Tin trong nước - Epoch Times

 

Nội dung tối 31/8:

  • Hơn 12,600 ca mắc mới, có 7,231 ca cộng đồng
  • Hà Nội thêm nhiều F0 tại chùm lây nhiễm Thanh Xuân Trung
  • Bệnh viện điều trị COVID-19 – Y Hà Nội chính thức hoạt động
  • Đến Hà Nội dùng flycam giám sát giãn cách ở huyện Mê Linh
  • Đà Nẵng thêm 123 ca mắc mới, sẽ bay flycam vào ban đêm
  • Tp Vũng Tàu xét nghiệm 3,000 dân liên quan chùm lây nhiễm mới
  • Giá gas tăng gần 60,000 đồng trong vòng 4 tháng liên tiếp
  • Hơn 12,600 ca mắc mới, có 7,231 ca cộng đồng

17h ngày 31/8, Bộ Y tế thông báo về 12,607 ca mắc mới gồm 16 ca nhập cảng và 12,591 ca tại 42 tỉnh/thành, trong đó có 7,231 ca cộng đồng.

Cụ thể, 12,591 ca mới phân bổ chủ yếu tại Tp HCM (5,444 ca), Bình Dương (4,530), Đồng Nai (634), Long An (587), Tiền Giang (214), Đồng Tháp (138), Đà Nẵng (123), Tây Ninh (118), Kiên Giang (99), Nghệ An (81), Hà Nội (77), Khánh Hòa (66), Bà Rịa – Vũng Tàu (64), Bình Thuận (59), Cần Thơ (53)…

Như vậy, so với ngày 30/8, số mắc tại Việt Nam trong ngày 31/8 giảm 1,628 ca, trong đó tại Tp HCM giảm 445 ca, Bình Dương giảm 1,520 ca, Đồng Nai tăng 143 ca, Long An tăng 63 ca, Tiền Giang giảm 7 ca.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 462,096 ca mắc, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 457,882 ca. Có 236,086 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 31/8, số ca tử vong liên quan COVID-19 chưa được cập nhật, tổng số tử vong tại Việt Nam vẫn là 11,064 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số ca mắc.

Về tình hình điều trị, có 10,044 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số được điều trị khỏi lên 238,860 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,295 ca, trong đó, 4,006 ca thở oxy qua mặt nạ, 1,259 ca thở oxy dòng cao HFNC, 91 ca thở máy không xâm lấn, 916 ca thở máy xâm lấn và ECMO là 23 ca.


  • Chùm lây nhiễm Thanh Xuân Trung thêm nhiều F0, BV điều trị COVID-19 – Y Hà Nội chính thức hoạt động

Tối nay (31/8), Hà Nội ghi nhận 34 ca dương tính mới, nâng tổng mắc trong ngày lên 74 ca đều thuộc chùm F1 của các trường hợp ho sốt cộng đồng.

Trong các ca mắc mới, có 33 F0 tại chùm lây nhiễm Thanh Xuân Trung, các bệnh nhân tập trung tại ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi và tập thể thuốc lá Thăng Long. Hiện chùm ca bệnh liên quan đến Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 349 F0 tính từ 23/8 đến nay.

Cộng dồn số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) đến nay là 3,268 ca, trong đó số F0 cộng đồng là 1,547 ca.

Cũng tại Hà Nội, chiều cùng ngày 31/8, Bệnh viện điều trị COVID-19 – Y Hà Nội quy mô 500 giường chính thức hoạt động. Đây là bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn.


  • Đến Hà Nội dùng flycam giám sát giãn cách ở huyện Mê Linh

Chiều 31/8, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, địa phương đã sử dụng flycam để kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định giãn cách của người dân ở khu vực phong toả.

Theo ông Tuấn, ngoài việc tuần tra, giám sát thực tế, lực lượng chức năng sẽ sử dụng flycam để bao quát tất cả cả ngõ ngách, ngõ xóm, nơi xe cộ khó đi vào.

Tính đến ngày 30/8, trên địa bàn huyện Mê Linh có tổng 15 ca nhiễm. Hiện vẫn còn 2 chùm lây nhiễm tại thôn Lâm Hộ (xã Thanh Lâm) và thôn Phù Trì (xã Kim Hoa), 2 khu vực này đã bị phong tỏa, cách ly.


  • Đà Nẵng thêm 123 ca mắc mới, sẽ bay flycam vào ban đêm để giám sát giãn cách

Chiều 31/8, Tp Đà Nẵng cho biết, địa phương vừa ghi nhận 123 ca dương tính mới. Có 12 ca cộng đồng, trong đó 6 ca chưa xác định được nguồn lây.

Chuỗi lây nhiễm chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận thêm 68 ca mắc mới, nâng tổng số mắc tại chuỗi lây nhiễm này lên 1,522 ca.

Đến hôm nay (31/8), quận Hải Châu tiếp tục sử dụng flycam thử nghiệm giám sát các ngõ, hẻm trên địa bàn quận, ghi nhận việc thực hiện quy định giãn cách của người dân.

Trong buổi sáng cùng ngày, 15 flycam được chia ra khắp 13 phường trên địa bàn quận để ghi hình các ngõ, hẻm. Mỗi flycam có thể bay được khoảng 25 phút, kèm theo khoảng 8 pin để thay đổi bay trong nhiều giờ.

Ông Vũ Quang Hùng, Bí thư quận Hải Châu cho biết, ngoài 15 flycam hiện tại, thời gian tới quận sẽ tăng thêm flycam bay vào ban đêm, phát hiện người ra ngoài qua cảm biến thân nhiệt.

Trước đó tại Đà Nẵng, từ 29/8, thành phố cho bay thử nghiệm flycam tại các khu dân cư đang là “vùng đỏ” ở các phường Hòa Thuận Đông, Bình Hiên và Thạch Thang trên địa bàn quận Hải Châu.

Tính từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4,049 ca mắc COVID-19, đang điều trị cho 3,125 ca.


  • Tp Vũng Tàu xét nghiệm 3,000 dân liên quan chùm lây nhiễm mới chưa rõ nguồn lây

Chiều nay (31/8), chính quyền phường Thắng Nhất, Tp Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) đang phối hợp với ngành y tế thành phố tổ chức xét nghiệm cho hàng nghìn người dân dọc tuyến đường Tiền Cảng, liên quan đến chùm 28 ca lây nhiễm mới trên địa bàn.

Dự kiến, bắt đầu từ 15h30 chiều cùng ngày, khoảng 3,000 người dân ở khu phố 11 và khu phố 5 dọc tuyến đường trên sẽ được xét nghiệm nhanh và lấy mẫu gộp để tìm F0.

Trước đó, từ sáng 30/8 đến sáng tại phường Thắng Nhất có 2 trường hợp là tài xế và phụ xe (cùng trú tại đường Nguyễn Hữu Cảnh) cùng 1 trường hợp là công nhân đi test nhanh tại các phòng khám trên địa bàn cho kết quả dương tính.

Đến rạng sáng nay (31/8), ngành y tế thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR và tiếp tục test nhanh thì phát hiện thêm 25 ca dương tính.

Các ca dương tính trên đường Tiền Cảng hiện chưa rõ nguồn lây, bước đầu nghi ngờ có liên quan đến tài xế và phụ xe, 2 người này chạy xe được cấp mã QR “luồng xanh”, đi lấy gà từ tỉnh Đồng Nai về giao cho các gia đình trên một số tuyến đường ở phường Thắng Nhất.


  • Giá gas tăng gần 60,000 đồng trong vòng 4 tháng liên tiếp

Vào đầu giờ chiều nay (31/8), đại diện một công ty kinh doanh gas tại Tp HCM cho biết, từ sáng mai ngày 1/9, giá gas bán lẻ trên thị trường tăng nhẹ với mức tăng 2,500 đồng/bình 12 kg.

Với mức tăng lần này, giá gas bán lẻ của nhiều thương hiệu ở ngưỡng trên 450,000 đồng/bình 12 kg và đây là mức giá bán lẻ cao nhất từ trước đến nay.

Đại diện Saigon Petro lý giải việc tăng giá mạnh, là do giá giao dịch gas thế giới tháng 9/2021 tăng 7.5 USD/tấn so với tháng trước, giá gas lên mức 665 USD/tấn nên giá gas bán lẻ tại Việt Nam tăng tương ứng.

Đây là đợt tăng giá gas thứ 4 liên tiếp với tổng mức tăng 58,500 đồng/bình 12kg.


Nội dung chiều 31/8:

  • Bộ GD&ĐT đề nghị tổ chức khai giảng tập chung trực tuyến, vùng dịch có thể lùi năm học
  • Sở Y tế Lâm Đồng thông tin chính thức về 2 trường hợp tử vong sau chích Moderna
  • Donacoop nói nhập 15 triệu liều Pfizer: Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định không liên quan, Cục Quản lý Dược nói gì?
  • Sở GD&ĐT Tp HCM đề nghị chích vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi
  • Thanh Hóa giãn cách xã hội huyện 155,000 dân, lên kịch bản điều trị 10,000 ca nhiễm, lùi thời gian khai giảng
  • Bà Rịa – Vũng Tàu thêm chùm lây nhiễm mới, lao động tự do nhận hỗ trợ tối đa 3.5 triệu đồng
  • Mưa lớn lịch sử 20 năm, Bình Phước ngập 2m, người dân lên lầu gọi điện cầu cứu
  • Bộ GD&ĐT đề nghị khai giảng tập chung trực tuyến, vùng dịch có thể lùi năm học

Trong sáng 31/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có công điện gửi các tỉnh, thành chỉ đạo các Sở về việc tổ chức khai giảng năm học mới.

Theo công điện, Bộ GD&ĐT đề nghị, trong trường hợp chưa bảo đảm an toàn phòng dịch, có thể tổ chức khai giảng chung theo hình thức trực tuyến hoặc trên truyền hình.

Đối với địa phương dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch tỉnh quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học mới cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Thực hiện kịp thời việc miễn, giảm học phí đối với học sinh theo quy định.


  • Sở Y tế Lâm Đồng thông tin chính thức về 2 trường hợp tử vong sau chích Moderna

Ngày 31/8, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết, 2 trường hợp tử vong tại huyện Đức Trọng sau 36 giờ chích vaccine Moderna là do bệnh lý nền.

Trước nhiều ý kiến thắc mắc 2 trường hợp này chích vaccine liều 2 loại Moderna khi mới chỉ cách liều 1 khoảng 22 ngày, trong khi quy định từ 4 đến 6 tuần, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng khẳng định, thực hiện đúng quy định, không sớm và nguyên nhân tử vong là do mắc bệnh lý nền từ trước.

Lãnh đạo huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, nguyên nhân không liên quan đến việc chích vaccine ngừa COVID-19 mà do các bệnh lý nền.


  • Donacoop nói nhập 15 triệu liều Pfizer: Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định không liên quan, Cục Quản lý Dược nói gì?

Liên quan đến việc Donacoop tuyên bố đã đàm phán và thống nhất giá mua 15 triệu liều vaccine của Pfizer (Hoa Kỳ) và sẽ về Việt Nam trong tháng 9/2021, sáng 31/8, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai khẳng định, không có bất cứ liên quan nào tới doanh nghiệp Donacoop nhập cảng 15 triệu liều vaccine Pfizer.

Theo ông Vũ, cũng giống như mọi người, ông chỉ đọc được thông tin trên báo.

Ông Nguyễn Kim Long, Chánh Văn phòng tỉnh Đồng Nai khẳng định, rằng ông không nắm được tình hình.

Cuối giờ sáng cũng ngày, một đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đến nay Cục chưa nhận được hồ sơ nào đề nghị nhập cảng liên quan đến 15 triệu liều vaccine Pfizer từ Donacoop.

Theo danh sách các đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập cảng vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo quản, trong đó có vaccine Covid-19 do Bộ Y tế công bố (36 đơn vị) không có Công ty Donacoop.

Theo quy định, chỉ đơn vị được cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập cảng vaccine mới được nhập cảng.

Trước đó, ngày 30/8, đại diện Pfizer tại Việt Nam cho biết, hiện tại Pfizer chỉ cung cấp vaccine Pfizer-BioNTech cho các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu.

Về việc Donacoop khẳng định nhập 15 triệu liều vaccine về trong đầu tháng 9, đại diện Pfizer khẳng định, không có vaccine nào được cung cấp qua trung gian. “Hiện tại, không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vaccine của chúng tôi trên toàn thế giới”, đại diện Pfizer nói.


  • Sở GD&ĐT Tp HCM đề nghị chích vaccine cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi

Sở GD&ĐT Tp HCM vừa đề nghị chính quyền thành phố về việc chích vaccine liều 1 và 2 cho học sinh từ 12 đến 18 tuổi trước khi kết thúc học kỳ I năm học 2021-2022.

Theo đó, số lượng học sinh được đề xuất chích vaccine COVID-19 là 642,459 em.


  • Thanh Hóa giãn cách xã hội huyện 155,000 dân, lên kịch bản điều trị 10,000 ca nhiễm, lùi thời gian khai giảng năm học mới

Từ 6h sáng nay (31/8), Thanh Hóa giãn cách xã hội toàn huyện Nga Sơn (với 155,000 dân) theo Chỉ thị 15 của Chính Phủ sau khi huyện này ghi nhận 3 ca dương tính mới tại một đáng tang ở thị trấn Nga Sơn, có yếu tố dịch tễ phức tạp, liên quan đến Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Tp Thanh Hóa).

Đối với các khu vực nguy cơ cao tại các tiểu khu: Long Khang, Bách Lợi, Thắng Thịnh và Trung Bắc của thị trấn Nga Sơn, sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.

Sáng 31/8, tại cuộc họp bàn của tỉnh về ứng phó dịch bệnh, Thanh Hóa lên phương án xây dựng tháp điều trị 3 tầng theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh nhân, đồng thời xây dựng kế hoạch điều trị 4 cấp theo số lượng bệnh nhân, từ dưới 1,000 ca, 3,000 ca, 5,000 ca đến 10,000 ca bệnh COVID-19.

Tại một diễn biến khác, vào sáng cùng ngày, Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, vừa gửi yêu cầu tới các cơ sở giáo dục trong tỉnh về việc thực hiện một số nội dung năm học mới như sau:

  • Dừng tới trường đối với bậc học mầm non trên địa bàn toàn tỉnh cho đến khi có thông báo mới.
  • Dừng đến trường tất cả các bậc học đối với TP Thanh Hóa và các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 cho đến khi có thông báo mới.
  • Khuyến khích bậc học tiểu học (ở những nơi có điều kiện), bậc THCS, THPT (bao gồm các đơn vị có giảng dạy chương trình bổ túc THPT) dạy học bằng hình thức trực tuyến, kết hợp giao bài tập qua hình thức OTT.
  • Không tựu trường trước ngày khai giảng; Điều chỉnh Lễ khai giảng từ ngày 5/9 sang ngày 6/9 vào tiết học đầu tiên (thời gian không quá 45 phút).
  • Tổ chức khai giảng trong nội bộ trường theo lớp (học sinh và giáo viên chủ nhiệm ổn định trong các lớp học).

Tính từ ngày 27/4 đến sáng 31/8, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận tổng cộng 302 ca COVID-19. Hiện có 3 điểm dịch ngoài cộng đồng được ghi nhận gồm huyện Nông Cống, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực (Tp Thanh Hóa) và điểm dịch thị trấn Nga Sơn (huyện Nga Sơn).


  • Bà Rịa – Vũng Tàu thêm chùm lây nhiễm mới, lao động tự do nhận hỗ trợ tối đa 3.5 triệu đồng

Sáng sớm 31/8, tại phường Thắng Nhất, Tp Vũng Tàu, lực lượng y tế đã lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR và kiểm tra nhanh COVID-19 cho hàng ngàn người dân trên đường Tiền Cảng. Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy, 28 người dân trên đường Tiền Cảng dương tính COVID-19.

28 trường hợp này đã được đưa vào khu cách ly tập trung để chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR. Khu vực phát hiện các ca dương tính mới cũng đã bị phong tỏa.

Theo bà Giang Phương Thảo, Chủ tịch phường Thắng Nhất, đây là ổ dịch mới tại Tp Vũng Tàu được phát hiện qua việc lấy mẫu xét nghiệm toàn diện trên địa bàn thành phố. Chùm lây nhiễm trên đường Tiền Cảng chưa phát hiện nguồn lây.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến sáng 31/8, Tp Vũng Tàu ghi nhận hơn 1,000 ca nhiễm.

Tại một diễn biến khác tại Bà Rịa – Vũng Tàu, mới đây, chính quyền tỉnh áp dụng quy định mới về đối tượng, mức hỗ trợ cho người làm việc tự do gặp khó khăn do dịch bệnh.

Theo đó, nhóm người sẽ được nhận hỗ trợ gồm: Người làm việc tự do; bán hàng rong, bán nhỏ lẻ không có điểm cố định; Bán lẻ vé số lưu động; Thu gom rác, thu mua phế liệu; Bốc xếp, vận chuyển hàng hóa; Lái xe ôm, xe xích lô, xe ba gác; Lái xe chở khách, chở hàng thuê; Tự làm, làm việc cho cá nhân, làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, vận tải, thương mại không có hợp đồng làm việc; người làm thuê đánh bắt hải sản gần bờ, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu, thu hoạch hoa màu không có hợp đồng làm việc.

Mức hỗ trợ: 50,000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày làm việc thực tế của người lao động bị mất việc làm, nhưng không quá 3.5 triệu đồng/người. Thời gian thực hiện hỗ trợ đến hết ngày 31/1/2022.

Trường hợp đã được nhận hỗ trợ nhưng mức thấp hơn 3.5 triệu đồng/người mà sau đó lại bị mất việc trở lại thì vẫn được hỗ trợ với tổng số tiền các lần gộp lại không quá 3.5 triệu đồng/người.


  • Mưa lớn lịch sử 20 năm, Bình Phước ngập 2m, người dân lên lầu gọi điện cầu cứu

Sáng 31/8, Thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vẫn đang điều động nhân sự cùng người dân khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại do cơn mưa lớn từ đêm 30/8 đến rạng sáng 31/8.

Trận mưa quá lớn xảy ra trong đêm và kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về suối Đăk Oai nên việc tiêu thoát không kịp. Nước dâng cao tràn vào nhà dân thị trấn. Đặc biệt, khu phố Hòa Đồng có nơi nước ngập sâu 2m, người dân phải leo lên gác cao để gọi điện cầu cứu.

Theo thống kê sơ bộ, nhiều tài sản bị cuốn trôi hoặc hỏng hóc, nhiều diện tích cây trồng của người dân bị ngập trắng. Rất may không gây thiệt hại về người.

Ông Đào Văn Phương, Chủ tịch Thị trấn Đức Phong cho biết, đây là trận mưa lũ lịch sử trong khoảng 20 năm trở lại đây. Có hơn 40 gia đình bị ảnh hưởng nặng nề do ngập lụt.


Nội dung sáng 31/8:

  • Tổng số mắc đã gần 449,500 ca, hơn 6,000 ca bệnh nặng
  • Bộ Y tế cảnh báo: ‘COVID-19 có thể lây sang vật nuôi và vật dụng’
  • Tàu hải quân Ấn Độ chở 300 máy tạo oxy, 100 tấn oxy cập cảng Nhà Rồng
  • Tp HCM dừng cấp giấy nhận diện có mã QR cho ôtô chở hàng
  • Yêu cầu Tp Thủ Đức và các quận/huyện thực hiện ngay xét nghiệm giai đoạn 2
  • Hà Nội lập 5 cơ sở điều trị F0 triệu chứng nhẹ, phong tỏa chung cư, tìm người
  • 2 người ở Lâm Đồng tử vong sau khi chích vaccine của Moderna
  • Tổng số mắc đã gần 449,500 ca, hơn 6,000 ca bệnh nặng

Tính đến sáng 31/8, tổng số mắc tại Việt Nam kể từ đầu mùa dịch đã lên 449,489 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay, số nhiễm là 445,291 ca. Có 226,042 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Tổng số ca tử vong liên quan COVID-19 tại Việt Nam tính đến sáng cùng ngày là 11,064 ca, chiếm tỷ lệ 2.5% so với tổng số mắc. Hiện tổng số bệnh nhân nặng đang được điều trị là 6,449 ca, trong đó, 4,157 ca thở oxy qua mặt nạ, 1,247 ca thở oxy dòng cao HFNC, 105 ca thở máy không xâm lấn, 916 thở máy xâm lấn và ECMO 24 ca.

Hôm qua (30/8), Việt Nam ghi nhận 14,224 ca mắc mới và 315 ca tử vong liên quan đến COVID-19.


  • Bộ Y tế cảnh báo: ‘COVID-19 có thể lây sang vật nuôi và vật dụng’

Hôm 30/8, trong hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, các F0 và người nhà không nên cùng tiếp xúc với vật nuôi, cũng không để vật nuôi tiếp xúc với người và các động vật khác ngoài gia đình, để phòng nguy cơ virus có thể lây sang động vật.

Theo Bộ Y tế, thế giới đã có báo cáo về vật nuôi hoặc động vật nói chung mắc COVID-19. Hầu hết các con vật nhiễm bệnh sau khi ở gần người chủ, người chăm sóc nhiễm COVID-19. Một số con như chó, mèo, chồn hương, linh trưởng, thú trong sở thú v.v. đã được biết đến là từng bị nhiễm COVID-19.


  • Tàu hải quân Ấn Độ chở 300 máy tạo oxy, 100 tấn oxy cập cảng Nhà Rồng

Ngày 30/8, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ mang theo 300 máy tạo oxy và 100 tấn oxy lỏng từ Chính phủ Ấn Độ đã cập cảng Nhà Rồng – Khánh Hội (Tp HCM) để hỗ trợ Việt Nam ứng phó dịch bệnh.

Hôm nay (31/8), tại điểm neo đậu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, tàu INS Airavat của Hải quân Ấn Độ sẽ bàn giao số hàng trên cho Việt Nam.


  • Tp HCM dừng cấp giấy nhận diện có mã QR cho ôtô chở hàng

Tối 30/8, Sở GTVT TP HCM có văn bản về việc dừng cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe chở hàng, công nhân, chuyên gia, để các đơn vị đăng ký tự động qua phần mềm của Tổng cục đường bộ. Thời điểm áp dụng: bắt đầu từ 1/9 tại Tp Thủ Đức và các quận/huyện trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các đơn vị, chủ phuơng tiện vận tải hàng hoá truy cập vào địa chỉ: https://vantai.drvn.gov.vn của Tổng cục đường bộ Việt Nam để đăng ký, sử dụng Giấy nhận diện có mã QR.

Việc đăng ký để nhận Giấy nhận diện này được thực hiện tự động (không cần các Sở chấp thuận như trước).


  • Yêu cầu Tp Thủ Đức và các quận/huyện thực hiện ngay xét nghiệm giai đoạn 2

Cũng trong ngày 30/8, phó giám đốc Sở Y tế Tp HCM Nguyễn Hữu Hưng đã ký văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế các địa phương yêu cầu thực hiện ngay xét nghiệm giai đoạn 2 (từ ngày 27 đến 31/8).

Đối với các quận 5, 6, 11, 12, Bình Tân và Tân Bình, cần gấp rút hoàn thành đánh giá vùng nguy cơ (vùng vàng) trong giai đoạn 1.

Theo kế hoạch trước đó, đến hết ngày 30/8, các vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng trên địa bàn thành phố phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 và thực hiện tiếp đợt 2. Đợt 2 cần hoàn thành trước ngày 6/9 để phân loại lại các vùng nguy cơ. Các vùng đỏ, vùng cam, đến hết ngày 1/9 phải hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 2.

Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 29/8, ông Phạm Đức Hải, phó trưởng Ban chỉ đạo ứng phó dịch bệnh thành phố cho biết, tính đến hết ngày 27/8, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc xét nghiệm đối với vùng cam, vùng đỏ. Tại vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, việc xét nghiệm chưa đạt tiến độ đề ra.


  • Hà Nội lập 5 cơ sở điều trị F0 triệu chứng nhẹ, phong tỏa chung cư, tìm người

Mới đây, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa chấp thuận việc thành lập cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 5 địa điểm gồm:

  1. Cơ sở tại 2 tòa nhà 19 tầng ở Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) quy mô 2,000 giường;
  2. Cơ sở tại 1 tòa 24 tầng thuộc chung cư 4A – Dự án Nam Đại Cồ Việt, Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) quy mô 1,000 giường;
  3. Cơ sở tại 2 tòa 17 tầng, Khu tái định cư, phường Xuân La (quận Tây Hồ) quy mô 1,000 giường;
  4. Cơ sở tại nhà B (9 tầng) và nhà C (15 tầng), Khu tái định cư phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) quy mô 2,000 giường;
  5. Cơ sở tại Khu nhà tái định cư cao tầng C13/DDI, phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) quy mô 1,000 giường.

Liên quan đến 2 ca dương tính mới ghi nhận, ngày 30/8, phường Khương Mai (quận Thanh Xuân) đã phong tỏa chung cư 210B và cửa hàng số 218 đường Lê Trọng Tấn.

Chung cư 210B ở Lê Trọng Tấn có 3 tòa nhà công vụ của Quân chủng PKKQ với 270 phòng, khoảng 600 cư dân. Hiện phường Khương Mai đã xác định được được 18 F1, trong đó tại chung cư 210B có 6 F1, đã xét nghiệm cho khoảng 570 trường hợp liên quan 2 ca F0 trên.

Tối cùng ngày 30/8, quận Hoàng Mai thông báo khẩn yêu cầu người từng đến cửa hàng tự chọn D&H, số 19 phố Trần Nguyên Đán (phường Định Công, quận Hoàng Mai) trong 2 tuần (từ ngày 15/8 đến ngày 29/8) cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn.

Trước đó, tại cửa hàng D&H chi nhánh số 218 Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) đã ghi nhận một số trường hợp dương tính.

Hôm qua (30/8), Hà Nội ghi nhận 103 ca dương tính mới, trong đó có 12 ca cộng đồng. Đến sáng nay 31/8, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 13 ca dương tính, trong đó điểm nóng Thanh Xuân Trung không ghi nhận F0 mới.

Hiện tổng số mắc của Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) đến nay lên 3,207 ca, trong đó có 1,546 ca cộng đồng.


  • 2 người ở Lâm Đồng tử vong sau khi chích vaccine của Moderna

Trong ngày 30/8, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng thông tin về 2 trường hợp tử vong tại huyện Đức Trọng sau 36 giờ chích vaccine COVID-19 của Moderna.

Sau chích, cả 2 trường hợp này đều không có biểu hiện mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, sốc phản vệ… ăn uống, sinh hoạt bình thường, không có biểu hiện phản ứng sau chích ngừa trong 24 giờ giờ đầu.

Tuy nhiên, 2 người này đã tử vong sau 36 giờ chích. Sở y tế tỉnh đã đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong nghi do các bệnh lý nền. Cụ thể:

  • Ca thứ nhất là nam (78 tuổi), có tiền sử ung thư phổi, suy tim độ 3, bệnh tim thiếu máu cục bộ, suy kiệt. Đã chích Moderna liều thứ 1 vào ngày 6/8 và liều 2 vào ngày 28/8. Ngày 30/8, ông này tử vong tại tại bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng.
  • Ca thứ 2 là nữ (73 tuổi), có tiền sử tăng huyết áp giai đoạn 3, đái tháo đường type II. Đã chích Moderna liều thứ 1 vào ngày 6/8 và liều 2 vào ngày 28/8. Đến 5 giờ ngày 30/8, bà này tử vong tại nhà.

Dương Minh tổng hợp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?