Việt Nam: Bộ Công an và Quốc phòng phối hợp điều tra vụ Việt Á

 BBC

Việt Nam, từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022

NGUỒN HÌNH ẢNH,LINH PHAM

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam, từ ngày 29/01/2022 đến hết ngày 28/02/2022, tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022

Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đang phối hợp, trao đổi thông tin với đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cục Kiểm tra hình sự Bộ Quốc phòng để xử lý các vấn đề liên quan vụ Việt Á.

Đây là thông tin do Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an tiết lộ với báo chí, trong một buổi họp báo chính phủ chiều 28/1 ở Hà Nội.

Về kết quả thu hồi tài sản trong vụ Việt Á, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin công an đã thu giữ kê biên phong tỏa, ngăn chặn giao dịch bất động sản và tài khoản giá trị là 1.220 tỷ đồng.

Trong đó có 380 tỷ đồng tiền mặt và giá trị bất động sản vào khoảng 840 tỷ đồng.

Bộ Quốc phòng vào cuộc

Hồi đầu năm 2022, Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Về vụ Việt Á, Ban này kiến nghị mở rộng điều tra, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước (trách nhiệm của cụ thể Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế), Học viện Quân y, Công ty Việt Á, các tổ chức, cá nhân có liên quan, các địa phương có liên quan đến vụ án Công ty Việt Á.

Sự liên quan đề tài khoa học của Học viện Quân y có lẽ là lý do khiến và Cục Kiểm tra hình sự Bộ Quốc phòng đang tham gia điều tra.

Như đã biết, tại thời điểm đầu năm 2020, chưa có sinh phẩm chẩn đoán SARS-CoV-2 nào (kể cả nhập khẩu) được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với các đơn vị triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia.

Trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và Realtime -PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV) do Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, Công ty cổ phần công nghệ Việt Á là đơn vị phối hợp thực hiện.

Đề tài đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu giai đoạn 1 do Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập họp ngày 03/3/2020,.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

NGUỒN HÌNH ẢNH,MIKHAIL SVETLOV/GETTY

Chụp lại hình ảnh,

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn bộ 8/8 chuyên gia là thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng.

Căn cứ kiến nghị của Hội đồng đánh giá, nghiệm thu của Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả kiểm định độc lập của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Hội đồng tư vấn cấp số lưu hành sinh phẩm chẩn đoán in vitro (sử dụng trong phòng xét nghiệm) của Bộ Y tế đã đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời trong thời gian 6 tháng.

Học viện Quân y báo cáo rằng bộ KIT được sản xuất tại cơ sở có hệ thống quản lý được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 13485:2016.

Các tiêu chuẩn của bộ KIT đã được kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế.

Sau khi được cấp phép tạm thời, Công ty Việt Á tiếp tục nộp hồ sơ đề nghị được đăng ký lưu hành chính thức.

Ngày 04/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định cấp số lưu hành đối với sản phẩm "LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT- rPCR" của Công ty Việt Á và sản phẩm "One-Step RT-PCR covid-19 Kit Thai Duong Multiplex-3 target genes Version 1.0" của Công ty Sao Thái Dương.

Số lưu hành của hai công ty này có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.

Theo báo cáo của Học viện Quân y (đơn vị tổ chức chủ trì nhiệm vụ), Học viện tiếp tục có các đánh giá đến tháng 10/2021.

Tính đến ngày 26/01/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine, phân bổ 194,2 triệu liều

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tính đến ngày 26/01/2022, Việt Nam đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine, phân bổ 194,2 triệu liều

Bộ Khoa học và Công nghệ gỡ tin

Vào tháng Tư năm 2020, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin cơ quan chuyên môn về thẩm định sản phẩm y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã gửi thư thông báo việc công nhận kit xét nghiệm "LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR" của Việt Nam, do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất.

Thông tấn xã Việt Nam ngày 26/4/2020 đưa tin: "Với việc được WHO công nhận, bộ xét nghiệm COVID-19 nêu trên của Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế."

Ngày 18/12/2021, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).

Thông tin của Bộ Công an khi đó nói để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phổ trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Ngày 20/12, thông tin "WHO chấp thuận kit test của Công ty Việt Á" trên trang web chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã biến mất.

Trước đó, thông tin này được đăng tải trên website chính thức của Bộ vào ngày 26/4/2020.

Trả lời báo chí, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ nói do có sự sai sót về mặt thông tin nên gỡ bài.

WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng".

Ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á là "Không được chấp nhận".

Các nhóm dân sự tuyên bố về vụ Việt Á

Sáu tổ chức xã hội dân sự, vào ngày 27/1/2022, ra một tuyên bố chung về vụ Việt Á.

Họ nói: "Vụ án Việt Á là tội ác tày trời của các nhóm lợi ích câu kết, hình thành sự lũng đoạn nhà nước rất nghiêm trọng, vẽ nên hình ảnh suy thoái cực độ của thể chế chính trị hiện hữu, phải được coi là một vụ trọng án của trọng án, đặc biệt của đặc biệt."

"Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tự cho mình quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước, phải có báo cáo chuyên đề trước toàn Đảng toàn dân về biến cố mang tính chính trị nghiêm trọng này."

Sáu nhóm ký vào tuyên bố này là:

1. Nhóm Lập Quyền Dân. Đại diện: Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Khắc Mai

2. Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập. Đại diện: Nhà văn Nguyên Ngọc

3. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đại diện: Tiến sĩ Tin học Nguyễn Quang A

4. Câu lạc bộ Di Sản Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo sư Nguyễn Đình Cống

5. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Nhà hoạt động xã hội Lê Thân

6. Diễn đàn Bauxite Việt Nam. Đại diện: GS Phạm Xuân Yêm và GS Nguyễn Huệ Chi

Tuyên bố của họ kêu gọi "truy cứu trách nhiệm và truy tố tội phạm phải được tiến hành một cách thật sự nghiêm minh, không có vùng cấm, không có vùng tránh, không kiêng nể cấp cao nhất hoặc liên quan nước ngoài nếu có."

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?