Tin Tổng Hợp – 28/1/22

Tin Tổng Hợp – 28/1/22

Liên Âu kiện Trung Quốc trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới trên vấn đề Litva

Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua 27/01/2022 đã nộp đơn lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) để kiện Trung Quốc về những hành vi trừng phạt kinh tế và thương mại nhắm vào Litva, thành viên của Liên Âu. Bắc Kinh đã lập tức phản đối, cho rằng châu Âu đã có những cáo buộc “vô căn cứ”

Trong một thông cáo báo chí, Ủy Ban Châu Âu cho
biết đã khởi động vụ kiện sau khi thu thập được đầy đủ bằng chứng về
những hành động của Trung Quốc đối với Litva bị cho là “phân biệt đối xử và trái với quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới”, tác hại đến giới xuất khẩu của cả Litva lẫn các thành viên Liên Âu khác. 

Ủy
Ban đã liệt kê một số hành vi của Trung Quốc như từ chối thông quan cho
hàng hóa Litva, bác bỏ đơn xin nhập khẩu hàng hóa từ Litva và gây áp
lực buộc các công ty châu Âu loại Litva ra khỏi chuỗi cung ứng khi xuất
khẩu sang Trung Quốc. 

Theo ông Valdis Dombrovskis, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kiêm Ủy Viên đặc trách Thương Mại thì việc kiện Trung Quốc “không phải là một quyết định vội vã”, nhưng sau nhiều nỗ lực giải quyết song phương thất bại, Liên Hiệp Châu Âu “không còn cách nào khác là nhờ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới can thiệp”.
Đối với ông Dombrovskis, Liên Hiệp Châu Âu “luôn luôn hành động thống
nhất và nhanh chóng chống các hành vi vi phạm quy định của WTO, đe dọa
sự toàn vẹn của thị trường chung (của Liên Âu)”. 

Căng thẳng giữa
Bắc Kinh và Vilnius bùng lên vào tháng 11/2021 sau khi Đài Loan được
phép mở một văn phòng đại diện Litva dưới tên gọi “Đài Loan” thay vì Đài
Bắc như áp đặt của Trung Quốc. 

Bắc Kinh đã trục xuất đại sứ Litva và triệu hồi Trung Quốc về nước, trong lúc Vilnius cũng đóng cửa đại sứ quán Litva tại Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bị tố cáo là đã cho chặn hàng hóa nhập khẩu từ Litva tại biên giới, và nghiêm trọng hơn nữa là đã gây sức ép trên các tập đoàn đa quốc gia để buộc họ tẩy chay Litva.

Trung Quốc: Tranh chấp với Litva không liên quan gì đến EU 

Bắc Kinh luôn phủ nhận hành động cấm vận Litva. Phản ứng trước đơn kiện của Liên Hiệp Châu Âu, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày hôm 27/01/2022 tuyên bố: “Việc khẳng định rằng Trung Quốc tiến hành điều gọi là bức ép Litva hoàn toàn vô căn cứ”. Đối với phát ngôn viên Trung Quốc, tranh chấp với Litva “liên quan đến chính trị chứ không phải kinh tế”. 

Hơn nữa, theo ông Triệu Lập Kiên, đó là một vấn đề “song phương” giữa Litva và Trung Quốc, chứ “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu”. 

Trọng Nghĩa

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220128-li%C3%AAn-%C3%A2u-ki%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-tr%C3%AAn-v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-litva

Hoa Kỳ công bố cấp thêm 20.000 thị thực H-2B

Reuters – Chính phủ Hoa Kỳ hôm 27/1 cho biết sẽ cấp thêm 20.000 thị thực H-2B
cho nửa đầu năm tài chính trong một nỗ lực nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng
lao động ở Hoa Kỳ.

Lao động từ Mexico đến Mỹ làm việc theo dạng thị thực H-2B.
Lao động từ Mexico đến Mỹ làm việc theo dạng thị thực H-2B.

Các thị thực nhằm mục đích giúp cho các nhà tuyển dụng Hoa Kỳ hiện
đang phải đối mặt với thiệt hại không thể khắc phục nếu như họ không thể
có thêm lao động tính đến ngày 31/3/2022, Bộ Nội An và Bộ Lao động cho
biết trong một tuyên bố.

Bộ trưởng Bộ Nội An Alejandro Mayorkas nói: “Chúng tôi đang cung cấp
cho chủ lao động các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để duy trì hoạt
động kinh doanh của họ trong khi mở rộng những con đường hợp pháp đến
Hoa Kỳ”.

Bộ Nội An cho biết các thị thực bổ sung sẽ sẵn sàng cho các nhà tuyển
dụng vào ngày 28/1, đồng thời cho biết thêm rằng số lượng thị thực bổ
sung được đưa ra vào thời điểm tăng trưởng việc làm lên mức kỷ lục nhưng
lực lượng tham gia lao động tham lại giảm.

Bộ này nói 13.500 thị thực được dành cho những người lao động đã nhận
được thị thực H-2B và quay trở lại làm việc, nghĩa là người đã có thị
thực H-2B trong thời gian ba năm tài chính vừa qua.

6.500 thị thực còn lại dành cho những người đến từ Haiti, El Salvador, Guatemala và Honduras.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-k%E1%BB%B3-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-c%E1%BA%A5p-th%C3%AAm-20-000-th%E1%BB%8B-th%E1%BB%B1c-h-2b/6415261.html

Việt Nam: Khởi tố Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao

Ảnh minhh họa một chuyến bay thương mại "trọn gói" từ Anh về Việt Nam.
Chụp lại hình ảnh, Ảnh minh họa một chuyến bay thương mại “trọn gói” từ Anh về Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, vừa cho báo chí biết bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự của Bộ Ngoại giao cùng ba người tại Bộ Ngoại giao bị bắt giữ.

Thông tin ban đầu ngày 28/1 nói đây là vụ án liên quan tố cáo nhận hối lộ khi cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước.

Trung tướng Tô Ân Xô được trang VnExpress dẫn lời bà Lan bị Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, tạm giam trong vụ án Nhận hối lộ.

Cùng tội danh, xảy ra việc khởi tố, tạm giam ba ông, Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Trang VnExpress tường thuật: “Theo ông Xô, các bị can này bị cáo buộc có hành vi “trục lợi cá nhân” khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Hiện, sai phạm cụ thể chưa được Bộ Công an công bố.”

Báo Công an Nhân dân nói: “Các đối tượng nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa Công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.”

Còn báo Tuổi Trẻ ngày 28/1 đưa tin: “Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra đã tống đạt các quyết định và lệnh nêu trên đồng thời thực hiện khám xét nơi làm việc của các bị can.”

Mới hôm 19/1, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan còn có buổi gặp để trao Giấy Chấp nhận lãnh sự cho bà Ariadne Feo Labrada, Tổng Lãnh sự mới của Cộng hòa Cuba tại TP. Hồ Chí Minh.

Hình minh họa

‘Trục lợi chuyến bay giải cứu sẽ bị trừng trị’

Gần đây, chính phủ Việt Nam nói về hành vi trục lợi thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu.

Thông điệp được người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đưa ra vào ngày 20/1 trong cuộc họp báo đầu năm 2022.


Lê Thị Thu Hằng phản hồi lại câu hỏi của phóng viên báo Dân Việt về
thực trạng người Việt về nước theo các “chuyến bay giải cứu” phải trả số
tiền lớn, thủ tục khó khăn được truyền thông đưa tin và những đề xuất
thanh tra điều tra có hay không sự trục lợi từ các chuyến bay giải cứu.

“Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

“Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

“Trong quá trình triển khai đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nhu cầu về nước, đăng tải công khai minh bạch thông tin về các điều kiện hồ sơ, thủ tục đăng ký trên website chính thức và mạng xã hội.

“Để
tránh công dân bị lừa đảo, bị lợi dụng chiếm đoạt tài sản, Bộ Ngoại
giao đã khuyến cáo công dân không liên hệ với những cá nhân, tổ chức,
các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống, không làm
việc qua bất cứ hình thức môi giới trung gian nào.

“Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Những hành vi trục lợi tiêu cực, thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay giải cứu cần bị lên án trừng trị nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60172142

Đảo ngược quyết định, giải Úc mơ rộng cho mặc áo ‘Bành soái ở đâu?’

Bành Soái (ảnh: Từ video của TODAY)

Các nhà tổ chức giải Úc mở rộng cuối cùng đã đồng ý cho phép người hâm mộ Tennis mặc áo phông với dòng chữ “Peng Shuai [Bành Soái] ở đâu?” sau áp lực từ phương tiện truyền thông quốc tế.

Vào thứ bảy (29 tháng 1), 1.000 áo thun sẽ được phân phối miễn phí bên ngoài trận chung kết giải nữ mở rộng của Úc để ủng hộ Peng.

Peng, nữ ngôi sao tennis của Trung Quốc, vào tháng 11/2021 đã cáo buộc rằng cô bị cựu Phó Thủ tướng Zhang Gaoli (Trương Cao Lệ) tấn công tình dục. Sau đó, Peng mất liên lạc với thế giới bên ngoài, và chính quyền Trung Quốc đã chặn các bài đăng về Peng. Sự cố của Peng đã khiến công chúng trên thế giới tức giận, đặc biệt là những nhà hoạt động dân chủ và vận động viên thể thao.

Vào ngày 26 tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), Thomas Bach, cho biết thông qua người phát ngôn rằng ông đang mong đợi được gặp Peng trong Thế vận hội mùa đông, và cô ấy đã liên lạc với ông vào tuần trước.

Bach vừa gặp nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Peng từng xuất hiện nhiều lần để thể hiện rằng cô vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ rằng việc Peng xuất hiện được sắp xếp bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, vì cô luôn xuất hiện cùng với các quan chức của tổ chức này.

Vào ngày 24 tháng 1, Ban tổ chức giải Úc mơ rộng đã nhắc lại rằng “quần áo [quảng cáo cho] thương mại hoặc chính trị” không được phép mặc trong giải Úc mở rộng.

Quyết định này gây ra sự phẫn nộ trong giới thể thao quốc tế. Ngôi sao tennis Mỹ Martina Navratilova đã gọi quyết định này của Ban tổ chức giải Úc mở rộng là “thảm hại và hèn nhát”.

Ngôi sao tennis Pháp Nicolas Mahut đặt câu hỏi trên Twitter, “Chuyện gì đang xảy ra ở đây? Thật là thiếu lòng can đảm! Hay sợ vì không có nhà tài trợ Trung Quốc?”.

Các chính trị gia Úc cũng đã yêu cầu một lời giải thích từ Ban tổ chức giải Úc mở rộng. James Paterson, chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Nghị viện Úc, đặt câu hỏi rằng tại sao “chính trị” lại liên quan đến một vận động viên tiết lộ rằng cô ấy đã bị tấn công tình dục và bị giám sát?

Paterson nói rằng, mọi người không nên chấp nhận chiến dịch bôi nhọ của Đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề này, cũng không nên giúp họ ngăn chặn những người muốn quan tâm tới Peng.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc John Dutton nói với Sky News vào ngày 25 tháng 1 rằng, “Chúng tôi không muốn kéo các môn thể thao vào chính trị, nhưng đó không phải là một vấn đề chính trị. Đó là một vấn đề nhân quyền”.

Trước phản ứng mạnh mẽ của truyền thông quốc tế, Chủ tịch giải Úc mở rộng Craig Tiley cho biết vào ngày 25/1 rằng, người hâm mộ có thể mặc áo phông ủng hộ Peng miễn là họ không gây ra bất kỳ sự cố an ninh nào.

Đặng Trần

https://www.dkn.tv/the-gioi/dao-nguoc-quyet-dinh-giai-uc-mo-rong-cho-mac-ao-banh-soai-o-dau.html

(Reuters) – Trung Quốc đồng ý cho Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đến Tân Cương. Theo báo South China Morning Post ngày 27/01/2022, lãnh đạo cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc có thể đến thăm Tân Cương sau khi Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh kết thúc vào ngày 20 tháng 02. Chuyến đi Tân Cương của bà Michelle Bachelet được chấp thuận với điều kiện là phải mang tính chất «thân thiện», chứ không bị đóng khung như một cuộc điều tra. Bắc Kinh đã yêu cầu văn phòng của bà Bachelet không công bố báo cáo về tình hình ở Tân Cương.

(AFP) – China Unicom phản đối lệnh cấm hoạt động tại Hoa Kỳ.Ngày 27/01/2021, Ủy Ban Truyền Thông Liên Bang Mỹ (FCC) đã rút giấy phép khai thác tại Mỹ đối với chi nhánh của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại China Unicom do lo ngại «những rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia». China Unicom, bị Mỹ cáo buộc chịu ảnh hưởng và kiểm soát của Nhà nước trung Quốc», có 60 ngày để ngừng mọi dịch vụ. Trong thông cáo gửi AFP ngày 28/01, China Unicom cho rằng Mỹ đã không có «lý do hợp lệ và không tuân thủ tiến trình thông thường», đồng thời «sẽ hành động mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và của khách hàng».

(Phnom Penh Post) – Công ty Hàn Quốc đầu tư vào dự án điện mặt trời ở Việt Nam. Dự án liên doanh trị giá 200 triệu đô la do Công ty Nami solar (thành viên của tập đoàn Nami Energy) kết hợp với công ty SK Ecoplant (thuộc tập đoàn SK Hàn Quốc). Theo thông báo ngày 24/01/2021 của Nami Energy, mục tiêu của dự án là phát triển 250 MWp điện mặt trời áp mái nhằm giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam, kể cả các nhà đầu tư Hàn Quốc, đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh và tiết kiệm chi phí năng lượng.

(AFP) – Ý vẫn chưa có tổng thống mới. Cuộc bầu cử tổng thống tại Ý vẫn «giậm chân tại chỗ». Trên nguyên tắc sẽ có hai vòng bỏ phiếu (5 và 6), thay vì một như dự kiến ban đầu, diễn ra ngày 28/01/2022 với hy vọng bầu ra được tổng thống mới theo đồng thuận. Cho đến nay, đa số các đại cử tri vẫn bỏ «phiếu trắng» hoặc vắng mặt.

(AFP) – Tư pháp Đức chuẩn bị xét xử một nhà khoa học Nga bị cáo buộc làm gián điệp. Theo thông cáo ngày 27/01/2022 của văn phòng công tố liên bang ở Karlsruhe (tây nam Đức), nghi can là Ilnur N., làm việc ở đại học Augsburg, bang Bayern, được tình báo Nga tuyển dụng «ít nhất là vào mùa thu 2019». Nhà khoa học này nhiều lần gặp một lãnh đạo cấp cao ngành tình báo nước ngoài của Nga trong các cuộc họp để thông tin về các dự án nghiên cứu công nghệ không gian và các giai đoạn phát triển khác khau của tên lửa Ariane. Ilnur N. bị bắt vào tháng 06/2021 và bị cáo buộc chính thức ngày 09/12.

(HuffPost) – Bỉ đưa nhiều nhân vật truyện tranh vào mẫu hộ chiếu mới. Kể từ ngày 07/02/2022, rất nhiều nhân vật truyện tranh nổi tiếng, như Tintin, Lucky Luke, Schtroump, Boule và Bill, Largo Winch, được in trong hộ chiếu mới của Bỉ. Phát biểu ngày 27/01 trên đài RTBF, ngoại trưởng Bỉ giải thích mẫu hộ chiếu mới «thể hiện cho đất nước của chúng ta, cho nghệ thuật và văn hóa» Bỉ. Hộ chiếu mới có hơn 24 yếu tố an ninh, trong đó nhiều chi tiết được gắn trong những hình ảnh nhân vật truyên tranh, để tránh gian lận.

(AFP) – Một tác phẩm của họa sĩ Botticelli được bán với giá 45 triệu đô la. Tác phẩm Chúa hiện thân là người của đau khổ (The man of sorrows) đã được bán trong vòng 7 phút giữa hai nhà đấu giá qua điện thoại ngày 27/01/2021 ở New York, Mỹ. Năm 2021, một tác phẩm khác của họa sĩ Phục Hưng người Ý, Người đàn ông trẻ cầm huy chương, đã được nhà bán đấu giá Sotheby’s bán với giá kỷ lục 92,2 triệu đô la.

(Reuters) – Phó tổng thống Mỹ gặp đồng nhiệm Đài Loan ở Honduras.  Tại lễ nhậm chức của tân tổng thống Honduras, hôm qua, 27/01/2022, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có cuộc trò chuyện ngắn với đồng nhiệm Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) về mối quan tâm chung của hai bên tại vùng Trung Mỹ. Như hầu hết các quốc gia, Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, mặc dù vẫn ủng hộ về chính trị và bán vũ khí cho hòn đảo. Đây là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

(RFI) – Hoa Kỳ tăng trưởng 5,7% vào năm 2021, cao nhất trong 37 năm.  Mức tăng trưởng kỷ lục 5,7% vào năm 2021 ở Hoa Kỳ chủ yếu được thúc đẩy bởi sức tiêu thụ: chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ, chiếm gần 3/4 nền kinh tế của đất nước, đã bùng nổ gần 8% vào năm ngoái.

(Le Figaro) – Thổ Nhĩ Kỳ đổi tên tiếng Anh để không bị nhầm lẫn với «gà tây». Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã căn nhắc về điều này trong nhiều năm. Cuối cùng vào đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc đổi tên tiếng Anh của mình từ “Turkey” sang “Türkiye”.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220128-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?