Đi bộ 250 km về quê vì mất việc do giãn cách xã hội ở Hà Nội

RFA

2021-08-31

Hai người dân Yên Bái đi bộ từ Hà Nội về quê
 FB Giàng A Khai















Giàng A Khai, 23 tuổi, là một thanh niên người H’mong quê ở Trạm Tấu, Yên Bái. Anh đang cùng với ba người đồng hương trẻ tuổi thực hiện chuyến đi bộ 250 cây số để trở về quê, sau khi bị mất việc làm ở Hà Nội vì lệnh giãn cách xã hội.

Theo anh Khai, nhóm của anh từ Yên Bái xuống Hà Nội để kiếm việc làm từ cuối tháng 7. Họ sau đó được nhận vào làm công việc bốc vác ở một nhà xưởng, nhận lương theo ngày và ăn ở tại nơi làm việc.

Nhưng khi Hà Nội ra lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố để chống dịch COVID-19, nhóm của Giàng A Khai cũng mất đi việc làm, cùng với đó là thu nhập, nơi ăn và chốn ở.

Chúng tôi hết tiền ăn nên mới phải về, chúng tôi không có tiền. Tôi gọi về cho xã, nhưng xã bảo không được, nên bọn tôi đành đi bộ”, anh Khai lý giải tại sao lại chọn cách đi bộ về quê.

Nhóm bốn người H’mong này khởi hành từ 5h sáng ngày 30 tháng 8, đến nay đã đi đến địa phận tỉnh Yên Bái, và dự kiến là còn khoảng 100 km nữa. Vì không có tiền nên họ vừa đi vừa xin đồ ăn từ nhà dân bên đường, đêm đầu tiên họ ngủ lại ở một chốt kiểm dịch.

“Chắc là sẽ mất khoảng ba ngày hoặc bốn ngày gì đó”, Sào A Chờ, một thành viên khác trong nhóm áng chừng thời gian mà họ sẽ phải đi bộ. Theo anh Chờ thì vì đi bộ quá nhiều nên chân của mọi người đều đã phồng rộp.

Hiện nay, chính quyền tỉnh Yên Bái đã công bố kế hoạch đón công dân của tỉnh về từ các vùng dịch, nhưng chỉ áp dụng với những người ở vùng dịch phía nam như TP. HCM và Đồng Nai, và chỉ thực hiện sau khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Những người gốc Yên Bái hiện đang mắc kẹt tại TP. HCM đã phải lập nhóm trên Facebook để kêu gọi sự hỗ trợ. Theo một khảo sát được thực hiện trong nhóm này thì có đến 60% người được hỏi cho rằng họ chỉ có thể cầm cự được một tuần nữa.

Trước đó, chính quyền huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái thậm chí đã xử phạt năm trường hợp người dân trở về từ Hà Nội với lý do “vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”.

Ngoài nhóm bốn người H’mong này, trước đó trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin các nhóm người Yên Bái đi bộ về quê và phải ngủ ở lề đường.

RFA đã cố gắng liên hệ với lãnh đạo tỉnh Yên Bái để lấy ý kiến về vấn đề hỗ trợ công dân nhưng không ai trả lời.

Về phần nhóm bốn thanh niên người H’mong, khi được hỏi liệu tối nay sẽ ngủ ở đâu, Sào A Chờ nói “Tối nay thì, chắc là một tí xíu nữa xem có bắt xe để về được không, không đi đi bộ rồi ngủ ngoài đường thôi” 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?