Vụ án Cục Lãnh sự: Bộ Ngoại giao VN ‘cần cải cách gấp’

  • Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp
  • Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute, Singapore)
Việt Nam đã xây dựng và quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam đã xây dựng và quyết liệt thực hiện chiến lược vaccine

Trong tuần qua, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba cán bộ tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước, theo Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam nói với báo giới.

Là người từng làm trong Bộ Ngoại giao VN một thời gian trước khi ra nước ngoài làm nghiên cứu và hiện giảng dạy tại Singapore, TS Lê Hồng Hiệp nêu các ý kiến nhằm đề xuất cải cách cơ chế hoạt động của các cơ quan lãnh sự trước những vụ việc tiêu cực lưu cữu qua nhiều đời bộ trưởng.

BBC News Tiếng Việt xin giới thiệu ý kiến cá nhân của TS Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore:

Những ngày qua, cộng đồng mạng tiếng Việt bùng nổ tin và bình luận về vụ bốn cán bộ của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị khởi tố.

Từng làm trong Bộ Ngoại giao VN, mình cũng thấy có chút liên quan, xin được chia sẻ một vài quan sát bên lề thế này:

Bộ phận đầy quyền lực nhưng bị tiếng xấu

Cán bộ ngoại giao Việt Nam đa phần có trình độ, học thức, biết đối nhân xử thế, nhưng môi trường công tác đôi khi làm họ bị ảnh hưởng. Trong Bộ Ngoại giao, nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là Cục Lãnh sự và các bộ phận lãnh sự ở các đại sứ quán ở nước ngoài.

Đây là bộ phận có "quyền lực" khi là nơi tiếp xúc trực tiếp nhiều với người dân, đồng thời tạo ra nhiều thu nhập nhất cho Bộ. Trước đây - giờ nghe bảo không còn (?) - ngoài lương chính thức thì cán bộ, nhân viên trong nước của Bộ mỗi tháng được hưởng một khoản thu nhập từ quỹ phúc lợi mà theo mình hiểu là được trích từ các khoản thu lãnh sự (như phí visa ở các đại sứ quán) mà Bộ được giữ lại một phần.

Cũng chính vì thế, ở trong Bộ, Cục Lãnh sự là bộ phận "hot", không dễ để xin vào.

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.
Chụp lại hình ảnh,

Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.

Vì liên quan nhiều lợi ích nên bộ phận lãnh sự trong nước cũng như ở các đại sứ quán thường là nơi mang lại nhiều tiếng xấu nhất cho Bộ Ngoại giao. Lên mạng chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy bao nhiêu phàn nàn, lên án, tố cáo… của cư dân mạng, nhất là người Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, nói về việc họ bị gây khó dễ, ăn chặn, lạm thu… bởi cán bộ lãnh sự ở các đại sứ quán của Việt Nam như thế nào.

Đôi câu chuyện từ lâu

Ngay từ cách đây gần 20 năm, khi mình mới chân ướt chân ráo vào Bộ, mình đã đọc được trên mạng các tố cáo như vậy. Đây cũng là một phần lý do mình cảm thấy thất vọng và quyết định rời Bộ. Điều đáng nói là tình trạng này phổ biến đến nỗi có hẳn những diễn đàn để thu thập thông tin, lên án các hành vi sai trái của cán bộ lãnh sự, như phong trào "Tôi và sứ quán" (https://www.toivasuquan.org/), vốn tồn tại từ hồi đó đến tận bây giờ.

Điều mình ngạc nhiên là sau gần mấy chục năm, mọi thứ vẫn như vậy, và không thấy có những nỗ lực đáng kể nào từ Bộ Ngoại giao trong việc khắc phục tình trạng này để giữ uy tín, hình ảnh cho Bộ.

Ngoài tình trạng nhũng nhiễu, lạm thu tiếp tục kéo dài, thì mình quan sát thấy dù bộ phận lãnh sự là nơi tiếp xúc nhiều với dân, cả người Việt Nam lẫn nước ngoài, là "bộ mặt quốc gia", nhưng nhiều nơi cơ sở vật chất rất xập xệ, tồi tàn, quy trình làm việc thì thiếu minh bạch, rối rắm, thủ công…, khiến người đến làm thủ tục lãnh sự không thể không thấy bức xúc, thất vọng.

Nói đi cũng phải nói lại, cán bộ lãnh sự cũng chịu áp lực vì là những người lo thu nhập cho cả sứ quán lẫn những đồng nghiệp trong nước. Các khoản thu sai, nếu có, cũng có thể bị tư túi một phần, nhưng theo mình hiểu phần lớn là đưa vào quỹ chung để trang trải thu nhập cho những người khác nữa.

Một du khách Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc vào ngày 20 tháng 11 năm 2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Một du khách Hàn Quốc làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Phú Quốc vào ngày 20 tháng 11 năm 2021

Mình cũng ngạc nhiên là sau mấy chục năm, thu nhập chính thức của cán bộ ngoại giao (và có lẽ là của công chức Việt Nam nói chung), hầu như không tăng lên là bao.

Giờ cán bộ mới vào ngành lương cứng cũng chỉ tầm ba triệu VND. Như mình, nếu ở lại Bộ, sau gần 20 năm, thì bây giờ lương chắc cũng chỉ tầm 6-7 triệu VND/tháng.

Thu nhập như vậy trong thời buổi bây giờ thì chắc hẳn không đủ sống, càng khiến họ sa vào cám dỗ.

Tất nhiên, thu nhập cao cũng không đảm bảo người ta không tham nhũng (các vụ đại án vừa qua đều liên quan những quan chức, tướng lĩnh đã có những khối tài sản khổng lồ), nhưng chắc hẳn nếu thu nhập tăng lên đủ sống, cộng với các biện pháp chế tài khác, thì tình trạng tham nhũng này sẽ được kiềm chế phần nào.

Nhân cú sốc để cải cách

Theo ý kiến riêng, Bộ Ngoại giao nên nhân cú sốc này để thúc đẩy cải cách và lấy lại hình ảnh cho Bộ.

Cải cách đặc biệt nên tập trung vào việc cải thiện sự minh bạch, hiệu quả làm việc và hình ảnh của bộ phận lãnh sự ở trong nước cũng như ở các đại sứ quán ở nước ngoài.

Biện pháp quan trọng là cần số hóa các quy trình làm việc để giảm tiếp xúc giữa cán bộ lãnh sự với người dân, việc thu phí phải tiến hành qua các kênh trực tuyến, không thu tiền mặt.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp người đồng cấp Australia Marise Payne tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội ngày 9/11/2021

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp người đồng cấp Australia Marise Payne tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội ngày 9/11/2021

Mọi thông tin, quy trình làm việc cần được minh bạch hóa, có cơ chế để người dân có thể phản ánh các sai phạm trực tiếp lên các cơ quan giám sát.

Cơ sở vật chất cho các bộ phận lãnh sự nói riêng và các đại sứ quán nói chung cũng cần được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch vụ cần được cải thiện hơn nữa.

Về lâu dài, các cải cách nhằm tinh giảm biên chế, nâng cao thu nhập cho cán bộ, cộng với các chính sách luân chuyển minh bạch, công bằng cũng cần được thực hiện nhằm hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Đã từng làm trong Bộ và giờ vẫn giữ quan hệ với nhiều đồng nghiệp cũ, mình cũng có chút e ngại khi chia sẻ những nhận xét này, vì có thể làm một số bạn bè, đồng nghiệp cũ không hài lòng.

Tuy nhiên, mình tin là nếu có những thảo luận công khai để thúc đẩy cải cách, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn, dần dần mọi người có thể sống một cách thoải mái hơn với nghề của mình mà không phải đối diện những cám dỗ, sai trái.

Đó sẽ là một điều tốt, cho họ cũng như những cán bộ ngoại giao tương lai, bởi chắc chắn không ai muốn phải đối diện với lựa chọn hoặc bỏ nghề, hoặc phải "bán linh hồn cho quỷ" chỉ để tiếp tục công việc của mình.

Bài đã đăng trên Facebook cá nhân của TS Lê Hồng Hiệp và thể hiện quan điểm riêng của ông, BBC đặt các tựa trong bài. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?