Mỹ rút quân khỏi Afghanistan: Tương lai nào cho phi trường Kabul?

RFI

Họa đồ Phi trường quốc tế Hamid Karzai-Kabul, thủ đô Afghanistan.
Họa đồ Phi trường quốc tế Hamid Karzai-Kabul, thủ đô Afghanistan. © Studio graphique FMM

Cả Taliban lẫn phương Tây cùng đang đứng trước một bài toán nan giải: Làm thế nào kiểm soát sân bay quốc tế Hamid Karzai kể từ 0 giờ ngày 01/09/2021 tức là khi Mỹ và liên minh quốc tế hoàn tất kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan ?

Ngày 27/08/2021 phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Ned Price xác nhận Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan “từ nay cho đến ngày 31/08/2021. Vào thời hạn đó, phi trường quốc tế tại Kabul sẽ được trao trả lại cho Afghanistan”, tức là sẽ được trao về tay Taliban. Washington bác bỏ những đồn đoán cho rằng, các đồng minh của Mỹ sẽ thế chân Hoa Kỳ, để quản lý cửa ngõ di tản duy nhất bằng đường hàng không.

Mỹ nhìn nhận “không dễ quản lý phi trường Hapid Karzai”. Vẫn Ned Price cảnh báo: Phi trường quốc tế Kabul “hoạt động bình thường vào ngày 01/09/2021 là điều không tưởng”.

AFP nhắc lại trong tuần, ngoại trưởng Antony Blinken đã nêu lên khả năng sân bay Kabul phải “tạm thời đóng cửa”. Đồng thời “nhiều quốc gia trong khu vực đang thảo luận ráo riết để sân bay vẫn hoạt động” hay “nếu cần thì sẽ mở cửa trở lại sau một thời gian bị gián đoạn”. Cũng ngoại trưởng Blinken tìm cách trấn an về thiện chí của Taliban trong thời gian tới khi cho rằng, phe Hồi Giáo cực đoan này không có ý định cách ly Afghanistan với phần còn lại của thế giới và bản thân Taliban theo Washington cũng đang trông chờ nhận được viện trợ quốc tế.

Mọi ánh mắt đang hướng về Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giới quan sát, do muốn tiếp tục đưa người di tản ra khỏi Afghanistan sau thời hạn 31 tháng 8, nên phương Tây đang kỳ vọng nhiều vào Ankara.

Cho tới giờ phút này, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đang đóng một vai trò “then chốt”: Nhân viên dân sự đảm trách khâu không lưu, bảo đảm các nguồn tiếp liệu xăng dầu, chịu trách nhiệm về các phương tiện liên lạc. An ninh tại khu vực nhậy cảm này thì do lính Anh, Mỹ, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm.

Càng đến gần kỳ hạn 31 tháng 8, câu hỏi liệu rằng Ankara có duy trì sự hiện diện của các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại Afghanistan hay không càng trở nên cấp bách. Ankara có hai lợi thế : vừa là một quốc gia Hồi Giáo vừa là thành viên NATO. Mọi người kỳ vọng Taliban dễ dàng chấp nhận sự hiện diện của lính Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với quân nhân thuộc các quốc tịch khác. Thế nhưng theo AFP, “lính Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu rút lui” từ hôm 27/08/2021 tức một ngày sau vụ khủng bố ở Kabul.

Còn nước còn tát. Vẫn AFP cho biết đại diện của Ankara tiếp tục “đàm phán với Taliban” và theo lời tổng thống Erdogan, rất có thể “quân nổi dậy Afghanistan đồng ý để cho Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm về mặt hậu cần” cho dù khâu bảo đảm an ninh cho khu vực chung quanh phi trường Kabul sẽ được đặt trong tay phe Taliban.

Một hy vọng khác của hàng ngàn người đợi được di tản khỏi Afghanistan hiện nay là Qatar và một số  công ty bảo vệ an ninh tư nhân. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng “tình hình ở Kabul rối ren đến nỗi, ngoài lực lượng Mỹ, không mấy ai đủ sức đảm nhiệm trọng trách này trong một sớm một chiều”.

Điều hiển nhiên nhất là hiện tại một số quan chức Mỹ biết trước sẽ “không có nhiều hãng hàng không dám bảo đảm các chuyến bay đến hay xuất phát từ Kabul” trong thời gian sắp tới. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?