Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có đáp ứng được kỳ vọng “kết nối” khu vực miền Tây?

 2022.01.27


Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận  có đáp ứng được kỳ vọng “kết nối” khu vực miền Tây?Nhà thầu đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bị đòi nợ vào ngày 19/1
 Facebook

Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa chính thức thông xe vào ngày 25/1/2022, sau hơn một thập kỷ thi công. Nhiều tài xế đã trải nghiệm chạy xe trên tuyến đường này nói với Đài Á châu Tự do rằng con đường này không được như kỳ vọng, cũng như chưa tương xứng với vai trò to lớn của nó là kết nối giao thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM.

Giảm tải cho Quốc lộ 1A

Từ trước ngày thông xe, đã có rất nhiều ý kiến đa chiều trên mạng xã hội bàn luận về dự án đường cao tốc được cho là trọng điểm ở phía Nam này.

Về mặt được, ít nhiều tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã san sẻ bớt gánh nặng cho Quốc lộ 1A hướng về miền Tây, đặc biệt là vào dịp lễ lớn, người dân có nhu cầu về quê, như Tết Nguyên đán sắp tới.

Anh Nguyễn Phú Thiệu, tài xế chở hàng, cho rằng lên cao tốc giúp vận chuyển hàng hoá nhanh hơn, đỡ tốn công, tốn của hơn cho tài xế và doanh nghiệp:

“Bây giờ nếu đi đường khác thì làm sao nhanh bằng cao tốc được. Cao tốc đi lợi thế là nhanh hơn, rút ngắn được thời gian, tiết kiệm được xăng dầu, tiền nong.

Ở quốc lộ thì thứ nhất là kẹt xe, thứ hai là đèn xanh đèn đỏ, thứ ba là ví dụ như hư xe gì thì nó sẽ kẹt ngay.”

Ông T, hiện là chủ một hợp tác xã vận tải ở khu vực miền Tây, cũng đồng tình về chuyện con đường này giải quyết được vấn đề giảm tải cho Quốc lộ 1A, vốn đã quá tải nhiều năm và đang xuống cấp:

“Theo tôi thì tài xế nếu thấy con đường nào vắng thì đi thôi chứ không phân biệt đó là đường nào đâu. Có tín hiệu tích cực là Quốc lộ 1A khu vực miền Tây, từ khúc Trung Lương về cầu Mỹ Thuận trước giờ chỉ có một con đường thôi nên mấy dịp lễ này lưu lượng giao thông sẽ nhiều hơn, tạo ra kẹt xe.

Bây giờ có thêm một con đường cao tốc cho mình lựa chọn nữa nhưng mà mang tiếng là cao tốc thôi chứ mình nghĩ không phải là cao tốc.

Đường cao tốc mà với tốc độ 80km/giờ vậy không phải là đường cao tốc rồi. Nó còn thua vận tốc đường Quốc lộ nữa, sao gọi là đường cao tốc được!”

Lo ngại thiếu an toàn

Bên cạnh đó, còn có nhiều quan điểm thể hiện mối lo ngại thiếu an toàn của tuyến đường cao tốc này. Mặt đường hẹp, chỉ có hai làn xe mỗi chiều, không có làn dừng đỗ xe khẩn cấp và đặc biệt là có điểm đang chờ lún, gây ra rủi ro lớn và không đảm bảo an toàn cho người tham gia lưu thông.

Anh Kiệt, là tài xế liên tỉnh khu vực TPHCM và miền Tây, rất háo hức trước thông tin con đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chính thức cho xe chạy, nên đã đi thử vào sáng hôm 23/1.

Anh Kiệt dùng từ “bỡ ngỡ” để diễn tả tâm trạng của mình trong lần đầu lái xe trên con đường này. Bởi, mang danh nghĩa là đường cao tốc mà lại giới hạn tốc độ từ 60-80km/giờ là quá thấp, thêm nữa là quy mô con đường này cũng không đáp ứng kỳ vọng của anh Kiệt:

“Tôi cũng háo hức chờ để được đi thử coi cảm nhận của mình nó như thế nào, thì thật sự khi tôi bước lên rồi thì hoàn toàn bị bỡ ngỡ.

Nói chung thì do đường mới thông cho nên mình chạy cũng ok. Nhưng mà thực sự mình đi lên thì hơi bỡ ngỡ một chút bởi vì nó chỉ có hai làn thôi. Mặt đường của nó bị hẹp.

Thay vì mình có một làn đường dừng khẩn cấp để ví dụ như xảy ra va chạm giao thông làm kẹt hai làn, thì cũng phải còn còn một làn kia cho người ta đi, hoặc là ít nhất thì cũng còn được một làn để cho xe cứu thương, chứ còn như bây giờ nói xui rủi lỡ va chạm một cái thì cái đường nó ùn tắt luôn, ùn tắc nguyên một tuyến đường luôn.”

Anh Nguyễn Phú Thiệu cho rằng chuyện giới hạn tốc độ là hợp lý. Tuy nhiên, việc không có làn đường khẩn cấp là vô cùng nguy hiểm:

“Về vận tốc thì nói chung đi thấp thì an toàn hơn cho mình thôi chứ có gì đâu. Nhưng mà cái quan trọng là không có làn đường khẩn cấp rt là nguy hiểm.

Ví dụ như xe gặp sự cố thì nó phải tạt vào dừng đỗ lại, hoặc là dù không ai cho phép nhưng ví dụ như buồn ngủ quá, tài xế không thể lái xe an toàn được thì bắt buộc phải dừng để ngủ, nếu đi thì sẽ gây tai nạn!

Ông Hồ Minh Hoàng, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Trung Lương - Mỹ Thuận, là chủ thầu dự án này cảnh báo có điểm rủi ro khi đưa vào vận hành phải công bố để người dân cả nước được biết, rằng nền đường của dự án này đang chờ lún trong lúc chờ đưa vào khai thác.

Trả lời mạng báo Tuổi Trẻ, đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông lý giải nguyên do không có làn dừng khẩn cấp là vì trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khó khăn, nếu xây thêm các làn đường khẩn cấp thì sẽ liên tục đội vốn.

Trong thời gian tới, ở giai đoạn sau là đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh, làn dừng xe khẩn cấp toàn tuyến sẽ được xây dựng.

Hơn 10 năm vẫn chưa hoàn chỉnh

Ngày 22/1, UBND tỉnh Tiền Giang thông báo đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ thông xe đến ngày 10/2/2022, sau đó tạm ngưng, mà không nói rõ lý do cũng như đến bao giờ cho xe lưu thông lại.

Anh Kiệt cho biết trên đường cao tốc còn chưa lắp đặt xong các biển báo hiệu, khiến người lái xe lúng túng, không biết đường thoát khỏi cao tốc, dẫn đến việc chạy huốt qua tỉnh khác:

“Hiện tại chưa thu phí. Do là người ta cho mình đi từ đây cho đến Tết thôi. Qua Tết là người ta lại tiếp tục dừng.

Nghe nói là trong năm 2022 này là cho lưu thông, nhưng mà chắc là do đường xá của nó chưa hoàn chỉnh. Tôi thấy nó hoàn toàn chưa có biển hiệu gì hết!”

Ông T, cho rằng hiện giờ dự án này vẫn chưa hoàn thành. Việc cho thông xe nhằm giải quyết vấn đề tình thế là làm giảm tình trạng ách tắc giao thông nặng nề ở tuyến đường TPHCM về miền Tây:

“Bây giờ chỉ là giai đoạn đầu thôi, chắc là nó chưa hoàn chỉnh. Sau này người ta sẽ mở rộng hơn.

Bây giờ Quốc lộ 1A về miền Tây bị kẹt quá nên cứ mở cho anh em tài xế có thêm sự lựa chọn, cho đỡ kẹt xe hơn, chứ tôi nghĩ cái đường cao tốc này nó chưa hoàn chỉnh.”

Ông này nói thêm rằng mùa Tết năm ngoái, Chính quyền địa phương cũng buộc phải mở đường cao tốc này trong vài ngày cho xe qua. Khi đó, con đường này chỉ mới lót đá xanh chứ chưa kịp trải nhựa, phân làn gì cả.

Ưu tiên cho các dự án phía Bắc

Cũng theo người đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, chủ trương của Chính phủ là phải ưu tiên đầu tư chiều dài đường cao tốc để sớm kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Ông T, với kinh nghiệm hơn chục năm lái xe và làm việc trong ngành vận tải, bức xúc nói cao tốc ở ngoài Bắc vừa nhiều, vừa rộng rãi, hoành tráng chứ không như trong miền Nam. Bao năm trời chịu cảnh kẹt xe trên Quốc lộ 1A, chờ hơn chục năm mới vận hành tuyến cao tốc này, nhưng nó lại không được như lời quảng bá của Chính phủ:

“Dựa trên nhiều ý kiến tài xế, tôi thấy các con đường cao tốc ngoài Bắc, mình không muốn phân biệt vùng miền gì, nhưng mà cao tốc ngoài Bắc nhìn nó hoành tráng lắm.

Mà làm cái cao tốc này 10 năm rồi, kỳ vọng biết bao nhiêu mà mình thấy quy mô nó không được như mong muốn.

Có nhiều anh nói rằng có bao nhiêu tiền thì đổ ra ngoài Bắc hết, còn miền Nam còng lưng đóng thuế mà lại xây đường cao tốc như vậy làm cho mấy anh em tài xế thất vọng quá!”

Theo báo Kinh tế Đô thị, đến tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông của Hà Nội, bao gồm 11 tuyến đường cao tốc nối Hà Nội với hơn 10 tỉnh thành phía Bắc. Hiện đã có 8/11 tuyến đường cơ bản hình thành.

Ở khu vực TPHCM hướng về miền Tây Nam Bộ, theo báo Zing, đến nay khu vực này chỉ có đường cao tốc đã cho xe lưu thông, gồm cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, và bây giờ là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Tiến độ ì ạch, nhiều bê bối

Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có tổng chiều dài hơn 51 km, được giới thiệu là sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối TP.HCM và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, rút ngắn thời gian di chuyển đến TPHCM, giảm công sức, tiền của cho người dân miền Tây.

Được khởi công từ năm 2009, với tổng mức đầu tư là hơn 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Trong suốt gần 10 năm sau đó, dự án này liên tục chậm tiến độ, đội vốn và đã hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi tổng mức đầu tư, bốn lần xin lùi thời hạn hoàn thành nhưng cũng chỉ thi công được 10%.

Tháng 1/2019, dự án này chuyển giao lại cho Tập đoàn Đèo Cả với mục đích đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm để đưa vào vận hành..

Đến 19/1, ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nhà đầu tư, nhà thầu, chính quyền, nhân dân tỉnh Tiền Giang và công nhân thi công, đồng thời yêu cầu xem xét khen thưởng trong thời gian sớm nhất.

Cùng ngày hôm đó, một đơn vị cung cấp vật tư xây dựng cho công trình này đã giăng biểu ngữ yêu cầu nhà thầu thanh toán hết số tiền vật tư còn thiếu trị giá hơn 13 tỷ đồng. Sau đó, một nhà thầu phụ của dự án này lên tiếng nhận trách nhiệm và hứa chi trả số tiền còn thiếu.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?