùm lây nhiễm, trong đó chủ yếu là ca cộng đồng.
Việc lập khu cách ly cấp xã nhằm cách ly tập trung F1 đúng quy định, tránh di chuyển F1 đi xa dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
Sài Gòn mưa lớn diện rộng, dự báo kéo dài nhiều ngày tới
Chiều 30/8, nhiều khu vực tại Sài Gòn có mưa, mưa tập trung nhiều ở khu phía đông và trung tâm thành phố, lượng mưa phổ biến từ 40-55 mm. Nhiều khu vực khác tại Nam Bộ cũng có mưa kéo dài đến tối.
Đặc biệt tại Bình Chánh, lượng mưa đo được lên đến 101 mm. Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, lượng mưa vượt 100 mm trong một trận là khá hiếm.
Ông Lê Đình Quyết, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, nguyên nhân chính gây mưa là do rãnh áp thấp có trục đi qua các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Theo dự báo, những ngày tới, các tỉnh Nam Bộ tiếp tục có mưa. Trong ngày 31/8 trời nhiều mây, mưa xuất hiện ở nhiều nơi, có nơi mưa to đến rất to.
Từ ngày 1 đến 6/9, ngày nắng gián đoạn, chiều và tối có mưa rào nhiều nơi, có nơi mưa vừa mưa to và dông, đêm có mưa rải rác. Từ ngày 7 đến 9/9, sáng có nắng gián đoạn, trưa chiều và đêm có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, có nơi mưa to đến rất to.
Nội dung chiều 30/8:
|
Việt Nam tiếp nhận gần 260,000 liều AstraZeneca và Moderna từ CH Czech
Sáng 30/8, Bộ Y tế Việt Nam đã tiếp nhận 250,800 liều vaccine AstraZeneca và Moderna do Chính phủ CH Czech tài trợ. Hiện vaccine đã được bảo quản tại kho lạnh Hà Nội và được bảo quản tại kho lạnh. Ngoài ra, Chính phủ CH Czech cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam thiết bị y tế.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng CH Czech Babis cho biết, sẵn sàng nhượng lại 500,000 liều vaccine và một số kit xét nghiệm nhanh cho Việt Nam.
Đại diện Pfizer tại Việt Nam khẳng định ‘không phân phối vaccine cho tư nhân’
Ngày 30/8, trong buổi làm việc với truyền thông, đại diện Pfizer tại Việt Nam khẳng định, ở thời điểm này, không có vaccine nào được cung cấp qua trung gian. Hiện trên toàn thế giới, không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vaccine của Pfizer.
Về việc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop tham gia mua vaccine của hãng dược Pfizer từ tháng 6/2021, cũng như khẳng định của doanh nghiệp này đã đàm phán mua 15 triệu liều vaccine Pfizer vào ngày 10/8, đại diện của Pfizer tại Việt Nam không trả lời.
Về phía Donacoop, hiện chưa có phản hồi nào từ lãnh đạo Công ty.
Trước đó, ngày 25/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về việc tạo điều kiện hỗ trợ Donacoop nhập khẩu vaccine của hãng Pfizer. Trong khi đó, theo văn bản của tỉnh Đồng Nai gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18/8, Donacoop cho biết đã đàm phán xong với hãng dược Pfizer vào ngày 10/8 và cơ bản thống nhất về mức giá.
Bên cạnh đó, 2 bên cũng thống nhất về số lượng và thời gian giao vaccine Pfizer trong 2 đợt: Đợt 1 giao 5 triệu liều vào cuối tháng 8; Đợt 2 cách đợt một 7 ngày, đến 15/9 giao đủ 15 triệu liều.
Sài Gòn: Hơn 85,000 F0 điều trị tại nhà, xét nghiệm miễn phí hàng ngày cho shipper
Trưa 30/8, HCDC cho biết, hiện trên địa bàn thành phố, số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 85,298 người.
Hiện đối với khu vực ‘vùng đỏ’ và ‘vùng cam’, TP thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh với tần suất 2 ngày/lần. Ở khu vực ‘vùng xanh’ và ‘vùng vàng’, thành phố sẽ làm xét nghiệm RT-PCR với mẫu gộp 5 cho ‘vùng vàng’ và mẫu gộp 10 cho ‘vùng xanh’, tần suất 7 ngày/1 lần. Việc test nhanh thực hiện tại nhà và dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Tính đến 6h ngày 30/8, thành phố có 210,425 ca COVID-19 được công bố, trong đó có 209,980 ca cộng đồng.
Sáng 30/8, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp HCM cho biết, thành phố xét nghiệm miễn phí hàng ngày cho shipper tại hơn 400 trạm y tế lưu động trên địa bàn.
Hiện Sở Công thương đã có danh mục cụ thể 414 trạm y tế lưu động do quân y phụ trách để xét nghiệm cho shipper hoạt động ở 22 quận/huyện và Tp Thủ Đức.
Hôm qua, Tp HCM đã có văn bản cho phép lực lượng shipper hoạt động ở Tp Thủ Đức và 7 quận, huyện ‘vùng đỏ’ nguy cơ cao (gồm: quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh và Hóc Môn) từ ngày 30/8 nhưng phải tiêm ít nhất một mũi vaccine, test nhanh (mẫu gộp 3) vào 5-6h hàng ngày.
Tại 14 quận/huyện còn lại, shipper đang hoạt động cũng phải xét nghiệm 2 ngày/lần theo mẫu gộp 3 người. Các shipper này chỉ hoạt động trong phạm vi một quận/huyện và Tp Thủ Đức.
Hà Nội thêm 68 ca dương tính, ‘kiên trì giãn cách xã hội’ và ‘giảm số người ra đường’
Trưa 30/8, Hà Nội ghi nhận 45 ca dương tính mới tại 6 quận/huyện, gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Hoàng Mai, Đống Đa, Hoài Đức, trong đó, chùm lây nhiễm tại Thanh Xuân Trung tiếp tục ghi nhận 32 ca.
Trước đó, sáng cùng ngày, Hà Nội ghi nhận 23 ca cũng tại 6 quận/huyện, gồm: Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Phú Xuyên, Thanh Oai. Trong đó, ổ dịch tại Thanh Xuân Trung tiếp tục ghi nhận 15 ca.
Tại cuộc họp báo chiều 29/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, việc kiểm soát dịch ở các khu vực đông dân cư chưa vững chắc, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng ‘chặt ngoài, lỏng trong’.
Theo đó, ông Dũng yêu cầu, Hà Nội cần kiên trì thực hiện giãn cách xã hội, bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu ‘ai ở đâu ở yên đó’.
Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 (ngày 27/4) đến nay, Hà Nội có tổng cộng 3,159 ca nhiễm (không tính số ca tại bệnh viện tuyến trung ương) trong đó có 1.539 ca cộng đồng. Riêng chùm lây nhiễm tại Thanh Xuân Trung ghi nhận 303 ca tính từ 23/8 đến nay và có xu hướng tiếp tục tăng.
Bình Dương chuyển đổi khu cách ly làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19
Ngày 30/8, tỉnh Bình Dương cho biết, đã có chủ trương thành lập các cơ sở y tế tại các khu cách ly tạm thời để theo dõi, điều trị F0.
Theo đó, các cơ sở y tế sẽ được bố trí thiết bị y tế cơ bản như: bình oxy, máy đo nồng độ oxy trong máu, thuốc cấp cứu, xe cứu thương hoặc xe của đội phản ứng nhanh. Mỗi cơ sở y tế có từ 1 đến 2 bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sau khi được cấp cứu, điều trị tại các cơ sở này, bệnh nhân tăng nặng sẽ được chuyển điều trị tới các cơ sở tầng 2.
TX Tân Uyên và Tp Thuận An là 2 ‘điểm nóng’ của Bình Dương, trong đó Tx Tân Uyên đã chuyển đổi hơn 50 khu cách ly tạm thời thành các cơ sở y tế; Tp Thuận An cũng đã chuyển đổi 34 cơ sở cách ly thành các cơ sở y tế.
Quảng Bình xuất hiện thêm 2 chùm lây nhiễm, điều động hơn 1,000 chỗ cách ly
Sáng 30/8, tỉnh Quảng Bình cho biết, từ 18h ngày 29/8 đến 6h sáng nay (30/8), ngành y tế địa phương phát hiện thêm 2 chùm lây nhiễm mới, ghi nhận 35 ca dương tính trong cộng đồng; nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại tỉnh lên 476 người.
2 chùm lây nhiễm mới ghi nhận tại xã Lộc Ninh (Tp Đồng Hới) và xã biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Thị xã Ba Đồn đang là ‘vùng xanh’ duy nhất của tỉnh Quảng Bình chưa ghi nhận ca mắc nào trong cộng đồng.
Cũng trong sáng cùng ngày, tỉnh đưa các khu cách ly tại trường Cao đẳng nghề (200 giường); khách sạn Phương Bắc Luxury (200 giường); nhà khách Việt Lào (100 giường), cùng ở thành phố Đồng Hới; trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Minh Hóa (108 giường), thị trấn Quy Đạt; trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hóa Tiến (300 giường), huyện Minh Hóa vào hoạt động.
Tỉnh cũng đang thiết lập thêm khu cách ly tại trường Mầm non Hoa Mai, với công suất 120 giường ở huyện Lệ Thủy. TP Đồng Hới đang lên phương án cách ly F1 tại nhà.
Lào Cai cấp miễn phí thẻ gắn mã QR cho người ra vào cửa khẩu, kho bãi
Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết, trong hai ngày 29 và 30/8, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phối hợp cấp phát miễn phí thẻ ra vào cho người làm việc tại khu vực cửa khẩu Kim Thành và các kho bãi.
Đáng chú ý, trên thẻ có mã QR cá nhân được đăng ký theo thông tin của từng người. Ngoài ra trên thẻ còn có các nội dung khác như: thông tin cơ bản của cá nhân, ảnh.
Ban quản lý cửa khẩu đã thông báo việc cấp thẻ đến các doanh nghiệp, lập danh sách nhân viên kho bãi, công nhân bốc xếp, lái xe trung chuyển, công nhân vệ sinh, nhân viên dịch vụ trong khu vực cửa khẩu.
Theo đó, đến nay đã có trên 1,500 thẻ được cấp cho các doanh nghiệp và người làm việc tại khu vực cửa khẩu.
Cục Đường sắt đề nghị quy hoạch 9 tuyến đường mới
Ngày 30/8, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã nhận được đề nghị của Cục Đường sắt về quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia giai đoạn 2021-2030. Theo đề nghị, đến năm 2030, ngành đường sắt sẽ khởi công 9 tuyến đường gồm:
- Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (Tp HCM). Đặc điểm: đường đôi, dài khoảng 1,559 km, dự kiến đầu tư trước năm 2030 hai đoạn Hà Nội – Vinh, Tp HCM – Nha Trang;
- Tuyến đường sắt Yên Viên – Lim – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, có khổ đơn, dài khoảng 129 km;
- Tuyến đường sắt Hải Phòng – Lạch Huyện, từ ga Mạo Khê tới ga Dụ Nghĩa và tới cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện, dài khoảng 78 km;
- Tuyến đường sắt khu vực Hà Nội, nối tuyến Bắc Nam hiện có với các tuyến phía Bắc, kéo dài từ ga Ngọc Hồi – qua ga Lạc Đạo – đến ga Bắc Hồng với đường đôi, dài 59 km;
- Tuyến đường sắt miền Trung, là tuyến Vũng Áng – Cha Lo (đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình), nối với tuyến đường sắt Lào, dài khoảng 119 km;
- Tuyến đường sắt phía Nam, là tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu kéo dài từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu, dài 84 km;
- Tuyến đường sắt Tp HCM – Cần Thơ, từ ga An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Cần Thơ, với đường đôi, dài khoảng 174 km;
- Tuyến đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh, từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam – Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km;
- Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành, từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với đường đôi, dài 38 km.
Dự kiến, sau khi hoàn thành 9 tuyến đường sắt mới, mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam sẽ có 16 tuyến với tổng chiều dài 4,746 km.
Theo đề nghị của Cục Đường sắt, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 là 239,030 tỷ đồng. Quỹ đất dành cho đường sắt năm 2030 khoảng 17,775 hecta, chiếm 8% nhu cầu quỹ đất toàn ngành.
Đề nghị này của Cục Đường sắt hiện đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Nội dung sáng 30/8:
|
Tổng số mắc đã lên 435,265 ca với 10,749 ca tử vong
Tính đến sáng 30/8, tổng số mắc tại Việt Nam kể từ đầu mùa dịch đã lên 435,265 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 431,072 ca. Có 217,028 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 10,749 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc. Hiện số bệnh nặng đang điều trị là 6,309 ca, trong đó, 4,069 trường hợp thở oxy qua mặt nạ, 1,221 ca thở oxy dòng cao HFNC; 118 ca thở máy không xâm lấn, 877 ca thở máy xâm lấn và 24 ca chạy ECMO.
Hôm qua (29/8), Việt Nam ghi nhận 12,796 ca mắc mới và 344 ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Sài Gòn kêu gọi 5,000 chữ ký để cầu cứu
Mới đây tại Tp HCM, 11 lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) đã đồng thuận soạn thảo kiến nghị và đăng tải lên website, kêu gọi đủ 5,000 chữ ký trực tuyến để in và chuyển đến Chính phủ, mong được hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính như sau:
Đối với chính sách người làm việc, các DN đề nghị được tạm ngừng đóng BHXH ít nhất 6 tháng sau khi công bố hết dịch, không áp dụng phạt đối với các DN không có khả năng đóng BHXH, miễn giảm 100% phí BHXH của DN và người làm việc trong thời gian ngừng hoạt động và giãn cách xã hội…
Đối với chính sách thuế – chi phí, các DN kiến nghị được miễn thuế (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023, giảm 50% thuế TNDN phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế TNDN 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch; được chấp nhận tất cả các loại chi phí phát sinh mà DN phải bỏ ra như xét nghiệm, “3 tại chỗ”…
Đối với chính sách tài chính – ngân hàng, các DN kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Ngoài ra, các DN cũng kiến nghị được khoanh nợ, giãn nợ khi phải tạm ngừng hoạt động, không có khả năng thanh toán do đại dịch. Và khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Đến 22h ngày 29/8, văn bản này đã nhận được 407 chữ ký trực tuyến và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng DN vừa và nhỏ trên mạng xã hội.
Tại Sài Gòn, tính đến hiện tại có đến 97.8% số DN vừa và nhỏ trên toàn quốc. Các DN này đang phải ngừng hoạt động do thành phố thực hiện nhiều đợt giãn cách theo Chỉ thị 16. Chi phí “3 tại chỗ” tăng cao, nặng gánh phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội… gây ra rất nhiều khó khăn.
Hà Nội phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Ngày 29/8, xã Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã phong tỏa Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp vì ghi nhận 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng mắc COVID-19. Tại thời điểm phong tỏa, trong bệnh viện có khoảng 800 người.
Trước đó, chính quyền đã phát đi thông báo khẩn, yêu cầu người dân từng đến bệnh viện từ ngày 14/8 đến 28/8, cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà và liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất. Những người này có thể liên hệ với Trung tâm y tế huyện Thanh Trì để được hướng dẫn và hỗ trợ.
Tính đến nay, Hà Nội đang có tất cả 49 điểm phong tỏa, với các quận nhiều nhất lần lượt là Hoàng Mai 9 điểm, Ba Đình 7 điểm, Hoàn Kiếm và Đống Đa 5 điểm, Thanh Xuân 4 điểm.
Bình Dương, Tây Ninh, Bến Tre, Tiền Giang kéo dài Chỉ thị 16
Tỉnh Bình Dương tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội tại địa phương có vùng đỏ đến ngày 15/9. Trong số các địa phương thuộc “vùng đỏ” ở Bình Dương có TX Tân Uyên và TP Thuận An đang áp dụng biện pháp cao hơn Chỉ thị 16, người dân không được ra đường.
Tỉnh Tây Ninh cũng kéo dài chỉ thị này thêm 14 ngày, tính từ 0h ngày 30/8. Bến Tre áp dụng Chỉ thị 16 đến ngày 10/9.
Còn tại Tiền Giang, tỉnh này tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở 7 đơn vị cấp huyện; 4 đơn vị theo Chỉ thị 15 đến hết ngày 15/9.
F0 không triệu chứng ở TP Thuận An được cách ly tại nhà
Tối 29/8, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, đang triển khai cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, trong đó có nhiều trường hợp nhiễm sinh sống tại đường Bình Hoà 24, phường Bình Hoà, TP Thuận An.
Theo lãnh đạo Tp, khu vực có F0 sinh sống sẽ được dán biển thông báo, được cấp phát thuốc, thực phẩm.
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, trong những ngày qua, tỉnh này lấy mẫu test nhanh diện rộng và ghi nhận nhiều ca dương tính mới trong vòng 1 tuần trở lại đây. Đến chiều 29/8, con số nhiễm ở tỉnh này đã vượt 100.000 ca.
Trong đó, 2 địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất là Tp Thuận An và thị xã Tân Uyên. Theo đó, 11 phường của 2 địa phương này đã bị phong toả “khoá chặt, đông cứng” để bóc tách F0.
Bệnh viện tư nhân lớn nhất Thanh Hóa dừng đón bệnh nhân
Từ 18h ngày 29/8, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực phong tỏa toàn bộ tòa nhà 9 tầng, đồng thời tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân sau khi ghi nhận ca dương tính mới là một người tới chăm sóc bố ốm.
Bên cạnh đó, toàn bộ 286 gia đình với 1.000 nhân khẩu ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long huyện Quảng Xương cũng bị cách ly theo Chỉ thị 16; huyện này thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Quảng Long từ 19h ngày 29/8.
Theo CDC Thanh Hóa, ca dương tính mới là nam (sinh năm 1980, ngụ thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa).
Sáng 29/8, bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa Hợp Lực để chăm sóc bố, tại cổng vào được làm xét nghiệm sàng lọc test nhanh kháng nguyên có kết quả dương tính, sau đó lấy mẫu làm xét nghiệm PCR cho kết quả tương tự.
Liên quan đến ca dương tính này, lực lượng chức năng đã xác định được 48 F1 tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (37 F1), xã Quảng Long và huyện Quảng Xương (11 F1).
Dương Minh tổng hợp
Nhận xét
Đăng nhận xét